Nông nghiệp

Bị thương lái trong nước ép giá, nông dân chuyển sang trồng lúa cho Nhật kiếm lời

Ngày đăng: 2017-03-01 08:26:19


Tham gia trồng lúa Nhật, nông dân An Giang cho biết họ không phải lo lắng về đầu ra, trong khi thu nhập khá cao.

 

Lúa Nhật "hút" nông dân

Sản xuất lúa Nhật là mô hình nổi bật đang được các công ty Nhật Bản liên kết với nông dân An Giang để triển khai. Các loại giống như: Hana, Akita, KZ4... sẽ được các công ty Nhật mang sang giao cho nông dân An Giang trồng. Trong thời gian khoảng 85-90 ngày kết thúc mùa vụ, người dân An Giang sẽ thu hoạch và rao bán lại cho công ty Nhật Bản.

Là một trong những nông dân tham gia mô hình này, anh Nguyễn Văn Triếu (Khóm Đông Thịnh 9, Mỹ Phước, Long Xuyên, An Giang) chia sẻ: Ở Mỹ Phước hầu như mọi người đều trồng lúa bán cho các công ty Nhật. Mô hình này đã được người dân triển khai rầm rộ trong 2 năm gần đây. Theo anh Triếu, việc liên kết với các công ty Nhật Bản dù mới nhưng người dân nơi đây rất yên tâm vì họ có đầu ra ổn định mà lời lãi lại cao.

 

Anh Nguyễn Văn Triếu - Ảnh: TN

Anh cho biết giống lúa Nhật có năng suất cao từ 5-6 tấn/ha, cá biệt vụ đông xuân có thể lên 7 tấn/ha. Giá lúa bán cho công ty là 6.000-6.600 đồng/kg lúa tươi, khoảng 7.000 đồng/kg lúa khô. Như vậy trồng 1ha lúa Nhật có thể được lãi khoảng gần 40 triệu đồng. Đối với những người nông dân thì đây là mức lãi tương đối lớn.

Theo anh Triếu, hợp đồng liên kết với các công ty Nhật sẽ được tập trung cao điểm vào vụ đông xuân. Nhiều nông dân tham gia mô hình này cho biết trong vụ đông xuân vừa qua đã có công ty Nhật ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân với giá 6.600 đồng/kg. Mặc dù có lúc giá lúa giảm nhưng công ty vẫn mua theo đúng hợp đồng đã ký.

Bác Nguyễn Văn Hiệp (Long Xuyên, An Giang) cũng cho biết gia đình bác mùa vụ vừa rồi cũng thu hoạch được sản lượng 6 tấn lúa Nhật với giá 6.600 đồng/kg. Giá mà các công ty Nhật đặt ra thường cao hơn so với giá bên ngoài thị trường 1.000 đồng/kg. Trong đó, trừ đi tất cả các chi phí chăm bón, bơm nước... khoảng 2,5 - 3 triệu đồng.

"Không chỉ riêng gia đình tôi, làm lúa Nhật lời cao nên rất nhiều gia đình khác trong khu vực cũng tham gia làm với diện tích lớn để thu hoạch được sản lượng cao. Đây là một xu thế trong những năm gần đây của khu vực", bác Hiệp nói

 

Bác Nguyễn Văn Hiệp - Ảnh: TN

Giống lúa Nhật thường có nhiều ưu điểm như ít nhiễm phèn, tương đối thích ứng với thổ nhưỡng nhiều vùng miền, ít nhiễm sâu bệnh nên nông dân ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhờ đó chi phí trồng lúa cũng thấp hơn. Do vậy, bà con nông dân ưa chuộng hơn.

Trong khi đó, GS Võ Tòng Xuân cho rằng lợi nhuận từ việc trồng lúa Nhật đã quá rõ. Nông dân cũng không quá khó để làm theo đúng quy trình của người Nhật. Tuy nhiên, GS cũng khuyến cáo việc nhiều doanh nghiệp tranh nhau mua cho bằng được lúa Nhật để chế biến xuất khẩu nhưng không vì thế mà nông dân trồng đại trà trên diện rộng. Bởi hiện tại, thị trường tiêu thụ loại lúa này không lớn, chủ yếu do công ty Nhật làm theo nhu cầu của họ

Thương lái ép giá "không thương tiếc"

Theo bác Nguyễn Văn Tài (Long Xuyên, An Giang), trước khi liên kết với các công ty Nhật Bản, người dân khu vực thường phải trồng lúa để bán cho các thương lái. Tuy nhiên, việc buôn bán kiểu này lại rất bấp bênh, trôi nổi, thậm chí nhiều mùa vụ có người còn không có đồng lãi nào khi bị các thương lái ép giá quá.

 

Bác Nguyễn Văn Tài - Ảnh: TN

Bác Tài cho biết, giá lúa thường sẽ thấp hơn lúa Nhật khoảng 2.000 đồng. Có năm giá lúa thường ở mức 4.500 đồng/kg, có năm thì thấp hơn. Nếu vào thời điểm mưa bão, lúa bị quật đổ thì các thương lái sẽ càng có cơ hội trả thấp.

"Họ tận dụng trả thấp nhất có thể. Lúc được giá hẹn qua lấy thì lừng chừng, hẹn hết lần này qua lần khác, có lúc còn bể kèo tụi tôi, số lần bể kèo thì tương đối lớn.

Thậm chí, có lúc họ vẫn thu mua lúa cho nông dân, nhưng tìm cách hạn chế bớt thiệt hại bằng cách thương lượng với nông dân để giảm giá thu mua. Nếu sự thương lượng không có kết quả thì có thể tìm cách trì hoãn thời gian thu mua. Người nông dân do không thể để lúa lâu sau khi thu hoạch, không có khả năng phơi sấy và dự trữ nên buộc phải bán cho thương lái với mức giá họ đưa ra", bác Tài than phiền.

Dù biết làm ăn với thương lái rủi ro sẽ cao, nhưng mỗi mùa vụ, anh Triếu vẫn phân các loại lúa trồng. Trong 2 năm gần đây, anh phân ra trồng 1 giống lúa Nhật, 1 giống lúa thường. Vì nếu công ty Nhật không đặt hàng thì anh phải chuyển qua trồng lúa thường và bán cho thương lái. Vụ hè thu thì lời ít hơn vì đa số sẽ bán cho thương lái.

Theo các chuyên gia đầu ngành, thương lái dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL, nhưng do đặc thù giao thương mua bán giữa thương lái và nông dân chỉ là cam kết miệng nên có thể dẫn đến rủi ro kinh tế cho người nông dân bất cứ lúc nào.

Để tránh những rủi ro trên, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên ký kết trực tiếp hợp đồng bao tiêu lúa gạo với nông dân. Bên cạnh đó, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã như một cánh tay nối dài giữa nông dân và doanh nghiệp. Khi đó, chuỗi giá trị lúa gạo sẽ được rút ngắn, thị trường sẽ ổn định hơn, lợi nhuận được thu về cho nông dân một cách chính đáng.

"Thúc" doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo

Hiện nay, để phát triển thị trường lúa gạo bền vững cũng như tạo điều kiện cho các thương nhân xuất khẩu gạo, việc xây dựng vùng nguyên liệu được xem là yếu tố quan trọng nhất để liên kết nông dân và doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Sở Công Thương An Giang đã có văn bản gửi các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh thông báo kế hoạch triển khai lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo.

An Giang hiện là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện quy định về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo của thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.

Theo Sở Công Thương An Giang, để triển khai lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu lúa, gạo, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định về diện tích và lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo giai đoạn 2017-2020. Đồng thời tổ chức thu mua, tiêu thụ thóc, gạo sản xuất ra từ vùng nguyên liệu cho nông dân theo hợp đồng đã ký.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo từng mùa vụ sản xuất về diện tích vùng nguyên liệu của doanh nghiệp và diện tích đã ký hợp đồng với nông dân, nêu những thuận lợi, khó khăn, đề xuất, kiến nghị đối với những trường hợp doanh nghiệp tự liên kết sản xuất với nông dân.

Để sớm có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái định hướng sản xuất và chế biến theo nhu cầu thị trường, Sở Công Thương An Giang đề nghị các doanh nghiệp gửi thông tin đăng ký về "Nhu cầu vùng nguyên liệu của doanh nghiệp" cùng Bảng tổng năng lực sản xuất của các huyện thị, thành phố để Sở Công Thương có thể bố trí lịch làm việc cụ thể với các công ty, địa phương và hợp tác xã trong tháng 2.2017.


Theo Tuyến Nhung / Một thế giới





TIN TỨC KHÁC :