Lão nông 'đánh cược với trời', trồng hoa ly thu trăm triệu

Ngày đăng: 2016-12-07 07:27:20


Một số người khuyên ông không nên trồng hoa ly bởi khí hậu, thổ nhưỡng ở Nghệ An không phù hợp với loài hoa khó tính này. Sau 2 mùa mất trắng, lão nông Phạm Đức Bình vẫn không bỏ cuộc. Qua năm thứ 5, hoa ly đã bén đất Nam Đàn, cho lãi 100%. Mùa hoa Tết này, ông tính bỏ túi cả trăm triệu đồng tiền hoa.

Lão nông “đánh cược với trời”, trồng hoa ly thu trăm triệu

Dự báo thời tiết nhiệt độ sắp hạ xuống do đợt không khí lạnh tăng cường, ông Phạm Đức Bình (SN 1953, trú xóm Mậu 6, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) dỡ bớt tấm lưới trên mái che cho 5.000 gốc ly. “Hoa ly là loài hoa khó tính, có nguồn gốc từ xứ lạnh nên khi trồng ở Nghệ An cũng khó hơn các vùng khác do nhiệt độ trung bình ở đây cao, lại mưa nhiều, độ ẩm trong không khí cao, cây dễ bị nhiễm nấm hay bị thối gốc, thân. Năm nay mưa nhiều nhưng được cái nhiệt độ cũng tương đối thuận lợi nên dự báo 5.000 gốc ly sẽ nở đúng dịp Tết”, ông Bình vừa làm, vừa giảng giải cho tôi nghe.

Lão nông Phạm Đức Bình thu trăm triệu đồng từ mô hình trồng hoa ly.
Lão nông Phạm Đức Bình thu trăm triệu đồng từ mô hình trồng hoa ly.

5 năm đánh cược với trời thì đến 2 năm thua trắng tay, nay lão nông này đã rút ra cho mình được những kinh nghiệm quý trong trồng, chăm sóc cây hoa ly. Cả chục năm trước, ông mạnh dạn bàn với vợ, chuyển toàn bộ diện tích vườn đang trồng rau màu, ngô sang trồng hoa cúc và các loại hoa ngắn ngày phục vụ Tết. Trồng hoa cúc thì nhàn hơn nhưng đến vụ Tết, vợ ông phải đội mưa gió rét mướt bán từng cành, cực quá mà lời lãi chẳng bao nhiêu. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông quyết định chuyển sang trồng hoa ly.

Mới trồng thử nghiệm nên ông Bình cũng không dám đầu tư nhiều vốn. Mùa đầu tiên trồng 400 gốc. Chết không còn 1 cây. Sang mùa thứ 2, cũng không có nổi 1 cây ra hoa. Cây ly cứ èo uột, cháy lá, thối thân rồi đua nhau chết sạch. Hàng chục triệu đồng hóa thành bùn đất, vợ xót 1 thì ông xót 10.

“Hồi đó, có cuộc hội thảo về nông nghiệp tổ chức ở địa phương. Người ta bảo với tôi là các chuyên gia nghiên cứu và khẳng định khí hậu, thổ nhưỡng ở Nghệ An không phù hợp với hoa ly, có chăng là ở một số vùng thuộc miền núi cao huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiệt độ thấp may ra trồng được. Hai mùa mất trắng tôi cũng phân vân lắm. Nhưng rồi quyết định thử 1 phen nữa, không thể thua trời được”, ông Bình nói.

Để hoa ly bén đất nơi đây, ông Bình đã chấp nhận 2 năm trắng tay để thử nghiệm giống hoa khó tính này đối với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An.
Để hoa ly bén đất nơi đây, ông Bình đã chấp nhận 2 năm trắng tay để thử nghiệm giống hoa khó tính này đối với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Nghệ An.

Kinh nghiệm xương máu rút ra từ hai mùa thất bại cộng với việc dày công tìm hiểu thông tin về đặc tính của loài hoa ly, đặc điểm thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương và sự giúp đỡ của các chuyên gia trong lĩnh vực này, ông quyết định “đánh 1 canh bạc” nữa.

Lần này ông quyết định trồng 1.000 gốc ly trong vườn. Khu vườn phía trước được đầu tư giàn mát trị giá 30 triệu đồng, khu vườn đằng sau do chưa có kinh phí nên vẫn phải dùng dàn tạm bằng tre nứa. Nếu trước đây dùng ni lông để che mưa khiến nhiệt độ trong vườn tăng cao thì nay ông thay bằng lưới đen, vừa thoáng, vừa hạn chế tác động của mưa.

“Cái khó nhất vẫn là nhiệt độ. Đặc tính của hoa ly chỉ phù hợp với nhiệt độ từ 12-30 độ nhưng ở Nghệ An, nền nhiệt trung bình mùa đông có khi lên tới 30 độ, như năm ngoái có thời điểm lên tới 35 độ C. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ các lần thất bại trước, khi nhiệt độ ngoài trời cao, tôi phủ 2 lớp lưới đen lên giàn để giúp giảm nhiệt. Ảnh hưởng của mưa lớn hay nền nhiệt cao dần được khắc phục”, ông Bình chia sẻ.

Những búp hoa ly sẵn sàng phục vụ thị trường hoa Tết.
Những búp hoa ly sẵn sàng phục vụ thị trường hoa Tết.

Đó là 3 tháng ròng rã không đêm nào vợ chồng ông ngủ ngon giấc bởi mỗi lần trời báo mưa hay nhiệt độ tăng lại lo phấp phỏng. Những nụ hoa đầu tiên nhú ra từ các kẽ lá, lớn dần, lớn dần. Lần này, ông Bình “thắng” trời. Gần 1.000 gốc ly bung hoa đúng dịp Tết, hoa đều như nhau, mùi thơm đậm.

Khác với trồng hoa cúc, lần này bà Trần Thị Huệ (vợ ông Bình) không phải mang hoa ra chợ nữa mà thương lái tìm đến tận vườn để mua, bà chỉ việc ngồi thu tiền. Cứ mỗi cây 50 nghìn đồng, mỗi chậu 5 cây là 200 nghìn đồng. Hết vụ hoa Tết, ngồi tổng kết lại, gia đình ông lãi 40 triệu sau khi đã trừ chi phí. Thừa thắng xông lên, mùa Tết 2015 vợ chồng trồng 2.500 gốc, thu lãi 70 triệu đồng.

Với vườn ly 5.000 gốc, bà Huệ không phải đội mưa rét đi bán như các loài hoa khác trước đây nữa mà thương lái đến mua tận vườn với giá 50.000 đồng/cây. Ước tính, vụ hoa này sau khi trừ chi phí, ông bà thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
Với vườn ly 5.000 gốc, bà Huệ không phải đội mưa rét đi bán như các loài hoa khác trước đây nữa mà thương lái đến mua tận vườn với giá 50.000 đồng/cây. Ước tính, vụ hoa này sau khi trừ chi phí, ông bà thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Vụ hoa Tết năm nay ông Bình trồng 5.000 cây ly, thử nghiệm cả hoa ly vàng, loại hoa được xem là khó tính nhất trong họ hoa ly. 6 triệu tiền giống ly vàng, giờ chỉ còn vỏn vẹn 3 chậu, 15 cây. Ông bảo, cứ phải thất bại mới thành công được nên không phải lo lắng nhiều. Bên cạnh những luống ly truyền thống, năm nay, ông cũng thử nghiệm trồng những chậu ly nhiều màu, lá xanh mướt, đang chúm chím những nụ đầu tiên. Ông và cậu con trai làm đất, mua chậu trồng tiếp 1.000 cây hoa tuylip để phục vụ thị trường dịp Tết.

Ông nhẩm tính, cứ đà này, hoa ly sẽ nở đúng dịp Tết, nếu giá hoa như năm ngoái thì vợ chồng ông cũng bỏ túi khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí giống, phân, công chăm sóc. “Gấp mấy lần làm lúa, làm màu”, đôi mắt lão nông lấp lánh niềm vui.

Loài ly nhiều màu sắc cũng được ông thử nghiệm, bước đầu cho kết quả tốt.
Loài ly nhiều màu sắc cũng được ông thử nghiệm, bước đầu cho kết quả tốt.

Ông Trần Trọng Hùng – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Kim Liên nói: “Cây hoa ly đã được du nhập về đây khoảng gần 10 năm nay nhưng chưa có ai làm thành công với quy mô lớn như ông Bình. Thực tế chứng minh mô hình trồng hoa ly của ông Bình mang lại thu nhập gấp 300% so với trồng lúa.

Dù địa phương cũng chưa có hỗ trợ gì trong việc phát triển mô hình này nhưng với tinh thần người lính, dám nghĩ, dám làm, tìm tòi và không ngừng học hỏi, cựu chiến binh Phạm Đức Bình trở thành một điển hình kinh tế mới tại địa phương. Năm 2015, ông Bình vinh dự đại diện cho cựu chiến binh trong xã được báo cáo điển hình tại Hội nghị tổng kết Chỉ thị 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện”.


Theo Hoàng Lam / Dân Trí





TIN TỨC KHÁC :