Hướng dẫn kỹ Thuật trồng cam sành hạn chế bệnh Greening

Ngày đăng: 2016-01-17 05:05:44


Trước khi chuẩn bị đất trồng cần lưu ý, nếu vườn đã trồng cây có múi trước đây thì tất cả phải được loại bỏ hoàn toàn, kể cả bộ rễ

Hướng dẫn kỹ Thuật trồng cam sành hạn chế bệnh Greening

Từ nay người trồng cam sành yên tâm hơn vì có thêm biện pháp quản lý rủi ro. Đây là kết quả của một quá trình nghiên cứu kéo dài suốt 7 năm giữa Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) và đối tác Jircas (Nhật Bản). Trải qua nhiều thí nghiệm tìm cách quản lý bệnh vàng lá Greening, cuối cùng đã xây dựng quy trình quản lý với nhiều kỹ thuật mới được ứng dụng, PGS.TS Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Sofri cho biết như vậy.

Trước khi chuẩn bị đất trồng cần lưu ý, nếu vườn đã trồng cây có múi trước đây thì tất cả phải được loại bỏ hoàn toàn, kể cả bộ rễ. Nếu vẫn để lại bộ rễ, các chồi mới sẽ mọc lên và trở thành nguồn truyền bệnh. Nếu trước đó vườn trồng các loại cây khác thì cần loại bỏ cây ký chủ, các cây thuộc họ cây có múi. Đặc biệt là cây nguyệt quế ở trong và xung quanh vườn cần phải được loại bỏ bởi chúng sẽ trở thành nơi cư trú và nhân mật số của rầy chổng cánh (tác nhân gây bệnh). Sau khi loại bỏ hết cây ký chủ, tiến hành phun thuốc trừ sâu toàn vườn nhằm loại bỏ rầy triệt để khỏi vườn, có thể sử dụng Fenobucard, Cypermethrin….

Bước tiếp theo là làm mô và bón phân, theo cách trồng cũ thì khoảng cách là 2,5m hoặc ít hơn, khoảng cách này cho thấy thành công, tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy khoảng cách trồng lớn hơn 4 đến 5m có thể cho năng suất cao hơn. Kích thước mô bình thường rộng 60cm, cao 30cm, nếu mực thủy cấp trong vườn cao, mô phải lớn hơn, rộng 1m, cao 50cm. Thông thường phân được bón sau khi trồng, tuy nhiên, khuyến cáo mới là nên bón trước khi trồng. Ở ngay chính giữa các mô đào một hố rộng 30cm, sâu 30cm (với kích thước mô 60 x 30cm) hoặc 60 x 50cm cho kích thước mô lớn hơn, lượng phân (5kg phân hữu cơ + 0,5kg NPK + 0,5kg lân + 0,3-0,5kg calci) trộn với một lượng đất tương tự. Phân bò có thể thy phân hữu cơ thương mại, có thể tăng phân hữu cơ lên 10-20kg, còn lượng calci thay đỗi theo pH đất.

Vườn sau khi chuẩn bị xong cho nghỉ 1 tháng (không canh tác). Chọn mua cây giống ưu tín, chất lượng, tuyệt đối không mua cây giống nhân bằng cách chiêt cành, cây đem về tránh xa khu vực thuộc họ cây có múi. Cây giống không có biểu hiện bệnh vàng lá, không mang theo côn trùng, thân mập không cần tán lớn. Phun thuốc BVTV lưu dẫn trên cây trước khi trồng 10 ngày (Admire, Confidor, Actara, Dantotsu…). Khuyến cáo trồng cây giống từ tháng 10 đến tháng 12 hằng năm sẽ hạn chế thấp nhất nguy cơ tấn công của bệnh vàng lá (xuống giống thời điểm này có thể không cần xử lý thuốc trừ sâu cho cây giống) vì mật số rầy chổng cánh thấp từ tháng 10 đến tháng giêng, tăng các tháng còn lại, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7. Trước khi trồng cần cắt bỏ chóp rễ (rễ cái) giúp rễ phát triển chiều ngang, dùng que chống cột ngay phía dưới mắt ghép. Ngay khi trồng cây con cần cắt ngắn ở độ cao 50cm giúp chồi non phát triển, nếu không cắt có thể uốn cong ngay phía trên mắt ghép. Cây cần tưới đầy đủ ngay cả mùa mưa, nếu trồng mùa khô cần tưới 2 lần/ngày.

Khi cây trưởng thành cần tỉa cành tạo tán liên tục, chồi vượt cần loại bỏ hay uốn cong, loại bỏ chồi non mọc trên hay gần thân chính…Thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch hại sớm trên cây, kiểm soát rầy chổng cánh, phun thuốc mỗi tháng 1 lần khi mật số rầy chổng cánh tăng từ tháng 2 đến tháng 8. Ngoài ra theo khuyến cáo có thể trồng xen ổi vào vườn cam tăng khả năng phòng bệnh. Ổi được trồng trước trong vườn 6 tháng đến 1 năm, cây ổi càng lớn thì hiệu quả xua đuổi rầy càng cao (cần loại bỏ cây có múi cũ hoặc cây ký chủ trước đó). Cây có múi trồng vào khoảng giữa các cây ổi.

Báo khoa học phồ thông






TIN TỨC KHÁC :