"Giải cứu" nông sản đến bao giờ ?

Ngày đăng: 2018-05-21 06:50:55


Quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo vùng, dự báo thị trường chính xác và nâng cao chất lượng sản phẩm là cách để chấm dứt điệp khúc "giải cứu" nông sản

Vài năm trở lại đây, điệp khúc "giải cứu" nông sản liên tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung. Mới đây nhất, chính quyền tỉnh Quảng Nam có thư kêu gọi cộng đồng "giải cứu" hàng ngàn tấn dưa hấu ở huyện Phú Ninh.

Dù gì vẫn cứ trồng dưa!

Tương tự, ở Quảng Ngãi, đầu tháng 5 vừa qua, khi giá dưa hấu chỉ còn 1.000-1.500 đồng/kg, UBND huyện Bình Sơn phải gửi thư huy động các cơ quan, đoàn thể mua giúp hàng ngàn tấn dưa cho nông dân. Điều đáng báo động là hiện nay, không chỉ dưa hấu cần được "giải cứu" mà nhiều nông sản khác như ớt xiêm, bí đỏ… cũng rơi vào tình cảnh ế ẩm, giá chỉ 5.000-6.000 đồng/kg.

Dù mới được "giải cứu" xong nhưng khi được hỏi, nhiều nông dân cho biết vụ tới, họ vẫn tiếp tục trồng dưa hấu. Ông Nguyễn Huy Bình (xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) cho hay so với lúa, làm dưa hấu có lãi hơn nhiều. Ông Bình nhẩm tính gia đình ông có 2 sào đất, nếu làm lúa được mùa thì mỗi năm thu hơn 6 tạ, bán được khoảng 4 triệu đồng. Trong khi đó, với diện tích này, một vụ dưa hấu gia đình ông thu được khoảng 4 tấn. Nếu bán với giá 4.000 đồng/kg, ông bỏ túi 16 triệu đồng, trừ tất cả chi phí, vẫn còn lãi hơn 10 triệu đồng.

"Mấy năm trước, người trồng dưa có thu nhập rất khá. Chỉ năm nay thời tiết không thuận lợi, trồng cùng đợt với Trung Quốc nên họ không mua, tư thương ép giá khiến nông dân gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ tiếp tục trồng dưa và cũng chỉ biết hy vọng năm sau không bị rớt giá như vậy nữa chứ không còn cách nào khác. Nếu nhà nước có hướng nào giải quyết đầu ra cho bà con thì chúng tôi sẽ yên tâm sản xuất hơn" - ông Bình kỳ vọng.

Cũng với tâm lý này, ông Trần Văn Nguyên, một nông dân có kinh nghiệm 10 năm trồng dưa ở Quảng Ngãi, đúc kết: "Trồng dưa khá dễ, vốn ít, đầu tư ngắn ngày nhưng rủi ro cũng cao. Nếu dưa bán ra giá khoảng 2.000 đồng/kg là nông dân đã có được tiền công, còn giá cao nữa thì có lời. Bởi vậy, nhiều nông dân như tôi thường thu hoạch xong, trồng vụ mới liền. Còn giá cả như thế nào chủ yếu hên xui".

Giải cứu nông sản đến bao giờ ? - Ảnh 1.

Cùng với dưa hấu, nhiều nông sản khác như ớt xiêm, bí đỏ... cũng thường xuyên được kêu gọi "giải cứu". Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Ba bộ cùng giải quyết

Mới đây, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điệp khúc "giải cứu" nông sản đã được đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề cập trong phiên chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết 2 khâu yếu trong nông nghiệp là chế biến và thị trường. Bộ đã có lộ trình thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội là tái cơ cấu từng ngành, trong đó ngành nông nghiệp đi đúng hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, hướng tới tổng hợp và khắc phục được những tồn tại trong thời gian trước đây.

"Bộ NN-PTNT đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng giải quyết các tồn tại, kể cả công đoạn giống, chế biến của từng ngành hàng. Bộ NN-PTNT cũng bàn với Bộ Công thương tìm ra giải pháp chế biến và phát triển thị trường" - ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, phải tái cơ cấu trên cơ sở xây dựng chuỗi nông nghiệp xuất khẩu khu vực và toàn cầu chứ không thể tiếp tục sản xuất nhỏ lẻ. Sự phối hợp giữa 3 bộ phải bắt đầu trong cả xây dựng mô hình chuỗi, đi từ mô hình tổ chức sản xuất đến thị trường, mở cửa thị trường, làm sao để hàng hóa đáp ứng được yêu cầu, vượt qua hàng rào kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm… Trong chuyện này, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò then chốt.

"Ba bộ phải đưa ra khung chính sách làm sao để DN sử dụng được công nghệ và áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, giúp nông dân tham gia được vào các chuỗi giá trị" - ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận. 

Quảng Nam: Thí điểm sản xuất dưa sạch

Sắp tới, huyện Phú Ninh sẽ thực hiện thí điểm sản xuất dưa hấu có kiểm soát với sự tham gia của nhà nông, DN, nhà khoa học và nhà quản lý. Huyện sẽ quy hoạch vùng sản xuất dưa hấu khoảng 100 ha làm thí điểm lấy kinh nghiệm, sau đó sẽ nhân rộng.

Người dân sẽ được vận động tham gia trồng dưa với quy trình được kiểm soát nghiêm ngặt, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đổi lại, sản phẩm người dân làm ra sẽ được bảo đảm đầu ra. Nếu giá thị trường cao thì dân hưởng cao, giá thị trường thấp cũng phải bảo đảm ít nhất hòa vốn cho người trồng.

 

Ý KIẾN:

. PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách:

Phải làm tốt dự báo thông tin thị trường

Tiêu thụ nông sản ngoài các vấn đề về thị trường, giá trị sản xuất thì cần minh bạch về thông tin để làm sao người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Hiện việc này chỉ mới làm được một phần nhỏ, đại đa số nông sản không rõ nguồn gốc.

Do đó, để phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi; tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết DN, tổ hợp tác/hợp tác xã; áp dụng công nghệ quản trị hiện đại; nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xây dựng tiêu chuẩn, thương hiệu và hệ thống dịch vụ chứng nhận chất lượng an toàn thực phẩm. Có như vậy, thị trường mới giảm được "giải cứu" nông sản, gia tăng giá trị cho toàn chuỗi, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.

. PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế:

Quy hoạch sản xuất theo vùng

Nguyên nhân xảy ra tình trạng "giải cứu" nông sản đến từ nhiều phía. Nông dân không tìm hiểu thông tin thị trường khi sản xuất, cơ quan chức năng không kịp thời dự báo thị trường, chế biến thì chưa theo kịp với sản xuất. Vai trò điều phối của nhà nước, DN trong tiêu thụ và chế biến các sản phẩm nông sản chưa rõ nét.

Để giải quyết, cần làm tốt quy hoạch vùng sản xuất các loại nông sản. Việc quy hoạch này phải linh động theo nhu cầu của thị trường. Phải dự báo được thị trường trong nước và nước ngoài. Nếu cơ quan chức năng không tập trung nghiên cứu thị trường thì không bao giờ giải quyết được bài toán này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị các kịch bản khi cung vượt quá cầu thì phải chế biến, dự trữ ra sao.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam:

Nông dân như đánh bạc trên đất

Hiện nay, nông dân như đánh bạc trên mảnh đất của mình. Họ không chủ động được thị trường nên cứ sản xuất, mặc cho giá cả lên xuống thất thường. Trong khi đó, DN rất ngại đầu tư vào nông nghiệp ở miền Trung vì rủi ro lớn, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn không có nhiều. Ngược lại, nhà nước chưa có quy hoạch vĩ mô, tỉnh nào có điều kiện là cứ trồng mà chưa định hướng được thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn tỏ ra e ngại chất lượng sản phẩm trong nước. Vì vậy, nếu kiểm soát được chất lượng sản phẩm để người tiêu dùng an tâm thì vấn đề đầu ra sẽ không đáng ngại.

Ông Trần Ngọc Thương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi:

Không nên trồng đại trà, trùng vụ với Trung Quốc

Dưa hấu ở Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung tiêu thụ chủ yếu nhờ thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không thu mua, giá dưa sẽ rớt và lại diễn ra điệp khúc "giải cứu".

Điều này chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, đồng thời khuyến cáo người dân không nên trồng đại trà nhưng họ vẫn bất chấp. Nếu muốn dưa bán được, người dân phải tính toán làm sao không trùng với vụ dưa ở Trung Quốc. Dưa ở Trung Quốc thường thu hoạch vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5.


Theo VĂN DUẨN - TRẦN THƯỜNG - TỬ TRỰC / Người lao động





TIN TỨC KHÁC :