Nông nghiệp

Diện tích cây trồng biến đổi gen tăng 110 lần có thực sự là điều đáng lo ngại?

Ngày đăng: 2017-06-30 07:19:22


Tác động thực sự của GMO vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động vì môi trường.

Một báo cáo chính thức mới đây cho thấy kể từ khi lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, sau 20 năm diện tích cây trồng biến đổi gen (GMO) tăng tới 110 lần đạt 185,1 triệu ha. Theo báo cáo thường niên của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) cho biết xu hướng này đang ngày càng lan rộng khi có khoảng 26 quốc gia trồng cây trồng biến đổi gen, trong đó có 19 quốc gia đang phát triển.

Ở châu Âu, diện tích trồng GMO của các nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia trong năm 2016 tăng 17% so với năm 2015 đạt 2,66 triệu ha.

Tuy nhiên, tác động thực sự của GMO vẫn là đề tài gây tranh cãi trong giới các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động vì môi trường.

Ông Yong Gao, chủ tịch tập đoàn cung cấp thuốc trừ sâu và hạt giống GMO Monsanto mới đây cho biết nhờ áp dụng công nghệ cây trồng biến đổi gen mà năng suất ngô của Mỹ tăng lên rất nhiều lần so với những năm 1940. Ngoài ra những công nghệ này còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí thuốc trừ sâu, thuộc diệt cỏ từ đó tăng thu nhập cho người nông dân.

Thế nhưng, nghiên cứu từ Viện Khoa học quốc gia Mỹ năm 2016 hé lộ trong thực tế nhiều đặc tính ưu thế vượt trội của GMO lại không được như mọi người kỳ vọng, đặc biệt là trong việc chống chọi với sâu bệnh, cỏ dại. Các nhà khoa học cho biết đã xuất hiện một số giống cỏ sinh vật gây hại đột biến do công nghệ nuôi, trồng biến đổi gen.

Cụ thể, các loại "siêu cỏ" có khả năng chống chịu với nhiều loại thuốc diệt cỏ thông thường đã lan rộng nhiều cánh đồng lớn khu vực Bắc Mỹ. Để giải quyết tình trạng trên nông dân phải sử dụng tới nhiều biện pháp mạnh như phun thuốc hóa học kịch độc DDT, và dùng súng phun lửa.

Thậm chí, một số loại côn trùng gây hại cũng đã phát triển khả năng kháng chất độc được cài cắm trên cây trồng biến đổi gen.

Được biết, một số loại cây trồng như ngô, đậu tương đã được biến đổi gen có khả năng chống chịu thuốc diệt cỏ glyphosate cho phép người nông dân thoải mái sử dụng loại thuốc này mà không lo cây trồng bị "chết". Tuy nhiên, hệ quả không mong muốn lại xảy ra khi một số loài cỏ như Palmers pigweed lại có khả năng sinh trưởng cao tới 2,1 mét và phát triển khả năng chống glyphosate giống như cây trồng GMO.

Một số giống ngô và bông GMO được phát triển khả năng tự tiêu diệt côn trùng khi chúng ăn phải nhờ độc tố Bt mà chúng tự sản sinh ra. Tuy nhiên, giống sâu bướm màu hồng chuyên phá hoại bông và ngũ cốc lại phát triển khả năng kháng Bt.

Các nhà khoa học kết luận những khu vực trồng GMO kháng côn trùng nhưng lại không tuân tủ các quy định và phương pháp kiểm soát đề kháng thì công trùng ở khu vực đó sẽ phát triển khả năng kháng lại những gen được cài cấy lên cây trồng để chống lại chúng.

Làn sóng chống GMO lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Nigeria, một nhóm liên minh xã hội dân sự hồi đầu tháng 6 đã tổ chức cuộc biểu tình tại Abuja yêu cầu chấm dứt kế hoạch đưa GMO vào trong sản xuất.

Còn tại Canada các nhóm hoạt động môi trường bày tỏ nỗi lo trước dự án nhân rộng cá hồi biến đổi gen. Họ cho rằng chính phủ nên xem xét kỹ lưỡng những rủi ro của dự án này.

Tuy nhiên, hồi giữa năm 2016, có tới 107 học giả đạt giải Nobel ký vào bức thư ngỏ kêu gọi tổ chức Greenpeace (Hoà bình xanh) thay đổi quan điểm phản đối thực phẩm biến đổi gen, đặc biệt là đối với giống lúa vàng (golden rice) và lý luận rằng các loại thực phẩm này có nhiều lợi thế như tăng cường vitamin A, giảm nguy cơ mù lòa và tử vong ở trẻ em ở các nước đang phát triển.

Các học giả cho rằng việc phản đối thực phẩm biến đổi gen là phản khoa học, gây ảnh hưởng tới dư luận.

Trước đó, Tổ chức Hòa bình xanh phản đối mạnh mẽ giống cây trồng biến đổi gen đặc biệt là giống lúa vàng và cho rằng chúng không an toàn đối với sức khỏe con người và động vật.


Theo Đức Quỳnh / Người đồng hành





TIN TỨC KHÁC :