Nông nghiệp

Tăng giá mạnh, lúa cấp thấp IR 50404 lập đỉnh cao

Ngày đăng: 2017-02-28 09:22:58


Bất chấp những nhận định xuất khẩu kém lạc quan được đưa ra hồi đầu năm nay, thị trường lúa gạo tại Đồng bằng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhất là ở phân khúc cấp thấp IR 50404 vẫn liên tục tăng mạnh và được các nhà kho ra sức “săn đón”. Hiện chủng loại lúa gạo này đã vượt lên mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay.

Nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi vượt lên mức 4.600-4.700 đồng/kg cách đây khoảng nửa tháng, hiện giá lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL tiếp tục tăng mạnh.

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Thành Hơn, một thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, cho biết lúa IR 50404 tươi hiện được thương lái mua tại ruộng với giá 4.900-5.000 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với cách nay nửa tháng và cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất ghi nhận được từ đầu năm đến nay.

Không chỉ ở thị trường nội địa, ngay cả giá lúa IR 50404 từ Campuchia về Việt Nam cũng vượt lên mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Hiện thương lái của Việt Nam sang các cửa khẩu tiếp giáp biên giới của quốc gia này (các cửa khẩu ở tỉnh Long An) thu mua với giá 4.700-4.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cách nay nửa tháng.

Đối với gạo nguyên liệu, theo ông Hơn, tại khu vực chuyên kinh doanh lúa gạo thuộc xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hiện gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 7.000-7.100 đồng/kg, tăng 350-400 đồng/kg so với với cách nay nửa tháng và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 400-500 đồng/kg.

“Giá gạo nguyên liệu tuy đang ở mức cao, nhưng sản phẩm ra được bao nhiêu, các nhà kho cũng thu mua hết bấy nhiêu”, ông Hơn nói.

Lý giải nguyên nhân giá lúa, gạo IR 50404 tăng mạnh trong thời điểm hiện nay, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho biết thứ nhất là do sản lượng lúa IR 50404 năm nay ít vì nông dân đã thay đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sang sản xuất lúa hạt dài (các giống OM như OM 5451, OM 6976, OM 4218...), lúa thơm và nếp; thứ hai, mùa vụ năm nay thu hoạch trễ, trong khi các hợp đồng xuất khẩu ký kết trước đó với tư nhân Philippines đang thực hiện.

Tuy không nắm chính xác số lượng hợp đồng xuất khẩu được ký kết với tư nhân Philippines, nhưng theo ông Tuấn, căn cứ vào việc Philipines cấp quota cho tư nhân mua gạo có xuất xứ từ Việt Nam là 293.000 tấn, thì có khả năng họ sẽ mua nhiều hơn "vì không loại trừ trường hợp họ nhập lậu nữa”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc thị trường phía Bắc đang “ăn” hàng mạnh trở lại trong thời gian gần đây cũng khiến giá lúa gạo thị trường nội địa ở ĐBSCL bật mạnh trở lại.

Về tình hình xuất khẩu, theo một nguồn tin riêng của TBKTSG Online, tính đến giữa tháng 2-2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 633.000 tấn, giảm 12,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả này, Việt Nam đang tạm đứng thứ ba sau Ấn Độ (1,37 triệu tấn) và Thái Lan (trên 1 triệu tấn) trong số 5 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới hiện nay, gồm Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ.


Theo Trung Chánh / TBKTSG





TIN TỨC KHÁC :