Giải pháp chăm sóc gia súc gia cầm trong mùa mưa bão

Ngày đăng: 2015-11-13 08:43:37


Mưa bão là yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sức khỏe gia súc, gia cầm, đồng thời khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt lội trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh, là điều kiện thuận lợi để phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Khi gió lớn, những cơn gió giật có thể gây đổ nhà, chuồng nuôi gia súc, gia cầm. Vì vậy, chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của ngoại cảnh và sự đe dọa của bệnh tật là rất cần thiết, người chăn nuôi cần phải thực hiện tốt các công việc sau đây:

 

1. Chuồng trại

Vị trí chuồng nuôi nên chọn nơi cao, ráo, thoáng mát, cách các chuồng nuôi khác, cách xa khu đông dân càng xa càng tốt nhằm hạn chế nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho con người cũng như vật nuôi.

Chuồng nuôi phải chắc chắn, chống dột, ngập lụt, có tấm che chắn mưa gió để bảo vệ gia súc, gia cầm khi mưa to, gió lớn; phù hợp với số lượng, đặc tính, lứa tuổi gia súc, gia cầm. Ở những vùng trùng, nền chuồng phải làm cao để tránh ngập úng.

Kiểm tra hệ thống thoát nước chung của cả khu vực, đặc biệt phải củng cố hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt.

Nên có hố sát trùng trước cửa chồng nuôi hoặc định kỳ rắc vôi bột phun sát trùng xung quanh chuồng nuôi gia súc, gia cầm.

Khu chứa chất thải (phân, rác và nước thải) phải xa chuồng nuôi, cuối hướng gió, vị trí thấp và xa nguồn nước ngầm, trường học, bệnh viện.

 

2. Chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm

Tăng cường chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc, gia cầm để tăng sức khỏe giúp chúng có đủ khả năng để chống lại các tác động bất lợi, hạn chế phát sinh dịch bệnh. Thực hiện tốt kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phù hợp với giống, lứa tuổi và mục đích sản xuất của từng loại gia súc, gia cầm.

Đảm bảo nguồn thức ăn: cây cỏ là nguồn thức ăn chính cho gia súc ăn cỏ, khi mưa bão, cây cỏ dễ bị ngập, đổ và chết vì vậy cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn xanh, có thể phơi khô, ủ chua cỏ hoặc thân cây ngô để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc gia cầm trong mùa mưa bão. Đặc biệt nên lưu ý cung cấp nguồn thức ăn tinh để chúng có thêm nguồn dinh dưỡng cần thiết có thể chống chọi với điều kiện bất thuận. Với thức ăn, cần cung cấp đủ lượng và chất, thức ăn cần bảo quản ở nơi khô ráo để tránh bị mốc ẩm.

 

3. Phòng bệnh cho gia súc, gia cầm

- Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho gia súc gia cầm, thường xuyên quét dọn, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài chuồng nuôi; định kỳ vệ sinh máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi, phu thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi gia súc, gia cầm để diệt mầm bệnh có trong môi trường.

Đảm bảo vệ sinh thức ăn, nước uống, có thể sử dụng Chloramin- B, T để khử trùng nước uống đối với những nơi nguồn nước bị ô nhiễm, đảm bảo cung cấp đủ nước.

- Chủ động phòng bệnh bằng Vacxin.

- Bổ xung các loại vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chúng ta rất dễ dàng nhận biết những bất thường vào sáng sớm thông qua:

+ Lắng nghe: để phát hiện được những âm thanh bất thường hoặc thiếu vắng những âm thanh hàng ngày.

+ Quan sát trạng thái vật nuôi để phát hiện những bất thường như uể oải, ủ rũ hoặc hung hăng; kiểm tra trạng thái phân, nước tiểu, đồng thời kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày của gia súc gia cầm.

+ Ngửi: Nhận ra có mùi nặng hay sự kém thông thoáng… giúp chúng ta biết được sức khỏe đàn gia súc, gia cầm.

- Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường, chẩn đoán và điều trị nếu cần thiết, không được bán hoặc phát tán gia súc, gia cầm ốm, chết và chất thải ra môi trường xung quanh.

BBT - Sở KH&CN Vĩnh Phúc






TIN TỨC KHÁC :