Nông nghiệp

Lo sốt vó vì bệnh khảm lá sắn: Khẩn cấp tìm giống kháng bệnh

Ngày đăng: 2018-08-31 07:00:38


Tốc độ lây lan đáng sợ của dịch bệnh khảm lá đang khiến nhiều địa phương có diện tích trồng khoai sắn (mì) đứng ngồi không yên. Các đơn vị đang nỗ lực nghiên cứu giống kháng bệnh với mong muốn giải pháp này trở thành “thành trì” cuối cùng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cả nước.

 
 

Theo Cục BVTV, ngoài 10 tỉnh thành mới ghi nhận đã nhiễm bệnh, khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL cũng đang được đặt vào diện giám sát chặt chẽ.

Thiếu giống kháng bệnh

Ông Nguyễn Duy Ân - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho hay, thời gian đầu, bệnh phát triển ở Tây Ninh qua ký chủ là bọ phấn trắng. Về sau, nông dân vẫn dùng hom sắn có dấu hiệu ủ bệnh từ vụ trước để trồng cho vụ sau khiến bệnh càng lây lan nhanh.

lo sot vo vi benh kham la san: khan cap tim giong khang benh hinh anh 1

Nông dân các tỉnh Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Đồng Nai đang lo sốt vó vì bệnh khảm lá sắn hoành hành trên diện rộng, nguy cơ lây lan ra khắp nơi. Ảnh: N.V

Giống sắn KM49 được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo là ít nhiễm bệnh nhưng lại không đủ giống để cung cấp cho người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người mua cây sắn không rõ nguồn gốc từ nơi khác về bán cho người dân làm giống.

“Muốn đáp ứng được giống sạch bệnh phải có thời gian, kinh phí và cả vùng trồng sạch. Giống kháng bệnh đang trở thành khâu vướng ở nhiều địa phương” - ông Ân nói.

Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Thuận đề xuất, nên loại bỏ giống HL S11 (giống lây nhiễm nặng) ra khỏi danh mục cơ cấu giống để có cơ sở xử phạt. Không có nhiều giống kháng bệnh, nhiều nông dân đang phải mua giống không rõ nguồn gốc, cũng không biết địa chỉ nào tin cậy. Ngành chức năng cũng khó khuyến cáo nông dân.

Còn ông Đoàn Ngọc Toản - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết tỉnh có diện tích trồng sắn khá lớn, khoảng 65.000ha, không thua kém gì các địa phương khác. Cạnh đó, tỉnh Đăk Lăk cũng có diện tích trồng khoảng 35.000ha. Tuy tỉnh Gia Lai chưa ghi nhận bệnh xuất hiện nhưng với tốc độ lây lan chóng mặt như hiện nay, nếu không có các biện pháp nghiêm ngặt thì nguy cơ bệnh khảm lá sẽ lây nhiễm cho cả vùng Tây Nguyên.

lo sot vo vi benh kham la san: khan cap tim giong khang benh hinh anh 2

Nông dân đang rất cần các giống sắn có khả năng kháng bệnh tốt, đặc biệt là bệnh khảm lá. Ảnh: Nguyên Vỹ

"Sắn nằm trong nhóm 10 cây chủ lực cần điều chỉnh tái cơ cấu. Lợi ích từ cây sắn không những gắn liền với nền kinh tế mà còn liên quan đến đời sống rất nhiều hộ nông dân. Tất cả các tỉnh thành, ít nhất từ đèo Hải Vân trở vào Nam không nên lơ là, chủ quan với dịch bệnh”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh

“Bộ NNPTNT, các cục trong ngành cần có giải pháp cụ thể hơn để hỗ trợ các địa phương chủ động đối phó. Kể cả xem xét các hệ lụy kéo theo khi phải công bố dịch nếu có lây nhiễm” - ông Toản nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Hỷ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc thì cho rằng, giải pháp lâu dài hơn là phải đảm bảo khâu giống. Hàng năm, yrung tâm này vẫn nghiên cứu, lai tạo đưa ra 6 - 8 dòng sắn mỗi năm. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, nguồn giống phải thỏa mãn nhiều tiêu chí như năng suất cao, tinh bột cao, kháng bệnh tốt thì không thể một sớm một chiều mà thành hiện thực.

Hiện Trung tâm Hưng Lộc - một trong những đơn vị được giao nghiên cứu giống sắn kháng bệnh vẫn đang khẩn trương kết hợp với các viện, trường đưa ra kế hoạch phòng trừ tổng hợp hỗ trợ các tỉnh.

“Diện tích trồng sắn cả nước khoảng 550.000ha; tập trung chủ yếu ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Bắc Trung Bộ và Trung du miền núi phía Bắc. Trong đó, Đông Nam Bộ là khu vực trọng tâm và Trung tâm giống Hưng Lộc là thành trì cuối cùng. Nếu nguồn giống từ trung tâm mà cũng nhiễm bệnh nặng thì nguy cơ khảm lá sắn sẽ lan ra cả nước” - ông Hỷ nhận định.

Không nên xem sắn là cây lương thực

Cũng theo ông Phan Văn Tấn, vấn đề cấp bách hiện nay là làm thế nào để giảm bớt thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, cây sắn có khả năng chống chịu tốt với điều kiện môi trường bất lợi, do vậy rất nhiều nông dân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang trồng  ở những vùng đồi núi, khô hạn. 

Hiện cây sắn được trồng để phục vụ công nghiệp chế biến cồn và tinh bột mì. Tuy nhiên, trong danh sách cây trồng, sắn vẫn là cây lương thực nên mức hỗ trợ rất thấp khi buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh. Ở chiều hướng ngược lại, giá sắn đang tăng cao, càng khó khuyến khích nông dân tự nguyện tiêu hủy vườn cây bị bệnh.

Ông Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, cũng cho rằng không nên xem sắn là cây lương thực nữa. Sắn có hàm lượng tinh bột cao, đã trở thành một trong những cây trồng tiềm năng phục vụ ngành công nghiệp sản xuất nhiên liệu sinh học. 

Trên thế giới, sắn đứng thứ 3 sau lúa và ngô về nguồn cung cấp hàm lượng carbonhydrate cao, và là nguồn nguyên liệu phục vụ các ngành công nghiệp chế biến cơ bản. Trong nước, cây sắn là nguồn nguyên liệu quan trọng sử dụng trong sản xuất tinh bột, thức ăn gia súc, bột ngọt và ethanol.

“Phải thống nhất nhìn nhận lại cây sắn và bệnh khảm lá thì mới đưa ra các kế hoạch đồng bộ, từ biện pháp sinh học tìm bộ giống kháng bệnh đến kiểm soát chuỗi, từ trồng, thu hoạch đến vận chuyển” - ông Lạng nói.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam đề xuất khoanh vùng các vùng bệnh, tỉnh chưa nào chưa bị phải tuyệt đối không để lây nhiễm. Các ngành chức năng lẫn doanh nghiệp sắn cũng phải vào cuộc. Ngoài ngân sách nhà nước, phải huy động cả ngân sách từ doanh nghiệp.

“Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm vào cuộc bảo vệ vùng nguyên liệu. Trong Hiệp hội, hiện đã có doanh nghiệp xung phong hỗ trợ nghiên cứu giống và xử lý bệnh” - ông Lạng cho hay.


Theo Nguyên Vỹ / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :