Nông nghiệp

Giá gạo có thể tăng cao

Ngày đăng: 2017-11-14 07:52:00


Xuất khẩu gạo sang các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh khá thuận lợi trong khi, nguồn cung lúa gạo trong nước giảm mạnh do dịch bệnh, lũ lụt, mất mùa nên giá gạo thời gian tới có thể tăng khá mạnh.


hình ảnh minh họa

Gạo tăng giá ở nhiều địa phương

Tại miền Bắc, sản lượng lúa của nhiều địa phương đang giảm mạnh do dịch bệnh, lũ lụt, đẩy giá lúa gạo tăng chóng mặt. Chẳng hạn ở Hưng Yên, gạo chất lượng tầm trung như IR50404, khang dân, BC15... giá hiện đã lên tới 12 – 15.000 đồng/kg, tăng 800 - 1.000 đồng/kg so với giữa tháng 10. Riêng gạo chất lượng cao giống Bắc thơm 7 lên 15.000 đồng/kg.

Sản lượng lúa gạo năm nay ước giảm 40% so với mọi năm. Hiện tại, miền Bắc vừa thu hoạch xong vụ mùa, nên ngoại trừ các giống đặc sản tăng cao bất thường, còn lại giá gạo bình quân tăng khoảng 1.000 đ/kg. Tuy nhiên, nhiều khả năng sau Tết Nguyên đán, giá gạo tại phía Bắc sẽ lên mức cao hơn.

Tại ĐBSCL, giá gạo nguyên liệu xuất khẩu hiện tăng 100-400 đồng/kg so với giữa tháng 10. Tại các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp…nhiều loại lúa tươi hạt dài như: OM 2514, OM 2517, OM 4218, OM 6976... đang ở mức: 4.900-5.200 đồng/kg; lúa tươi Jasmine 85 (lúa thơm) 5.900-6.000 đồng/kg; lúa Nhật 6.700 đồng/kg; lúa tươi IR 50404: 4.800-5.000 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm khoảng 7.700 – 7.800 đ/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.500 – 7.600 đ/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn khoảng 8.600 – 8.700 đ/kg, gạo 15% tấm 8.350 – 8.450 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.100 – 8.200 đ/kg.

Nguồn cung giảm mạnh vì lũ lụt và sâu bệnh

Mặc dù chưa có thống kê chính xác, tuy nhiên đến thời điểm này, sản lượng lúa vụ mùa 2017 tại một số địa phương giảm rất mạnh, nhất là các tỉnh lúa chủ lực ở vùng ĐB Sông Hồng, trong đó có Nam Định vốn có diện tích lúa chất lượng cao rất lớn. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Nam Định, toàn tỉnh có 9.100 ha chắc chắn mất trắng và 8.000 ha mất từ 30 - 70% năng suất do bệnh lùn sọc đen; hơn 20.000 ha mất trắng do úng ngập. Như vậy, riêng Nam Định đã có khoảng trên 33.000 ha mất trắng, chiếm 50% trong tổng số diện tích 76.000 ha lúa toàn tỉnh. Bên cạnh đó, khoảng 45.000 ha lúa thu hoạch được nhưng đã bị ngâm nước do ngập lụt, đa phần lại phải thu hoạch non, khi lúa mới chớm đỏ đuôi để chạy lũ nên chất lượng gạo rất thấp.

Theo đánh giá sơ bộ của Cục Trồng trọt -Bộ Nông nghiệp & PTNT, đến thời điểm hiện tại năng suất lúa cả năm tại miền Bắc sẽ giảm khoảng 266.000 tấn, trong đó riêng vụ mùa 2017 giảm khoảng 133.000 tấn so với năm 2016, chủ yếu là do ảnh hưởng của ngập lụt và sâu bệnh, bên cạnh đó còn do giảm diện tích đất lúa trên phạm vi cả nước (chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác năm 2017 ước khoảng 60.000 ha).

Tại các tỉnh ĐBSCL tính đến ngày 19/10/2017, xuống giống vụ Hè Thu 2017 được 1,64 triệu ha/1,66 triệu ha diện tích kế hoạch, năng suất thu hoạch khoảng 5,5 tấn/ha; vụ Thu Đông xuống giống khoảng 800.000/810.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch khoảng 290.000 ha, năng suất 5,3-5,4 tấn/ha.

Sau khi thu hoạch xong vụ Hè Thu, nguồn cung lúa gạo trong nước đã xuống mức rất thấp, trong khi vụ Thu Đông 2017 mới thu hoạch khoảng 35%, do đó nguồn cung hạn hẹp sẽ đẩy giá lúa gạo tăng cao.

Xuất khấu tăng mạnh

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2017 đạt gần 5,1 triệu tấn, trị giá 2,29 tỷ USD, tăng 23,5% về lượng và tăng 23,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy so với mục tiêu đề ra là năm 2017 xuất khẩu gạo đạt 5,7 triệu tấn, thì chỉ còn 2 tháng cuối năm, xuất khẩu gạo có thể sẽ vượt mục tiêu.

Xuất khẩu gạo tăng nhờ sự tăng trưởng ở hàng loạt các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bangladesh, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại. Cụ thể, thị trường Malaysia đã ký được các hợp đồng tập trung 150.000 tấn; Bangladesh đã ký được các hợp đồng tập trung 250.000 tấn; với Philippines, 4 doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo. Gạo xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là gạo nếp, gạo trắng, gạo thơm và tấm; gạo 5% tấm xuất khẩu đi Bangladesh; gạo 25% tấm đi Philippines; gạo thơm đi châu Phi; gạo Japonica đi châu Úc...

Nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước vẫn tiếp tục tăng

Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhập khẩu khối lượng gạo lớn, do giá gạo nội địa ở mức cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Trung Quốc đã bắt đầu nhập khẩu gạo nếp trở lại, khiến hàng trăm nghìn tấn gạo nếp đang tồn kho của Việt Nam sẽ được giải phóng.

Philippines có khả năng tăng mạnh nhập khẩu gạo, do tồn kho trong nước đang ở mức thấp. Trong tháng 11/2017, Cơ quan Lương thực Philippines (NFA) có thể sẽ mở thầu nhập khẩu khoảng 250.000 tấn, có thể là 500.000 tấn và điều kiện mở thầu rộng rãi hơn, thay vì trước đây 1 gói thầu là 25.000 tấn gạo, thì sắp tới có thể xuống còn 10.000 tấn/gói, nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn, giá mua cũng sẽ tốt hơn, có lợi cho Philippines.

Theo Cơ quan thống kê Philippin (PSA), 9 tháng năm 2017, lượng tồn kho gạo của nước này đã giảm 20% xuống còn 1,42 triệu tấn, thấp hơn so với mức 1,78 triệu tấn của cùng kỳ năm trước và thấp hơn 30% so với mức 2,02 triệu tấn trong 8 tháng đầu năm 2017. Dự đoán là vậy, tuy nhiên đến nay vẫn chờ thông tin chính thức từ NFA, mặc dù họ đã cho tư nhân nhập khẩu gạo theo chương trình MAV.

Trong năm 2017 và gối đầu đến tháng 3/2018, Chính phủ Philippines dự kiến nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo theo 2 hình thức MAV và giao NFA mở thầu. MAV là chương trình nhập khẩu gạo theo cam kết của Chính phủ Philippines với WTO (cuối năm 2017 MAV sẽ chấm dứt), và hạn ngạch năm nay là 870.000 tấn, mua từ các nước Việt Nam, Thái Lan...

Từ tháng 8/2017, Philippines đã triển khai chương trình nhập khẩu gạo này, còn nhập theo hình thức mở thầu đến nay Philippines chỉ mới nhập 250.000 tấn, cộng với 870.000 tấn MAV, như vậy từ nay đến tháng 3/2018, Philippines sẽ phải mua thêm ít nhất 380.000 tấn gạo mới đủ lượng tiêu dùng trong năm 2017.

Bangladesh năm nay đã trở thành nhà nhập khẩu lớn, sau khi lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng, đã ký hợp đồng nhập khẩu 100.000 tấn gạo đồ với giá 455 USD/tấn, CIF. Tuy nhiên Bangladesh vẫn đang cần thêm gạo để dự trữ, hiện trong kho của Chính phủ chỉ còn 411.000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức bình thường là khoảng 1 triệu tấn.

Bộ Nông nghiệp Bangladesh dự báo sản lượng gạo trong mùa mưa (tháng 7-9) của nước này sẽ đạt 13,1 triệu tấn, thấp hơn khoảng 350.000 tấn so với năm ngoái. Vụ này chiếm khoảng 40% sản lượng cả năm.

Mặc dù triển vọng xuất khẩu gạo rất lớn, nhưng ngành gạo Việt Nam còn phải đối mặt với một số rủi ro khi diễn biến thời tiết phức tạp như bão lũ, thiên tai, hạn hán sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất trong nước.


Theo Thùy Linh / InfoNet





TIN TỨC KHÁC :