Nông nghiệp

Trung Quốc liệu có gia nhập Hiệp định TPP?

Ngày đăng: 2017-03-15 08:10:00


Giờ đây Trung Quốc đang hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc gia nhập Hiệp định TPP

Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều chuyên gia dự đoán TPP sẽ đi vào ngõ cụt bởi theo quy định TPP chỉ có thể có hiệu lực sau khi được phê chuẩn bởi 6 quốc gia chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 12 nước thành viên.

trung quoc lieu co gia nhap hiep dinh tpp hinh 1
 TPP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các dàn xếp thương mại tự do khác ở khu vực

Hiện Mỹ đã chiếm 60% GDP của TPP, vì vậy, Hiệp định này không thể thành hiện thực nếu như thiếu Mỹ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc gia nhập TPP thì câu trả lời sẽ hoàn toàn khác.

Vốn là một nước nằm ngoài cuộc chơi, nhưng giờ đây Trung Quốc lại đang hoàn toàn nắm quyền chủ động trong việc gia nhập TPP. Trước những lời mời gọi từ các nước thành viên như Australia, Singapore, New Zealand hay Peru, Trung Quốc cho rằng TPP là một trong những hiệp định thương mại tự do quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.

Trung Quốc giữ thái độ cởi mở đối với các quy tắc phù hợp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mong muốn TPP sẽ thúc đẩy các dàn xếp thương mại tự do khác ở khu vực, cùng đóng góp cho đầu tư thương mại và phát triển kinh tế của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng vấn đề chính là có gia nhập TPP hay không thì Trung Quốc vẫn chưa đưa ra câu trả lời cuối cùng.

Tại buổi họp báo được tổ chức chiều 13/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết, Trung Quốc cử Đặc phái viên phụ trách các vấn đề khu vực Mỹ La-tinh Ân Hằng (Yin Heng) dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị quan chức cao cấp về nhất thể hoá kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Liên minh Thái Bình Dương (Pacific Alliance) và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức vào ngày 14 và 15/3 tại Chile.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết, lập trường của Trung Quốc đối với TPP vẫn chưa thay đổi. Trong bối cảnh Hội nghị sắp diễn ra, cách trả lời của phía Trung Quốc cho thấy một thái độ không quá mặn mà của nước này dành cho TPP.

Một số câu hỏi được đặt ra như Trung Quốc sẽ có lợi gì khi tham gia TPP trong khi Trung Quốc đang đẩy mạnh một loạt những Hiệp định mà nước này đóng vai trò đầu tầu như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung Quốc-ASEAN hay Hiệp định thương mại tự do Trung – Nhật – Hàn. Liệu tham gia TPP có xung đột với những hiệp định mà Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy hay không và liệu Trung Quốc có muốn thu dọn “hậu quả” của Mỹ để lại hay không. Có thể thấy, chính phủ Trung Quốc chắc chắn đang cân nhắc một cách kỹ lưỡng những lợi ích và bất lợi đối với nước này nếu tham gia TPP.

Tuy nhiên, trái với thái độ có phần dè dặt của phía Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là cơ hội vàng để Trung Quốc thay thế vai trò của Mỹ, tăng cường ảnh hưởng tại khu vực.

Ông Jorge Heine – Đại sứ Chile tại Trung Quốc cho rằng, nếu Mỹ rũ bỏ vai trò quan trọng trong quá trình nhất thể hóa kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, có người sẽ đóng vai trò đó, có người sẽ khỏa lấp không gian đó, Trung Quốc là một ứng cử viên hoàn toàn thích hợp.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vương Huy Diệu – chuyên gia của Ủy ban Tư vấn thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc nói: "Chile, Australia và New Zealand đã mời Trung Quốc gia nhập TPP. Tôi cho rằng, lúc này là cơ hội tốt để Trung Quốc gia nhập TPP do TPP là một Hiệp định thương mại hoàn chỉnh liên quan đến thương mại, dịch vụ, đầu tư, những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng ở Trung Quốc".

Như vậy, có thể thấy điều kiện cần đã có sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi TPP, chỉ còn điều kiện đủ là Trung Quốc có muốn gia nhập TPP để lấp đầy khoảng trống về ảnh hưởng kinh tế và chính trị do Mỹ để lại ở Châu Á hay không, điều này giờ hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân Trung Quốc./.


Theo Hà Thắng-Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh





TIN TỨC KHÁC :