Không ồ ạt chuyển vải sang cây trồng khác

Ngày đăng: 2017-04-29 08:15:54


Ngành nông nghiệp Bắc Giang khuyến cáo bà con cẩn trọng, không ồ ạt phá bỏ vải.

 

Thời gian qua, trước tình hình vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) mất mùa nặng nề, một số diện tích vải thiều kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây trồng khác có giá trị hơn, đặc biệt là các loại cây có múi. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con cẩn trọng, không ồ ạt phá bỏ vải.

  Những vườn vải cho năng suất cao vẫn đang giữ và chăm sóc tốt

Những vườn vải cho năng suất cao vẫn đang giữ và chăm sóc tốt

Với diện tích cây vải hơn 2.100 ha, Quý Sơn là một trong những xã có diện tích vải lớn nhất nhì huyện Lục Ngạn. Cũng như các xã khác trong huyện, năm nay, do thời tiết nắng ấm kéo dài trong mùa đông 2016 khiến tỉ lệ vải thiều chính vụ ra hoa muộn khoảng 20 ngày so với mọi năm, tỉ lệ ra hoa đậu quả ước chỉ đạt khoảng 30%.

Ông Trần Văn Sáng, Phó chủ tịch UBND xã Quý Sơn cho biết, mặc dù trà vải thiều chính vụ (chiếm trên 80% tổng diện tích vải toàn xã) bị mất mùa nặng nề, tuy nhiên khoảng 20% diện tích thuộc các giống vải chín sớm năm nay lại được mùa, tỉ lệ đậu quả rất cao.

Theo ông Sáng, khoảng 2-3 năm trở lại đây, ngoài vải thiều là cây ăn quả chủ lực, các loại cây có múi đã và đang được người dân mở rộng diện tích khá lớn.

Bên cạnh xu hướng chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây có múi, từ đầu năm 2017 đến nay, ước toàn xã đã có khoảng 20 ha vải kém hiệu quả được người dân chặt bỏ để chuyển đổi.

Lý giải có hay không việc do vải thiều mất mùa nên dân chặt bỏ để chuyển sang cây có múi, ông Sáng cho biết: Thực tế, do các loại cây có múi đang có thu nhập cao nên xu hướng tăng mạnh diện tích cây có múi đã diễn ra mạnh từ nhiều năm gần đây chứ không riêng từ đầu năm 2017 đến nay.

Tuy nhiên, đúng là có việc diện tích vải bị chặt bỏ từ đầu năm 2017 có cao hơn một chút so với các năm trước. Các diện tích vải bị người dân chặt bỏ thường không tập trung, mà rải rác mỗi hộ một ít. Các hộ cũng không chặt bỏ tập trung các vườn vải mà chỉ chuyển một phần diện tích nhằm đa dạng thêm cơ cấu cây trồng.

“Đa số các vườn bị chặt bỏ hoặc là do đã già cỗi, năng suất thấp, hoặc là nằm tại các đỉnh đồi cao, thiếu nước tưới và một số ở chân ruộng thấp, thoát nước kém, không phù hợp với cây vải, chứ những vườn vải đang trong giai đoạn sung sức, cho năng suất cao người dân vẫn đang giữ, chăm sóc tốt để chờ cho quả năm sau” – ông Sáng cho biết.

Theo khảo sát của PV NNVN tại thôn Tam Tầng (xã Quý Sơn), mặc dù năm nay vải mất mùa khá nặng nề, tuy nhiên hiện các diện tích vải tại đây vẫn được nông dân giữ và chăm sóc chu đáo để dưỡng sức cho năm sau. Theo ông Nguyễn Xuân Chung, trưởng thôn Tam Tầng: Toàn thôn có 60ha vải đang ở tuổi thu hoạch.

“Thời gian qua, một số hộ dân có vườn vải già cỗi cũng thông tin ý tưởng chuyển vải sang trồng cây trồng khác. Tuy nhiên, họ rất thận trọng hỏi ý kiến của chính quyền cơ sở chứ chưa có có ai tự ý chặt bỏ” – ông Chung cho biết.

Tại xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn), ông Nguyễn Thành Doanh, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay, có khoảng 10 ha vải kém hiệu quả (trên tổng số hơn 700 ha vải toàn xã) được một số hộ dân trong xã chặt bỏ để chuyển sang trồng cam, bưởi.

Tiếp xúc với PV, anh Bùi Xuân Thành (thôn Phố Xã, xã Thanh Hải), một hộ dân vừa chặt bỏ khoảng 40 gốc vải chuyển sang trồng cam giải thích: Đây là vườn vải đã già cỗi, có tuổi đời trên 20 năm tuổi nên mấy năm gần đây chỉ cho quả rất bé, năng suất thấp. Vì vậy gia đình anh đã có kế hoạch chặt bỏ từ lâu.

“Trước đây, diện tích lúa toàn xã trên 200ha, tuy nhiên mấy năm nay đã chuyển sang trồng cây có múi, nay chỉ còn hơn 70ha lúa mà thôi. Vì vậy, diện tích cây có múi chủ yếu tăng lên ở khu vực chuyển đổi đất lúa. Đối với cây vải, xác định đây vẫn là cây chủ lực, đã có truyền thống từ lâu nên đối với các vườn vẫn cho năng suất cao, bà con vẫn giữ lại chứ không có chuyện chặt bỏ” – ông Nguyễn Thành Doanh khẳng định.

Trao đổi với NNVN, ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: Đề án phát triển cây ăn quả của huyện Lục Ngạn thời gian tới đã xác định sẽ từng bước đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, giảm dần diện tích vải kém hiệu quả từ khoảng 20 nghìn ha xuống còn 16 nghìn ha. Vì vậy thời gian qua, việc có một số diện tích vải thiều kém hiệu quả được người dân chuyển đổi sang cây có múi là bình thường.

Đối với các diện tích vải đang cho năng suất cao, huyện xác định vẫn là cây trồng chủ lực, đã được ngành nông nghiệp và nông dân dày công đầu tư về kỹ thuật, xây dựng thành ngành hàng lớn, có hệ thống tiêu thụ, chế biến, liên kết với DN tiêu thụ ổn định hàng chục năm qua. Vì vậy, hoàn toàn không có việc vì lí do năm nay vải mất mùa mà người dân chặt bỏ.

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Hiện Cục đã đề nghị với huyện Lục Ngạn khẩn trương rà soát, nắm bắt kỹ tình hình chuyển đổi cây vải sang các cây trồng khác.

Vải là cây trồng đã hình thành, phát triển và gắn với lợi thế của tỉnh Bắc Giang, đã được ngành nông nghiệp đầu tư bài bản về kỹ thuật, quy trình canh tác cũng như liên kết SX - tiêu thụ sản phẩm ổn định. Người dân hiện cũng đã rất có kinh nghiệm trong SX cây vải…

Việc vải mất mùa trong năm 2017 chỉ là do hiện tượng thiên tai bất thường. Vì vậy, nông dân không nên chặt bỏ ồ ạt cây vải để chuyển sang cây trồng khác.

Đối với cây có múi, đây là nhóm cây trồng khó tính, đòi hỏi đầu tư và quy trình kỹ thuật rất phức tạp. Vì vậy, người dân cũng không nên ồ ạt mở rộng cây có múi trong thời gian ngắn khi chưa có định hướng, khuyến cáo của ngành nông nghiệp.


Theo Lê Bển / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :