"Vua chuối" Út Huy kể chuyện trồng chuối 4.0 "vạn người mê"

Ngày đăng: 2018-03-17 07:18:30


Bằng nông nghiệp 4.0, lão nông Út Huy (Võ Quan Huy, Đức Huệ, Long An) đã khai phá “rốn phèn” Đồng Tháp Mười trở thành trang trại công nghệ cao tích hợp nhiều cây trồng, vật nuôi.

 
 

Trang trại này nằm phía Bắc tỉnh Long An, cách TP.Tân An khoảng 60km. TS. Mai Thành Phụng – nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận xét, đây là một trong những trang trại tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam dưới sự chèo lái của một nông dân mạnh dạn ứng dụng nông nghiệp 4.0.

Đưa chuối Việt vươn ra thế giới

TS. Phụng kể, đầu thập niên 1990, khi ấy đang là Phó chủ nhiệm Dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp Đồng Tháp Mười (ISA/FOS/ĐTM) ông đã vào khu đất ngập nước này để tìm cách khai hoang, mở đất. Lúc ấy, điều kiện sống ở đây rất khắc nghiệt, không có nước ngọt, chỉ thấy nước phèn đỏ mênh mông, tràm mọc chằng chịt, cao lút đầu…

vua chuói út huy kẻ chuyẹn tròng chuói 4.0 vạn nguòi me hinh anh 1

 Ông Võ Quan Huy với buồng chuối sẽ mang thương hiệu Fohla xuất ngoại

Thế mà, ông Út Huy dám tìm vô “vùng đất dữ” này nhận một lúc 240 ha đất để khai hoang. Để xổ phèn, dẫn nước ngọt, lấy phù sa khi lũ về, ông Út Huy cho đào kênh Đông, kênh Tây và những con kênh nhỏ xẻ dọc, ngang trên khu đất 240 ha.

20 năm vào khai hoang, mở đất trên vùng đất này, ông Út Huy thay đổi gần 20 loại cây trồng, vật nuôi, cho đến giờ là cây chuối và đàn bò Wagyu siêu thịt với quy trình sản xuất sạch.

Ông Út Huy kể, năm 2014, ông bắt đầu trồng chuối. Để tạo đà cho kế hoạch này, ông sang Philippines – một nước xuất khẩu chuối hàng đầu thế giới, và một số nước khác để học tập kinh nghiệm trồng chuối.

Với vốn kiến thức tích lũy được từ những chuyến xuất ngoại này, ông Út Huy đổ hàng chục tỉ đồng vào cải tạo đất, hệ thống cung cấp nước, chống ngập... Thậm chí, để cho “chắc ăn” ông thuê hẳn một chuyên gia người Philippines để quản lý việc trồng chuối.

Ngay ban đầu, ông Út Huy xác định phải trồng chuối theo quy trình sạch và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để đưa chuối Việt vươn ra thị trường thế giới. Theo ông Út Huy, quá trình sản xuất chuối khép kín từ khâu giống, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói và có kho bảo quản riêng.

vua chuói út huy kẻ chuyẹn tròng chuói 4.0 vạn nguòi me hinh anh 2

Ông Út Huy hướng dẫn nhân công chăm sóc chuối.

Tại trang trại, ông Út Huy trang bị hệ thống tưới tự động. Khi chuối ra trái, nhân công chỉ để mỗi buồng khoảng 9 - 10 nải. Mỗi nải cũng không được để quá nhiều trái nhằm cho cây nuôi trái và giữ tính thẩm mỹ. Từng buồng chuối được bao bọc cẩn thận để tránh côn trùng, sâu bệnh.

Để chuối không bị va đập khi thu hoạch, ông cho lắp đặt hệ thống ròng rọc trên cao quanh trang trại. Những buồng chuối sẽ được đưa từ vườn về khu xử lý bằng hệ thống ròng rọc này.

Tại khu xử lý, nhân viên sẽ tuyển lựa từng trái, loại bỏ trái không bảo đảm theo tiêu chuẩn. Sau khi khử khuẩn chuối được lau khô, cho vào túi, dán tem thương hiệu Fohla và đưa vào kho lạnh bảo quản, chờ ngày xuất khẩu.

Hôm chúng tôi đến, ông Út Huy cho biết, vừa nhập 30 container phân gà để bón cho cây chuối xuất khẩu nhằm ổn định và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

“Để chuối thâm nhập thị trường khó tính, phải bảo đảm những tiêu chuẩn mà thị trường đó đặt ra. Yếu tố sạch, đẹp được đặt lên hàng đầu”,  ông Huy thổ lộ.

Với lối canh tác theo quy trình sạch, sản phẩm chuối của ông Út Huy đã được xuất sang nhiều thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Trung Quốc và một số nước khu vực Trung Đông.

Tiên phong nông nghiệp bền vững

Hiện, ngoài 140 ha trồng chuối tại Long An và Tây Ninh, ông Út Huy còn lấn sân sang nuôi tôm, vỗ béo bò Wagyu, trồng trà… với khoảng 1.000ha tại một số tỉnh. Với bất cứ đối tượng nuôi, trồng nào ông Út Huy đều cố gắng áp dụng nông nghiệp 4.0 vào sản xuất để tăng sản lượng, chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Lê Văn Hoàng chia sẻ, sản phẩm chuối của ông Út Huy đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đại diện thương hiệu cho nông sản chuối của Long An khi ra thị trường. Tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho ông Út Huy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

“Tôi rất tán thành cách làm nông nghiệp của ông Út Huy. Mọi gốc ngọn đều dẫn đến một nền nông nghiệp bền vững và thị trường, dù làm nhỏ, lẻ hay cánh đồng lớn. Không chỉ làm rất tốt lối canh tác nông nghiệp bền vững, ông Út còn kết nối được thị trường. Đây chắc chắn sẽ là xu hướng sản xuất của nông nghiệp Việt Nam”, TS. Phụng nhận xét.


Theo Trần Đáng / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :