Nông nghiệp

Nhiều bất cập trong quản lý giống cây trồng

Ngày đăng: 2017-06-28 07:31:55


Ngày 27/6, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về quản lý giống cây trồng” và giới thiệu cẩm nang “Hạt giống cho mọi người”. 

 
Hiện lượng giống lúa cơ bản sản xuất được trong nước đáp ứng trên 80% nhu cầu Ảnh: Internet.

 

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cả nước có 652 tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng được các tỉnh, TP cấp mã số. Trong đó có 298 công ty giống, 79 trung tâm giống, còn lại là các hộ tư nhân, tổ hợp tác, HTX… Về công nhận giống cây trồng, Danh mục giống cây trồng nông nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam gồm 834 giống, trong đó một số giống cây chủ lực gồm 344 giống lúa, 146 giống ngô, 25 giống lạc…

Hiện lượng giống lúa cơ bản sản xuất được trong nước đáp ứng trên 80%, số còn lại nhập từ nước ngoài. Giống ngô sản xuất tại trong nước mới đáp ứng được 40%, các loại giống cây trồng khác như cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp chủ yếu là sản xuất trong nước. Các loại giống rau, hoa chủ yếu sản xuất ở trong nước theo phương pháp truyền thống và hiện nay được nhập khẩu vào sản xuất ngày càng nhiều với chủng loại phong phú.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thời gian qua được thành lập theo quy định hiện hành, hoạt động bình đẳng, không phân biệt giữa doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay FDI. Vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất, nghiên cứu và phát triển giống mới ngày càng tăng. Trong số giống lúa được công nhận, có 61% giống do doanh nghiệp và các trung tâm giống nghiên cứu chọn tạo; 19/26 giống ngô được công nhận do doanh nghiệp chọn tạo…

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, thời gian qua, ngành giống cây trồng Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, chọn tạo thành công được nhiều giống tốt đưa vào sản xuất. Trong đó, đã có nhiều giống cây trồng cho năng suất cao như: lúa, cà phê,… Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất giống cây trồng ngày càng tăng, công tác lai tạo giống cây trồng cũng được Chính phủ quan tâm ủng hộ.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành giống cây trồng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của toàn ngành nông nghiệp thì có 7 mặt hàng từ lĩnh vực trồng trọt là lúa, cà phê, điều, rau quả, cao su, sắn và hồ tiêu. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giống cây trồng hiện nay vẫn còn những hạn chế, bất cập nhất định, ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành. Đó là các quy định của Pháp lệnh giống cây trồng và văn bản hướng dẫn hiện nay chủ yếu công nhận giống cây trồng theo tiêu chí năng suất. 

Đối với các tiêu chí về chất lượng, chống chịu sâu bệnh thì chưa có tiêu chí cụ thể. Hơn nữa Pháp lệnh giống cây trồng năm 2004 mới chỉ quan tâm nhiều dến các loại giống cây lương thực và cây ngắn ngày, còn giông cây dài ngày chưa được quan tâm. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành không phản ánh đầy đủ các quy định và yêu cầu kỹ thuật về chất.

Nhân dịp này, nhóm WB đã giới thiệu sáng kiến “Cẩm nang hạt giống cho mọi người”. Cẩm nang là một hướng dẫn toàn diện hỗ trợ các nhà chính sách ở các nước đang phát triển xây dựng, điều chỉnh khuôn khổ pháp lý và thiết lập các ưu tiên có tính thực tế phù hợp với năng lực hiện tại về giống cây trồng.


Theo Xuân Thảo / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :