Nông nghiệp

Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp

Ngày đăng: 2016-01-16 04:17:50


1. Kỹ thuật chọn giống mía

1.1. Vai trò của giống mía trong sản xuất

Giống mía có vai trò rất quan trọng trong sản xuất mía, là biện pháp hàng đầu trong hệ thống kỹ thuật thâm canh tăng năng suất và chất lượng mía. Một giống mía tốt không chỉ cho năng suất cao, nhiều đường mà còn phải phù hợp với yêu cầu của sản xuất chế biến đường, cũng như khắc phục được những điều kiện bất thuận của tự nhiên. Việc chọn được những giống mía tốt thích hợp với từng vùng, từng loại đất, từng thời vụ… có ý nghĩa quan trọng cả về khoa học và kinh tế. Ngoài mục tiêu năng suất chất lượng cao, việc chọn giống còn là biện pháp hữu hiệu để chống lại một số bệnh nguy hiểm như bệnh than, bệnh hoa lá…cũng như khắc phục tình trạng đất xấu, nghèo dinh dưỡng.

Chọn giống còn có vai trò quan trọng trong việc khắc phục những khó khăn, hạn chế của tiểu vùng sinh thái mà các biện pháp kỹ thuật khác không làm được, như vùng khô hạn không có điều kiện tưới phải tìm giống có khả năng chịu hạn là tiêu chuẩn hàng đầu; vùng đất thấp chua phèn phải tìm giống chịu được độ ẩm cao; vùng đất xấu trình độ thâm canh kém phải tìm được giống có khả năng chống chịu và có nhu cầu về nước ít; vùng đất tốt trình độ thâm canh cao cần trồng những giống thâm canh có năng suất cao, chất lượng tốt để phát huy hiệu quả sản xuất… Vì thế công tác nghiên cứu chọn tạo giống mía là một việc làm quan trọng thường xuyên, mang tính chiến lược lâu dài, liên tục đối với nghề trồng mía.

1.2. Một số giống mía phổ biến tại Việt Nam

- Giống ROC1 (Tân Đài đường 1) do Đài Loan lai tạo là giống chín sớm, thích ứng rộng, hàm lượng đường cao. Năng suất cao, chịu đất xấu và chịu hạn, gốc nảy mầm chậm, thu hoạch vào đầu vụ.

- Giống ROC10 (Tân Đài đường 10) do Đài Loan lai tạo có đặc tính chung giống ROC 1 như thích ứng rộng, chịu được đất chua mặn, chịu thâm canh, chín trung bình, thu hoạch vào giữa và cuối vụ.

- Giống ROC22 do Đài Loan lai tạo, tỷ lệ mọc mầm cao, đẻ nhánh trung bình, tái sinh khá, chín trung bình, chịu hạn, trồng vào đầu hoặc giữa vụ.

- Giống mía ROC23 do Đài Loan lai tạo, thích ứng rộng, hàm lượng đường cao, mía sinh trưởng nhanh trong giai đoạn đầu nên bón nhiều phân lót và vun vồng sớm.

Ngoài ra còn nhiều giống mía có năng suất cao, chất lượng tốt như: P8 (năng suất có thể đạt 120 tấn/ ha, hàm lượng đường có thể đạt 15-16%); ROC27 (năng suất có thể đạt 120 tấn/ ha, hàm lượng đường có thể đạt trên 16%); QĐ94-119 (năng suất có thể đạt 150 tấn/ ha, hàm lượng đường cao); Viên Lâm 3 (năng suất cao, hàm lượng đường có thể đạt tối đa 16,75%); Viên Lâm 6 (năng suất có thể đạt 120 tấn/ ha, hàm lượng đường có thể đạt tối đa 17,8%)…

 

2. Thời vụ trồng mía

Có thể trồng mía rải vụ trong năm. Song thích hợp cho cây mía phát triển đạt năng suất, chất lượng cao và phù hợp với chế biến của nhà máy nên trồng vào thời vụ chính sau:

- Thời vụ trồng đầu mùa khô (Vụ Đông): Trồng từ giữa tháng 11 đến tháng 1 năm sau. Thời vụ này khó trồng do đất thiếu ẩm, nhưng rất sẵn đất và giống. Nếu trồng đúng kỹ thuật vẫn đảm bảo mật độ và dễ đạt năng suất cao do thời gian sinh trưởng của mía dài.

- Thời vụ trồng trong mùa xuân (Vụ Xuân): Trồng từ giữa tháng 1 đến hết tháng 3 dương lịch. Đây là thời vụ trồng phổ biến nhất. Thời vụ này dễ trồng nhưng năng suất không cao bằng vụ Đông.

- Thời vụ trồng mía giống (Vụ Hè Thu): Trồng trong khoảng thời gian từ 20 tháng 6 đến 20 tháng 7 dương lịch. Thời vụ này khó làm đất nhưng dễ trồng.

 

3. Hướng dẫn kỹ thuật làm đất trồng mía

Mía là cây trồng hàng năm nhưng có thể để gốc được nhiều năm bởi vậy chuẩn bị đất trồng là khâu kỹ thuật đầu tiên rất quan trọng. Làm đất đảm bảo kỹ thuật không những tốt cho mía tơ mà còn có lợi cho mía gốc các năm sau.

- Cày bừa đất

Yêu cầu cày bừa đất phải đảm bảo độ sâu, độ mịn, tơi xốp và bằng phẳng.

Với đất đồi yêu cầu cày càng sâu càng tốt vì giúp bộ rễ mía ăn sâu, chống hạn, chống đổ và tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây. Cày 2 lần vuông góc nhau để hạn chế bị lõi. Sử dụng cày không lật để đạt độ sâu 35-40 cm, sau mỗi lần cày là một lần bừa (hoặc phay) để cho đất tơi nhỏ. Nếu có điều kiện nên làm đất để ải trước khi trồng 40-60 ngày. Nơi đất chua phải bón vôi khi cày bừa để vôi được trộn đều vào đất.

- Rạch hàng

Đất sau khi cày bừa xong tiến hành rạch hàng sâu 35-40 cm. Rạch hàng theo đường đồng mức với đất dốc để chống xói mòn và theo hướng vuông góc với mương tiêu nước đối với đất trũng. Sau khi rạch hàng đáy rãnh phải có một lớp đất tơi xốp để thuận lợi cho việc đặt hom và ra rễ của hom giống.

+ Khoảng cách hàng: Khoảng cách hàng mía thường dao động từ 0,9-1,25m tuỳ thuộc vào độ dốc, độ màu mỡ của đất, giống mía trồng…

Đất xấu, ít phân, giống bé cây, lá đứng, khoảng cách hàng 0,9-1,0m.

Đất trung bình khoảng cách hàng 1,1-1,2m.

Đất tốt, đất ruộng, bãi, đất có tưới khoảng cách hàng 1,25m.

Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp

4. Hướng dẫn cách bón phân cho cây mía

4.1. Xây dựng chế độ phân bón hợp lý cho mía

Mỗi loại cây trồng đều có nhu cầu phân bón nhất định. Trên cơ sở sinh lý, sinh thái mỗi loại cây trồng, điều kiện thổ nhưỡng từng nơi, kết quả nghiên cứu chế độ bón phân, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn của nông dân, các nhà khoa học đã nêu ra những qui trình bón phân cho mỗi loại cây trồng để áp dụng vào sản xuất. Một chế độ bón phân thích hợp là đảm bảo các yêu cầu: đúng loại phân, đúng lúc (thời điểm bón), đúng cách, đúng lượng và cân đối. Mục đích, yêu cầu của bón phân thích hợp là: đáp ứng nhu cầu của cây, đạt được hiệu lực và hiệu quả của phân bón, lượng phân thất thoát ít nhất.

Để trồng mía đạt năng suất chất lượng cao, một trong những biện pháp quan trọng là cần phải có một chế độ phân bón hợp lý cho mía. Khi xây dựng chế độ phân bón hợp lý cho mía cần căn cứ vào các yếu tố sau: nhu cầu dinh dưỡng của cây mía, giống mía, điều kiện đất đai thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết của từng nơi, mục tiêu năng suất chất lượng…

a) Nhu cầu dinh dưỡng của cây mía

Mía là cây trồng có khả năng cho sinh khối lớn nên đòi hỏi rất nhiều chất dinh dưỡng, vì vậy phải cung cấp đầy đủ, thoả mãn yêu cầu dinh dưỡng của cây trong từng giai đoạn cũng như trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển.

Để có 1 tấn mía, cây mía phải hút từ đất khoảng 1,58 kg N nguyên chất, 0,39 kg P2O5 và 2,92 kg K2O, tương đương 3,43 kg Urê, 2,36 kg lân supe và 4,87 kg KCl. Theo Viện Nông hóa Thổ nhưỡng, lượng dinh dưỡng lấy đi trên 1 ha mía: khoảng 170 kg N nguyên chất, 80 kg P2O5 và 270 kg K2O, tương đương 370 kg Urê, 485 kg lân supe và 450 kg KCl.

b) Sử dụng phân bón tuỳ theo điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng vùng

- Phản ứng môi trường đất (Độ chua hay pH đất): Cây mía thuộc nhóm ít mẫn cảm với độ chua, cây mía có phạm vi thích ứng rộng về pH đất, có thể dao động từ 3,5-7,5 (thích hợp nhất là pH từ 5,5-7,5). Vì vậy, đối với các loại đất chua cần bón vôi để nâng pH đất lên ngưỡng thích hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển của cây mía.

Để kiểm tra pH đất làm căn cứ bón vôi, có nhiều cách khác nhau như: lấy mẫu đất phân tích độ pH; dùng giấy quỳ để kiểm tra độ pH của đất…

- Tính chất đất (nổi bật là tính chất hoá học đất).

+ Đất tốt: là đất có tính chất hoá học tốt. Các loại đất này thường không chua hoặc ít chua, giàu các nguyên tố Canxi, Magie và các nguyên tố dinh dưỡng khác. Các loại đất này thường là đất phù sa mới của các con sông, đất đen, đất nâu đỏ phát triển trên đá Bazan, đá vôi…

+ Đất trung bình: Loại này thường bao gồm các loại đất đã bị chua hóa trung bình, có hàm lượng Canxi, Magie và cả các nguyên tố dinh dưỡng khác ở mức trung bình. Các loại đất này thường là đất phù sa cũ, đất đỏ nâu trên Bazan, đất xám xẫm màu…

+Đất xấu: Bao gồm các loại đất đã bị chua nhiều, có hàm lượng Canxi, Magie và các nguyên tố dinh dưỡng khác ở mức nghèo. Các loại đất này thường là đất phù sa cổ, đất đỏ lợt màu trên Bazan, đất xám bạc màu …

Căn cứ tính chất đất để xác định lượng phân và loại phân bón cho phù hợp. Ở các loại đất tốt việc bón phân thường cũng chỉ cần chú ý bón các loại phân chính yếu là các nguyên tố NPK. Ngược lại, ở đất trung bình, nhất là ở đất xấu thì việc bón phân vô cùng quan trọng. Bón phân cho các loại đất này, ngoài việc phải bón đầy đủ phân NPK, người ta còn phải quan tâm nhiều đến các nguyên tố phụ như Canxi, Magie, Lưu huỳnh. Không những thế, trên các loại đất xấu, nhất là đất xám bạc màu, người ta còn phải bón các loại phân có chứa đầy đủ cả các nguyên tố vi lượng cho cây.

c) Điều kiện thời tiết: Tùy theo điều kiện thời tiết từng mùa mà việc sử dụng phân bón cũng phải thay đổi cho phù hợp.

+ Trong điều kiện thời tiết nắng nhiều nhưng đủ nước tưới: Ở điều kiện này cây sử dụng phân rất có hiệu quả và có thể tăng lượng phân bón. Ngược lại nếu biết tăng lượng phân bón một cách hợp lý khi trời nắng nhiều và có đủ nước thì năng suất và hiệu quả kinh tế sẽ được tăng lên rất rõ. Đây cũng là thời cơ đạt được sản lượng mùa màng cao.

+ Trong điều kiện nắng nhiều nhưng không đủ nước tưới: Nắng nhiều là thời cơ rất tốt cho cây quang hợp và cho năng suất cao, tuy nhiên nếu không đủ nước tưới thì cây cũng không sử dụng được phân bón và cũng không quang hợp tốt được. Ngược lại nếu cây bị hạn lúc trời nắng nóng thì bón phân lại rất nguy hiểm. Phân bón lúc này có thể gây cho cây càng bị hạn thêm, dễ bị héo, cháy lá…

+ Trong điều kiện mưa nhiều, âm u, ít nắng: Trong điều kiện này mặc dù cây đủ nước, thuận lợi cho các qúa trình đồng hóa và chuyển hóa dinh dưỡng trong cây, nhưng do thiếu nắng nên cây quang hợp yếu, không tạo ra được đầy đủ các vật chất hữu cơ ban đầu nên không có khả năng sử dụng phân bón được nhiều. Lượng phân bón lúc này cần thấp so với khi thời tiết nắng ráo.

4.2. Kỹ thuật bón phân NPK Thiên Nông cho mía

a) Tác dụng và ưu điểm của phân bón NPK Thiên Nông

- Phân bón NPK Thiên Nông được sản xuất từ NPK nguyên chất, bổ sung thêm một số nguyên tố trung vi lượng (TE) và phụ gia thích hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây mía.

- Phân bón NPK Thiên Nông có nhiều loại khác nhau, cân đối dinh dưỡng NPK, phù hợp với đặc điểm sinh lý sinh thái cây mía ở các giai đoạn sinh trưởng, phát triển khác nhau.

- Phân bón NPK Thiên Nông tiện lợi, dễ sử dụng, có kết cấu viên, bền, chậm tan cung cấp dinh dưỡng từ từ cho cây, đặc biệt là ở các vùng đất đồi mùa mưa xói mòn rửa trôi dinh dưỡng xảy ra mạnh, từ đó nâng cao hiệu suất và hệ số sử dụng phân bón, góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng mía.

b) Chế độ bón phân NPK Thiên Nông cho cây mía

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp&PTNT, để đạt năng suất mía 100 tấn/ha cần bón phân như sau:

- Đạm Urê: 500-700 kg (tương đương 230-322 kg N nguyên chất).

- Phân Supe lân: 800-1000 kg (144-180 kg P2O5).

- Phân Kalyclorua: 400-600 kg (300-360 kg K2O).

- Phân chuồng: 15-20 tấn/ha.

- Vôi bột: 1-2 tấn/ ha tuỳ thuộc độ chua của đất.

Để đáp ứng lượng bón theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, Nhà máy Phân bón Thiên Nông hướng dẫn bón phân cho mía như sau (Sử dụng cho mía trồng mới):

* Phân bón lót:

- Phân chuồng, phân xanh hoặc các nguồn phân hữu cơ khác: 15-20 tấn/ha.

- Vôi bột: 1-2 tấn/ ha tuỳ thuộc độ chua của đất.

- Phân bón hỗn hợp NPK 3 màu (Tỷ lệ NPK nguyên chất: NPK 6:8:4; NPK 6:9:3; NPK 5:10:3): Lượng bón từ 65-75 kg/sào 500 m2(1,3-1,5 tấn/ ha).

* Phân bón thúc:

Sử dụng phân bón hỗn hợp NPK 3 màu (NPK 8:2:8; NPK 12:2:10; NPK 10:5:10; Lượng bón từ 35-40 kg/sào 500 m2 (0,7-0,8 tấn/ha).

Tuỳ thuộc từng loại đất, giống mía và biện pháp kỹ thuật thâm canh áp dụng có thể bón số lượng phân cao hơn hoặc thấp hơn mức trên 10-15%.

* Cách bón:

- Vôi bón rải đều trên ruộng trước khi cày bừa lần cuối.

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ và phân hỗn hợp NPK như trên.

- Bón thúc: Khi mía đẻ nhánh và khi mía có 3-5 lóng, với lượng bón phân hỗn hợp NPK như trên.

Yêu cầu phân bón phải được bón sâu và lấp kín để tránh bốc hơi và rửa trôi làm giảm hiệu lực của phân bón.

Với lượng phân bón khuyến cáo trên, tuỳ theo đất xấu hay tốt, giống mía, mục tiêu phấn đấu năng suất cao hay thấp mà sử dụng lượng phân nhiều hay ít. Nguyên tắc chung là: Đất xấu thì bón nhiều phân, đất tốt thì bón ít hơn, đất nghèo loại phân gì thì bón tăng loại phân đó. Phân bón phải được bón tập trung trong 3-4 tháng đầu và kết thúc trước khi thu hoạch 4-5 tháng, để không làm ảnh hưởng đến độ chín và chất lượng mía nguyên liệu (Vùng mía Thanh Hoá thường kết thúc bón trong tháng 7 dương lịch).

 

5. Kỹ thuật trồng chăm sóc cây mía

5.1. Kỹ thuật trồng cây mía

a) Sửa lại đáy rãnh: Trước khi trồng phải sửa lại đáy rãnh cho đất thật tơi xốp, mịn, không còn cục to ở đáy rãnh (Đặc biệt chú ý khi trồng vào mùa khô).

b) Bón đầy đủ các loại phân (Như mục 4.2)

Yêu cầu bón phân xong phải lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi đặt hom để khỏi ảnh hưởng đến sự ra rễ và nảy mầm của mía.

c) Chuẩn bị hom giống

- Lựa chọn hom giống trồng: Chất lượng hom giống có ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ nảy mầm, mật độ cây và năng suất mía. Để có hom giống mía tốt phải có ruộng giống trồng riêng. Khi cây được 6-8 tháng tuổi chặt cả cây non làm giống đem trồng. Nếu chưa có điều kiện làm ruộng giống riêng thì có thể sử dụng hom giống lấy ở ruộng mía tơ sau khi thu hoạch, song yêu cầu phải chọn theo tiêu chuẩn sau:

+ Ruộng mía sinh trưởng tốt.

+ Cây to khoẻ, không bị sâu bệnh, không đổ ngã, cây chưa trỗ cờ.

+ Độ thuần cao (Đúng chủng loại giống, không lẫn tạp giống).

+ Hom giống không được quá non hoặc quá già, chưa bị ra rễ.

- Xử lý hom, chặt hom

Giống trước khi đem trồng cần phải được xử lý và chặt ra hom như sau:

+ Bóc bẹ trước khi chặt ra hom.

+ Chặt bỏ phần quá non hoặc quá già.

+ Chặt ngang giữa lóng, đảm bảo hom không bị xây sát, dập gãy mầm.

+ Loại bỏ những hom bị lẫn giống, hom bị sâu bệnh.

Độ dài hom tuỳ theo mùa vụ: Trồng vụ Hè Thu và vụ Xuân chặt hom 2-3 mầm; trồng vụ Đông trong mùa khô rét chặt hom dài 3-4 mầm.

Hom giống sau khi chặt ra hom cần xử lý diệt trừ nấm bệnh, kích thích nảy mầm bằng cách ngâm hom trong nước vôi trong 0,2% trong 10-12 giờ, hoặc ngâm 5-10 phút trong dung dịch CuSO4 1%, Zineb 3-5%…rửa hom lại bằng nước sạch rồi đem trồng.

d) Lượng hom và cách đặt hom

- Trồng vụ Hè Thu 5-6 tấn hom/ ha. Hom đặt thành một hàng nối đuôi nhau hoặc cách nhau 3-4cm.

- Vụ Đông Xuân: Dùng 8-10 tấn hom/ ha (35.000-40.000 hom/ha). Hom đặt thành một hay hai hàng so le, gối nhau 1/3, “kiểu nanh sấu”.

Khi đặt hom cần chú ý để mầm nằm ngang về 2 bên. Hom phải tiếp xúc tốt với đất bột ở đáy rãnh, không được đặt hom trên lớp đất cục hoặc để hom mía tiếp xúc với phân bón lót. Hom đặt xong lấp đất dày hay mỏng tuỳ thuộc đất khô hay ẩm, nhiệt độ cao hay thấp. Nếu trời khô rét phải lấp dày 5-7 cm và nén chặt. Trời ấm, đất ẩm lấp mỏng 2,5-3 cm. Nếu đất thừa ẩm, trồng trong mùa mưa chỉ cần lấp kín hom là được.

Quy trình kỹ thuật trồng thâm canh mía đường công nghiệp

5.2. Chăm sóc mía sau trồng

Công tác chăm sóc mía bao gồm toàn bộ các công việc từ sau trồng đến trước khi thu hoạch, gồm những khâu chủ yếu sau:

a) Diệt cỏ, cày xới phá váng, dặm mầm và định cây

- Từ khi trồng đến trước khi mía giao tán, phải thường xuyên diệt cỏ dại bằng cuốc, bằng cày hoặc thuốc trừ cỏ. Không để cỏ dại tranh dành thức ăn và ánh sáng với cây mía đồng thời xới xáo, phá váng tạo độ thông thoáng trong đất (nhất là sau mỗi trận mưa lớn).

- Khi mía mọc mầm xong (cây có 3-4 lá thật) cần kiểm tra những chỗ mía không mọc, bị mất khoảng để dặm ngay (Dùng hom đã giâm sẵn ở đầu hàng hoặc bứng mầm chỗ dày dặm vào chỗ thưa hoặc làm bầu mía để dặm). Nên dặm mía vào những ngày trời mát mẻ và chú ý tưới nước, chăm sóc đặc biệt những cây chắm dặm để ruộng mía sinh trưởng đồng đều.

- Khi ruộng mía quá thừa cây phải tỉa bớt chỗ quá dày, bảo đảm cho số cây hữu hiệu cao, khi thu hoạch đạt 6-8 cây/ m2.

b) Bón phân thúc và vun gốc

Mía thường được bón thúc từ 1-2 lần kết hợp với vun gốc chống đổ ngã.

- Bón thúc lần 1: Khi mía đẻ nhánh, để thúc đẩy mía đẻ nhánh nhanh, tập trung, đảm bảo mật độ cây ban đầu (chủ yếu bón phân NPK). Dùng cày trâu cày 2 đường 2 bên hàng mía để bón phân, bón xong cày lấp ngay. Khi mía đủ mật độ cây cần thiết, tiến hành vun đất vào gốc cao 10-15 cm.

- Bón thúc lần 2: Khi mía có từ 3-5 lóng, tiến hành bón số phân còn lại kết hợp với vun cao 15-30 cm thành vồng. Đảm bảo vun vồng cao to, tròn, kín cổ. Vun vồng vừa có tác dụng phòng chống đổ, vừa thoát nước tốt, điều hoà nước và không khí tạo điều kiện đạt năng suất cao.

c) Bóc lá, tỉa cây vô hiệu

Cần tiến hành bóc lá chân và tỉa bỏ những cây vô hiệu kết hợp khi vun cao. Tỉa bỏ các mầm thừa, yếu ớt, bị sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi cây hữu hiệu. Đồng thời định kỳ bóc lá già tạo độ thông thoáng cho ruộng mía nhằm hạn chế sâu bệnh và chống đổ ngã khi có gió bão. Chỉ bóc những là già đã vàng khô, tuyệt đối không được bóc những lá còn xanh.

d) Tưới tiêu nước

Ruộng trồng mía yêu cầu phải thoát nước tốt, tuyệt đối không để đọng nước quá 24 giờ. Mía trồng trên đất ruộng, đất thấp sau cơn mưa phải kiểm tra tháo nước ngay. Trong các tháng khô hanh nên tận dụng mọi nguồn nước để tưới bổ sung cho mía. Tưới nước là biện pháp có tác dụng rất tốt đến năng suất mía và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

5.3. Phòng trừ một số loại sâu bệnh hại mía

a) Rệp bông: Rệp bông là đối tượng gây hại lớn nhất đối với cây mía ở các tỉnh phía Bắc và vùng mía Thanh Hoá. Ruộng mía bị rệp nặng có thể làm giảm năng suất đến 20-30%. Hàm lượng đường giảm sút đến mức có thể trở thành phế phẩm, không thể nấu ra đường được. Đặc biệt ruộng mía bị nhiễm rệp nặng, ngọn mía sẽ mất khả năng nảy mầm, gốc mía mất khả năng tái sinh…

Rệp thường tập trung ở lưng lá, dọc theo gân lá. Chất bài tiết của rệp là môi trường rất tốt cho bệnh muội đen phát triển, tạo nên một màu đen dọc theo lá và thân làm ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây mía. Rệp gần như xuất hiện quanh năm trên tất cả các trà mía, phá hoại mạnh nhất vào cuối Thu đầu Đông. Chúng có đặc điểm là con nào cũng sinh sản được, đẻ rất nhiều lứa trong năm (khoảng 20 lứa), nên tốc độ phát triển rất nhanh và dễ gây thành dịch phá hoại mía nghiêm trọng.

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra phát hiện rệp sớm để bao vây tiêu diệt khi rệp mới phát sinh, dưới dạng ổ rải rác trong ruộng mía, bằng cách phun các loại thuốc Ofatox 400EC, Bassa 50EC, Bi-58 40%, Supracid 40EC, Bitox 40EC để diệt trừ. Các loại thuốc trên pha với nồng độ 0,1-0,15%. Lượng dùng 1-1,5 lít thuốc/ ha.

b) Sâu đục thân: Sâu đục thân mía có nhiều loại: Sâu đục thân mình vàng, sâu đục thân 4 vạch, sâu đục thân mình trắng, sâu đục thân bướm 2 chấm, sâu đục thân mình hồng… Đây là côn trùng gây hại phổ biến trên mía, mùa nào cũng có. Tác hại chính của sâu là:

- Làm khô nõn ở thời kỳ mầm từ 1-8 lá thật.

