Nông nghiệp

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cải củ

Ngày đăng: 2016-03-18 05:29:57


Cải củ là loại rau dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch và có thể trồng nhiều vụ trong năm.

 

1. Thời vụ trồng rau cải củ

Có thể trồng được nhiều vụ trong năm: Vụ chính gieo hạt tháng 8 - 9; vụ muộn gieo hạt tháng 10 - 11; vụ xuân hè (trái vụ) gieo hạt tháng 4 - 5, vụ này nhanh cho thu hoạch (khoảng 25 - 35 ngày) nhưng năng suất thấp hơn.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cải củ

 

2. Chuẩn bị đất và gieo hạt rau cải củ

Cải củ trắng phần thu hoạch chính là củ, vì vậy để đạt được năng suất cao cần tạo điều kiện để củ sinh trưởng tốt nhất. Chọn đất thịt nhẹ hoặc cát pha, tơi xốp, nhiều mùn hoặc đất phù sa, thoát nước tốt.

Đất cày và phơi ải ít nhất 1 tuần. Sau đó, làm tơi đất, nhặt sạch cỏ dại. Lên luống: mặt luống rộng 1,2 m; rãnh rộng 30 cm, cao 25 cm.

Gieo hạt: có thể gieo theo luống sau khi đã bón lót hoặc rạch hàng bón lót, vùi phân rồi gieo theo hàng dễ chăm sóc hơn. Gieo hạt xong lấy đất tơi xốp phủ 1 lớp mỏng lên trên, phủ rơm rạ rồi tưới ẩm (đảm bảo độ ẩm đạt 75 - 80%) để hạt nảy mầm tốt.

 

3. Hướng dẫn cách bón phân cho rau cải củ

Lượng phân bón cho 1 ha trồng cải củ trắng như sau: 12 - 15 tấn phân chuồng hoai mục, 300 kg lân, 100 - 110 kg đạm urê, 80 kg kali. Tương đương 500 kg phân chuồng, 10 - 12 kg lân, 3,5 đến 4 kg ure, 3 kg kali cho 1 sào Bắc Bộ.

Không dùng phân chuồng chưa ủ kỹ để bón cho cây cải củ vì phân chưa hoai gây độc cho cây hoặc sức khỏe người sử dụng, củ không được sáng mã.

* Cách bón phân cho rau cải củ:

- Bón lót cho rau cải củ:

Bón lót 100% phân chuồng hoai mục, 100% phân lân, 20% phân đạm và 30% phân kali. Phân lót được trộn đều vào đất trước khi gieo hạt 1 - 2 ngày. Cũng có thể sử dụng phân NPK tổng hợp (loại chứa nhiều lân) để bón lót thay cho phân đơn.

- Bón thúc lần 1: Khi cây có 3 - 4 lá thật, tiến hành tỉa thưa lần thứ nhất rồi bón thúc. Lượng bón: 30% đạm + 30% kali. Cách bón: hòa tan phân với nước rồi tưới đều lên mặt luống.

- Bón thúc lần 2: Sau lần 1 khoảng 7 ngày, tỉa cây để lại khoảng cách cây cách cây 15 - 20 cm, sau đó tiến hành bón phân thúc (30% đạm +30% kali). Rắc đều phân lên mặt luống rồi tưới nước rửa để không cho phân dính vào lá cây.

- Bón thúc lần 3: Khi củ đang sinh trưởng mạnh, sau lần 2 từ 7 - 10 ngày, bón hết lượng phân còn lại. Cách bón như lần 2.

Lưu ý: Ngừng bón phân đạm ít nhất 20 ngày trước khi thu hoạch. Bà con nông dân cũng có thể dùng các loại phân bón vi sinh, phân bón qua lá để bổ sung dinh dưỡng cho cây, tăng năng suất cây trồng.

 

4. Hướng dẫn cách chăm sóc rau cải củ

- Tưới nước:

Cải củ trắng ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ và củ. Sau gieo hạt luôn giữ ẩm để hạt nảy mầm nhanh và đều, sau đó tùy theo độ ẩm đất mà tưới nước cho phù hợp, tưới bằng nước sạch không bị ô nhiễm.

- Vun xới:

Để cây cải củ trắng có củ to, sáng mã cần phủ rơm rạ ngay từ sau khi gieo để giữ ẩm thường xuyên và tiến hành vun luống kết hợp với các lần bón thúc cho cây.

Lần 1: khi cây 3 - 4 lá thật, xới nhẹ, nhặt sạch cỏ, kết hợp tỉa cây.

Lần 2: khi cây bắt đầu phình củ, tỉa định cây kết hợp với vun cao.

Không xới sát gốc cây làm đứt rễ, cây long gốc kém phát triển hoặc bị chết.

 

5. Cách phòng trừ sâu bệnh cho rau cải củ

Cải củ trắng khi mọc mầm thường bị bệnh lở cổ rễ gây hại. Dùng Benlat C 70WP pha nồng độ 0,2 - 0,3% phun vào đất và cây khi thấy xuất hiện bệnh.

Khi cây lớn dễ bị rệp, bọ nhảy, sâu xanh phá hại, cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, nếu mật độ thấp có thể bắt bằng tay. Cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Sử dụng các loại bẫy bả sinh học, thuốc trừ sâu sinh học như BT, Delfin để phòng trừ. Có thể dùng Sherpa 25EC pha 0,2% để phun, đảm bảo cách ly sau khi phun 10 - 15 ngày mới thu hoạch.

 

6. Thu hoạch rau cải củ

Tùy theo giống nhưng thường 45 - 50 ngày sau gieo là có thể thu hoạch, nếu thu hoạch quá muộn củ sẽ bị bấc làm giảm chất lượng. Khi thu hoạch xong rửa sạch, để ráo nước, bó bằng dây mềm hoặc đóng vào bao bì sạch để tiêu thụ.


Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :