Nông nghiệp

Gắn trách nhiệm trong cấp phép vật tư nông nghiệp

Ngày đăng: 2017-01-11 07:35:13


Trước đây, mọi loại vật tư nông nghiệp đều qua phê duyệt trực tiếp của lãnh đạo Bộ NN&PTNT mới được lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã có quyết định trao quyền thẩm định lại cho các đơn vị chức năng để quản lý vật tư nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT. Nguồn ảnh: Bộ Nội vụ
Ngày 28/12/2016, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định 5463/QĐ-BNN-PC bãi bỏ Thông tư số 20/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014 quy định một số nội dung về phân công và thẩm quyền quản lý vật tư nông nghiệp (Thông tư 20). Theo đó, Bộ NN&PTNT giao các tổng cục, cục quản lý chuyên ngành việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện quy trình kiểm tra nội bộ của đơn vị đối với việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp phép khảo nghiệm, đăng ký lưu hành, công nhận vật tư nông nghiệp, công nhận cơ sở đủ điều kiện khảo nghiệm (gọi chung là cấp phép).

Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT).

Xin bà cho biết Thông tư 20 được xây dựng nhằm mục đích gì?

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Năm 2013, số lượng vật tư nông nghiệp trên thị trường rất lớn với trên 30.000 sản phẩm, như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi… Trước thực trạng vật tư nông nghiệp rất nhiều và cần đưa các vật tư nông nghiệp vào kiểm soát chặt chẽ, để vật tư đưa vào thị trường thì sản phẩm bảo đảm chất lượng, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 20.

Theo đó, Bộ trưởng sẽ quyết định cấp phép vật tư nông nghiệp; giúp việc cho Bộ trưởng là tổ công tác, thực hiện kiểm duyệt hồ sơ khi các đơn vị chuyên ngành trình danh sách.

Sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư 20, cơ bản các vật tư nông nghiệp được sắp xếp chặt chẽ, số lượng vật tư nông nghiệp không tăng lên nhiều so với trước. Ngành cũng lựa chọn được những vật tư bảo đảm theo tiêu chuẩn quy chuẩn, bảo đảm chất lượng tương đương với các nước trong khu vực.

Trước đây, nhiều doanh nghiệp phản ánh quy định theo Thông tư 20 đã làm chậm quá trình cấp phép khảo nghiệm, công bố các sản phẩm mới của doanh nghiệp. Liệu đây có phải là một trong những lý do Thông tư này được dỡ bỏ để thay thế bằng Quyết định 5463 hiện nay?

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Sau hơn 2 năm thực hiện Thông tư 20, việc kiểm soát cấp phép lưu hành vật tư nông nghiệp của các đơn vị cơ bản đã đi vào nền nếp. Đã đến lúc Bộ phải trao quyền quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cho thủ trưởng các đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị sẽ phải trực tiếp sắp xếp lại các vật tư nông nghiệp của lĩnh vực mình phụ trách, ban hành quy trình kiểm soát nội bộ và triển khai việc tiếp nhận xử lý hồ sơ cấp phép.

Như vậy, Tổng cục trưởng, Cục trưởng các đơn vị chuyên ngành sẽ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Bộ trưởng trong hoạt động cấp phép khảo nghiệm, đăng ký lưu hành, công nhận vật tư nông nghiệp.

Về phản ánh của doanh nghiệp, xin nói là thực tế, Thông tư 20 chỉ là quy trình nội bộ của Bộ chứ không kéo dài thêm thời gian của doanh nghiệp. Vì tổ công tác chỉ sắp xếp hồ sơ để giúp Bộ trưởng xem xét. Doanh nghiệp với đơn vị chuyên ngành vẫn giao dịch bằng một cửa. Đến nay, việc thực hiện vẫn phải theo các văn bản chuyên ngành.

Tuy bãi bỏ Thông tư 20, nhưng Quyết định 5463 cũng nêu rõ định kỳ hằng quý hoặc đột xuất, các đơn vị phải báo cáo Bộ về tình hình cấp phép, bao gồm danh sách vật tư nông nghiệp được cấp phép, danh sách vật tư nông nghiệp không tiếp tục sản xuất, lưu hành hoặc sử dụng. Các đơn vị cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp phép; công bố công khai, kịp thời thông tin cấp phép trên trang điện tử của đơn vị.

Công bố thông tin sản phẩm được cấp phép sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng thanh kiểm tra; đồng thời giúp nông dân dễ dàng biết được những sản phẩm đang được lưu hành trên thị trường. Việc kiểm soát này cũng sẽ giúp tránh lượng vật tư nông nghiệp trên thị trường quá nhiều.

Tuy việc cấp phép về vật tư nông nghiệp đã được trao quyền về cho các đơn vị chức năng, nhưng cũng vẫn nhiều lo ngại về cơ chế “xin – cho” có thể nảy sinh khi thực hiện theo quy định mới này, quan điểm của bà như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Anh: Thực thế trong suốt thời gian thực hiện Thông tư 20, chúng tôi cũng có điều kiện thanh, kiểm tra nhiều đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp... Chúng tôi nhìn thấy rõ sự trưởng thành của các doanh nghiệp trong công tác pháp lý và bảo vệ quyền của mình.

Việc làm việc với đơn vị chức năng hầu hết qua hệ thống “một cửa”, có quy định thời gian, trình tự thủ tục làm hồ sơ rõ ràng nên khó có thể nói đơn vị chức năng nào có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để kiểm tra, giám sát việc cấp phép vật tư nông nghiệp, Bộ cũng giao Thanh tra Bộ cùng Vụ Pháp chế, Vụ Khoa học và Công nghệ định kỳ, đột xuất kiểm tra các đơn vị trong việc thực thi quản lý vật tư nông nghiệp. Doanh nghiệp có ý kiến phản hồi có thể liên hệ trực tiếp các đơn vị này để tiến hành kiểm tra các cơ quan cấp phép trực tiếp của Bộ.

Xin cảm ơn bà!


Theo Đỗ Hương / Báo chính phủ





TIN TỨC KHÁC :