- Làm mía dễ gãy đọt hoặc gãy ngang thân khi có gió to.

- Làm chết điểm sinh trưởng, gây nên hiện tượng cụt ngọn cây.

Biện pháp phòng trừ:

- Lựa chọn giống mía ít nhiễm sâu đục thân: ROC10, ROC16, VĐ93-159…

- Chọn hom giống không mang mầm mống sâu bệnh. Chăm sóc, làm cỏ, bóc lá, bón phân đầy đủ và cân đối cho mía sinh trưởng tốt. Chặt gốc sâu, vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng để hạn chế nguồn sâu qua Đông…

- Sử dụng các loại thuốc BVTV thông thường như: Diazinon 10H, Supracid 40EC… pha với nồng độ 1/1000 phun cho mía ở thời kỳ mọc mầm hoặc ở thời kỳ sâu non có thể đạt hiệu quả phòng trừ 70-80%.

c) Bọ hung đục gốc mía: Bọ hung và ấu trùng của nó đều gây hại cho mía, thường phá hoại nhiều nhất ở vùng đất cát pha, đất ven sông suối, trên đất trồng mía liên tục nhiều năm, không luân canh. Trưởng thành và ấu trùng bọ hung cắn phá đục rỗng gốc mía, làm mất khả năng tái sinh; chúng ăn phần gốc của các mầm còn bé làm cho mầm mía bị khô chết. Bọ hung có 3 loại chính là: Bọ hung đen, bọ hung màu hung và bọ hung xanh (nguy hiểm nhất là bọ hung đen).

Con trưởng thành sống đến 45 tuần, chúng xuất hiện và gây hại từ cuối tháng 3 đến tháng 5; sang tháng 8-9 chúng đẻ trứng, sâu non (sùng trắng) phá hoại mía từ tháng 9 đến tận tháng 12.

Biện pháp phòng trừ: Thực hiện luân canh hợp lý để diệt bớt ấu trùng bọ hung. Nơi có điều kiện, bơm nước khoảng 1 tuần (ở năm luân canh) để diệt ấu trùng triệt để. Dùng thuốc xử lý đất: Furadan 3H, Basudil 10H liều lượng 30kg/ ha; Regen 3G liều lượng 15 kg/ ha hoặc Oncol 5G liều lượng 20 kg/ ha khi làm đất trồng, hoặc có thể trộn với đất bột rắc vào gốc mía rồi vun lại.

d) Bọ trĩ: Bọ trĩ ẩn nấp bên trong lá ngọn để hút chất dịch. Lá bị hại nặng có màu vàng hoặc đỏ và không xoè ra được rồi khô chết. Bọ trĩ phát sinh mạnh vào thời kỳ khô hạn và do khô hạn làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của mía như lá ngọn toả ra chậm càng có lợi cho bọ trĩ gây hại.

Có thể dùng các loại thuốc sau để phun trừ: Ofatox 400EC, Sumittion 50EC, Supracid 40EC, hoặc Bassa 50EC, pha với nước nồng độ 0,1-0,15%. Dùng 1-1,5 lít thuốc/ ha.

e) Bệnh than: Bệnh than do nấm gây ra. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là lá đọt cây mía biến dạng thành roi cong xuống, có trường hợp dài tới vài mét. Biểu hiện đầu tiên là bên ngoài phủ một lớp màng mỏng, màu trắng sau đó chuyển sang màu đen do được phủ bằng vô vàn bào tử dạng bột. Cây mía bị bệnh hoàn toàn mất khả năng tạo lóng, đẻ nhiều nhánh nhỏ, nhìn bụi mía giống như “bụi xả”. Đây là bệnh hết sức nguy hiểm, khả năng lây lan mạnh.

Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây mía:

- Trồng giống kháng bệnh: QĐ15, ROC20…

- Kịp thời nhổ bỏ và tiêu huỷ cây mía bị bệnh (khi thu gom cây mía bị bệnh chú ý đưa những roi chứa bào tử nấm vào túi nilon, buộc kín và đem đốt, tránh bào tử nấm phát tán).

- Ruộng mía bị hại nặng không nên để lưu gốc. Nên luân canh với cây họ đậu 1-2 năm. Không lấy hom mía ở ruộng mía bị bệnh làm giống.

- Có thể dùng thuốc Tilt 250ND pha với nước nồng độ 0,2% nhúng hom mía trong 5 phút trước khi trồng.

g) Một số bệnh khác

Bệnh thối đỏ thân, bệnh đốm vàng, bệnh gỉ sắt, bệnh thối ngọn (xoắn cổ lá) cũng thường gây hại mía, song không phổ biến.

 

6. Thu hoạch mía

Tuỳ từng giống mía và thời vụ trồng mà xác định được giai đoạn chín của mía. Quan sát màu vỏ thân mía trở nên bóng, sậm, ít phấn, lá khô nhiều, độ ngọt giữa gốc và ngọn không chệnh lệch là thu hoạch được (Dùng máy Brix kế để kiểm tra độ đường quyết định thời điểm thu hoạch). Khi mía chín gân lá chuyển màu “vàng lá gừng”, lá ngắn, lá gần ngọn xếp khít nhau.

Khi thu hoạch phải dùng dao sắc chặt sát gốc, không được làm dập gốc. Thu hoạch đến đâu vận chuyển đến đấy, không để lâu quá 48 giờ trên ruộng để tránh làm giảm hàm lượng đường trong mía.

 

7. Mía gốc

7.1. Đặc điểm của mía gốc

Mía gốc là mía tái sinh từ bộ gốc của mía vụ trước sau khi đã thu hoạch thân làm nguyên liệu. Tùy từng loại đất, giống mía và biện pháp kỹ thuật mà có thể để lưu gốc dài hay ngắn trong 1-2 vụ.

Mía gốc có các đặc điểm: Có bộ rễ nhiều và ăn sâu. Có số mầm nhiều và khỏe. Song mía gốc thường bị đất nén chặt, thiếu không khí và nhiều mầm mống sâu bệnh.

7.2. Ý nghĩa kinh tế của mía gốc

Mía là cây trồng hàng năm có thể thu hoạch được nhiều năm nhờ khả năng tái sinh của bộ gốc. Nếu xử lý và chăm sóc đúng kỹ thuật mía gốc đem lại nhiều lợi lớn.

- Mía lưu gốc mỗi ha tiết kiệm được từ 8-10 tấn giống so với mía tơ.

- Giảm được lao động trong lúc thời vụ khẩn trương; rải được thời vụ chăm sóc, thu hoạch vì mía gốc thường chăm sóc, thu hoạch trước mía tơ từ 15-30 ngày.

- Tăng tỷ lệ đường thu hồi đầu vụ do mía gốc chín sớm hơn mía tơ, nhờ đó kéo dài được thời gian chế biến.

- Hạn chế xói mòn đối với đất vùng đồi dốc, mưa nhiều vì giảm số lần cày bừa và mía gốc sinh trưởng nhanh khép tán hơn mía tơ.

Nhờ những ưu điểm trên mà giá thành sản suất mía gốc thường thấp hơn mía tơ. Có thể giảm được tới 30% chi phí (chi phí làm đất, giống, công trồng…), nâng cao được hiệu quả cho sản xuất mía.

7.3. Kỹ thuật xử lý mía gốc

a) Xử lý lá trên ruộng

Tùy từng điều kiện cụ thể để có các biện pháp xử lý sau:

+ Đưa toàn bộ số lá ra đầu bờ lô để ủ làm phân, sau khi mía mọc lên đều thì được bón trở lại ruộng mía.

+Dồn lá vào rãnh mía (hai hàng một) để thuận tiện cho công việc cày móc rễ, bón phân. Sau khi chăm sóc xong lại dồn sang hàng khác để chăm sóc tiếp.

+Băm lámía tại ruộng (băm thủ công hoặc dùng máy băm lá) để cày vùi làm phân bón.

Cả ba biện pháp xử lý trên đều có ý nghĩa trong việc giữ, trả lại nguồn hữu cơ cho đất trồng mía cũng như có tác dụng giữ ẩm, giữ nhiệt cho đất trong điều kiện khô hạn, giá rét. Nhược điểm của các biện pháp trên là tốn công lao động, tạo môi trường cho sâu bệnh qua mùa đông và dễ gây hỏa hoạn…

+ Đốt lá: Đốt lá làm mất đi một lượng chất hữu cơ quan trọng để bồi bổ, trả lại cho đất. Tuy nhiên, đốt lá cũng có ưu điểm là đỡ tốn công và diệt trừ được một số mầm mống sâu bệnh.

b) Bạt gốc

Sau khi thu hoạch phải tiến hành bạt gốc mía để khắc phục tình trạng trồi gốc. Bạt gốc là cắt bỏ đoạn gốc thừa ở trên mặt đất, chỉ để lại đoạn gốc nằm sâu dưới mặt đất khoảng 10 cm có từ 4-6 mầm/ gốc là đủ.

Cách làm: Dùng cuốc nhỏ và sắc cuốc sâu vào trong đất 3-5 cm; nếu mía vun gốc càng cao thì cuốc càng sâu và ngược lại. Yêu cầu vết cuốc chặt sắc ngọt, gốc mía không bị bầm dập. Ruộng mía sau khi bạt gốc nhìn bằng phẳng, gốc mía được nằm vùi trong đất.

c) Dặm gốc

Sau khi bạt gốc, phát hiện chỗ nào thiếu gốc, thiếu cây phải tiến hành dặm ngay càng sớm càng tốt. Có thể dặm bằng gốc, bằng mầm hoặc bằng hom mía.

- Dặm gốc: Bứng gốc chỗ dày dặm vào chỗ thưa, chỗ thiếu gốc.

- Dặm mầm: Khi mía đã tái sinh mọc đều, kiểm tra chỗ nào thiếu mầm thì tiến hành dặm. Bứng tỉa chỗ dày dặm ra chỗ thưa. Yêu cầu bứng cả bầu đất. Sau khi dặm xong phải được tưới nước đẫm để đất trong bầu và bên ngoài tiếp xúc nhau, đồng thời cột lá mía lại để giảm hiện tượng thoát hơi nước qua bề mặt lá, giúp mầm chóng phục hồi.

- Dặm hom: Chỉ áp dụng khi diện tích mất gốc quá lớn, không đủ gốc và mầm để chắm dặm. Có thể chọn hom tốt để dặm trước khi thu hoạch khoảng 1 tuần để sau này mầm hom mọc theo kịp mầm gốc, hoặc tiến hành ngâm ủ hom cho cương mầm, rồi đem đi dặm ngay sau khi thu hoạch và bạt gốc xong.

d) Cày phá băng, phá vồng

Sau khi thu hoạch, bạt gốc và xử lý lá xong, tiến hành cày phá băng giữa 2 hàng mía và phá vồng mía. Yêu cầu cày sâu và sát vào gốc mía càng tốt. Thông thường cày từ 3-5 đường trên hàng mía.

Mục đích của việc cày phá băng, phá vồng mía là làm cho đất tơi xốp, cải thiện chế độ không khí trong đất tạo điều kiện cho mía mọc mầm nhanh và môi trường thuận lợi cho bộ rễ mới phát triển. Cày phá băng, phá vồng còn có tác dụng cắt đứt các mao quản trong đất để hạn chế sự bốc hơi bề mặt đất…

e) Lọng gốc

Lọng gốc là hình thức cuốc bỏ khối đất bị nén chặt nằm giữa các gốc mía mà cày bừa không thể thực hiện được. Tác dụng của lọng gốc là phá bỏ lớp rễ già bên trên, cải thiện chế độ không khí, nước ở vùng gốc mía, giúp mía mọc mầm tái sinh nhanh.

g) Bón phân

Sau khi thực hiện xong các biện pháp nêu trên, tiến hành bón phân cho mía theo khuyến cáo của Nhà máy Phân bón Thiên Nông như sau:

* Phân bón lót:

- Phân bón hỗn hợp NPK 3 màu (Tỷ lệ NPK nguyên chất: NPK 10:6:3; NPK 10:6:4; NPK 10:10:5): Lượng bón từ 70-75 kg/sào 500 m2 (1,4-1,5 tấn/ ha).

* Phân bón thúc:

Sử dụng phân bón hỗn hợp NPK 3 màu (NPK 8:2:8; NPK 12:2:10; NPK 10:5:10; Lượng bón từ 35-40 kg/sào 500 m2 (0,7-0,8 tấn/ ha).

Tuỳ thuộc từng loại đất, giống mía và biện pháp kỹ thuật thâm canh áp dụng có thể bón số lượng phân cao hơn hoặc thấp hơn mức trên 10-15%.

Dùng cày, cày sát gốc, bón phân và lấp kín.

7.4. Chăm sóc mía gốc

Mía gốc sau khi xử lý, chắm dặm xong, các khâu chăm sóc tiếp theo tiến hành như mía tơ nhưng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:

- Các loại mầm mống sâu bệnh, đặc biệt là những loại sâu hại dưới đất như bọ hung, ấu trùng bọ hung, xén tóc, bệnh than… được tích luỹ lại nhiều hơn mía tơ, nên phải thường xuyên kiểm tra để phòng trừ kịp thời.

- Thời kỳ đầu mía gốc sinh trưởng nhanh hơn mía tơ, nên cũng chín sớm hơn mía tơ. Vì thế cần kết thúc bón phân cho mía gốc trước mía tơ khoảng 1 tháng.

- Mía gốc có hiện tượng trồi gốc qua các năm gây nên hiện tượng đổ ngã sớm, vì thế cần phải vun vồng sớm và vun vồng to cao để chống đổ.

 

8. Chế độ luân canh, xen canh cải tạo đất trồng mía

8.1. Chế độ luân canh

Luân canh hợp lý sẽ làm giảm tỷ lệ sâu bệnh và cỏ dại, điều hoà được các chất dinh dưỡng, cải tạo và nâng cao độ phì của đất. Đây là biện pháp thâm canh dễ làm, rẻ tiền nhưng có hiệu quả kinh tế cao.

Tuỳ điều kiện đất đai, giống mía, phân bón và trình độ thâm canh của từng vùng có thể xây dựng các chu kỳ luân canh dài ngắn khác nhau như:

- Chu kỳ 3 năm: Một năm mía tơ- Một năm mía gốc- Một năm luân canh (trồng cây họ đậu: Lạc, đậu xanh, đậu tương…).

- Chu kỳ 4 năm: Một năm mía tơ- Hai năm mía gốc- Một năm luân canh…

8.2. Xen canh

Xen canh là hình thức tranh thủ trồng một cây trồng ngắn ngày vào giữa hai hàng mía khi cây mía còn nhỏ, chưa giao tán, còn thừa đất và ánh sáng nhằm khai thác triệt để đất trống, hạn chế cỏ dại, tăng thêm thu nhập…

Về nguyên tắc cây trồng xen không được cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây mía; không làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc cũng như sinh trưởng của mía.

Để không gây trở ngại đến chăm sóc mía, khi trồng cây xen canh chỉ nên trồng xen vào 1 hàng mía, trừ lại 1 hàng không có cây xen để mía vẫn được chăm sóc bình thường…

Cây trồng xen thường là các cây họ đậu: Lạc, đậu tương, đậu xanh…

 

Thiên Nông

 






TIN TỨC KHÁC :