Nông nghiệp

Rau thối ngoài đồng: Chỉ 1 phần nhỏ, dân lãi nhiều rồi, rất phấn khởi

Ngày đăng: 2018-03-17 07:05:54


“Ở Tráng Việt nông dân cũng khẳng định sau 3 lứa trồng củ cải trung bình họ lãi 500 triệu đồng, cá biệt có hộ còn lãi cao hơn... Trường hợp phải đổ bỏ là do hàng xấu nên không thể bán được”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) khi nhắc đến chuyện các loại rau củ thời gian qua rớt giá mạnh, nhiều nơi người nông dân bỏ mặc rau thối trên ruộng hoặc đổ bỏ xuống sông.

Giá giảm theo quy luật

Ông Sơn cho biết, năm nay diện tích trồng cây vụ Đông chỉ đạt 400.000ha, trong đó diện tích rau của cả nước là 190.000ha, vượt 2.000ha so với năm 2016-2017. Diện tích vượt không lớn, tuy nhiên đây là vụ Đông hết sức thuận lợi về thời tiết nên năng suất rau vụ Đông năm nay tăng xấp xỉ 10%.

Lý giải việc tuần đầu tháng 3, giá rau bắt đầu giảm và đến tuần thứ 2 thì giảm sâu, theo ông Sơn, có 3 lý do chính.

Thứ nhất, theo quy luật đến cuối vụ Đông, đầu vụ Xuân, khi bắt đầu cấy lúa xuân, tất cả nông dân đều dọn vườn đối với vùng rau không chuyên canh (tức trồng 2 vụ lúa 1 vụ rau đông) để giải phóng ruộng, chuyển sang cấy lúa Xuân. Do đó, vào dịp này, giá rau củ sẽ giảm xuống, thậm chí có năm cà chua bỏ không trên ruộng dân không thu hoạch; hoặc su hào, bắp cải cũng có hiện tượng chặt vứt trên ruộng làm phân xanh. Chuyện này gần như thành quy luật, năm nào cũng xảy ra.

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, giá rau giảm là theo quy luật... lượng rau đổ bỏ chỉ chiếm một phần nhỏ
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, giá rau giảm là theo quy luật... lượng rau đổ bỏ chỉ chiếm một phần nhỏ

Thứ hai, tranh thủ giá cao nên ở lứa 2 của rau vụ Đông, một số hộ dân tranh thủ trồng rau vụ xuân. Thế nhưng, năm nay nông dân trồng từ tháng 12/2017, đến lúc thu hoạch lại trùng với lúc thu vét của rau vụ đông nên dồn ứ về sản lượng.

Thứ ba, thời tiết năm nay thuận lợi, nửa cuối tháng 2 và tháng 3 trời ấm nên một số rau xuân hè thuộc nhóm nhiệt đới như rau dền, rau muống, mùng tơi,... phát triển rất nhanh, đến đầu tháng 3 đã bán ra thị trường khá nhiều. Trong khi đó, người tiêu dùng một thời gian dài ăn các rau vụ đông ngấy ngán, tâm lý chung muốn đổi món mới nên chuyển sang ăn các rau xuân hè, thế nên số diện tích còn lại của rau vụ đông tiêu thụ chậm.

Tuy nhiên, theo báo cáo chiều 15/3 của một số Sở NN-PTNT trồng rau chính, diện tích lứa cuối rau vụ đông và lứa đầu rau vụ xuân còn nhiều nhất tại Hà Nội với 1.150ha, Hải Dương hơn 100ha, các vùng khác 10-15ha. Như vậy, lượng tồn rất thấp và có thể khẳng định, sản lượng gây ế thừa nghiêm trọng phải chặt bỏ không xảy ra.

Lãi 500 triệu đồng/3 lứa, rau đổ bỏ chỉ là hàng xấu

Theo ông Sơn, trồng rau năm qua được mùa, được giá nên suốt thời gian dài từ tháng 9/2017 đến hết tháng 1/2018, thậm chí đến giữa tháng 2, giá rau vẫn cao hơn các năm trước khoảng 15%.

“Chúng tôi đã trực tiếp hỏi thì nhiều nông dân thừa nhận họ đã có 1 năm rau vụ đông được giá, kéo rất dài, ổn định nên thu nhập rau vụ Đông tăng khoảng 20% so với các năm trước. Đến đầu 3/2018, tất cả nông dân trồng rau đều rất phấn khởi”, ông Sơn nói.

Ông dẫn chứng, với vùng trồng su hào và bắp cải, nông dân trồng 1 lứa có thể thu nhập 7-9 triệu đồng/sào Bắc bộ, tương đương 190-230 triệu đồng/ha và sau 2 lứa (45-60 ngày/lứa) nông dân lãi khoảng 250-300 triệu đồng, chi phí như năm nay lãi trên 55% so với giá trồng. Hay, ngay chính ở Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội), nông dân cũng khẳng định sau 3 lứa trồng củ cải trung bình họ lãi 500 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ lãi cao hơn.

Dù đang phải nhổ bỏ củ cải nhưng trước đó, người dân xã Tráng Việt đã lãi lớn nhờ năng suất cao, củ cải được giá
Dù đang phải nhổ bỏ củ cải nhưng trước đó, người dân xã Tráng Việt đã lãi lớn nhờ năng suất cao, củ cải được giá

Năm nay, qua báo cáo sơ bộ tổng kết từ các địa phương, Cục Trồng trọt cho hay, cây vụ Đông 2017-2018 mang lại thu nhập tăng thêm cho nông dân khoảng 3.000 tỷ đồng, tức lên xấp xỉ 30.000 tỷ đồng so với 27.000 tỷ của vụ Đông năm 2016-2017. Đáng chú ý, số tăng này phần lớn là từ cây rau.

Riêng ở Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội), ông Sơn nói thêm, vùng này có trên 90ha chuyên trồng củ cải, mỗi năm khoảng 5 lứa trong vòng 8 tháng thời tiết thuận lợi. Thu nhập rất cao nhờ trồng củ cải giống của Hàn Quốc, Nhật Bản. Với năng suất 80 tấn/ha, giá khoảng 6.000-8.000 đồng/kg như đầu vụ đông, tính ra cho doanh thu 500 triệu đồng/lứa. Nếu nhà nào thắng liên tục có thể thu về cả tỷ đồng.

Điều đáng nói, người dân trồng củ cải vùng này phần lớn đã có hợp đồng bao tiêu hết, chỉ có một số hộ chưa có.

Sau Tết, một số bếp ăn được ký hợp đồng cung ứng hoạt động trở lại chậm hoặc chưa quay lại nên mức độ tiêu thụ chậm theo. Hơn nữa, sau Tết thời tiết ấm khiến cây phát triển tốt và nhanh bị già. Do đó, một phần diện tích củ cải bị trổ hoa, trong bị xốp, cộng với giá giảm do thị trường tiêu thụ chậm,... nên không thể bán được, nông dân buộc phải nhổ bỏ .

Tương tự, vùng su hào của Hưng Yên còn khoảng 11ha hiện cũng gặp tình trạng tương tự. Su hào phải nhổ bỏ phần lớn là củ đã bị xơ hết bên trong nên không bán được, còn diện tích su hào non 2 ngày nay giá đã tăng trở lại, từ 1.000-1.200 đồng/củ.

Theo tính toán của nông dân ở Hải Dương, chi phí phân giống trồng 1 sào su hào hết 1 triệu đồng, nếu giá bán được 1.000 đồng/củ thì cũng được 2 triệu/sào (trồng 2.000 cây/sào), còn bán được 1.200 đồng và đang có xu hướng tăng lên 1.500 đồng thì nông dân vẫn có lãi.


Theo Bảo Hân / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :