Nông nghiệp

Quy trình kỹ thuật trồng cây chè Shan tuyết

Ngày đăng: 2016-04-06 04:08:48


I. Đặc điểm chung của cây chè Shan

Cây chè Shan Là cây thân gỗ to, phân cành khỏe, bản lá to mép lá có răng cưa sâu, mặt lá ghồ ghề, búp chè Shan to và phủ lớp tuyết trắng.

Quy trình kỹ thuật trồng cây chè Shan tuyết
Trang trại sản xuất chè shan tuyết

 

II. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chè Shan

1. Chọn đất trồng cây chè Shan

Tầng đất phải dày trên 60cm, tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm tốt, mực nước ngầm dưới 1m, độ pH từ 4 - 6, thích hợp nhất là đất có độ dốc từ 5 - 100, tối đa không dốc quá 250.

2. Mật độ, khoảng cách của cây chè Shan

- Vùng có độ dốc dưới 100: Mật độ trồng: 18.000 - 20.000 cây/ha. Khoảng cách: Hàng cách hàng 1,3 - 1,5m, cây cách cây 40 - 50cm.

- Vùng có độ dốc từ 10 - 200: Mật độ trồng: 15.000 - 17.000 cây/ha. Hàng cách hàng 1,5 - 1,7m, cây cách cây 40 - 50cm.

- Vùng có độ dốc trên 200, địa hình phức tạp, khí hậu đặc thù có thể trồng phân tán từ: 2.500 - 3.000 cây/ha.

3. Làm đất và bón phân lót cho cây chè Shan

- Làm đất: Đất trồng chè phải được thiết kế và chuẩn bị sớm từ tháng 9 - 10, dọn sạch cỏ dại, đào rạch hàng sâu 40cm, rộng 40 - 50cm theo đường đồng mức, sau đó bón phân lót.

- Bón lót:

+ Lượng phân bón (tính cho 1ha): Phân chuồng hoai 20 - 30 tấn, phân lân supe 500kg. Đối với vùng địa hình phức tạp, khí hậu đặc thù bón 3 - 4 tấn phân chuồng hoai, 60 - 70kg phân lân supe.

+ Cách bón: Trộn đều 2 loại phân với lớp đất mặt, bón theo rãnh đã đào trước khi trồng 1 tháng, bón xong lấp đất kín.

4. Thời vụ trồng chè Shan

- Trồng bằng hạt vào tháng 11 - 12 dương lịch.

- Trồng bằng cành giâm vào tháng 2 và tháng 8.

- Thời vụ giâm cành vào tháng 2 - 3 và tháng 8 - 9.

Quy trình kỹ thuật trồng cây chè Shan tuyết

Vườn sản xuất chè shan tuyết

 

5Tiêu chuẩn cây giống 

 Chiều cao cây phải đạt từ 20cm trở lên, đường kính 3 - 4mm (đo cách gốc 5cm), có 6 - 8 lá thật. Cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cơ sở sản xuất cây giống phải được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

6. Hướng dẫn cách trồng cây chè Shan 

- Trồng bằng cành giâm: Trồng mỗi hốc 1 - 2 cây, chọn những ngày trời râm mát hoặc sau khi trời mưa để trồng, khi trồng phải xé bầu nilon để cho rễ chè phát triển.

- Trồng bằng hạt: Gieo mỗi hốc 3 - 5 hạt thành cụm vòng tròn đường kính 15cm, hạt cách hạt 5cm, gieo xong lấp đất tơi dày 4 - 5cm, lấy rơm, rạ, cỏ khô phủ cho hàng chè một lớp dày vừa kín đất, rộng 40cm.

7. Hướng dẫn cách chăm sóc cây chè Shan

7.1. Trồng cây che bóng chắn gió

- Đối với chè kiến thiết cơ bản phải trồng cây che bóng cùng lúc với khi trồng chè, cứ hai hàng chè phải có một hàng cây che bóng tạm thời, thường dùng loại cây cải tạo đất như cốt khí.

- Đối với chè kinh doanh: Cứ 20 hàng chè phải trồng một hàng cây che bóng lâu năm bằng cây keo lá chàm, keo tai tượng, muồng lá nhọn. Cây cách cây từ 8 - 10m (nên trồng trước khi trồng mới chè).

7.2. Trồng dặm

Tiến hành trồng dặm những chỗ mất khoảng ngay từ năm đầu và năm thứ hai sau trồng vào tháng 11 - 12 với chè hạt, vào tháng 2 và tháng 8 với chè cành, nên chọn những ngày trời râm mát hoặc sau mưa để trồng, khi trồng cần bón thêm mỗi hốc 1kg phân chuồng hoai mục.

7.3. Trồng xen

Trong giai đoạn cây nhỏ từ lúc mới trồng đến năm thứ tư có thể trồng xen các loại cây như đậu, đỗ vào các khoảng trống giữa hai hàng chè để cải tạo đất, chống cỏ dại và giữ ẩm cho đất.

7.4. Bón phân

- Lượng phân bón cho 1 ha/năm (bón theo tuổi cây):

 

Tuổi cây

ĐVT

Lượng phân bón

Phân chuồng hoai

Phân lân supe

Phân đạm urê

Phân kali clorua

Chè 1 tuổi

Kg

-

-

50 - 70

30 - 40

Chè 2 tuổi

Kg

15.000 - 20.000

150

60 - 80

-

Chè 3 tuổi

Kg

-

-

100 - 120

60 - 80

Chè 4 tuổi trở đi

Kg

-

-

120 - 150

120 - 160

 

 * Chú ý:Đối với vùng địa hình phức tạp, khí hậu đặc thù: Chè 1 tuổi bón 7 - 10kg phân đạm urê, 5 - 6kg phân kali clorua. Chè 2 tuổi  bón từ 2 - 3 tấn phân chuồng hoai, 8 - 10kg phân đạm urê, 20kg phân kali clorua. Chè 3 tuổi bón 15kg phân đạm urê, 8 - 10kg phân kali clorua và chè 4 tuổi trở đi bón từ 15 - 20kg phân đạm urê, 15 - 20kg phân kali clorua.

- Cách bón:

+ Phân chuồng và phân lân cứ ba năm bón một lần, trộn đều hai loại phân bón vào rạch sâu 10 - 15cm theo tán chè, bón vào tháng 11, 12 bón xong lấp đất kín phân.

+ Phân đạm urê và phân kali clorua: Chia làm hai lần bón vào tháng 2 - 3 và tháng 8 - 9, trộn đều bón vào rạch sâu 6 - 8cm theo tán chè, bón xong lấp đất kín phân.

8. Đốn chè

- Đốn phớt chè hàng năm: Vùng thấp đốn vào tháng 12 - 1 (Riêng vùng cao nên đốn vào tháng 4, vì thời tiết giá lạnh kéo dài, nếu đốn vào tháng 12, 1 thì cây sẽ bị chết rét).

- Cách đốn tạo hình chè kiến thiết cơ bản:

+ Chè tuổi 2: Đốn cách mặt đất 15 - 20cm.

+ Chè tuổi 3: Đốn cách mặt đất 30 - 35cm.

+ Chè tuổi 4: Đốn cách mặt đất 40 - 45cm.

- Cách đốn chè thời kỳ kinh doanh:

+ Đốn phớt: Hai năm đầu mỗi năm đốn cao hơn vết đốn cũ 5cm. Sau đó mỗi năm đốn cao hơn vết đốn cũ 2 - 3cm, đốn hàng năm.

+ Đốn lửng: Sau đốn phớt nhiều năm năng suất giảm, cây cao quá 90cm thì đốn lửng, đốn cách mặt đất 60 - 65cm.

+ Đốn đau: Sau đốn lửng nhiều năm cây chè sinh trưởng kém, năng suất giảm thì đốn đau, đốn cách mặt đất 40 - 55cm.

+ Đốn trẻ lại: Áp dụng đối với vườn chè già cỗi, sâu bệnh hại nặng, năng suất giảm nhiều thì đốn cách mặt đất 20cm.

9. Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây chè Shan

9.1. Sâu hại cây chè Shan

9.1.1. Nhện đỏ

- Triệu chứng gây hại: Lá chè chuyển thành màu hung đỏ. Búp chè bị mù xòe nhiều, lá cây bị hại biến màu nâu lốm đốm đến màu tím đồng, trên mặt lá có nhiều bụi bẩn màu trắng xám. Chè bị hại nặng mép lá non cong lên, lá rụng dần.

- Biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ thiên địch như: Bọ rùa, bọ ngựa...Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Comite 73EC, Rufast 3EC ....

9.1.2. Rầy xanh

- Triệu chứng gây hại: Các vết châm của rầy tạo thành những vết nhỏ li ti màu thâm nâu làm cho lá, búp non bị tổn thương, dẫn đến búp chè bị chùn lại. Nếu bị hại nặng lá chè khô từ chóp lá lan dần theo 2 mép xuống giữa thành lá, thâm đen từ 1/3 - 1/2 lá thường gọi là cháy rầy. Những lá non bị hại có thể rụng chỉ còn trơ cuộng búp. Nương chè bị rầy xanh hại ở mức độ trung bình thì lá và búp chè có màu vàng hơi đỏ, nhìn xa giống nương chè cằn cỗi do thiếu dinh dưỡng.

- Các biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ các loài thiên địch như: Bọ rùa, bọ ngựa. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Applaud 10WP, Butyl 10W.

9.1.3. Bọ cánh tơ

- Triệu chứng gây hại: Búp chè bị hại có biểu hiện cứng, lá dày màu xanh sẫm, có thể lá bị nhăn hoặc biến dạng, mặt dưới lá và trên cọng búp nổi lên đường sần sùi song song màu nâu xám. Búp chè bị hại sẽ bị khô, giòn dễ vỡ vụn. Khi hại nặng, lá và tôm chè bị rụng sớm, lá non bị biến dạng, các mầm non héo thâm.

Các biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ thiên địch như: Bọ rùa, nhện... Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Bestox 5EC, Trebon 10EC, Applaud 10WP.... .

9.1.4. Bọ xít muỗi

- Triệu chứng gây hại: Vết hại lúc đầu có màu chì xung quanh có màu nhạt, sau đó biến thành màu nâu đậm. Bọ xít muỗi thường tập trung gây hại từng bụi, từng đám chè, búp chè bị hại cong queo, cháy thui đen không thu hoạch được.

- Các biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Bảo vệ các loại thiên địch: Nhện, bọ rùa. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Bestox 5EC, Applaud 10WP, Butyl 10 WP.

9.2. Bệnh hại cây chè Shan

9.2.1. Bệng phồng lá chè

- Triệu chứng gây hại: Vết bệnh đầu tiên là chấm nhỏ hình giọt dầu, màu vàng nhạt, sau đó vết bệnh lớn lên màu nhạt. Nấm xâm nhập sau 10 - 15 ngày thì lá phồng lên và mặt trên lá lõm xuống, phía trên mặt có hạt phấn màu trắng. Sau khi các vết phồng vỡ vết bệnh chuyển thành màu nâu, lá chè bị co rúm.

- Các biện pháp phòng trừ: Trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Khi cần thiết dùng thuốc hóa học như: Til-super 300EC, Daconil 75WP (sau phun 14 ngày mới được hái chè).

* Chú ý: Cách sử dụng thuốc BVTV theo đúng hướng dẫn ghi nhãn mác và đảm bảo thời gian cách ly.

Ngoài những sâu, bệnh hại trên còn một số sâu bệnh hại khác như: Sâu cuốn lá, rệp, bệnh phồng lá chè mắt lưới, bệnh đốm nâu, bệnh thối búp, bệnh chết loang...

 

10. Thu hái và bảo quản cây chè Shan

10.1. Thu hái cây chè Shan

- Hái tạo hình chè kiến thiết cơ bản:

+ Chè đốn lần 1: Chỉ hái những búp cách mặt đất 40 - 45cm.

+ Chè đốn lần 2: Hái những búp cách mặt đất 55 - 65cm.

- Hái chè kinh doanh:

+ Quan sát trên nương chè có 60 - 65% số búp đủ tiêu chuẩn thì tiến hành thu hái, cách hái như sau:

Búp chè đủ tiêu chuẩn hái gồm: Lá cá  + 3 - 4 lá thật + 1 tôm.

Tiêu chuẩn búp khi hái: 1 tôm + 2 lá thật, để lại lá cá và 1 - 2 lá thật.

-  Thời vụ hái chè:

+ Vụ xuân: Hái vào tháng 3 - 4 hái chừa 1 - 2 lá thật + lá cá.

+ Vụ hè thu: Hái từ tháng 5 - 10 hái chừa 1 lá thật + lá cá.

+ Cuối vụ: Tháng 11, 12 hái tận thu.

10.2. Bảo quản chè Shan

- Búp chè tươi khi thu hái về phải được rải mỏng ở nơi thoáng mát sạch sẽ, phải đảo thường xuyên, tuyệt đối không được lèn chặt hoặc đắp thành đống làm cho chè ôi ngốt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

- Búp chè thu hái về phải được chế biến ngay, không được để lâu quá 6 giờ.


Theo Sở Nông Nghiệp Nông thôn tỉnh Hà Giang





TIN TỨC KHÁC :