Tăng trưởng nhưng vẫn chậm
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2016 cả nước xuất khẩu đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu tuy cao nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, cơ cấu kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay thay đổi không đáng kể so với năm trước. Tuy nhiên, sự suy giảm về giá của nhiều mặt hàng thuộc nhóm ngành khai khoáng ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn và tốc độ tăng cao là điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 34,5 tỷ USD, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 18,5 tỷ USD, Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 22,1 tỷ USD cũng là những mặt hàng có mức tăng cao nhất.
Một điểm sáng trong xuất nhập khẩu năm qua, theo Bộ Công Thương là cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có sự chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực châu Á, tăng dần nhập khẩu từ thị trường châu Âu. Năm qua, nhập khẩu từ thị trường châu Á tăng chậm nhất. Nhập khẩu từ châu Mỹ ước đạt 14,26 tỷ USD. Nhập khẩu từ châu Âu ước đạt 13,2 tỷ USD.
Năm 2017, tiếp tục lo giá giảm
Về tình hình năm 2017, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng 8 - 9%. Đặc biệt, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6 - 7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu 3,5% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, giá dầu và lương thực năm 2017 được dự báo có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Cùng đó, việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Năm nay, điện thoại và linh kiện, dệt may, điện tử, máy tính và linh kiện...sẽ là những nhóm mặt hàng được kỳ vọng mang về giá trị xuất khẩu cao nhất.
Cũng theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, để đạt mục tiêu xuất khẩu, ngành sẽ phải đổi mới căn bản công tác xúc tiến thương mại, tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới các thị trường là đối tác có FTA, hướng tới các ngành hàng mà ta có lợi thế và còn dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu. Cùng đó, sẽ phải lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng cho những mặt hàng này vào các thị trường.
“Sẽ phải tiếp tục tổ chức triển khai Đề án “Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”. Về phía doanh nghiệp, sẽ phải nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm vượt qua được hàng rào về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng của nước nhập khẩu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Về dự báo kinh tế năm 2017, trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, PGS TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sẽ tiếp tục là một năm rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU đến nay vẫn chưa rõ hồi kết. Trong khi đó, mấy năm nay hàng hóa của Việt Nam vẫn là dệt may, sản xuất đồ công nghệ cũ. Vậy sang năm dự báo tình hình sẽ vẫn khó khăn đối với sản xuất và hàng xuất khẩu.
“Những yếu tố về giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng xuất khẩu. Nếu không có thêm các hướng, thị trường xuất khẩu mới, tăng trưởng xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Công tác xúc tiến thương mại cần có sự thay đổi rõ so với cách làm hiện nay. Để tăng trưởng được, cần có những chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp để họ có thể tận dụng được các cơ hội từ các hiệp định thương mại để vươn lên, còn nếu không, tình hình khó có sự thay đổi”, ông Thiên dự báo.
Cảnh báo nhập siêu từ Trung Quốc, Hàn Quốc
Năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất với 28 tỷ USD trong năm 2016, giảm 14,9% so với năm 2015. Nhập siêu từ Hàn Quốc là 20,2 tỷ USD, tăng 8%; nhập siêu từ ASEAN là 6,3 tỷ USD, tăng 12,5%. Hai thị trường vẫn giữ được mức xuất siêu là Hoa Kỳ với 29,4 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2015; EU là 22,9 tỷ USD, tăng 12,3%.