Dân Lâm Đồng đổ xô trồng đinh lăng, cẩn trọng kẻo 'tiền mất, tật mang'

Ngày đăng: 2017-02-17 07:21:31


Tại các huyện Lâm Hà, Đức Trọng (Lâm Đồng), thời gian gần đây phong trào trồng đinh lăng lan rộng. Hiện loại cây được mệnh danh “sâm của người Việt” này đang có tin đồn từ lá, cành, củ đều có thể bán được giá. Đặc biệt là những củ đinh lăng lâu năm giá bán lên đến hàng triệu đồng 1kg.

Sốt sình sịch

Đinh lăng trước kia chỉ được coi là cây cảnh, trồng tự phát, vậy nên chỉ sau vài tháng thu mua mặt hàng này đã bị gom hết. Đặc biệt là các cây có tuổi đời cao và kích thước lớn đang được thương lái săn tìm và mua bằng mọi giá trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên để bán cho những người giàu có hoặc xuất sang Trung Quốc.

Sốt giá đinh lăng, nông dân tận dụng mọi quỹ đất để trồng
Sốt giá đinh lăng, nông dân tận dụng mọi quỹ đất để trồng

Ông Vũ Quang Bảo, thương lái chuyên mua bán đinh lăng, xã N’ Thôl Hạ, Đức Trọng, cho hay: Trước đây người dân xung quanh đây vẫn trồng đinh lăng quanh bờ rào, sau vườn, thỉnh thoảng hái lá ăn kèm với thịt, gói nem hoặc nấu canh chữa tắc tia sữa cho phụ nữ mới sinh. Thời gian gần đây thương lái miền Bắc vào nhiều thì người dân hét giá rất cao, hễ nhắm vào gốc nào là bạc triệu gốc đấy. Nhiều nhà được trả cả triệu một gốc nên họ đào lên bán hết.

Hiện trên địa bàn, đinh lăng được thu mua cả lá, thân, cành và rễ. Lá tươi có giá 7.000 đồng/kg, lá khô 30.000 đồng/kg; thân làm giống 40.000 đồng/kg; rễ loại 4 - 6 kg có giá 200.000 - 250.000 đồng/kg, rễ trên 10 kg dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg.

Theo ông Bảo, những cây đinh lăng có giá trị phải có tuổi đời tính bằng hai con số, nghĩa là 10 năm trở lên. Càng nhiều năm thì giá trị càng tăng lên, mặt khác gốc cây phải có thế thành của “kiểng” để khi đưa vào bình rượu trong suốt thể hiện thần thái và đẳng cấp của dân chơi. “Bây giờ trong nhà ai mà có hũ rượu ngâm đinh lăng là đẳng cấp lắm. Bản thân tôi chỉ mua đi bán lại cho đầu mối, cũng chỉ nghe họ thu mua để chở sang Trung Quốc”.

Qua khảo sát nhanh, trên địa bàn huyện Đức Trọng, có khá nhiều điểm treo biển mua bán đinh lăng. Một số thương lái còn đi khắp vùng để thu mua, lùng sục loại cây này.

Không dễ ăn

Trước cơn sốt giá đinh lăng, nhiều nông dân trong tỉnh Lâm Đồng đã ra sức nhân giống, trồng diện rộng loại cây này. Gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu, xã Liên An, Đức Trọng, có hơn 2 sào trồng đinh lăng. Tận dụng những khoảng đất nhỏ hẹp, gia đình ông gầy trồng vào đó để che lấp đi khoảng trống của đất.

Ảnh: Thanh Sa
Ảnh: Thanh Sa

Ông Cầu cho hay: “Thời gian đầu tôi trồng sát đường lớn, sau hai năm thì cây lên khá xanh tốt nhưng khổ nỗi bị người ta nhổ trộm nhiều lắm, không biết người ta nhổ về làm gì. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết rằng cây đinh lăng đang sốt và được thu mua với giá cao ngất ngưởng, sau đó tôi mới quyết định mang những cây nhỏ ra phía sau vườn để trồng, còn cây lớn thì phải dùng các vật liệu để cố định gốc cây lại, mục đích để kẻ gian không đào bới được”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh, xã Đan Phượng, Liên Hà, cũng đang trồng đinh lăng trên diện tích 3 sào đất của mình. Từ một vài gốc đinh lăng đã nhiều năm tuổi, thấy thương lái vào mua được giá nên quyết định đầu tư để trồng với số lượng lớn. Cây mới 2 năm nên cũng không chắc chắn gì, chỉ biết tại thời điểm này thì gốc nào là tiền nấy thôi.

Khi cơn sốt đinh lăng bắt đầu lan rộng, vào tháng 9/2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng đã tiến hành trồng thử nghiệm đinh lăng trên diện tích 1 sào với 4.000 cây giống được mua từ tỉnh Bến Tre tại địa điểm là thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp. Đến tháng 6/2016 thì phải di dời địa điểm trồng thử nghiệm vào thôn An Bình (cùng xã) vì tỉ lệ cây chết sau hai năm là trên 70%.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng: Qua theo dõi, số cây được trồng thử nghiệm ban đầu có triệu chứng thối rễ, thối thân rồi dẫn đến chết, một số cây còn sống sót thì bị nấm ở lá, tiến hành phun thuốc để trị bệnh thì cây rụng dần hết lá và bắt đầu quá trình tái tạo lại nên thân cây phát triển không được mạnh. Hiện tại, đinh lăng vẫn trong quá trình trồng thử nghiệm trên đất Đức Trọng và chưa thể nói điều gì được.

Theo ông Hưng, nông dân phải rất thận trọng khi trồng đinh lăng trên diện tích lớn. Bởi thứ nhất, đây là một cây trồng mới, nên cần phải có quá trình trồng thử nghiệm để có số liệu về mức độ thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, hàm lượng tinh dầu, mức phát triển sinh khối của cây. Trước đây người dân trồng một hai cây để làm kiểng thì rất dễ nhưng nếu đưa vào trồng đại trà nguy cơ nhiễm bệnh là rất lớn.

Thứ hai, phải khẳng định đinh lăng là cây trồng lâu niên, nên lợi nhuận về kinh tế so với các cây trồng khác phải tính toán rất cẩn thận. Giá thu mua đinh lăng cũng không ổn định, vì chỉ là giá ảo của những gốc cây nhiều năm tuổi, nếu không cẩn thận có thể rơi vào “cái bẫy” không thoát ra được.

Do vậy, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng khuyến cáo người dân địa phương nên bình tĩnh trước khi lựa chọn cây trồng mới cho mảnh đất của mình. Nếu trồng đinh lăng chỉ nên trồng với số lượng nhỏ và trồng xen với các cây trồng khác, đặc biệt đinh lăng rất mẫn cảm với các loại thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là trên những nền đất có phun thuốc diệt cỏ.


Theo Thanh Sa / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :