Nông nghiệp

Lão nông giàu sụ nhờ mô hình kinh tế tổng hợp

Ngày đăng: 2017-03-10 07:31:56


Với mô hình kinh tế tổng hợp: nuôi ong, gia cầm, trồng cây ăn quả và trồng rừng, gia đình lão nông ở Sơn La đã thu gần 200 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được Hội nông dân huyện Mai Sơn,  tỉnh Sơn La triển khai và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hội viên nông dân.

lao nong bong choc giau su nho mo hinh kinh te tong hop hinh 1
Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp: nuôi ong, gia cầm, trồng cây ăn quả và trồng rừng giúp gia đình ông Chính có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm (Ảnh minh họa)

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Phạm Xuân Chính ở xóm 1, tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót là 1 trong những điển hình.

Gần 70 tuổi, song ông Phạm Xuân Chính  ở xóm 1, tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La vẫn tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Trước đây, ông Chính đã từng tham gia công tác tại ngành giáo dục tỉnh Sơn La, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, thời điểm đó giao thông đi lại ở Sơn La khó khăn nên ông đã xin nghỉ công tác để cùng vợ phát triển kinh tế gia đình lo cho các con ăn học.

Sau khi trở về địa phương, tham gia sinh hoạt Hội nông dân thị trấn, cùng với sự hỗ trợ về vốn và kiến thức của Hội, trên diện tích 5 héc ta đất vườn đồi của gia đình, ông Chính đã trồng cây ăn quả, nuôi gia cầm thả vườn, nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình kinh tế điển hình trên địa bàn tỉnh, nhận thấy nuôi ong lấy mật là mô hình phù hợp với điều kiện của gia đình, ông đã bàn với vợ đầu tư phát triển kinh tế từ nuôi ong.

Năm 2012, ông Chính bắt đầu nuôi ong với 10 đàn, sau một năm phát triển, thấy nuôi ong chi phí đầu tư không cao, thu nhập khá ổn định, nên gia đình tiếp tục tăng đàn, đến nay đã có gần 50 đàn ong.

Với những kiến thức đúc rút qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân và các ngành tổ chức, qua sách báo và học hỏi từ kinh nghiệm của các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện, cùng với được chăm sóc bảo đảm quy trình kỹ thuật nên đàn ong của gia đình ông phát triển mạnh, mỗi năm cho thu hoạch từ 400 đến trên 500 kg mật ong; trên 1 tạ phấn hoa và sữa ong chúa, trừ chi phí thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ tập trung phát triển đàn ong, với ưu thế đất rộng, ông Chính đã kết hợp phát triển chăn nuôi các loại gia cầm như: gà, ngan, chim bồ câu và trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao như: na dai, nhãn ghép, bưởi diễn... Mô hình nuôi ong, gia cầm, trồng cây ăn quả không chỉ cho gia đình ông thu nhập từ 170 đến 200 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí, mà còn giúp bà con nông dân đến học tập, trao đổi kinh nghiệm  phát triển  để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: Mô hình của ông Chính đã phát huy được vai trò của người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào cây trồng vật nuôi, đa dạng các cây trồng, để thâm canh tăng năng suất, sau đó mới định hình 1 số cây chủ lực để chuyển thành hàng hóa thiết yếu cung cấp cho nhu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả, lợi ích cho gia đình và cho xã hội.

Ngoài việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế gia đình, ông Phạm Xuân Chính còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động, giúp đỡ, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên hội nông dân và bà con lối xóm. Gia đình ông đã được các cấp hội nông dân tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

 Với những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế, gia đình ông Phạm Xuân Chính có cuộc sống ngày một khá giả hơn và góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương./.


Theo Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc





TIN TỨC KHÁC :