Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc vụ Đông Xuân

Ngày đăng: 2015-12-15 09:26:24


Hoa Cúc luôn là loại hoa có giá trị kinh tế và giá trị sử dụng cao nhờ bộ giống đa dạng, nhiều màu sắc, kích cỡ phong phú, dễ thích nghi với điều kiện sinh thái khác nhau; Cúc được trồng để lấy hoa cắt cành, hoa thảm trong công viên,…và trồng rải rác trong vườn nhà, trên vùng đất màu đã và đang mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân mỗi dịp tết đến xuân về. Hiện nay đang là thời vụ trồng hoa cúc phục vụ cho dịp tết, chúng tôi xin giới thiệu kỹ thuật trồng và chăm sóc loài hoa này.

 

Hoa cúc Thái Dương, Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc vụ Đông Xuân

Hoa cúc Thái Dương

 

1. Thời vụ cho vụ Đông Xuân.

Trồng tháng 10, 11 để có hoa vào tháng 1, 2 phục vụ tết nguyên đán; Nên trồng các giống Vàng Đài Loan, Tím sen, Muống hồng, trắng sứ, chi đỏ, chi trắng, chi vàng, vàng pha lê, vàng mai, thọ đỏ….
 

2. Chọn đất và làm đất:

Đất trồng hoa Cúc nên chọn đất chân vàn cao, có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, nhiều mùn và dễ thoát nước. Đất phải được cày sâu, bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại. Tuy nhiên, không làm đất quá nhỏ vì dễ bị đóng váng khi mưa hoặc khi tưới đẫm, mất đi độ tơi xốp cần có.
 

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cúc:

Cây giống đạt tiêu chuẩn trồng có chiều dài từ 12 - 20cm, có 3 - 4 lá thật, rễ ra đều, cây xanh tốt, to khỏe, không sâu bệnh.

* Mật độ, khoảng cách: Với những giống hoa to, đường kính hoa 8 - 12 cm, thân mập thẳng, có bộ lá gọn và để 1 bông trên cây: Khoảng cách trồng 10 x 12 cm hoặc 15 x 15cm, tương đương mật độ 40 cây/m2;. 
Những giống hoa nhỏ, đường kính 2 - 5 cm, để nhiều bông trên cây: Khoảng cách trồng 16 x 20 cm, tương đương mật độ từ 30 - 35 cây/m2.

* Kỹ thuật trồng: Trước khi trồng cây phải tưới đất ẩm đạt 60 - 65% (khi nắm đất, không bị vón). Dùng dầm tạo hố nhỏ để trồng, lấy tay ấn chặt gốc, có thể che phủ đất bằng rơm, rạ mềm hoặc mùn rác. Dùng bình ô doa hoặc vòi phun nhẹ tưới đẫm luống.

* Bón phân:  Lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ: Phân chuồng hoai mục: 1 - 2 tấn, supe lân 50 kg, đạm ure 10 kg, Kali clorua 10kg.

Cách bón: Bón lót (trước khi trồng 10 - 15 ngày) toàn bộ phân chuồng và 30 kg supe lân, phối trộn các phân lại với nhau, rắc đều phân trên mặt luống trồng sau đó đảo lại một lần, dùng nilon che lại để tránh mưa rửa trôi và cỏ mọc, đợi đến khi trồng mới bỏ ra. Bón thúc chia làm 4 lần: Lần 1 sau trồng 2 - 3 tuần, dùng 2 kg đạm + 3kg lân hòa lẫn vào nhau và tiến hành tưới cho cây; Lượng phân còn lại chia đều làm 3 lần, cứ 15 - 20 ngày tưới 1 lần, cho đến khi cây cúc bắt đầu hình thành nụ thì dừng lại.

* Tưới nước: Cúc không chịu được úng, có thể sử dụng kết hợp phương pháp tưới rãnh và tưới mặt: Tưới rãnh có thể duy trì độ ẩm được 7 - 10 ngày; Những ngày độ ẩm không khí cao, nhiệt độ thấp bà con có thể tưới mặt luống bằng ô doa hoặc vòi phun nhẹ.

* Làm giàn giữ cây: Khi cây cúc đạt chiều cao từ 20 - 30 cm tiến hành cắm cọc, làm giàn giữ cho cây cúc mọc thẳng không bị đổ. Dùng cọc tre chắc cắm 2 bên luống với khoảng cách 1,5m/cọc, sau đó dùng dây nilon hoặc lưới đan sẵn căng trên mặt luống chớm ngọn cây, sao cho cây cúc phân bố đều trong mắt lưới; Khi cây lớn dần thì lưới được nâng lên theo độ cao của cây.

* Tỉa nhánh, bấm nụ: Trong quá trình chăm sóc, để tạo tán và phân nhánh đều cho cây cần thường xuyên bấm, tỉa bỏ hết các cành, các nhánh không cần thiết, cụ thể:
Đối với Cúc một bông phải tỉa bỏ các cành nhánh phụ và nụ con, chỉ để 1 nụ to trên thân chính.
Đối với Cúc chùm, nên tỉa bỏ bớt cành tăm, cành mọc gần sát gốc cây và ngắt bỏ nụ chính để các nụ bên phát triển đồng đều; Nên vặt bỏ nụ ngay khi còn bé để chúng không tiêu hao chất dinh dưỡng của nụ chính.
 
* Làm cỏ, vun xới: Tiến hành kết hợp với các lần tỉa nhánh; Bà con không nên xới sâu và vun luống cao sẽ làm đứt rễ cây hoặc làm phát sinh nhiều mắt rễ khiến gốc xù xì, thân cây không đẹp ảnh hưởng tới chất lượng cành mang hoa.

* Điều tiết sinh trưởng cho hoa cúc: Thắp điện để ngăn cản hiện tượng nở hoa sớm: Nhiều giống cúc phản ứng rất chặt với ánh sáng ngày ngắn (Tím sen, Vàng pha lê, Chi trắng, Chi vàng con,….) do vậy khi mới trồng, gặp điều kiện ánh sáng ngày ngắn đã ra hoa, làm giảm chất lượng cành hoa. Để khắc phục hiện tượng này, khi trồng hoa Cúc vào vụ Đông Xuân, dùng bóng điện 75W để chiếu sáng thêm 2 - 3 giờ (có thể sử dụng rơ le tự ngắt để bật công tắc điện), cứ 6m2 đặt 1 bóng, chiều cao bóng đèn từ 0,8 - 1,0m so với ngọn cây. Chiếu sáng liên tục từ khi trồng đến trước trổ bông (chiếu sáng khoảng 30 ngày), sẽ làm cây chậm phân hóa mầm hoa, kết quả là cây đủ chiều cao cần thiết mới ra hoa.
Sử dụng hóa chất kích thích sinh trưởng để tăng chiều cao cây: Phun GA3 hoặc kích phát tố Thiên nông, phun ở giai đoạn đầu, tránh phun muộn làm cổ bông dài, chất lượng hoa giảm.


4. Phòng trừ sâu bệnh hoa cúc:

Trên cây cúc thường bị một số loài sâu bệnh hại như: Rệp, sâu xanh, sâu khoang, sâu cuốn lá; Các loại bệnh do nấm gây ra như: Bệnh lở cổ rễ, phấn trắng, đốm nâu, gỉ sắt, gỉ trắng, … và bệnh héo xanh vi khuẩn.
Phòng trừ bằng các biện pháp luân canh, trồng giống sạch bệnh, nhổ bỏ cây bệnh… xử lý đất trước khi trồng bằng vôi bột hoặc phơi ải. Đối với các loại nấm gây hại, để đề phòng bệnh ngay từ đầu, sau trồng nên phun Champion 50g/10lít hoặc Zineb 20 - 50g/10 lít nước, định kỳ 5 - 7 ngày  phun 1 lần. Sử dụng thuốc Karate 2,5 EC, Regent 800WG, Pegesus 500SC… phun trừ các loại sâu.
 

Tác giả bài viết: Tiến Anh

SNNT Phú Thọ

 

Từ khóa: quy trình kỹ thuật trồng hoa cúc chậu, kỹ thuật trồng hoa cúc đón tết nguyên đán, hướng dẫn trồng trồng hoa cúc , mô hình trồng trồng hoa cúc, mua bán giống hoa cúc, cung cấp giống hoa cúc






TIN TỨC KHÁC :