Nông nghiệp

Kỹ thuật trồng mướp đắng(cây khổ qua)

Ngày đăng: 2015-04-10 15:31:04


Giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mướp đắng (cây khổ qua). Hướng dẫn cách xác định thời vụ trồng, kỹ thuật làm đất, khoảng cách mật độ của cây. Kỹ thuật chăm sóc, liều lượng phân bón và biện pháp phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản mướp đắng.

 

 Mướp đắng (cây khổ qua) hiện nay được trồng rộng rãi ở khắp các nơi trong vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Do có biên độ sinh thái rộng, nên ở vùng nhiệt đới mướp đắng có thể sinh trưởng quanh năm, rất dễ mẫn cảm với điều kiện úng ngập. Mướp đắng có thể trồng trên nhiều loại đất nhưng sinh trưởng thuận lợi nhất trên đất giầu dinh dưỡng và thoát nước tốt. Chúng tôi xin giới thiệu đến bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng này.

1. Thời vụ

Mướp đắng gieo từ đầu tháng 3 đến tháng 9, thu hoạch từ tháng 5 - 12. Tuy nhiên, nếu gieo càng muộn, năng suất giảm và sâu bệnh hại tăng lên.

2. Làm đất

- Nên chọn loại đất thịt nhẹ, đất cát pha, tơi xốp, mặt ruộng bằng phẳng, dễ tưới và thoát nước, có độ pH từ 5.5 -  6.5. Đất trồng xa khu công nghiệp, nghĩa trang, bệnh viện, nguồn nước thải, cách đường quốc lộ 100m.

- Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ trước khi gieo.

- Lên luống 1,3 - 1,4m, mặt luống rộng 1,0 - 1,1m, cao 30cm.

3. Mật độ, khoảng cách

Khoảng cách: 75 - 80cm x 25 cm/1 cây - mật độ: 5 - 5,7 vạn cây/ha.

75 - 80cm x 45 cm/2 cây - mật độ: 6 - 6,3 vạn cây/ha.

* Chú ý: mướp đắng cần phải làm giàn, tiến hành cắm giàn khi cây cao 25 - 30 cm (cần 1000 - 1100 cây dóc/sào).

4. Phân bón

Tuyệt đối không được dùng phân chuồng tươi, phân bắc tươi và nước phân tươi để bón hoặc tưới.

 4.1. Liều lượng phân chuồng: Bón lót 15 - 20 tấn/ha (550 - 740 kg/sào), cũng có thể dùng phân hữu cơ sinh học hoặc phân rác chế biến thay thế phân chuồng với lượng bằng 1/3 lượng phân chuồn

4.2. Liều lượng và phương pháp bón phân hoá học.

- Bón thúc:

+ Lần 1: cây có 4 -  5 lá thật.

+ Lần 2: bắt đầu nở hoa.

+ Lần 3: thu quả đợt 1.

+ Lần 4: thu quả đợt 3.

- Có thể dùng nitrat amôn, sulfat amôn thay cho urê, cloruakali thay cho kali sunphat hoặc các dạng phân hỗn hợp, phức hợp NPK để bón với liều nguyên chất tương ứng. Ngoài biện pháp bón vào đất, có thể phun qua lá các dung dịch dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng theo hướng dẫn sử dụng của hãng sản xuất.

Sử dụng nước phân ủ hoai mục tưới xen kẽ các đọt bón phân hoá học để duy trì sinh trưởng của cây.

- Làm cỏ, xới, vun kết hợp với 2 lần bón thúc dầu, chủ yếu xới đất và vun cao trước khi cắm giàn.

Chỉ thu hoạch sau khi bón đạm ít nhất 10 ngày.

5. Tưới nước

- Dùng nguồn nước tưới sạch (nước sông, giếng khoan) không dùng nguồn nước thải (bệnh viện, sinh hoạt...) chưa qua xử lý để tưới.

- Cần giữ độ ẩm đất 80-85% vào các đợt hoa cái nở rộ.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại:

- Giòi đục quả (Zeugodacus caudatus): phải chú ý phòng trừ sớm khi ruồi mới đẻ trứng, thường vào giai đoạn quả mới đậu hoặc còn non. Các loại thuốc có thể dùng: Sherpa 20 EC, Sumicidin 10 EC, Cyperan 25 EC. Thời gian cách ly tối thiểu 7 ngày.

- Sâu xanh (Hilecoverpa armigera): Sâu hại hoa và quả ở tất cả các thời kỳ. Có thể phòng trừ bằng các loại thuốc: Cyperan 25 EC, Mimic 20F, Sherpa 20EC. Thời gian cách ly tối thiểu là 7 ngày.

- Giòi đục lá (Liriảomyza sp.) làm trắng lá, ảnh hưởng lớn tới sinh trưởng của cây. Phòng trừ bằng các thuốc: Baythroid 50EC, Confidor 100SL, Ofatox 400 EC.

Bệnh hại:

-  Bệnh phấn trắng : hại chủ yếu trên lá, cần phòng trừ sớm bằng các thuốc: Anvil 5SC, Score 250EC, Bayfidan 25EC. Thời gian cách ly tối thiểu 10 ngày.

Khi sử dụng thuốc đều phải tuân theo hướng dẫn trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.

7. Thu hoạch

- Sau khi gieo 48-50 ngày (giống địa phương) và 45-50 ngày (giống nhập nội) thì bắt đầu được thu quả (sau khi thụ phấn khoảng 7-10 ngày).

- Cần chú ý thu đúng thời kỳ chín thương phẩm để đạt cả năng suất và chất lượng.

- Cần tỉa bỏ quả bị sâu hại và quả nhỏ trong quá trình chăm sóc.

Nếu thực hiện đầy đủ quy trình này, năng suất có thể đạt từ 15,0-21,4 tấn/ha

 






TIN TỨC KHÁC :