Nông nghiệp

Các biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn trên lúa

Ngày đăng: 2016-03-11 08:35:07


Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho sự phát sinh phát triển và gây hại của nấm khô vằn trên lúa.

Nếu không phòng trừ, ngăn chặn kịp thời, khô vằn sẽ tấn công lên ngọn lúa và làm năng suất giảm đáng kể (gây bạc bông).

Các biện pháp phòng trừ bệnh khô vằn trên lúa

 

Điều kiện phát sinh phát triển bệnh khô vằn trên lúa:

Khác với nấm đạo ôn (thường chỉ gây hại trên những giống nhiễm - lúa nếp, lúa có bản lá to, dày, xanh đậm), nấm khô vằn thường có phạm vi gây hại rộng hơn (rất nhiều giống lúa khác nhau).

Bệnh khô vằn phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao và ẩm độ cao. Nhiệt độ thích hợp cho nấm phát sinh và gây hại mạnh là từ 24-300C và độ ẩm bão hòa hay lượng mưa cao. Đặc biệt ở ruộng nhiều nước, cấy dày, cây lúa um tùm, rậm rạp.

Sự phát sinh phát triển của bệnh còn liên quan nhiều đến chế độ phân bón: Bón phân đạm nhiều, bón đạm thúc đòng nếu khi cây đang bị bệnh sẽ làm bệnh lây lan, gây hại mạnh hơn. Trong khi đó, phân bón ka-li lại có tác dụng kìm hãm sự phát triển của bệnh.

 

Triệu chứng nhận biết bệnh khô vằn trên lúa: 

Vết bệnh xuất hiện ban đầu ở những bẹ lá gần gốc, có hình bầu dục, màu trắng xám. Khi nấm tấn công lên lá thì vết bệnh không có hình dạng nhất định mà loang lổ như hình vằn da hổ. Nấm già phát triển thành hạch và rơi xuống đất.

 

Cách phòng trừ bệnh khô vằn trên lúa hiệu quả: 

Không để nước quá cao trong ruộng làm độ ẩm trong ruộng cao, nấm khô vằn sẽ phát triển và gây hại mạnh. Tốt nhất, trên những diện tích lúa chưa làm đòng (lúa đứng cái, chưa có cứt gián) cần khẩn trương tháo kiệt nước trong ruộng nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh, đồng thời cây lúa cứng chắc hơn. Chỉ giữ một mực nước nhỏ khoảng 2 cm nếu lúa đang làm đòng (lúa có cứt gián trở đi). 

- Phun thuốc và bón ka-li cho lúa: Nấm khô vằn có khả năng kháng thuốc cao. Vì vậy, để việc phun trừ nấm bằng thuốc hóa học đạt hiệu quả, nông dân cần lựa chọn một trong các loại thuốc đặc trị như: Anvil, Kalihex, Atuvil, Carbenrim, Nativo, Tiltsupe, Monceren...

- Sử dụng thuốc hóa học để phun trừ bệnh chỉ mang lại hiệu quả cao khi vết bệnh chưa lan lên lá (nấm mới gây hại ở bẹ lá) và thuốc được tiếp xúc với tầng lá dưới của cây. Vì vậy, cần tiến hành phun trừ sớm khi cây mới chớm bị bệnh, không nên chờ đến lứa sâu tới rồi phun một thể. Khi phun cần rẽ lối và đưa vòi phun vào gốc lúa mới đạt hiêu quả cao. 

+ Bón ka-li cho lúa lúc này rất thích hợp, một mặt làm cho quá trình hình thành và phát triển mầm đòng được thuận lợi. Mặt khác, phân ka-li có khả năng kìm hãm nấm khô vằn phát triển. Cho nên, tốt nhất khi phun thuốc, nông dân nên cộng thêm 0,5 lạng ka-li trắng (K2SO4)/bình 12 lít để phun cùng sẽ làm cho việc phun trừ nấm được hiệu quả hơn.

- Nếu muốn trồng vụ đông trên những chân ruộng lúa đã bị nhiễm nấm khô vằn trung bình đến nặng, cần phải cày sâu để vùi hạch nấm sau khi thu hoạch lúa. Đồng thời, không sử dụng rơm, rạ của ruộng lúa đó làm chất che phủ cây vụ đông để tránh nấm khô vằn còn tồn dư trên rơm rạ sẽ gây hại luôn cây màu.  

- Nếu ruộng đang bị nhiễm bệnh khô vằn thì nhất thiết không bón đạm vì sẽ làm bệnh trầm trọng thêm. Chỉ nên bón đạm cho lúa “nếu lúa đói đạm” khi bệnh đã trị khỏi.


Theo TTKN





TIN TỨC KHÁC :