Nông nghiệp

Rau quả tươi Việt Nam vẫn khó tiếp cận thị trường Nhật

Ngày đăng: 2017-06-01 10:00:53


Mặc dù Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 5 của Việt Nam, nhưng tới nay mới chỉ có 3 loại quả tươi của Việt Nam là chuối, thanh long và xoài có mặt tại đất nước này.


Chuối xuất khẩu của Việt Nam được bày bán tại một số siêu thị của Nhật Bản Xuất khẩu quả tươi sang Nhật Bản: Còn nhiều khó khăn

Xuất khẩu quả tươi sang Nhật Bản: Còn nhiều khó khăn

Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Nhật năm 2016 đạt 1,46 tỷ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Trong đó, thủy sản tăng 6,2%, đạt 1,1 tỷ USD; rau quả tăng 1,5%, đạt 75,1 triệu USD; cà phê tăng 19,7%, đạt 202,9 triệu USD…

Nhật là thị trường xuất khẩu nông sản, thủy sản đứng thứ 5 của Việt Nam (chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu), trong đó là thị trường đứng thứ 2 về rau quả, đứng thứ 3 về thủy sản. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho một số mặt hàng nông sản khác như điều, chè… nếu hàng hóa xuất khẩu bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.

Đặc biệt, việc thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) đã mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, mà các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan nhiều nhất từ VJEPA chính là các sản phẩm nông, thủy sản.

Tuy nhiên, Nhật Bản lại là thị trường yêu cầu cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đặt nhiều biện pháp cũng như hàng rào kỹ thuật đối với nông sản nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn chất lượng này được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của WTO, tức là không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và nhập khẩu.

“Việc đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Nhật là yêu cầu bắt buộc với mọi nhà nhập khẩu. Hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đáp ứng được nếu muốn thâm nhập vào thị trường này”, ông Khánh nhấn mạnh.

Các mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật phải chịu sự điều chỉnh về thuế nhập khẩu và các biện pháp vệ sinh kiểm dịch.

Đối với các mặt hàng rau quả đông lạnh, việc nhập khẩu chỉ cần có chứng nhận vệ sinh kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam và chịu sự kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên của cơ quan kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật, nên việc nhập khẩu không gặp khó khăn.

Trong khi đó, các mặt hàng rau quả tươi hầu như chưa thể thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản do nước này có những quy định rất chặt chẽ đối với nhập khẩu rau quả tươi với lý do “lo ngại sự lây lan dịch bệnh và sâu hại từ nước xuất khẩu”.

Hiện nay, Nhật chỉ cho phép nhập khẩu một số loại quả tươi có hạt của Việt Nam là chuối, xoài và thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) do đã đáp ứng được các yêu cầu trong Luật Kiểm dịch thực vật của Nhật.

“Đây chính là nỗ lực của Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT trong việc thúc đẩy tháo gỡ rào cản kỹ thuật về kiểm dịch đối với 3 loại trái cây này. Còn việc cho phép nhập khẩu các loại quả tươi khác vào Nhật Bản chỉ được Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp nước này xem xét đối với từng trường hợp, trên cơ sở đề nghị của phía nước ngoài thông qua một quy trình, thủ tục gồm nhiều bước, trong đó có cả việc sang kiểm tra, đánh giá tại nước xuất khẩu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.

 Xử lý trái cây xuất khẩu bằng công nghệ hơi nước nóng

Xử lý trái cây xuất khẩu bằng công nghệ hơi nước nóng

Phải xử lý được các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật

Để khuyến khích thương mại, Chính phủ Nhật Bản vẫn đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa xuất khẩu với các yêu cầu của phía nước bạn.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc triển khai cơ chế thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN đang là xu hướng chung trong các đàm phán FTA hiện nay, góp phần giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian xin cấp C/O, tạo thuận lợi trong hoạt động kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, không riêng gì mặt hàng rau quả.

Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông qua việc triển khai cấp giấy chứng nhận hàng hóa qua internet, nhằm tạo thuận lợi và tiết kiệm thời gian cho các danh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sơn, Phó Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế và kinh tế, tác động của việc cắt giảm thuế quan từ các hiệp định chỉ ở mức độ nhất định, trong khi những rào cản kỹ thuật đặt ra đang khiến cho hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn. Do đó, để giải quyết bài toán tiếp cận thị trường Nhật Bản, cần phải xử lý được các vấn đề về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp Việt Nam không sớm xử lý dứt điểm tình trạng nông, thủy sản xuất khẩu vi phạm Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật và xử lý nhanh việc kiểm dịch động, thực vật với nhiều loại trái cây tươi, thịt gia súc, gia cầm… thì những ưu đãi từ các FTA sẽ không tận dụng được.

Việt Nam đã mất 8 năm đàm phán để đưa được thanh long vào Nhật Bản và mất thêm 5 năm để đưa quả xoài đến “xứ sở Mặt trời mọc”. Chính vì thế mà các chuyên gia đều xem thị trường Nhật là “bài kiểm tra nghiêm khắc” cho chất lượng rau quả Việt Nam.

Khi nào chúng ta vượt qua được “bài kiểm tra nghiêm khắc” một cách nhẹ nhàng và dễ dàng thì khi đó xuất khẩu nông sản nói chung và rau quả nói riêng sẽ thực sự cất cánh.


Theo Phan Trang / Chính phủ





TIN TỨC KHÁC :