Nông nghiệp
Tự tin trên đồng quê (*): Biến rơm thành tiền
Việc làm của ông Nguyễn Văn Liệu được người dân ủng hộ, nó đã mở ra công việc mới, góp phần đem lại việc làm và thu nhập cho họ
Những năm trước, cứ đến mùa gặt, nhiều vùng quê ở miền Bắc thường mịt mù khói do phải đốt rơm rạ. Việc này làm ô nhiễm môi trường và nguy cơ gây tai nạn giao thông vì khói che khuất tầm nhìn của người đi đường. Từ khi ông Nguyễn Văn Liệu (58 tuổi, thương binh hạng 2/4; ngụ xã Tân Dân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) tổ chức thu gom rơm rạ, nhiều làng quê đã chấm dứt cảnh này.
Đói, đầu gối phải bò
Ông Liệu dẫn tôi ra trang trại của gia đình rộng chừng vài mẫu. Rít "bi" thuốc lào, ông ngả người nhả khói sảng khoái rồi kể cho tôi nghe về những năm tháng chiến đấu và bị thương ở chiến trường Campuchia. Xuất ngũ, ông về quê tham gia lao động.
Ông Nguyễn Văn Liệu tự tay chất những cuộn rơm vào kho
"Hồi ấy khó khăn lắm. Trợ cấp thương binh thấp, chẳng đủ sống nên tôi lao động cật lực, làm nhiều công việc khác nhau miễn có tiền mà không phạm pháp" - ông Liệu tâm sự.
Hệ thống chuồng bò của ông Nguyễn Văn Liệu được xây dựng rất quy mô
Nhấp ngụm trà, ông Liệu nhớ lại: "Những năm đầu còn sản xuất hợp tác xã, tính công điểm. Thấy không đủ sống, anh em tôi đi Lạng Sơn buôn sắn, vào Nam buôn gạo ra Bắc. Tôi còn đóng gạch, bán phân bón, mua xe công nông chạy dịch vụ. Ai thuê gì chạy nấy. Mãi sau này, tôi mới ra đây mua ruộng của dân, thuê ruộng công điền của xã để làm trang trại trồng cỏ, nuôi bò, thu gom rơm rạ. Đói thì đầu gối phải bò thôi".
Tích tụ dần, nay ông Liệu đã có 10 mẫu ruộng. Ông dành 3 mẫu cấy lúa, 5 mẫu trồng cỏ; còn lại đào ao cá, xây hệ thống chuồng nuôi bò với 25 ô chuồng, 2 kho chứa rơm, sân phơi…
Ông bảo: "Tính tổng tiền đầu tư đến giờ cũng hơn cả tỉ đồng. Nào là tiền mua ruộng, xây tường bao hết 150 triệu đồng, kè hơn 1 mẫu ao hết 250 triệu đồng, xây chuồng bò hết 135 triệu đồng, xây kho rơm 64 triệu đồng, đầu tư mua 1 máy gặt 360 triệu đồng, 1 máy cuốn rơm 350 triệu đồng, rồi mua hàng chục con bò… Tính ra cũng mất nhiều công sức, tiền bạc lắm. Tôi đầu tư dần chứ lấy tiền đâu mà làm một lúc. Cứ làm được phần nào, lấy lãi đó đầu tư xây dựng tiếp".
Khi được hỏi về việc kinh doanh rơm rạ, ông Liệu cười: "Ban đầu, tôi chỉ mục đích kiếm nguồn thức ăn cho bò thôi. Dù có 5 mẫu trồng cỏ và nguồn rơm từ 3 mẫu ruộng nhưng vẫn không đủ cho mấy chục con bò ăn nên tôi phải thuê lao động đi gom rơm. Việc này tốn kém lại không hiệu quả, đàn bò chỉ ăn được 6 tháng đã hết. Tôi còn trăn trở trước việc cứ vào mùa gặt, bà con lại đốt rơm rạ khiến làng trên xóm dưới mù mịt khói. Nhìn tiếc đứt ruột vì rơm rạ bị đốt rất lãng phí. Tôi nghĩ nếu gom được số rơm ấy sẽ có nguồn thức ăn cho bò, dư thì bán".
Một lần, vào internet, thấy ở tỉnh Đồng Tháp có loại máy chuyên cuốn rơm đóng thành cục to hết sức nhanh gọn, ông Liệu rất mừng. Nửa đêm, ông lên xe vào thẳng Đồng Tháp đặt mua máy ngay.
Năm 2016, chiếc máy cuốn rơm đã được ông Liệu vận chuyển về trang trại của mình. Đến vụ gặt, ông xin bà con số rơm rạ trên đồng cho máy cuốn. Đàn bò vài chục con từ đó chẳng bao giờ thiếu rơm ăn. Chỗ rơm nào cũ, tướp, mục, ông bán cho dân trồng rau màu. Số rơm mới dư ra, ông bán cho các trang trại chăn nuôi bò. Khách hàng mua rơm của ông từ những hộ dân trồng rau trong tỉnh nay đã có cả các doanh nghiệp ngành sữa và trang trại nuôi bò, trâu ở các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh...
Ông Liệu cho biết khách hàng có nhu cầu cao, nhiều khi ông không đáp ứng kịp. Mỗi năm bán 14.000-15.000 cục rơm, mỗi cục 18 kg, doanh thu hơn 200 triệu đồng, cùng các nguồn thu nhập chính từ sản xuất và nuôi bò nên ông rất an tâm dù chưa thật sự dư dả. Niềm vui lớn của ông là cơ bản chấm dứt được tình trạng đốt rơm xưa nay.
Việc làm của ông Liệu được người dân đồng tình ủng hộ. Nó đã mở ra một công việc mới, góp phần đem lại việc làm và thu nhập cho nông dân.
Khi được hỏi có kế hoạch để doanh thu đạt cao hơn không, ông Liệu cho biết: "Tôi đã làm việc cụ thể với bà con, thỏa thuận sẽ trả một số tiền nhất định cho họ. Họ vui vẻ đồng ý từ vụ sau sẽ để lại nguồn rơm cho tôi. Bà con vừa có lợi mà mình cũng chủ động ổn định nguồn rơm nuôi bò và bán. Còn số lượng bò, tôi chỉ duy trì như hiện nay là vừa sức".
Sống trách nhiệm, nghĩa tình
Chúng tôi đang trò chuyện thì 2 lao động từ ruộng đi về sân ngồi nghỉ uống nước. Hai người này gặt thuê cho ông Liệu ở những đám ruộng trũng, nhỏ hẹp mà máy gặt không xuống được.
Khi chúng tôi hỏi thăm về việc làm với ông Liệu, một người thán phục: "Nếu không phải tay anh Liệu thì chẳng ai làm được. Đặc biệt là việc thu gom rơm rạ của anh ấy. Trước đây chúng tôi có biết gì đâu, cứ thu hoạch xong là đốt rơm rạ thôi".
Nhiều người dân trong thôn kính trọng người thương binh này bởi ông sống mộc mạc, trách nhiệm và tình nghĩa. Với cương vị là chi hội trưởng chi hội nông dân của thôn, tổ trưởng tổ vay vốn, ông Liệu luôn tạo điều kiện cho hội viên được vay vốn. Đến khi đáo hạn, nếu ai chưa có tiền trả, ông sẵn lòng giúp để họ còn có cơ hội quay vòng vốn.
Những ai gặp khó khăn, ông Liệu giúp đỡ nhiệt tình như cho vay thóc, gạo, tiền vốn làm ăn. Nhiều hộ nghèo được ông giúp bằng cách gặt không lấy tiền công. Ông còn đầu tư 100 triệu đồng làm hẳn một con đường bê-tông trong làng mà những hộ dân ở đó không phải đóng góp đồng nào.
Kỳ tới: Đam mê tạo giống mới
Tử tế, chu đáo
Mô hình của ông Nguyễn Văn Liệu đã góp phần tạo việc làm cho 13 lao động. Người lao động được ông quan tâm, đối xử tử tế, chu đáo từ những việc nhỏ, như mua đường pha nước để họ uống. Có lúc, ông mua cả nước khoáng, bia đãi họ sau giờ làm việc vất vả. Người lao động được ông trả công sòng phẳng nên ai cũng phấn khởi.
Theo Nguyễn Việt Cường / Người lao động
TIN TỨC KHÁC :
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng Ớt Sừng Vàng Châu Phi
- Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống và trồng tre tàu lấy măng
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Sắn (khoai mì)
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc Su hào
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây hẹ (rau hẹ)
- Quy trình kỹ thuật trồng cây ớt sừng trâu
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cải xà lách xoong
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng Nấm mỡ
- Kỹ thuật trồng giống bí đỏ lai F1 - Gold star 998
- Quy trình kỹ thuật trồng cây cà chua Đen
- Hướng dẫn thiết kế xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo(Cẩm nang chăn nuôi heo - ...
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cào cào châu chấu
- Kỹ thuật thiết kế chuồng nuôi dê
- Quy trình kỹ thuật nuôi lợn thịt
- Nguyên liệu và cách chế biến thức ăn cho dê
- Kỹ thuật chăm sóc heo hậu bị và heo nái chữa
- Hướng dẫn phòng bệnh và trị các bệnh thường gặp trên dê nuôi
- Các biện pháp phòng trị những bệnh thường gặp ở heo(Cẩm nang chăn nuôi heo - ...
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi dế cơm cho năng suất cao
- Giới thiệu một số giống heo ngoại nhập khẩu vào Việt Nam
- Phương pháp phòng trừ bệnh cháy lá và chết ngọn
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng Táo tây
- Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khóm (cây dứa)
- Hướng dẫn trồng cây hoa Huệ Nhung ra hoa đúng tết
- Kỹ thuật Ươm trồng cây lộc vừng và chăm sóc cây lộc vừng
- Phương pháp xử lý mãng cầu xiêm ra hoa trái vụ
- Hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn trái
- Một số lưu ý khi trồng sầu riêng ruột đỏ
- Phòng trừ một số sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi
- Kỹ thuật trồng chuối đỏ
- Quy trình kỹ thuật nuôi lươn không bùn kiểu mới
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi ốc bươu đen
- Quy trình kỹ thuật nuôi cá Chạch Lấu sinh sản nhân tạo
- Kỹ thuật nuôi Cua đồng
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi rắn mùng đỏ
- Kỹ thuật nuôi Trăn
- Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá xiêm kiểng
- Kỹ thuật nuôi rắn Hổ Mang
- Giới thiệu các giống cá cảnh phổ biến hiện nay
- Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng
- Hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng cây Sachi (Sacha inchi)
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng hồ tiêu trên cây trụ sống
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng nhân sâm korea
- Kỹ Thuật gieo ươm cây keo lai
- Quy trình kỹ thuật trồng cây hà thủ ô đỏ
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Lan Kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) - Công dụng của ...
- Hướng dẫn cách trồng cây thổ phục linh
- Phòng trừ tuyến trùng hại cây cà phê
- Kỹ Thuật gieo ươm cây Xoan ta
- Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây Óc Chó và Công dụng cây Óc Chó