Quy trình kỹ thuật canh tác cây dâu tằm

Ngày đăng: 2015-10-28 09:08:27


I. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy trình áp dụng cho tất cà các vùng trồng dâu tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân trồng dâu tằm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

II.  Đặc điểm và yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh:

1. Đặc đểm thực vật học:

Cây dâu tằm tên khoa học Morusalba L, là cây thân gỗ, sống lâu năm cây bụi hoặc cây to. Lá sớm rụng, có thể rụng hàng năm vào mùa đông, mọc cách, có răng cưa, có lá kèm ở gốc cuống lá, lá hình ngọn mác. Hoa nở theo cụm, đuôi sóc, hoa đơn tính, có ít hoa lưỡng tính trên cùng một cây hoặc khác cây, hoa đực và cái trên cùng một trục hoặc khác trục, thịt quả dày mọng nước. Thân cành nhiều nhựa không gai, trên thân cành có nhiều mầm, mầm đỉnh, mầm nách. Rễ ăn sâu và rộng 2-3 m, nhưng phân bố nhiều ở tầng đất 10-30cm và rộng theo tán cây.

2. Yêu cầu về điều kiện ngoại cảnh:

Nhiệt độ thích hợp 24-320C, khi nhiệt độ trên 400C một số bộ phận của cây dâu bị chết, ở nhiệt độ 00C cây dâu ngừng sinh trưởng, nhiệt độ không khí tăng trên 120C thì cây dâu bắt đầu nảy mầm.

Ánh sáng: Là loại cây trồng ưa ánh sáng, năng suất chất lượng lá có quan hệ mật thiết với điều kiện chiếu sáng. Số giờ chiếu sáng 10-12 giờ/ngày là tốt nhất. Thiếu ánh sáng lá dâu mỏng, thân mềm yếu, chất lượng lá dâu kém. Cây dâu có thể hấp thu ánh sáng có độ dài từ 400-800µ.

Đất đai: Có khả năng thích ứng tốt với nhiều loại đất, tuy nhiên để có năng suất chất lượng lá tốt và kéo dài chu kỳ kinh doanh, cần chọn đất có bề dày tầng canh tác >1m, pH từ 6,5-7,0. Tuy nhiên cây dâu có khả năng thích ứng với pH từ 4,5-9,0. Cây dâu chịu mặn kém, ở những nơi có độ mặn thấp < 0,2% cây sinh trưởng tốt. Độ mặn ≥1% cây sẽ chết.

Nước và ẩm độ không khí: Là cây trồng tương đối chịu hạn, nhưng nếu thiếu nước thì cây ngừng sinh trưởng. Trung bình cứ 100cm2 lá trong một giờ thì phát tán 1,8 gam nước. Điều đó chứng tỏ cây dâu có nhu cầu nước rất lớn. Ẩm độ thích hợp cho cây dâu sinh trưởng từ 70-80%.

Lá dâu là thức ăn duy nhất của tằm, mặt khác trên 60% chi phí để sản xuất ra tơ là dùng vào khâu trồng, quản lý và thu hoạch, bảo quản lá dâu.

III. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dâu tằm

1. Giống dâu tằm:

Một số giống dâu đang trồng phổ biến tại Lâm Đồng là giống bầu đen, giống S7-CB, giống VA-201, tổ hợp lai TBL-03, giống VA-186, giống dâu Sa nhị luân,...

Cây dâu có thể trồng bằng hạt (nhân giống hữu tính) hoặc trồng bằng cách giâm hom (nhân giống vô tính).

A. Nhân giống vô tính:

- Chăm sóc vườn giống gốc:

Chế độ phân bón 15 tấn phân chuồng/ha, 300kg N-180kg P2O5-240kg K2O (theo tỷ lệ N:P:K=5:3:4)

Số lứa hái lá một năm: Thu từ 6-8 lứa/năm, những lứa cuối không hái để tránh dâu phân cành làm giảm tỉ lệ nảy mầm của hom.

Thời vụ đốn: Tùy giống mà thời vụ đốn để lấy cành khác nhau. Giống VA-201 đốn vào cuối tháng 9 đến trung tuần tháng 11; giống S7-CB do ít phân cành, khả năng kháng bệnh tốt, thời vụ đốn thích hợp là là tháng 2 - tháng 4 hàng năm.

Định hình số thân trên cây: khoảng 6-7thân/cây.

Dựa vào qui luật phát sinh phát triển của sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ thích hợp. Thời điểm phòng bệnh tốt nhất từ tháng 7-10 hàng năm. Rầy búp (rệp mềm) dùng bassa 0,2%, Bi58 0,4% phun định kỳ 20-25 ngày một lần.

- Kỹ thuật giâm hom:

Tiêu chuẩn hom: Hom đạt chuẩn phải có 2 mắt trên hom, đường kính ≥ 0,5cm, tuổi hom ≥ 8 tháng. Mật độ trong vườn ươm thích hợp khoảng 67 hom/m2(10x15cm). Thời vụ nhân giống từ tháng 5-7 và 11,12 có tỷ lệ xuất vườn đạt trên yêu cầu.

Phân bón sử dụng 5 tấn phân vi sinh/ha/năm, 45-60 kg N/ha/vụ và tỷ lệ N:P:K là 2:1:1.

Phòng trừ dịch bệnh trong vườn ươm: Kiểm tra theo dõi phòng trừ một số đối tượng gây hại chính như bệnh bạc thau, bệnh rỉ sắt, bệnh lở cổ rễ, rầy hại búp.

B. Nhân giống hữu tính:

Nhân giống hữu tính là trồng dâu bằng hạt, được hình thành quá trình thụ phấn giữa hoa đực và hoa cái. Cây dâu trồng bằng hạt có bộ rễ phát triển nên có khả năng chịu hạn cao, tuổi thọ của cây dâu dài, hệ số nhân giống cao. Tuy nhiên, công tác nhân giống phức tạp, cây dâu thường không thuần, lá mỏng nhiều cành tăm, hoa quả nhiều. Đối với tỉnh Lâm Đồng, hình thức nhân giống này còn mới chưa mang tính phổ biến.

2. Kỹ thuật trồng dâu:

- Thời vụ trồng tốt nhất ở Lâm đồng là đầu mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hoặc cuối mùa mưa từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Nếu trồng bằng cây con được nhân giống trong vườn ươm thì tốt nhất là tháng 4 hoặc tháng 5 để tránh phải tốn công tưới nước.

- Mật độ trồng: Tùy thuộc loại đất, phương thức canh tác và điều kiện đầu tư thâm canh mà xác định mật độ trồng hợp lý, thông thường mật độ trồng hàng cách hàng 1,2-1,5m, cây cách cây 0,2-0,3m, khoảng 42.000 cây/ha.

3. Chuẩn bị đất trồng dâu tằm:

- Thiết kế vườn dâu: Chọn đất bằng, vùng đồi có độ dốc nhỏ hơn 150. Đất dốc dưới 60, dốc cục bộ 80 thiết kế hàng thẳng song song với đường bình độ chính. Đất dốc trên 60 thiết kế hàng dâu theo đường đồng mức, làm gờ tầng, trong quá trình chăm sóc dần dần sẽ tạo thành các bậc thang hẹp để hạn chế xói mòn.

- Đất được cày sâu 35-40cm trước khi trồng dâu 25-30 ngày. Những nơi mới khai hoang cần gom sạch rễ cây, cỏ dại. Sau khi cày đất và thiết kế lô thửa, tiến hành đào rãnh, rạch hàng, rộng 0,3-0,5m; sâu 0,35-0,4m và khoảng cách giữa các hàng là 1m. Vùng đồi núi chú ý rạch hàng theo đường đồng mức, vùng ven sông rạch hàng xuôi theo dòng nước chảy. Nếu trồng dâu bụi tốt nhất là đào hố kích thước 40x40x40cm, lấy đất mặt để riêng sau này đưa xuống hố trồng.

- Bón lót trước trồng: Tùy theo chất đất tốt hay xấu mà quyết định lượng phân bón lót. Những vùng đất bạc màu cần phải kết hợp cải tạo đất trước khi trồng bằng cách bón vôi, lân, phân hữu cơ. Đối với những vùng đất nghèo dinh dưỡng lượng bón lót 15-20 tấn phân hữu cơ, phân lân nung chảy 700kg, 1 tấn vôi.

Cách bón: Ngay sau khi đào rãnh cho phân hữu cơ, lân, vôi và một phần đất vào rãnh, trộn đều sau đó phủ thêm một lớp đất khoảng 5cm ở trên mặt và tiến hành trồng. Trong trường hợp phân chưa hoai mục, sau khi trộn phân 10-15 ngày thì mới tiến hành trồng.

- Chuẩn bị hom giống: Tuổi cây trong vườn ươm 60-70 ngày trở lên, chiều cao cây 30cm trở lên, đường kinh thân cây con: 0,02cm trở lên, cây dâu không bị sâu bệnh, không lẫn giống.

Chú ý: Trước khi nhổ cây 15 ngày không được bón đạm để cứng cây.

Tiêu chuẩn hom dâu giống: Hom dâu giống phải đạt từ 8 tháng tuổi trở lên, đường kính hom từ 0,6-1cm, không có nguồn nấm bệnh. Không bị lẫn giống.

Chọn hom ở những ruộng dâu tốt có tuổi cành từ 8 tháng đến 1 năm, không sâu bệnh, đường kính cành từ 0,6-1cm là tốt nhất, chặt bỏ phần ngọn. Nếu trồng dâu cắm đứng hom chặt dài 20-30cm, hom phải có từ 3 mắt trở lên, chặt vát 2 đầu cách mầm 2cm, không dập nát, bó lại theo một phía ngọn. Hom chặt xong nên trồng ngay cần phải bảo quản cẩn thận không bị héo. Phương pháp bảo quản tốt nhất là đào hố sâu khoảng 40cm, dài rộng tùy theo số lượng hom, hom được xếp quay ngọn lên phía trên, phủ cỏ rác và được tưới nước thường xuyên có thể bảo quản được 25 ngày. Không nên trồng những hom đã nẩy mầm.

6. Trồng cây dâu tằm:

- Trồng dâu bằng hom: Cắm hom xiên áp dụng với đất có tỉ lệ sét cao và đất ẩm, cắm hom xiên 450 cắm sâu ¾ chiều dài hom vào trong đất – ¼ hom trên mặt đất. Cắm thẳng đứng áp dụng đất đồi có độ ảm kém cắm hom thẳng đứng trong đất chiều dài hom được chôn trong đất chỉ chừa 1 mắt trên mặt đất.

- Trồng dâu bằng cây con: Thời gian trong vườn ươm thường 50-60 ngày, khi cây trong vườn ươm đạt chiều cao 40-50cm, đường kính thân đạt 0,3cm trở lên thì nhổ đem trồng.

Kỹ thuật trồng dâu bằng cây con: Khi đặt cây dâu không để rễ cây tiếp xúc trực tiếp với lớp phân bón ở rãnh, giữ cho rễ cây dâu con thẳng, không bị cuộn lại, lấp đất kín phần cổ rễ, nén chặt đất xung quanh gốc.

Chú ý: Khi lấp đất xuống rãnh chỉ lấp 2/3 chiều sâu của rãnh, sau khi đặt cây dâu xuống rãnh giữ cho cây thẳng, lấp tiếp phần đất còn lại sao cho luống dâu cao hơn rãnh 10-15cm để khi mưa không bị đọng nước ở gốc.

Chăm sóc dâu trồng mới: Sau khi trồng 10-15 ngày, hom bắt đầu nẩy mầm, tưới nước và làm cỏ thường xuyên tránh va chạm vào cây khi làm cỏ. Sau trồng 2-3 tháng nên trồng dặm để đảm bảo mật độ, có thể trồng dặm bằng hom hoặc cây con, tốt nhất là dặm bằng cây con. Sau trồng 1 tháng bón đợt đầu tiên 150kg urê/ha, sau đó định kỳ 1-1,5 tháng bón một lần với tổng lượng cho năm thứ nhất là: 400kg urê, 600kg lân, 150 kg kali/ha.

Định hình cây khi hái lá: Sau trồng mới 4-6 tháng sau có thể thu hái lá nâng dần, không nên tận thu. Tỉa để mỗi gốc từ 2 -3 thân chính, thường xuyên tỉa cành cấp 2.

Bảo vệ thực vật: Chú ý trừ dịch hại cây dâu con, đặc biệt là rầy hại búp dâu.

7. Quản lý chăm sóc dâu hàng năm:

- Làm cỏ: Tùy điều kiện từng nơi có thể làm cỏ gốc 6 lần, cỏ giữa hàng 2 lần kết hợp với việc dùng thuốc trừ cỏ như: Gramoxone, Roundup,…nên phun vào lúc cỏ đang phát triển, lúc trời nắng và xới xáo gốc 1-2 lần/năm.

- Bón phân:

Phân hữu cơ: Liều lượng bón hàng năm khoảng 15-20 tấn. Phân hữu cơ chủ yếu bón trước hoặc sau khi thu hoạch 15 ngày.

Phân vô cơ: Lượng phân nguyên chất 400kg N-160kg P2O5-160kg K2O Phân bón cho dâu cần chia làm nhiều lần để tăng hiệu suất sử dụng phân bón. Sau khi bón phân, nếu có điều kiện, nên tưới nước 1-2 lần để cây dễ hấp thụ.

Lượng phân vô cơ bón cho cây dâu (kg/ha)

Loại phân

Số lượng

Lượng phân bón (%)

Lần 1: sau đốn

Lần 2: tháng 5

Lần 3: tháng 7

Lần 4: tháng 8

Phân Urê

750

25

25

25

25

Lân nung chảy

900

80

 

50

 

KCl

250

50

 

50

 

 

8. Đốn  dâu: Là biện pháp kỹ thuật để điều khiển dâu lá theo ý muốn.

- Đốn tạo hình dâu khóm: Dâu sau trồng 12 tháng đốn thân chính cách mặt đất 15-20cm, tỉa bớt cành cấp 1, giữ mỗi khóm 5-6 cành cấp 1.

Sau lần đốn thứ nhất 12 tháng, đốn cành cấp 1 cách thân chính 6-6cm, mỗi cành cấp 1 có 3-4 mắt khỏe.

Từ năm thứ 3 trở đi đốn cành cấp 2 cách vết đốn cũ 5-6cm. Sau 8 – 10 năm khi bộ cành cấp 1, cấp 2 và cành sản xuất già và sức nẩy mầm yếu cần tiến hành đốn trẻ lại.

- Đốn thấp hàng năm: Áp dụng đối với dâu rạch hàng, hàng năm khi dâu ngừng sinh trưởng đốn sát mặt đất hoặc bới gốc đốn dưới mặt đất 6-6cm, khi dâu nẩy mầm vun gốc trở lại.

- Đốn sát (đốn trẻ lại): Dâu sau trồng 5-10 năm thường bị già hóa phần thân cành, để dâu sinh trưởng tốt cho năng suất cao cần tiến hành đốn sát gốc trở lại sau đó tạo hình như dâu trồng mới.

- Đốn phớt, đốn lững: Áp dụng khi dâu sinh trưởng chậm, khi đốn chú ý nếu dâu lấy hom trồng mới thì chỉ đốn phớt ngọn 20cm. Nếu dâu không lấy hom thì có thể đốn lững cao 1-1,5m.

Sau lần đốn này thu hoạch dâu cành và đốn thấp trở lại.

- Thời vụ đốn: Tại Lâm Đồng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

- Kỹ thuật đốn: Chọn ngày trời mát để đốn, dụng cụ đốn tốt nhất là dùng cưa máy, tránh làm dập nát vết đốn. Nếu đốn tạo hình hoặc đốn cao chú ý tỉa bỏ sạch cành nhỏ (cành tăm), bỏ những mầm dâu đã nảy trước khi đốn để dâu sinh trưởng đều. Đốn lần thứ nhất cách mặt đất 10-15cm, tỉa bớt cành cấp 1, mỗi khóm giữ 4-6 cành. Các đợt đốn sau đó đốn cách vết đốn cũ 2-3cm, sau đốn 25-35 ngày tiến hành tỉa định mầm. Đồi với dâu đang tạo cành cấp 1, cấp 2 tỉa bỏ mầm yếu, mầm bệnh, giữ lại số lượng mầm để tạo tán cho cây. Đối với dâu đốn thấp chỉ tỉa bỏ mầm yếu, giữ lại tất cả những mầm có khả năng cho năng suất.

Dâu sau trồng 10-15 năm thường bị già hóa phần thân cành. Để dâu sinh trưởng tốt cho năng suất cao cần tiến hành đốn sát gốc trở lại, sau đó tạo hình như dâu trồng mới.

Khi dâu sinh trưởng chậm, có thể đốn phớt, đốn lững (chú ý nếu dâu lấy hom trồng mới chỉ đốn phới ngọn 20cm). Nếu dâu không lấy hom thì có thể đốn lững cao 1-1,5m, sau lần đốn này thu hoạch dâu cành và đốn thấp trở lại.

IV. Phòng trừ sâu, bệnh hại ở dâu tằm:

1. Bệnh ở dâu tằm:

Dâu thường bị bệnh bạc thau, đốm lá, cháy lá, gỉ sắt, xoăn lá. Cần hái lá kịp thời và vệ sinh đồng ruộng.

2. Sâu ở dâu tằm:

Sâu đục thân, bọ gạo, sâu cuốn lá, sâu đo, sâu róm và các loại rầy rệp truyền bệnh virut xoăn lá, hoa lá. Dùng thuốc Dipterex hoặc Bi 58 tỷ lệ 10-15 %, phun sau 15 ngày mới hái lá cho tằm ăn.

Cây dâu bị rất nhiều loại sâu bệnh phá hoại, làm giảm năng suất, chất lượng lá. Nếu bị nặng có thể làm cây bị chết, lá dâu không sử dụng cho nuôi tằm được. Để phòng trừ có hiệu quả sự phát sinh và lây lan của các loại sâu bệnh hại cây dâu, đảm bảo nâng cao sản lượng, an toàn cho việc nuôi tằm, cần nắm vững quy luật phát sinh, phát triển của từng loại sâu, bệnh mà áp dụng các biện pháp hữu hiệu để phòng trị kịp thời.

V. Thu hoạch và bảo quản lá dâu tằm:

1. Thu hoạch lá dâu tằm:

- Phương pháp hái lá: Chọn lá theo đúng yêu cầu của tằm, ít ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây, giảm tỷ lệ sâu bệnh, tốn công lao động. Việc thu hái trên một lô dâu cần tập trung trong khoảng 7-10 ngày, không nên kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình chăm sóc vườn dâu. Hái dâu cho tằm ăn tốt nhất vào 8-10 giờ sáng, không nên hái quá sớm hoặc buổi trưa.

- Phương pháp thu hoạch bằng cách cắt cành: Ít tốn công lao động, làm cho tươi dâu, dễ bảo quản, làm cho khoảng cách giữa các lứa nuôi dài hơn và có thời gian để chăm sóc. Phương pháp cắt cành chỉ nên áp dụng cho những vùng đất tốt, những hộ gia đình có điều kiện thâm canh cao.

2. Bảo quản lá dâu tằm:

Đối với lá dâu nuôi tằm nên xếp theo lớp và phủ vải thấm nước, dâu cho tằm lớn chất thành đống có chiều dày không quá 20cm, giữ ẩm bằng cách phủ vải thấm nước (không phủ bằng nilon), cứ 2-4 giờ đảo một lần. Phòng bảo quản lá dâu phải thoáng mát, có cửa thông gió để giảm nhiệt độ của phòng.

 

Trung tâm khuyến nông tỉnh Lâm Đồng






TIN TỨC KHÁC :