Nông nghiệp

Thắng lớn vụ đông xuân, nông dân Điện Bàn phấn khởi

Ngày đăng: 2018-05-16 07:18:11


Chưa bao giờ nông dân ở xứ Quảng nói chung và thị xã Điện Bàn nói riêng phấn khởi như vụ sản xuất đông xuân 2017 – 2018 này. Lý do là hầu hết các loại cây trồng đều được mùa, nhất là năng suất lúa tăng đáng kể, thậm chí có nơi tăng lên trên 10% so với vụ trước.

 
 

Năng suất lúa tăng hơn 10%

Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cho biết,  thời tiết đầu vụ đông xuân 2017 - 2018 có nhiều đợt không khí lạnh gây mưa vừa mưa to, nhiệt độ xuống thấp và kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ và sinh trưởng của các loại cây trồng, nhất là cây lúa. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay là vụ được mùa toàn diện, năng suất các loại cây trồng đều tăng so với cùng kỳ, thậm chí có nơi cây lúa được mùa cho năng suất tăng lên từ 10-15% so với vụ trước.

thang lon vu dong xuan, nong dan dien ban phan khoi hinh anh 1

Vụ đông xuân 2017 - 2018, lúa ở Điện Bàn được mùa, năng suất  đạt từ 75-80 tạ/ha, có diện tích đạt 100 tạ/ha. Ảnh:  Đoàn Hồng

"Nhìn chung, hơn 110ha ruộng đã được cải tạo, chỉnh trang đưa vào sản xuất ở các cánh đồng Đông Hòa, Đức Ký Bắc, Đức Ký Nam, La Trung… đều cho năng suất cao, bà con nông dân rất phấn khởi. Thời gian tới, xã Điện Thọ sẽ tiếp tục triển khai thực hiện thêm gần 100ha còn lại…”.

Ông Lê Hữu Ái

“Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân 2017 - 2018 của Điện Bàn 11.360,53ha, trong đó cây lương thực có hạt 6.607,95ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 41.578,78 tấn. Trong đó, cây lúa sản xuất với diện tích gần 5.600ha.  Năng suất lúa bình quân đạt 63 - 70 tạ/ha, cao hơn so với cùng kỳ năm trước 1- 2 tạ/ha, sản lượng ước đạt 35.165 tấn. Diện tích sản xuất giống 813,8ha, với năng suất lúa giống đạt 70 – 75 tạ/ha, có nơi năng suất đạt 80 tại/ha… Có thể nói, vụ đông xuân này bà con trồng lúa ở thị xã thắng lớn” – ông Chơi phấn khởi cho biết.

Những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của Điện Bàn hiện này là các xã Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Thắng Nam… “Đối với Điện Thọ, vụ đông xuân năm nay có diện tích sản xuất cây hoa màu 280ha, cây lúa 530ha,  chủ yếu tập trung ở những cánh đồng của thôn La Trung, Đông Hòa, Châu Lâu, Đắc Ký Nam, Đắc Ký Bắc, Phong Thử… Năm nay năng suất lúa tăng lên đáng kể, bình quân đạt 75 – 78 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với trước đây” – ông Lê Hữu Ái – Chủ tịch UBND xã Điện Thọ chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Kiệt trú thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ, phấn khởi nói: “Vụ vừa rồi gia đình tôi làm 10ha ở cánh đồng Đông Hòa. Cánh đồng này đã được cải tạo và chỉnh trang gần 2 năm nay. Nhà tôi sản xuất lúa giống cho các công ty giống như: Công ty CP Giống Điện Bàn; Công ty Giống Trung ương. Năm nay lúa giống tại cánh đồng này nói chung và của gia đình tôi nói riêng được mùa, năng suất khá cao, đạt 80 tạ/ha, có diện tích đạt 100 tạ/ha...”.

Hạ tầng nông nghiệp được đầu tư đồng bộ.

Theo ông Ái, nếu như trước đây tại các cánh đồng Đông Hòa, Châu Lâu, Đắc Ký Nam, Đắc Ký Bắc… chưa được cải tạo, chỉnh trang và dồn điền đổi thửa thì năng suất lúa khá thấp, chỉ đạt trên trên 60 tạ/ha. Tuy nhiên, sau khi cải tạo, chỉnh tran,g năng suất lúa đã tăng lên 70 tạ/hạ, bà con nông dân rất phấn khởi.

thang lon vu dong xuan, nong dan dien ban phan khoi hinh anh 2

“Với giá lúa dao động như hiện nay từ 6.000 – 6.500 đồng/kg, các công ty giống có hợp đồng liên kết sản xuất thu mua 1kg lúa tươi quy đổi bằng 1,2kg khô cho nông dân thì bình quân 1ha lúa cho thu nhập từ 55 - 57 triệu đồng/vụ, tăng hơn 5,5 triệu đồng so với vụ sản xuất năm trước…” – anh Nguyễn Văn Kiệt hồ hởi.

Các cánh đồng trước đây chưa cải tạo chỉnh trang thì ruộng lúa bậc thang, thiếu nước sản xuất, bờ  ruộng – số thửa nhiều, giao thông đi lại khó khăn... Nay ruộng đã được cải tạo và đưa vào sản xuất thuận lợi hơn trước rất nhiều. “Cụ thể như trước đây cánh đồng ở Đức Ký Bắc (diện tích 15ha) ruộng bậc thang, manh mún, đường giao thông nhỏ hẹp nên xe cơ giới vào sản xuất, vận chuyển phân bón… rất khó. Hiện nay, sau khi cải tạo và chỉnh trang, hệ thống đường giao thông đã được đầu tư hoàn chỉnh với 2 tuyến đường bê tông rộng rãi, kênh mương nội đồng cũng được bê tông hóa... Cánh đồng này trở nên bằng phẳng hơn, ruộng lúa tích nước tốt, giúp cho bà con nông dân sản xuất thuận lợi, năng suất từ đó cũng tăng lên rất nhiều...” – ông Ái nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi, nhờ tập trung đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nhất là giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng tốt nên việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã giúp cho bà con nông dân tiết kiệm được chi phí, thu nhập tăng lên. Riêng năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ đất lúa, thị xã đã hỗ trợ các địa phương đắp hơn 4km nền đường trục chính giao thông nội đồng,  đầu tư xây dựng 27,761km bê tông đường trực chính giao thông nội đồng, với tổng kinh phí 20,820 tỷ đồng, đầu tư 10,304km kênh mương...


Theo Đoàn Hồng – Trần Hậu / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :