Nông nghiệp

Đường lỏng tràn vào Việt Nam và những nguy cơ

Ngày đăng: 2018-03-14 07:19:33


Trước tình trạng doanh nghiệp mía đường trong nước đang giải quyết các vấn đề về đường tồn kho, giá giảm thì đường Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào đe dọa ngành đường trong nước. Điều đáng chú ý là đường lỏng làm từ bắp tràn vào kèm theo nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Hàng trăm ngàn tấn đường lỏng nhập về Việt Nam

Trong tình hình đường trong nước đang bị tồn kho, giá giảm thì doanh nghiệp tỏ ra lo ngại trước thực trạng hàng trăm ngàn tấn đường lỏng (HFCS - High Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng) chiết xuất từ bắp được nhập khẩu từ Trung Quốc với thuế 0% đang tràn vào Việt Nam mỗi năm. Ước tính cho thấy năm 2016, loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - cho rằng ở một số nước đã hạn chế sử dụng loại đường bắp này. Chính phủ Philippines đã cấm các hãng sản xuất nước ngọt sử dụng loại đường này do có nhiều tác hại.

Đường lỏng tràn vào Việt Nam và những nguy cơ - Ảnh 1.
 

Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP HCM có giá khoảng 9.000 - 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước tùy loại. Đáng nói là đường lỏng từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0%, trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu mức thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 85%. Độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1 - 1,3 lần so với đường trắng trong nước. Loại đường này nhập từ Trung Quốc, chủ yếu để sử dụng sản xuất bánh kẹo, nước ngọt.

Theo giới chuyên môn, có sự khác biệt giữa đường làm từ mía và đường làm từ bắp gọi là đường bắp cao phân tử (High Fructose Corn Syrup - HFCS). Bắp qua quá trình enzym hóa bằng hóa chất cho ra một hợp chất sinh học và hóa học có tên HFCS. Đây là loại đường dạng lỏng có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc.

Trước đây, do đường HFCS có giá bán về Việt Nam từ 900 - 1.000 USD/MT nên nếu cộng thêm thuế nhập khẩu thì không hiệu quả. Hiện nay, sản lượng bắp có số lượng tăng đột biến do công nghệ biến đổi gen nên giá bắp ngày càng rẻ. Dẫn đến, giá thành đường HFCS khá hấp dẫn cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng.

Đường bắp hiện đang được một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực sử dụng khá nhiều do giá rẻ, độ ngọt cao gấp nhiều lần đường mía. Điều này đã tác động khá mạnh đến việc tiêu thụ đường mía trong nước. Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường bắp. Chính điều này dẫn đến nguy cơ béo phì gia tăng.

HFCS làm tăng nguy cơ béo phì

Nhiều nghiên cứu cho thấy đường HFCS là một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp. HFCS có vị tương tự như đường nhưng có thể để được lâu hơn trong quá trình bảo quản thực phẩm. Theo chuyên gia quản trị chất lượng - Ths Vũ Thế Thành, HFCS không bổ béo cho cơ thể mà lại có nguy cơ làm tăng béo phì bởi HFCS làm từ bột bắp. Bột bắp được thủy giải hết cỡ thành glucose, sau đó chuyển hóa một phần thành đường fructose. Do đó, HFCS là loại sirô hỗn hợp gồm có đường glucose và fructose, có hàm lượng fructose 42%, 55% hoặc 90% tùy loại. Chuyên gia Thành cho biết, fructose trong trái cây dù sao cũng là dạng lành mạnh vì còn kết hợp với nhiều thành phần bổ dưỡng khác trong trái cây. Còn sirô HFCS thì khác, đường chỉ là đường. Ăn ngọt nhiều là điều chẳng nên vì đường này là thứ tạo calo rỗng, chẳng ích lợi gì mà có khi lại chuốc lấy rủi ro về sức khỏe, chủ yếu là tim mạch, tiểu đường type 2 và béo phì đang được báo động.

Thực tế, một số nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giữa đường HFCS (làm từ bột bắp) và đường thông thường (làm từ củ cải ngọt và mía) được chuyển hóa. Theo đó, đường HFCS làm tăng cân và tăng mỡ bụng nhanh hơn đường thông thường.

Theo một phân tích của chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, đường mía thông thường (sucrose) được hình thành từ 2 phân tử đường quyện chặt vào nhau, 1 glucose và 1 fructose với tỉ lệ đồng nhất. Các enzym tiêu hóa bẻ gãy liên kết đó, tức biến sucrose thành glucose và fructose, trước khi cơ thể hấp thụ. Trong khi đó, HFCS cũng chứa glucose và fructose nhưng không cùng tỉ lệ 50-50 như sucrose mà là 55-45, trong đó 55 là fructose và 45 là glucose. Trong HFCS, các phân tử glucose và fructose nằm chung với nhau, nhưng không có liên kết hóa học giữa chúng. Fructose ngọt hơn glucose. Fructose sẽ vào thẳng trong gan và hình thành chất béo.

Đây là lý do tại sao HFCS là nguyên nhân chính gây tổn thương gan và gây nên tình trạng mỡ trong gan mà nhiều người đang mắc phải. Glucose được hấp thụ vào máu nhanh chóng sẽ kích hoạt sản xuất số lượng lớn insulin - hormone lưu trữ chất béo chủ yếu ở cơ thể. Cả hai thuộc tính trên của HFCS đều dẫn tới tăng nhiễu loạn hấp thu khiến thèm ăn, tăng cân, tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư, suy giảm trí nhớ. Lượng fructose cao tạo ra lỗ thủng ở ruột, cho phép các sản phẩm phụ là vi khuẩn đường ruột độc hại và chất đạm từ thức ăn vừa được tiêu hóa một phần tiến thẳng vào máu, gây ra viêm nhiễm. Hóa chất sử dụng trong quá trình thủy phân bắp để tạo ra đường cũng có loại không an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, đường thuộc dạng lỏng sẽ khó bảo quản khi vận chuyển, lưu thông cũng như cất trữ, dễ nhiễm vi sinh vật. Nếu nhiệt độ không phù hợp cũng làm cho đường hỏng.

Với các phân tích trên, có thể thấy, HFCS vừa độc hại, vừa gây thất thoát doanh thu thuế cho nhà nước. Các quốc gia như Thái Lan, Philippines đánh thuế HFCS rất nặng, từ 25%-55% để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, tránh sử dụng loại hàng độc hại này. Đây là điều chúng ta cần suy nghĩ và có các biện pháp tự vệ chính thức đối với HFCS.


Theo Hà Anh / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :