Nông nghiệp

Người dân trồng sả điêu đứng vì doanh nghiệp 'thất hứa'

Ngày đăng: 2017-11-06 07:23:39


Gần hai tháng qua, gần 500 tấn sả của người dân tại xã Long Trị A, TX Long Mỹ (Hậu Giang) phải chịu cảnh “treo đồng” vì đã quá hạn thu hoạch mà doanh nghiệp bao tiêu bỗng dưng “biến mất”. Điều này khiến hàng chục hộ dân trồng sả tại địa phương vô cùng hoang mang, người thì bỏ sả ngập úng tại ruộng, người thì ngậm ngùi chặt bỏ, gây tổn thất hàng trăm triệu đồng.

 

Ông Nguyễn Văn Y ở ấp 7, xã Long Trị A, TX Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cho biết, vào ngày 21/2/2017, ông và nhiều hộ dân tại địa phương có kí hợp đồng liên kết trồng sả với Công ty TNHH MTV DV Thiên Nhã, có địa chỉ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Các điều khoản trong hợp đồng nêu, công ty sẽ là đơn vị cung ứng cho nông dân sả giống đầu vụ với mức giá là 5 ngàn đồng/kg. Theo đó, nông dân sẽ trồng loại sả này trong thời gian 7 tháng sau đó công ty sẽ bao tiêu đầu ra với mức giá là 3,5 ngàn đồng/kg sả thương phẩm. Đồng thời trong thời gian trồng, nông dân sẽ được công ty đặt cọc 500 đồng/bụi sả với điều kiện, người trồng phải trồng đúng loại sả giống của công ty đã bán ban đầu thì mới được bao tiêu.

“Theo hợp đồng thì 7 tháng thu hoạch sả nhưng đến nay đã trễ nước lũ lên khiến hơn 2.000 bụi sả của tôi chết rất nhiều, tôi phải đặt máy bơm nhưng thời gian cứ kéo dài lâu quá tôi đành chịu thua. Hiện tại sả càng ngày càng già, chất lượng sả cũng giảm đi nhiều. Mùa vụ sau tôi chuẩn bị trồng dưa hấu tết do đó không thể nào kéo dài thêm nữa nên tôi đành chặt bỏ, mấy chục triệu của tôi coi như mất trắng”, ông Y than thở.

Khi người dân bắt đầu trồng sả, ông Từ Thiện Ngoan – Giám đốc Công ty TNHH MTV DV Thiên Nhã thường xuyên lui tới khảo sát ruộng sả của người dân. Nhưng đến khi thu hoạch thì không thấy ông này đến nữa. Ông Y điện thoại liên hệ thì ông Ngoan cho biết, công ty đang khó khăn đầu ra, phải thuê kho lạnh trên TP Hồ Chí Minh nhiều chi phí nên chưa thể thu mua đúng thời hạn. Do đó, ông Y đã bàn với bà con trồng sả rằng sẽ giảm cho ông Ngoan 500 đồng/kg sả để ông có chi phí xoay sở. Nhưng sau đó ông Ngoan vẫn bặt tăm, điện thoại cũng không liên lạc được.

Ông Đỗ Văn Cư (ngụ xã Long Trị A, TX Long Mỹ) bức xúc nói: “Ban đầu chúng tôi tin tưởng lắm vì thấy ông Ngoan làm giấy tờ hợp đồng đàng hoàn và nói trong hợp đồng nếu ai làm sai thì phải bồi thường, rồi lo luôn giống sả chúng tôi chỉ có việc trồng và chăm sóc thôi. Khi còn khoảng một tháng trước ngày thu hoạch thì ông Ngoan hứa nhất định sẽ đốn sả nếu không thì sẽ bồi thường cho chúng tôi. Nhưng bắt đầu tới ngày thu hoạch thì tôi không liên lạc được với ông Ngoan nữa. Hiện 5.000 bụi sả của tôi bị hư phải chặt bỏ chất thành đống”.

Theo ông Cư, hợp đồng mà công ty TNHH MTV DV Thiên Nhã kí kết với người trồng sả quy định rất rõ trách nhiệm và quyền lợi của cả 2 bên. Hơn nữa, trong hợp đồng này còn có xác nhận chữ kí hợp lệ của địa phương nên làm cho người dân an tâm sản xuất.

Ông Cư phải chặt bỏ sả vì quá lứa. Ảnh: Kim Hà.

Ông Cư phải chặt bỏ sả vì quá lứa. Ảnh: Kim Hà.

Giải thích về vấn đề không thu hoạch sả đúng thời hạn như đã kí kết trong hợp đồng, ông Từ Thiện Ngoan – Giám đốc Công ty TNHH MTV DV Thiên Nhã nói: “Do tình hình thị trường đang biến động, các đối tác thu mua đang tạm ngưng nên tôi đang tìm đối tác khác để hợp tác. Trong hợp đồng giữa tôi với và con thì có tổn thất gì thì tôi sẽ đền bù cho bà con chứ không phải tôi bỏ ngang. Tôi cũng đã có văn bản gửi đến bà con, mong bà con cho tôi thời gian để tôi thu xếp trong vòng tháng 12 này tôi sẽ đến thu mua sả”.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lê Văn Sol - Chủ tịch UBND xã Long Trị A nói, hợp đồng trồng sả của người dân là mang tính tự phát với danh nghĩa công ty này nọ, rồi đến ủy ban xã xin xác nhận. Tôi cũng đã khuyến cáo bà con là từ trước tới giờ tôi không khuyến khích kêu gọi cơ quan, doanh nghiệp nào đầu tư chuyện này. Nhưng người dân rất tự tin làm, bây giờ dân làm không lẽ địa phương không hỗ trợ.

 

Ở xã Long trị A có 30 nông dân hợp đồng với công ty với diện tích 30 ha, ghi nhận của phóng viên vào ngày 4/11, 10ha sả của người dân ở đây phải chặt bỏ chất thành đống chuẩn bị ủ phân do sả đã quá lứa thu hoạch và không thể neo trồng tiếp tục được. Hơn nữa, người dân cho biết, với tổng diện tích trồng là 30ha thì số lượng sả thu hoạch lên đến gần 500 tấn nên khó có thể tìm ra nơi tiêu thụ trong thời gian ngắn được.


Theo Kim Hà / Tiền phong





TIN TỨC KHÁC :