Nông nghiệp

Nông nghiệp Việt trước nguy cơ lệ thuộc nguồn giống nhập khẩu

Ngày đăng: 2017-09-23 07:42:57


Việt Nam được biết đến là quốc gia với nền kinh tế nông nghiệp chiếm phần lớn. Thế nhưng nghịch lý đáng buồn đó là mỗi năm phải đem hàng tỉ USD “đổi” lấy hạt giống. Ngay cả những giống cây chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất như cà chua, dưa chuột, đậu bắp... chúng ta vẫn phải nhập khẩu.

 

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết, Việt Nam đang phải nhập khẩu tới 80-95% do việc đầu tư kinh phí sản xuất các loại giống này rất lớn và phải có công nghệ cao. Chỉ tính riêng, năm 2016 Việt Nam đã nhập khẩu gần 150 nghìn tấn giống cây trồng, trong đó có hơn 7.000 tấn giống lúa, còn lại là các giống cỏ, ngô, rau, hoa và dưa hấu... Trung bình mỗi quý của năm 2017, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 4.800 tấn giống cây các loại, trong đó có gần 220 tấn giống lúa và chủ yếu là giống của Trung Quốc.

TP Hồ Chí Minh được biết đến là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thời gian qua, các cấp chính quyền thành phố đã không ngừng quan tâm đến việc đầu tư cho sản xuất các loại giống cây trồng, gần đây nhất vào giữa trung tuần tháng 9 này, hội thảo “Làm thế nào để thành phố trở thành trung tâm sản xuất giống vật nuôi và cây trồng của khu vực” đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, của những người gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp của cả nước.

Tại hội thảo, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho biết từ nhiều năm nay, công tác tạo điều kiện cho việc nghiên cứu sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức, mỗi năm nước ta cấp kinh phí cho nghiên cứu cơ bản về di truyền giống quá ít với số tiền ổn định 600 tỉ đồng/năm (50% chi để trả lương). Trong khi đó, các tập đoàn giống lớn trên thế giới chi cho nghiên cứu đến 1,6-1,7 tỉ USD/năm.

Vì thế, nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đi các nước phải trả tiền bản quyền giống do phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ của Thái Lan, Trung Quốc... Trong khi đó chúng ta lại phải quá lệ thuộc vào việc nhập khẩu các mặt hàng giống cây trồng của các nước, ước tính mỗi năm chúng ta phải chia nửa tỉ USD để nhập khẩu giống các loại, trong đó riêng giống rau nhập khoảng 70 triệu USD.

Là một người có thâm niên trong lĩnh vực nông nghiệp và cũng nặng duyên nợ với nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh, ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thành phố cho rằng so với các địa phương khác trong cả nước thì TP Hồ Chí Minh có nhiều điều kiện hơn để phát triển tốt về lĩnh vực nông nghiệp, nhất là có nhiều lợi thế để đưa thành phố trở thành trung tâm giống cây trồng lớn của khu vực phía Nam. Hiện nay, trên địa bàn của thành phố đông dân nhất nước này có hàng chục các trường đại học lớn, các viên nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực của nông nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp.

 

Việt Nam trước nguy cơ nhập khẩu giống cây trồng.

Việt Nam trước nguy cơ nhập khẩu giống cây trồng.

Trong 10 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tiềm lực khoa học công nghệ tại Trung tâm Công nghệ sinh học (quận 12) và Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (huyện Củ Chi). Trong lĩnh vực cung ứng giống cây trồng, trong suốt 10 năm, từ 2010-2016, các DN tại TP Hồ Chí Minh đã cung ứng hơn 81.000 tấn hạt giống các loại, tương ứng với 1 triệu ha đất gieo trồng mỗi năm cho thành phố và các tỉnh.

Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn đó là phần lớn các DN giống cây trồng của thành phố chỉ tập trung vào kinh doanh, nhập khẩu giống về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt; ít DN chịu trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới vì còn gặp nhiều rào cản. Nếu mà tính hết thì toàn thành phố có hơn 200 DN nghiên cứu - sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu giống cây trồng hoạt động. Thế nhưng, hầu hết DN này đều phải thuê đất ở các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và ĐBSCL làm tăng chi phí, thiếu cạnh tranh so với DN nước ngoài cùng ngành.

Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta phải ồ ạt nhập các loại giống cây trồng như các DN chọn tạo giống nước ngoài giàu tiềm lực về kinh tế và công nghệ, có thể tạo ra giống lai F1 chất lượng cao. Giống lai ngày càng chiếm ưu thế ở Việt Nam vì năng suất cao, có chất lượng đồng đều, phù hợp với công nghệ chế biến và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao.

Trong khi đó, ngành giống của nước ta còn nhiều hạn chế từ khâu chọn tạo giống mới đến mạng lưới sản xuất hạt giống, nhất là công nghiệp hạt giống còn yếu kém; chưa có chính sách đầu tư thỏa đáng cho công tác nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh chế biến, thương mại hạt giống nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tế. Cần thẳng thắn thừa nhận, chúng ta đang thiếu những cán bộ chọn tạo giống xuất sắc và cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp này còn rất hạn chế.

Trong suốt một thời gian dài, chúng ta chưa có cơ chế để đảm bảo cho cán bộ nghiên cứu giống có thể “sống khỏe” với công việc mình đang làm nên khó thu hút nhân tài vào lĩnh vực này. Thành ra, ngoài việc cố gắng tạo ra những giống cây như cam không hạt, vải thiều chín sớm…, các nhà chọn tạo giống còn phải chạy đôn chạy đáo làm thêm việc này việc nọ để kiếm sống. Thêm vào đó, chọn tạo và nhân giống ở nước ta mới chỉ ở mức manh mún, phân tán.

 

“Để xóa bỏ nghịch lý nước nông nghiệp nhưng ồ ạt nhập khẩu giống cây trồng, rất cần có cuộc cách mạng trong việc tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và thương mại hạt giống, gắn các viện nghiên cứu với DN; thành lập các bộ phận nghiên cứu trong công ty và các công ty trong các viện nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng, tức là có sự tham gia của người dân dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu...

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu đào tạo nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi về chọn tạo giống và sản xuất giống... Việc này rất khó nhưng vẫn phải làm. Chúng ta cũng cần xây dựng cơ chế để nhà khoa học chuyên tâm vào công việc của mình, họ phải được hưởng một tỷ lệ phần trăm lợi nhuận từ sản phẩm giống do họ tạo ra”, giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam nhấn mạnh.


Theo Hoàng Phạm / Công an nhân dân





TIN TỨC KHÁC :