Nông nghiệp

Phòng trừ bệnh gỉ sắt trên cây ngô

Ngày đăng: 2015-04-10 17:15:41


Trình bày tác nhân gây bệnh và triệu trứng bệnh gỉ sắt trên cây ngô. Giới thiệu những biện pháp giúp phòng chống bệnh gỉ sắt hại ngô.

 

 

Bệnh gỉ sắt do nấm Puccinia maydis gây ra. Bệnh xuất hiện và gây hại trong suốt thời kỳ sinh trưởng của ngô từ khi mới mọc cho đến khi thu hoạch. Bệnh gỉ sắt gây hại khá phổ biến ở các vùng trồng ngô của nước ta. Nếu bệnh xuất hiện sớm sẽ làm cho lá ngô bị khô rụi sớm, cây còi cọc rất khó phục hồi, và có thể bị chết nếu bệnh quá nặng. Bệnh thường phát triển và gây hại mạnh khi điều kiện thời tiết thuận lợi như mưa nhiều làm độ ẩm không khí cao, thời tiết mát mẻ, nhiệt độ trung bình. Bệnh cũng xuất hiện nhiều khi trồng với mật độ quá dày, bón thừa phân đạm làm cho lá bít bùng thiếu ánh sáng.

 

Triệu chứng:

 

Bệnh gây hại chủ yếu trên phiến lá, bẹ lá và vỏ trái ngô. Ban đầu vết bệnh chỉ là một chấm nhỏ mầu vàng trong, sau đó lớn dần tạo thành những ổ nổi có kích thước khoảng 1mm. Khi bệnh nặng sẽ thấy lấm tấm những u nhỏ cỡ hạt tấm trên mặt lá, bên trong chứa đầy chất bột mầu nâu đỏ như mầu gạch non. Những u này lớn dần và sẽ làm rách tế bào biểu bì phía ngoài lúc đó sẽ để lộ ra khối bột mầu nâu đỏ giống mầu của gỉ sắt, đó là giai đoạn hình thành ổ bào tử hạ. Đến cuối giai đoạn sinh trưởng của cây ngô, trên lá bệnh có thể xuất hiện những ổ nổi mầu đen, đó là giai đoạn hình thành ổ bào tử đông. Nếu bị hại nặng, nhiều vết bệnh dày đặc trên lá sẽ làm lá bị khô cháy, diện tích lá xanh có thể quang hợp được bị giảm sẽ làm quá trình tổng hợp chất hữu cơ và vận chuyển chất khô về bắp bị giảm dẫn đến hạt không đạt, vỏ nhăn, năng suất và phẩm chất hạt giảm.

 

Những biện pháp phòng chống:

 

Khi ruộng ngô đã bị bệnh rồi thì không có thuốc chữa. Chỉ có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ để hạn chế bệnh phát triển thêm và làm tăng sức khỏe cho cây mà thôi. Để hạn chế bệnh này cần chủ động áp dụng kết hợp nhiều biện pháp ngay từ đầu vụ. Những biện pháp chính cần áp dụng là:

 

- Cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước khi trồng. Dọn sạch hết thân, lá ngô từ vụ trước bằng cách phơi khô và đốt. Cày xới đất chôn vùi gốc, thân lá ngô còn sót lại sẽ hạn chế được mầm bệnh cho vụ sau.

 

- Trồng với mật độ vừa phải, vụ hè thu do mưa nhiều, thân lá phát triển mạnh thì trồng với khoảng cách hàng 80 cm, khoảng cách cây là 20-25 cm (80 x 20-25 cm). Còn vụ đông xuân trồng với khoảng cách 60 x 20 cm, tỉa cây khi được 10 ngày tuổi, để 1 cây/hốc, làm sạch cỏ để ruộng ngô luôn thông thoáng. Sử dụng những giống ngô lai sẽ có khả năng chống bệnh cao.

 

- Chăm sóc chu đáo, bón phân, tưới nước đầy đủ theo yêu cầu của cây ngô giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, có sức chống chịu với bệnh và hạn chế tác hại.

 

- Sử dụng thuốc trừ bệnh: Khi ruộng bị bệnh có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Anvil 5SC; Sumi-Eight 12.5; WPBayfidan 25EC hoặc 250EC; Bamper 250EC. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì, khi phun cần nâng cao cần để thuốc thấm hết hai mặt của lá và từ trên ngọn xuống và nên phun vào những buổi chiều mát. Trường hợp ruộng bị bệnh nặng thì sau khi phun thuốc cần tăng cường bổ sung phân bón và tưới đủ ẩm để ruộng ngô phục hồi nhanh.

 

 

Lê Minh






TIN TỨC KHÁC :