Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long (phần 2)

Ngày đăng: 2018-05-25 06:45:45


Tiếp theo phần 1, Ban biên tập xin gửi đến Quý độc giả Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long (phần 2) với các khâu chăm sóc và xử lý ra hoa trái vụ.

Các tin liên quan:

 

7. Chăm sóc

a) Thiết kế hệ thống tưới nước

Việc chủ động tưới tiêu sẽ giúp cây thanh long sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuỳ theo điều kiện vườn, khả năng đầu tư mà có thể thiết kế một trong số các hệ thống tưới sau: Hệ thống tưới bằng máy bơm/mô-tơ; hệ thống tưới nhỏ giọt; hệ thống tưới phun sương.

b) Tưới nước

Mặc dù là cây chịu hạn nhưng trong điều kiện nắng hạn kéo dài mà không tưới nước, cây thanh long sẽ mất sức, sinh trưởng kém, giảm khả năng ra hoa, đậu quả và năng suất.

Trên các chân đất phèn như ở Long An và Tiền Giang, do mực nước ngầm cao, mùa mưa hầu như không cần tưới và mùa khô chỉ tưới với cường độ thấp, tùy theo ẩm độ và kết cấu của đất, 3 - 7 ngày tưới một lần. Hiện nay, vụ quả nghịch tạo ra từ việc thắp đèn thường rơi vào giai đoạn cuối mùa mưa, đầu mùa khô, cần phải chủ động nước tưới cho vườn để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Riêng ở Bình Thuận, giai đoạn tưới nước kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 dương lịch, nằm trong mùa khô nên việc lựa chọn địa điểm thiết lập vườn cần phải chú ý đến nguồn nước tưới.

c) Tủ gốc

Tủ gốc giúp cho cây giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, bổ sung chất hữu cơ cho đất và góp phần khắc phục được hiện tượng thiếu nước tưới cho vùng trồngthanh long, nhất là ở những vùng có mùa khô hạn kéo dài. Sử dụng rơm, mụn dừa, cỏ khô, bèo lục bình để tủ quanh gốc hoặc phủ trên toàn mặt liếp.

Cũng có thể kết hợp tiến hành tủ gốc cho thanh long ngay sau khi bón phân hữu cơ để tránh được sự phân huỷ nhanh lượng mùn trong phân dưới ánh nắng trực tiếp.

d) Tỉa cành, tạo tán

Sau trồng 2 - 3 tuần, khi cây đã ra nhiều chồi, tiến hành tỉa bỏ những chồi yếu, nhỏ, nhánh nảy ngang (nhánh tai chuột), chỉ để lại 2 - 3 chồi có bẹ to, khoẻ, cho leo lên giàn trụ để tạo tán sau này.

Uốn cành: Khi cành dài vượt khỏi đỉnh trụ khoảng 30 - 40 cm tiến hành uốn cành nằm xuống đỉnh trụ. Nên thực hiện vào lúc trưa nắng, khi đó cành mềm dễ uốn cong xuống, có thể dùng dây ni lông hoặc dây vải để buộc lại để tạo tán cây hình dù. Biện pháp này còn giúp cây mau ra chồi mới.

Tỉa cành: Từ năm thứ 2 trở đi, tiến hành tỉa nhẹ, đồng thời tạo tán và định hình cho cây, loại bỏ các cành đã cho quả, nằm khuất bên trong, đến cuối năm thứ 3 mỗi trụ để lại khoảng 100 cành.

Có 3 cách tỉa cành cho thanh long giai đoạn kinh doanh là tỉa đau, tỉa lựa và tỉa sửa cành.

Tỉa đau: Thực hiện sau đợt thu hoạch quả (trái) hoặc ngay trước đợt thu cuối cùng (khoảng tháng 8 hoặc đầu tháng 9). Tỉa bỏ 2/3 số cành già, cành ốm yếu và sâu bệnh nằm khuất bên trong tán, chỉ giữ lại những cành tốt (khoảng 60% tổng số cành trước khi tỉa). Dùng liềm hoặc dao chặt 3/4 chiều dài cành cần tỉa bỏ (cách gốc cành 30 cm). Tiếp đó, khi các tượt non đã nảy ra từ phần gốc cành giữ lại, chọn để lại 1 - 2 chồi mới, khỏe, mọc cách xa nhau, các chồi còn lại tỉa bỏ.

Ưu điểm: dễ thực hiện, nhanh, ít tốn kém thời gian và công lao động. Nhược điểm: sau nhiều năm các gốc cành chừa lại sau tỉa sẽ chồng lên nhau và làm cho bụi thanh long bị đôn cao lên.

Tỉa lựa: Thường xuyên kiểm tra vườn, tỉa bỏ các cành yếu, cành bị sâu bệnh bằng dao hoặc liềm để tập trung dinh dưỡng nuôi cành tơ và quả.

Ưu điểm: Tạo được khung tán cân đối, thông thoáng trụ, không bị đôn cao. Nhược điểm: tốn nhiều công lao động.

Tỉa sửa cành: Tỉa bỏ những cành mới ra, cành mọc lòa xòa chiếm lối đi trên các cành mẹ (cành sừng trâu) đã ra quả, chỉ để lại 1 - 2 cành con cách xa nhau và phân bố đều trên 1 cành mẹ để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cành nhánh có thể mọc lệch, tập trung về một bên, vì vậy thường xuyên sắp xếp lại cho đều về các hướng, đảm bảo thu nhận ánh sáng tốt trên toàn cây.

Thường xuyên kiểm tra sau các đợt thu quả, cắt ngắn các cành phát triển quá dài để không cho các trái ở đầu mút tiếp xúc với mặt đất (vết cắt cách mặt đất khoảng 40 cm).

e) Tỉa nụ, quả

Sau khi nhú 5 - 7 ngày, tiến hành tỉa bỏ các hoa dị dạng, bị sâu bệnh và tỉa bớt trên những cành có quá nhiều hoa, để lại những hoa phát triển tốt, mọc cách xa nhau.

5 - 7 ngày sau khi nở, tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1 - 2 quả phát triển tốt, không sâu bệnh. Nếu để quá nhiều quả trên cành, kích thước quả nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của thị trường.

f) Làm cỏ

Trên đất phèn, đất thường xuyên ẩm có rất nhiều loại cỏ và rất khó trị như cỏ tranh, cỏ ống, cỏ chỉ… Vì vậy muốn bớt cỏ và giảm bớt công chăm sóc về sau, trước khi lên vườn nên áp dụng biện pháp phòng trừ cỏ tổng hợp, vào mùa nắng phải cày bừa và phơi đất kỹ trước khi lên liếp trồng.

Thời gian đầu sau khi trồng thanh long có thể trồng xen cây ngắn ngày vừa tăng thu nhập vừa trừ được cỏ dại. Ngoài ra, cũng có thể kết hợp thuốc trừ cỏ với làm cỏ thủ công.

8. Xử lý ra hoa trái vụ

Thanh long là cây ngày dài, chỉ ra hoa trong điều kiện số giờ chiếu sáng trên 12 giờ/ngày, tập trung từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch (vụ thuận hay chính vụ). Từ tháng 9 đến tháng 3 dương lịch năm sau, số giờ chiếu sáng trong ngày ngắn, muốn thanh long ra hoa kết quả (nghịch vụ hoặc trái vụ), phải sử dụng ánh sáng đèn để thắp sáng vào ban đêm, điều khiển thời gian có quả theo ý muốn.

Chỉ thực hiện việc thắp đèn ở vườn cây trên 2 năm tuổi và chỉ nên áp dụng tối đa 2 lần chong đèn/trụ/năm, với số giờ thắp đèn/đêm là 8 - 10 giờ.

- Thời gian thắp đèn: Trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau, có thể tiến hành thắp đèn vào 1 trong 3 giai đoạn như sau:

+ Giai đoạn 1: Sau khi kết thúc vụ chính. Việc thắp đèn ở giai đoạn này khá thuận lợi do nhiệt độ ban đêm vẫn còn ở mức khá cao (25 - 260C), số đêm thắp/đợt khoảng 12 - 15 đêm, khoảng cách mắc giữa hai bóng đèn là 3 m.

+ Giai đoạn 2: Khoảng tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Đây là giai đoạn nhiệt độ ban đêm thường thấp nên số đèn cần nhiều hơn, khoảng cách mắc giữa hai bóng ngắn hơn (1,5 - 1,8 m)

+ Giai đoạn 3: Khoảng tháng 2 dương lịch đến giáp với chính vụ, số đèn và khoảng cách giữa các bóng tương tự ở giai đoạn 1.

- Lựa chọn đèn: Sử dụng các loại đèn compact 20 - 23 W có ánh sáng vàng hay ánh sáng đỏ, có khả năng chống ẩm, vừa tiết kiệm được điện năng vừa nâng cao hiệu quả xử lý ra hoa.

- Cách treo bóng đèn và thời gian chiếu sáng: Chỉ xử lý tối đa 2 lần thắp đèn/ trụ/năm.

+ Chong ngã tư: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, khoảng cách giữa 2 bóng là 3 m, vị trí mắc bóng giữa 4 trụ, với chiều cao bóng so với mặt đất khoảng 1,1 - 1,2 m.

+ Chong ngã hai: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, khoảng cách mắc giữa 2 bóng là 3 m, vị trí mắc bóng giữa 2 trụ, với chiều cao bóng so với mặt đất khoảng 1,1 - 1,2 m.

+ Chong mé: Bóng được mắc ở khoảng giữa 2 hàng, bỏ 1 hàng và nhắc lại ở hàng kế tiếp. Vị trí mắc bóng và khoảng cách bóng đến mặt đất tương tự như 2 cách trên.

- Chăm sóc sau khi rút đèn:

+ Tưới nước: Nên tưới nước sau khi rút đèn khoảng 2 ngày, khoảng cách giữa 2 lần tưới gần hay xa tuỳ vào điều kiện khí hậu của từng vùng, trung bình khoảng 3- 4 ngày tưới 1 lần.

+ Vuốt tai: Thường được thực hiện trước khi thu hoạch 5 ngày bằng hợp chất GA3 20T (1 viên) + thiên nông (20 g) + miracle gro (20 g) + 200 ml nước.


Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia





TIN TỨC KHÁC :