Tết dân vùng rốn lũ ven sông Vệ ôm cả đống nợ tiền khách đặt cọc mua hoa

Ngày đăng: 2017-01-19 08:01:10


Tết Nguyên đán cận kề mà người dân vùng rốn lũ ven sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi chẳng ai vui chút nào. Bởi hàng ngàn hộ dân trông chờ vào nguồn tiền bán hoa tết đã bị lũ “cướp” gần hết. Có gia đình, tết đến ôm cả đống nợ tiền khách đặt cọc mua hoa mà không có để trả lại.

Mất từ nhà ra đồng

Gần hai tháng trước, 3 đợt lũ ập về nhấn chìm ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa ven sông Vệ, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Theo thống kê từ phía chính quyền địa phương có hơn 300.000 chậu hoa cảnh của người dân, hàng trăm hecta hoa màu, hàng ngàn con gia súc, gia cầm... bị mất trắng.

Tết cận kề, chúng tôi trở lại vùng rốn lũ này, màu xanh đã khoác lên trên những cánh đồng. Lúa, hoa màu dần phủ kín những đám ruộng bùn đất bao phủ ngày nào, thế nhưng trên khuôn mặt của người dân huyện Tư Nghĩa vẫn một vẻ u buồn.

Đang chăm sóc những chậu hoa vạn thọ kịp bán tết, ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp tỏ ra chua chát bởi giữa năm 2016, ông bỏ vốn đầu tư 15 triệu đồng sản xuất 400 chậu hoa bán tết. Đến tháng 11 thì ông tiếp tục trồng 1 sào ớt và 2 sào rau màu. Cơn lũ đi qua để lại đám ruộng bùn đất nhầy nhụa chôn vùi cây giống, còn hoa tết sống sót được mấy chục chậu.

Ông Nguyễn Văn Quang chăm sóc mấy chục chậu hoa vạn thọ sót lại sau lũ mong có khách đến mua
Ông Nguyễn Văn Quang chăm sóc mấy chục chậu hoa vạn thọ sót lại sau lũ mong có khách đến mua

“Không có mưa lũ kéo dài, cái tết này gia đình tôi dư dả lắm. Riêng hoa tết, trừ chi phí có lãi được 20 triệu đồng, ớt thu mấy lứa có được 5 triệu và thêm khoản thu nhập rau màu. Từng ấy tiền cả gia đình no ấm khi tết đến nhưng đã 3 đợt mưa lũ liên tiếp mất gần hết, chưa năm nào mà ông trời cướp nhiều tài sản như vậy”, ông Quang bày tỏ.

Tôi hỏi: Thế tết năm nay lấy tiền đâu ra mua sắm? Ông Quang đáp: “Không có được nhiều thì sắm ít thôi, ngày cuối năm có mâm cơm đặt lên bàn thờ cúng gia tiên. Người nông dân là vậy mà, tết no ấm trông cậy vào sản xuất nông nghiệp. Năm nào thu được nhiều thì cuối năm mua sắm sung túc, con cái có áo quần mới. Còn không đành chấp nhận một cái tết thiếu thốn”.

Ông Quang cho biết thêm, sau lũ còn sót lại mấy chục chậu hoa vạn thọ nhưng bông nở không được đẹp lắm, cây còi cọc. Bởi mưa kéo dài khiến cây hoa phát triển chậm, khách không đặt mua. “Cứ đà này chắc tôi đem tặng người thân, làng xóm chưng tết thôi; hết cơ hội chờ khách “rước” đi rồi”, ông Quang chua xót.

Không riêng gì ông Quang, lão nông Trần Văn Phong ở thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp cũng chung cảnh ngộ. Giữa năm, hai vợ chồng ông làm đất, đúc chậu trồng hơn 500 chậu hoa cúc với hứa hẹn đem về cho ông hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Nhưng đến nay không còn một chậu nào sống sót, tất cả đã chết khô, chết héo sau khi nước lũ rút.

 

Hoa bán tết bị khô héo dần dần, khiến người dân vùng lũ Tư Nghĩa, Quảng Ngãi mất nguồn thu lớn

Để có đất canh tác, ông Phong gom chậu chất đống ven bờ ruộng, cày đất trồng rau màu thay thế. “Chưa năm nào cây trồng thiệt hại nặng nề như năm nay. Đợt lũ xuất hiện muộn nước ngập không lớn nhưng kéo dài ngày quá. Hoa cúc không ưa nước nên bị thối rễ và chết từ từ. Sau lũ, tôi dùng các loại thuốc đổ liên tục “cứu” hoa nhưng bất thành”, ông Phong than vãn.

Oái ăm hơn là lão nông Nguyễn Văn Tuấn trú thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ trồng 1.300 chậu hoa tết. Ông vay mượn gần 100 triệu đồng đầu tư để kiếm lời. Đầu tháng 11/2016, hoa xanh tốt mơn mởn hứa hẹn vụ hoa tết bội thu. Nhiều khách hàng đến tận vườn ai cũng đặt niềm tin ở ông, sau đó họ đặt mua 500 chậu đem đi các tỉnh tiêu thụ, ông tạm ứng tiền 50 triệu đồng.

“Năm nào cũng vậy, khách từ Quảng Nam, Đà Nẵng và Tây Nguyên đến đặt hàng sớm lắm, số tiền đó là phần giao kèo. Năm nay hoa chết, tiền tiêu hết rồi nên không biết nói gì với khách. Họ đang cần tiền buôn bán mà tôi không có trả, chắc phải vay nóng để thanh toán thôi”, ông Tuấn nói.

Tiền của khách chỉ một phần, tiền vay mượn gần 100 triệu đồng đúc chậu, phân bón, giống… hứa với người ta bán hoa sẻ trả, vậy mà đi theo nước lũ. “Còn được con bò bán được mấy chục triệu đồng cũng phải bán để trả bớt phần nợ, còn bao nhiêu đành chịu. Nếu chủ nợ không cho thì phải vay lãi nóng, chứ hết đường rồi”, ông Tuấn buồn rầu.

Đến cọng rau cũng phải mua

Trong khuôn viên vườn nhà hơn 1 sào đậu cô ve vừa nhú lên khỏi mặt đất, lão nông Lê Quang Trung (76 tuổi) thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp dựng giàn cho đậu leo. Ông Trung cho biết, đây là lần thứ 3 ông xuống giống, bởi nhiều lần mưa lũ liên tiếp đã gây thiệt hại hoàn toàn.

Tết về, ruộng đậu cô ve của lão nông Lê Quang Trung mới nhú khỏi mặt đất
Tết về, ruộng đậu cô ve của lão nông Lê Quang Trung mới nhú khỏi mặt đất

“Như năm trước, số diện tích này thu hoạch mỗi ngày vài chục ngàn đồng tăng nguồn thu khi tết về, nhưng năm nay trồng mà không biết ra giêng có được thu hoạch nữa không. Bởi trời mưa liên tục xuất hiện, cứ đà này leo lên giàn e khó lắm”, ông Trung tâm sự.

Ngoài trồng hoa tết, dọc ven sông Vệ hàng năm bà con sản xuất rau màu đem lại nguồn thu tương đối lớn. Nhưng năm nay, nhà nhà rau màu mất trắng, không ai có được luống rau xanh.

“Làm nông dân thường tự túc rau xanh vậy mà năm nay đều phải mua với giá đắt đỏ. Thứ rau đó chắc không được sạch như mình trồng nhưng biết làm sao, thiếu thốn thì phải mua hết thôi”, ông Trung bày tỏ.

Giống các hộ dân trong vùng, ông Trung trồng 200 chậu hoa, tết chưa đến thì đã thu hoạch. Quanh vườn số chậu hoa được ông Trung sắp chồng ngay ngắn. “Nước lũ nhấn chìm khiến hoa chết, đồng nghĩa tôi mất cả vốn lẫn lời hơn 20 triệu đồng. Tết về trông chờ vào nguồn trồng hoa, rau màu nhưng không có”, ông Trung chua chát.

Theo ông Trung, cũng như bao làng quê khác, người dân vùng rốn lũ huyện Tư Nghĩa có truyền thống chăn nuôi ít gia cầm, gia súc vào dịp tết. Phần sử dụng cho gia đình nếu dư thừa bán lấy tiền mua sắm tết. Nhưng nước lũ đã cuốn trôi, ngập nước chết nhiều, nay không có mà bán kiếm ít tiền về tiêu.

“Nhắc đến tết mà buồn! Cơn lũ hoành hành khiến người dân quên hết tết rồi. Heo, gà thì trôi theo lũ, rau màu mới xuống giống. Các năm trước, nhiều loại thực phẩm tự sản xuất được còn năm nay hầu hết không có. Đụng cái gì cũng phải mua, trong khi tiền cạn túi. Thôi có ít mình dùng ít, khó khăn đến mấy cũng mua vài cân thịt, con cá về soạn mâm cơm cúng tất niên”, ông Trung chia sẻ.

Hoa chết, người dân thu dọn chậu để sang năm trồng
Hoa chết, người dân thu dọn chậu để sang năm trồng

Chua chát hơn là cặp vợ chồng bà Trần Thị Lý, mấy hôm nay hai người cãi nhau thường xuyên vì chuyện mất hoa tết. Bởi hơn 300 chậu hoa sắp cho thu hoạch thì đang bị chết dần, số tiền nhận của khách 30 triệu đồng giờ bị đến đòi lại. Trong khi có bao nhiều vốn liếng bỏ vào đầu tư trông vào bán hoa mới có.

Tôi hỏi: Gia đình cô chuẩn bị đón tết ra sao? Bà Lý lớn tiếng: “Tết chi mà tết nữa trời! Nợ nần chồng chất giờ không có trả cho người ta chú ạ. Mấy hôm nay đi khắp nơi vay tiền nhưng không được, hẹn với người ta vài ngày nữa trả. Cứ đà này, chỉ biết cách khất nợ, trình bày hoàn cảnh với họ rồi sang năm trả sau”.


Theo Đắc Thành / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :