Nông nghiệp

Vườn rau diệu kỳ của mẹ

Ngày đăng: 2018-03-09 07:23:57


Mỗi lần nhìn mẹ chăm sóc rau, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: "Bàn tay ta làm ra tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Mấy năm trước, vợ chồng chúng tôi làm nhà ở khu dân cư mới mở, lau sậy mọc um tùm trên những nền đất vừa bơm cát bỏ hoang quanh nhà. Tôi cũng dành thời gian phát quang, nhưng làm không xuể vì sức khỏe yếu. Ngày qua ngày, nhà chúng tôi lọt thỏm giữa "rừng cỏ". Nhiều khi chúng tôi chẳng dám bước ra xung quanh bởi sợ rắn lục đuôi đỏ và những cây kim tiêm loang lổ máu tươi mà mấy kẻ nghiện ngập vứt lại.

Vừa từ Quảng Trị vào thăm con – rể hôm trước, hôm sau, mẹ vợ tôi đã bắt tay vào làm cỏ. Chỉ mấy ngày, xung quanh nhà tôi quang đãng hẳn lên. Một lần đi làm về giữa trưa nắng chói chang, tôi giật mình khi thấy mẹ đang dùng con dao nhọn cạy từng cục đất cứng rồi băm nhỏ. Tiếng dao chém vào đất sét chan chát như chém vào gạch. Thấy tôi ái ngại, mẹ cười bảo: "Phải trồng rau con ạ. Đất để hoang thế này phí quá. Yên tâm đi, ở Quảng Trị mẹ từng đào đất có khi chứa cả đạn nữa cơ mà. Các con công việc bận rộn, cứ để mẹ làm mẹ mới chịu được".

Mẹ tôi 70 tuổi. Bà bị vôi hóa cột sống, lưng đã còng xuống, dường như song song với mặt đất, nhấc từng bước nhọc nhằn. Bà thường nói lúc nào cũng cảm thấy như kim nhọn đâm sau lưng, nhờ làm việc mà quên đau, khỏe ra. Mỗi lần làm đất xong, người mẹ ướt đẫm mồ hôi như vừa dầm mưa. Mất cả tháng trời mẹ tôi mới làm được hai luống đất nhỏ, nắng lên màu đất bạc thếch, cứng như đá. Mẹ lại cặm cụi đi gom lá cây mục, vét bùn dưới con mương nhỏ phủ lên đất… và rắc hạt cải. Vào giữa mùa khô, cây cải nảy mầm yếu ớt. Mẹ lại đi chặt cây làm giàn che nắng cho rau, ngày nào cũng oằn lưng gánh nước tưới… Không phụ công chăm sóc của mẹ, hai luống rau cải lên xanh um, mát mắt. Bữa canh rau cải xanh đầu tiên khiến chúng tôi mát ruột, nhưng lòng cảm thấy mằn mặn khi nghĩ đến tấm lưng ướt đẫm mồ hôi của mẹ.

Dần dần, những mảnh đất đầy cỏ hoang quanh nhà tôi đã trở thành "vườn rau của mẹ". Tôi tính lướt qua cũng phải có đến hơn 10 loại rau xanh. Này là hàng bồ ngót xanh mướt mẹ thường nấu canh thịt bằm; này là những quả bầu luộc lên chấm chao ngọt lành; này là rau đay nấu canh cua theo kiểu ngoài Bắc; này là đậu rồng, đậu bắp, mồng tơi, bạc hà, rau dền… Chỉ cần mẹ xoay tua nấu nướng, nhà tôi không phải mua rau nữa, cũng đỡ tốn kém trong thời buổi rau cải sạch cũng đắt đỏ. Từ ngày chúng tôi có con, sáng sớm mẹ ra vườn ngắt lấy những lá rau tươi non còn ướt đẫm sương mai đem vào thái nhỏ trộn vào cháo nấu lên cho cháu ăn. Rau nhiều, nhà dùng không hết, nhưng mẹ chẳng bao giờ dùng tủ lạnh cất giữ. Bởi hằng ngày mẹ thường hái nhiều rau, dùng trong nhà một phần, còn lại biếu mấy nhà láng giềng.

Đứa cháu gia cảnh khó khăn ngoài miền Trung vào ở nhà tôi cũng được mẹ tôi giúp đỡ tiền sách vở, chi tiêu vặt cũng nhờ rau. Mẹ phát quang mấy con mương um tùm cỏ dại xung quanh nhà để trồng rau cần, giống rau phát triển rất mạnh. Rồi ngày nào mẹ cũng cắt độ 4-5 kg để sáng sớm hôm sau thằng cháu bỏ mối…

"Vườn rau của mẹ" càng mở rộng thì kim tiêm cũng hết bởi mẹ, sau khi phát quang, thường cặm cụi gom kim tiêm lại bỏ vào bọc dày chờ xe rác. Không còn nơi khuất kín, mấy kẻ nghiện ngập không còn bén mảng tới. Ngày ngày, mấy cháu nhỏ ra chơi, xem bà trồng rau hỏi chuyện líu lo…Theo mẹ tôi, mấy người hàng xóm cũng bắt đầu làm cỏ, trồng rau. Mẹ tôi còn đem tặng hạt giống, hướng dẫn tận tay cách gieo trồng, cách chăm sóc...

 

Mỗi lần nhìn mẹ chăm sóc rau, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông: "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Từ bàn tay chai sạn, xù xì của mẹ, chúng tôi không chỉ có rau xanh, mà còn cảm nhận thêm về giá trị lao động, cảm nhận thêm về sự chăm chút rất đỗi yêu thương của mẹ.


Theo Trần Đình Phượng / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :