Thu 2 tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng quýt đường

Ngày đăng: 2017-08-31 07:45:15


Mô hình trồng cây quýt đường theo quy trình VietGAP đã giúp "lão nông" Tống Văn Phong ở Đồng Tháp thu tiền tỷ mỗi năm.

Anh Tống Văn Phong ở ấp Hoà Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp là một trong người dẫn đầu ở địa phương về mô hình trồng cây quýt đường theo quy trình VietGAP.

lao nong dong thap thu 2 ty dong moi nam nho trong quyt duong hinh 1
Anh Tống Văn Phong

Sản phẩm quýt đường của anh Phong đạt chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực  phẩm, được thị trường chấp nhận nên mỗi năm đem lại thu nhập cho gia đình trên 2 tỷ đồng. Mô hình này mở ra hướng đi mới cho trái quýt đường đi vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Là người đam mê làm vườn hơn làm ruộng và với suy nghĩ phải làm gì để thu nhập cao hơn làm lúa, năm 1997 anh Tống Văn Phong đã mạnh dạn đổi 2.000 m2 đất ruộng của mình lấy 1.500 m2 đất vườn để trồng 250 cây quýt hồng. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên vườn quýt thường bị sâu bệnh, một số cây bị chết. Đến năm thứ 3,  khi cây bắt đầu cho trái thì vườn quýt của anh gặp trận lũ năm 2000 làm chết gần hết.

Với quyết tâm và lòng đam mê trồng cây ăn trái, qua theo dõi báo đài và tham quan nhiều mô hình sản xuất, anh quyết định đầu tư để trồng cây quýt đường để phát triển kinh tế gia đình. Anh Phong khẳng định kinh tế vườn lúc nào cũng hơn kinh tế ruộng.

Để sản xuất ra sản phẩm chất lượng có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường, anh Phong áp dụng mô hình trồng quýt theo quy trình VietGAP, sản phẩm chất lượng, an toàn. Thời gian đầu giá cả chưa ổn định, để tìm đầu ra cho sản phẩm, anh tìm đến  các chợ đầu mối tại TP HCM để tiêu thụ. Sau đó, anh đã hợp đồng trực tiếp với các thương lái tại các chợ đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhằm tạo thương hiệu cho sản phẩm, khi đóng thùng giao hàng cho nhà vựa, anh đều dán nhãn “Quýt đường Tư Phong” để người mua biết được nguồn gốc sản phẩm. Chính cách tiếp thị này sản phẩm quýt đường của anh dần được người tiêu dùng chấp nhận, giá bán luôn ổn định, lợi nhuận cao. Bình quân 1 công quýt đường cho thu khoảng 75 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó vườn quýt của anh còn giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động, với mức lương 3 triệu đồng/tháng.

Từ những thành công ban đầu, anh đã tích lũy vốn mua thêm đất vườn, mở rộng sản xuất. Đến nay, anh có tổng cộng 20ha vườn, trong đó 1,7 ha trồng quýt, 3 ha đất trồng cam xoàn, mận theo tiêu chuẩn VietGAP, lợi nhuận mang lại hơn 2 tỷ đồng mỗi năm. Mô hình cho thu nhập cao này đã đưa gia đình anh Phong vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Nhiều năm liền anh được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

lao nong dong thap thu 2 ty dong moi nam nho trong quyt duong hinh 2
Các thành viên của Tổ hợp tác đang phân loại trái quýt

Anh Tống Văn Phong chia sẻ: "Tôi xác định là phải sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và truy xuất nguồn gốc đó mới đáp ứng được yêu cầu người tiêu dùng đề ra và cả cho doanh nghiệp, mới giúp nâng cao chất lượng cạnh tranh được. Từ đó mình phải xác định làm được nhãn hiệu, thương hiệu; tự tôi lên chợ đầu mối để nghiên cứu thị trường; để xây dựng thương hiệu, tôi làm chỉnh chu nên mấy năm trước quýt đường của tôi bán cao hơn từ 5 đến 10 ngàn một kg".

Không dừng lại ở đó, Năm 2014, anh được lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cho đi tham gia học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Thái Lan. Sau chuyến đi học tập này anh nhận ra rằng, cần phải sản xuất theo hướng liên kết để tránh rủi ro, giá trị sẽ được nâng cao. Với hướng đi này anh vận động 11 nông dân tham gia  Tổ hợp tác sản xuất quýt đường Vĩnh Thới,  sản xuất theo quy trình GlobalGAP với diện tích hơn 40ha, do anh làm Tổ trưởng. 

Với quy trình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng nên cuối năm 2016, Công ty VinEco thuộc Tập đoàn VinGroup đã ký hợp đồng tiêu thụ quýt đường GlobalGAP của tổ hợp tác. Hiện giá bán sản phẩm  quýt đường cao hơn từ 15 đến 20% so quýt ngoài thị trường.

Trung bình mỗi tháng Tổ cung cấp từ 80 đến 100 tấn quýt đường cho VinEco tiêu thụ trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu sang nước ngoài. Ngoài sản phẩm quýt đường Công ty VinEco còn hợp đồng tiêu thụ thêm một số nông sản khác: cam xoàn, mận…Để đáp ứng số lượng lớn về sản phẩm anh Phong chọn giải pháp mở rộng mạng lưới liên kết với nông dân. Đến thời điểm này, đã có khoảng 100 hộ dân liên kết với Tổ để cung cấp sản phẩm.

Mô hình trồng quýt đường theo quy trình VietGAP của Tổ hợp tác sản xuất quýt đường Vĩnh Thới hiện nay là một mô hình sản xuất ra sản phẩm nông sản sạch, đảm bảo chất lượng, không những giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm chất lượng an toàn mà còn nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra hướng đi mới cho việc sản xuất nông sản vào siêu thị và xuất khẩu./.


Theo Phan Ánh/VOV-ĐBSCL





TIN TỨC KHÁC :