Nông nghiệp

Thể chế ngành lúa gạo cần những thay đổi bước ngoặt

Ngày đăng: 2017-03-18 08:35:01


Tại buổi hội thảo "Thể chế trong chuỗi lúa gạo Việt Nam" được tổ chức ngày 17/3, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều thách thức mà ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt. 

Cần tăng thời gian sử dụng đất nông nghiệp, ví dụ như đất trồng lúa phải lên ít nhất 40 năm (2 thế hệ). Ảnh minh họa: Internet.

Sản xuất quy mô nhỏ

Theo TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do những đặc điểm riêng của mình. 

Trước hết, quy mô sản xuất lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung ở Việt Nam rất nhỏ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (2012), năm 2011 Việt Nam có 8,8 triệu hộ nông dân, trong đó 53% hộ nông dân có đất canh tác dưới 0,5 ha, và 30,4% số hộ có đất canh tác từ 0,5 đến dưới 2 ha. Riêng về trồng lúa, 85% hộ trồng lúa có diện tích sản xuất dưới 0,5ha.

Bên cạnh đó, sản xuất lúa gạo Việt Nam đang chú trọng về lượng, chưa chú trọng về chất, do đó năng suất lao động thấp. Chưa kể, các nhà sản xuất lúa gạo đang sử dụng quá nhiều loại giống khác nhau với chất lượng khác nhau. 

Ngoài ra, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam sử dụng rất nhiều phân bón và thuốc trừ sâu. Đồng thời, cường độ canh tác cao, từ 2 đến 3 vụ một năm, do đó nguy cơ suy thoái đất và ô nhiễm môi trường là rất lớn.

Với việc thu mua, theo TS. Đặng Quang Vinh, việc thu mua lúa gạo của thương lái có tính chất độc quyền và người nông dân gặp bất lợi trong thương lượng giá cả. Bên cạnh đó, giữa thương lái và nông dân còn có quan hệ tín dụng, trong đó nông dân phụ thuộc vào nguồn cung cấp vật tư nông nghiệp từ thương lái. Do đó, việc nông dân bị ép giá khi mặt bằng giá giảm và không được hưởng lợi từ giá lúa tăng là chuyện dễ hiểu.

Cũng theo TS. Đặng Quang Vinh, do những bất cập trong chính sách, cụ thể là những quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, hiện nay XK gạo tập trung chủ yếu vào các DNNN như Vinafood 1, Vinafood 2 và các DNNN cấp địa phương.

Nếu như trước đây khi Nghị định 109/2010/NĐ-CP chưa được ban hành thì cả nước có hơn 200 DN XK gạo, tuy nhiên hiện nay số lượng DN tham gia XK gạo khoảng hơn 100 đơn vị, mặc dù DN tư nhân ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường. 

TS Đặng Quang Vinh cũng nhấn mạnh, hiện nay chính sách, pháp luật liên quan đến chuỗi giá trị lúa gạo đang tác động đến năng suất và thu nhập của nông dân, đơn cử như việc phân mảnh đất đai và chính sách dồn điền, đổi thửa.

Bên cạnh quy mô nhỏ, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn gặp khó khăn do mức độ phân mảnh đất cao. Cụ thể, chính sách chia đều ruộng đất cả về số lượng và chất lượng khiến mỗi hộ gia đình có vài mảnh ruộng ở các vị trí khác nhau. Xuất phát từ mục đích tốt đẹp về công bằng và chia sẻ rủi ro, song chính sách này làm tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn cho cơ giới hóa nông nghiệp.

Cần tăng thời hạn sử dụng đất

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu thể chế cho chuỗi giá trị lúa gạo được thay đổi từ cách đây 10 năm thì lúa gạo Việt Nam đã không đến nỗi kém cạnh tranh như hiện nay. Nay đã đến lúc chúng ta phải thay đổi, như lời Thủ tướng Chính phủ nói, đó là giờ G đã tới, và sự thay đổi này không phải chỉ là một vài thay đổi nho nhỏ mà phải là những thay đổi mang tính bước ngoặt. 

Khuyến nghị về sự thay đổi này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, đối với chính sách đất đai cho trồng lúa, cần phải bỏ chế độ hạn điền như hiện nay, kể cả quy định riêng cho từng vùng, bởi trên thực tế những vùng ít đất, mật độ dân số cao lại đang có sự di dân quy mô ngày càng lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay quy định về thời hạn giao đất đối với đất nông nghiệp là 30 năm, tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, thời gian này mới chỉ kéo dài trong 1,5 thế hệ, vì thế cần tăng thời gian sử dụng đất nông nghiệp, như đất trồng lúa lên ít nhất 40 năm (2 thế hệ), đất trồng rừng và cây lâu năm lên 60-70 năm, đất mới khai phá lên 60-70 năm…

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng hiện nay Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đang được giao vai trò quá lớn, nắm vị thế độc quyền trong XK gạo, tạo rào cản cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN XK gạo trong Hiệp hội.

TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp và nông thôn (IPSARD) cho rằng cần cải tổ VFA theo hướng phải có đại diện đầy đủ các thành phần trong chuỗi sản xuất lúa gạo, bao gồm cả người sản xuất trực tiếp.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng, vì hiện nay các hiệp hội nói chung ở Việt Nam hầu như chỉ có DN, vì thế tốt nhất phải có thêm đại diện của người tiêu dùng trong hiệp hội này. 


Theo Hoài Anh / Báo hải quan





TIN TỨC KHÁC :