Vú sữa chín muộn, nhà vườn điêu đứng

Ngày đăng: 2017-03-02 07:48:34


Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000ha vú sữa, trong đó rất nhiều vườn đang rơi vào tình trạng chín muộn so với thời vụ năm ngoái cùng thời tiết thất thường mưa trái mùa...


Rất nhiều nhà vườn trồng vú sữa ở Tiền Giang đang điêu đứng do trái nhỏ, bị sâu bệnh và chín muộn nên giá thấp.

Tỉnh Tiền Giang hiện có hơn 3.000ha vú sữa, trong đó rất nhiều vườn đang rơi vào tình trạng chín muộn so với thời vụ năm ngoái cùng thời tiết thất thường mưa trái mùa làm trái bị hư thối, chất lượng giảm sút, nhiều nhà vườn điêu đứng vì giá bán sụt giảm rất nhiều.

Trái nhỏ, chín chậm, giá thấp

Theo ghi nhận của chúng tôi, cùng thời điểm này năm ngoái thì đặc sản vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim của huyện Châu Thành, Tiền Giang đã vào cuối mùa, nhiều nhà vườn bước vào thời điểm tỉa cành, chăm bón. Thế nhưng, hiện nay đa phần các vườn vú sữa mới bước vào thời điểm trái chín, giá bị giảm sút rất nhiều so với năm ngoái.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Danh, một nhà vườn trồng vú sữa ở xã Kim Hòa, cho biết: Năm nay vú sữa bị chín muộn hơn năm rồi, trái cũng nhỏ hơn so với mọi năm mà giá cả vú sữa lại giảm gấp đôi so với năm ngoái khiến nhà tôi gặp nhiều khó khăn. Hiện lượng vú sữa nhà tôi bán ra chưa đủ tiền vốn đã đầu tư, thu nhập bị giảm rất nhiều so với những năm trước.

Nguyên nhân vú sữa năm nay chín muộn có khả năng do khí hậu đầu tháng 9 năm 2016 lúc vú sữa ra hoa thì gặp trận mưa kéo dài khiến cây thụ phấn kém cũng như cây bị no nước làm trái lâu chín hơn, nhiều cây do mưa nhiều đã bị úng chết. Nếu như năm ngoái vú sữa Lò Rèn loại 1 có giá từ 40.000đ - 50.000đ/kg thì nay loại đặc sản này chỉ còn 16.000đ - 20.000đ/kg.

Ông Trần Văn Một ở xã Đông Hưng là nhà vườn có diện tích trồng vú sữa lớn cũng rơi vào tình trạng điêu đứng chẳng kém.

Ông Một cho biết: Cùng thời điểm so với năm ngoái tôi đã thu hoạch xong vú sữa và đang bước vào giai đoạn tỉa cành bón phân cho cây thế nhưng năm nay vú sữa bây giờ mới chín khiến tôi thất thu nhiều, đã vậy giá còn thấp, thương lái ép giá, ép cả số lượng thu mua khi chỉ lấy loại 1 và 2, trái nhỏ loại 3, 4 thậm chí còn không thu mua.

Cần chăm sóc vườn đúng kỹ thuật

Ông Trương Văn Cho, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Tiền Giang cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn hơn 3.000ha vú sữa chưa thu hoạch và có khả năng phải vào cuối tháng 3 và giữa tháng 4 mới thu hoạch xong, thời gian thu hoạch muộn khiến nhiều trái khi gặp mưa sẽ bị thối hoặc sâu đục quả gây nhiều tổn thất về chất lượng.

Lý giải việc vú sữa chín muộn, ông Cho nhận định: Do rất nhiều nguyên nhân tác động đến cây vú sữa như hồi tháng 9/2016 mưa nhiều mà hệ thống thủy lợi của các nhà vườn không đúng với các kỹ thuật của Chi cục đã phổ biến khiến nhiều cây bị chết úng, cây còn sống thì no nước khiến vú sữa chín muộn.

Vú sữa năm nay nhỏ hơn mọi năm cũng do nhiều nguyên nhân như vườn vú sữa hầu hết đều từ 30 năm tuổi trở lên, bắt đầu có dấu hiệu già cỗi từ năm 2015 và đến năm nay thể hiện rõ nhất.

  Ông Thái Văn Danh cho biết, vú sữa bán ra chưa đủ tiền vốn đầu tư khiến thu nhập bị giảm rất nhiều so với năm ngoái.

Ông Thái Văn Danh cho biết, vú sữa bán ra chưa đủ tiền vốn đầu tư khiến thu nhập bị giảm rất nhiều so với năm ngoái.

Tiếp đó do người dân chăm bón chỉ chú trọng phân vô cơ (đạm, lân, kali...) mà không chú trọng tới phân hữu cơ khiến đất bị thoái hóa, cằn cỗi. Người dân chưa làm đúng kỹ thuật chăm sóc vườn cây như chưa tỉa cành, quả, khiến cây không nuôi được hết quả khiến quả nhỏ.

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn cũng gây ảnh hưởng rõ rệt cho cây vú sữa như lá nhỏ lại, cành khô làm cây không còn sức để nuôi quả.

Ông Cho khuyến cáo: Để vú sữa đạt chất lượng tốt, trái lớn thì nhà vườn sau thu hoạch hãy chăm sóc đúng kỹ thuật như thoát nước tốt, bón phân hợp lý, cắt tỉa cành, quả đúng kỹ thuật để cây phục hồi. Bà con cũng chú ý xử lý tình trạng nhiễm mặn trong vườn cây để tránh gây ảnh hưởng vì vú sữa là loại cây không hợp với nhiễm mặn.


Theo Văn Quân / Nông nghiệp Việt Nam





TIN TỨC KHÁC :