Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi gà thịt

Ngày đăng: 2016-01-19 11:12:34


I. Giới thiệu các giống gà nuôi thịt

1.1.  Giống Gà tàu

Nguồn gốc: Có ở Việt Nam từ lâu đời.

Phân bố: Tập trung ở Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bình Dương.

Hình thái: Phần lớn có lông màu vàng rơm, vàng sẫm có đốm đen ở cổ, cánh và đuôi. Chân màu vàng, da vàng, thịt trắng. Mào phần lớn là màu đơn và ít mào nụ.

Khối lượng sơ sinh nặng 18-20 gam. Lúc trưởng thành con trống nặng 700 – 750 gam, con mái nặng 550-600 gam. 16 tuần con trống nặng 2 kg, con mái nặng 1,4 kg/con.

Bắt đầu đẻ lúc 120-140 ngày tuổi. Nếu để gà đẻ rồi tự ấp, một năm đẻ 90-120 quả trứng.

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi gà thịt, gà tàu vàng

 

1.2. Giống Gà H'mông 

– Nguồn gốc: vùng núi cao có người Hmông và các dân tộc thiểu số sinh sống

– Phân bố: các tỉnh miền núi Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Nghệ An, Hà Nội…

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi gà thịt, cung cấp giống gà h'mông

– Hình thái: nhiều loại hình và màu lông. Tuy nhiên màu phổ biến là 3 loại: Hoa mơ, đen và trắng. Đặc điểm nổi bật nhất là xương đen – thịt đen – phủ tạng đen và da ngăm đen. Gà Hmông có thể trọng trung bình, tốc độ lớn nhanh hơn gà ri, đặc biệt trong điều kiện được chăm sóc tốt.

– Khối lượng gà con mới nở: 28-30 gam.

– Trưởng thành con trống nặng 2,2-2,5 kg, con mái nặng 1,6-2,0 kg/con.

– Khả năng sản xuất thịt ở con gà 10 tuần tuổi là: thịt xẻ khoảng 75-78%, thịt đùi 34-35%, xấp xỉ các giống gà nội địa khác. Chất lượng thịt: ngon, thơm, rất ít mỡ, da dày giòn, thịt không nhũn như gà công nghiệp, săn nhưng không dai như thịt vịt hoặc ngan. Đặc biệt lượng axit glutamic cao tới 3,87%, vượt trội hơn gà ri và gà ác nên thịt gà có vị ngọt đậm, nhưng lượng sắt lại thấp.

– Bắt đầu đẻ lúc 110 ngày tuổi, nếu để gà đẻ rồi tự ấp, có thể đẻ 4-5 lứa/năm, một lứa 10- 15 quả trứng, khối lượng trứng: 50 gam/quả, màu nâu nhạt.

– Gà Hmông thuộc nhóm gà thịt đen, xương đen, hàm lượng axit amin cao, được sử dụng như là thuốc bồi bổ cơ thể, chữa bệnh suy nhược, lượng colesteron thấp trong khi axit linoleic cao có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa trị bệnh tim mạch. Mật gà được dùng dể chữa bệnh ho cho trẻ em. Xương gà nấu thành cao để chữa bệnh run tay, run chân…

1.3. Giống Gà Sao

– Gà Sao còn gọi là gà Trĩ có tên khoa học là Bambusicola. Thuộc loại gà rừng hiện có 3 dòng với ngoại hình đồng nhất thường sinh sống ở những khu rừng mưa nhiệt đới gió mùa nóng ẩm hiện có ở các nước đông nam châu Á và nam châu Phi. Riêng ở Việt Nam chúng sống rải rác ở nhiều nơi và tập trung ở nhiều khu rừng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

 

Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi gà thịt, cung cấp giống gà sao

– Gà sao trên đầu có một sừng, hai tích to và bộ lông có màu xám đen cánh sẽ trên phiến lông có nhiều chấm trắng tròn nhỏ với những đường kẻ sọc chạy từ đầu đến đuôi có hình dáng rất đẹp, gà Sao rất thích bay và thường xuyên kêu rất to, trong chăn nuôi tập trung gà Sao rất nhút nhát dễ sợ hãi, cảnh giác và bay giỏi như chim.

– Gà Sao trong hoang dã tìm kiếm thức ăn trên mặt đất, chủ yếu là côn trùng và những mẩu thực vật. Thông thường chúng di chuyển theo đàn khoảng 20 con.

– Trọng lượng trưởng thành: con trống nặng từ 1,2-1,4kg/con, con mái nặng từ 1-1,2kg/con. Thời gian nuôi đạt trọng lượng thịt là 5-6 tháng. Sản lượng trứng bình quân 70-90 quả/năm.

 

II. Quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà thịt

2.1. Thiết kế chuồng trại nuôi gà thịt

a. Chọn Lồng úm

– Chuồng úm phải ở nơi tránh mưa tạt gió lùa. Khung sườn có thể bằng gỗ, xung quanh ốp vỉ tre hay lưới thép, cũng có thể dùng mê bồ cao 0.4m vây tròn lại, xung quanh và trên nắp che bọc bằng giấy hoặc nylon để giữ ấm, dùng đèn điện 75-100W sưởi ấm cho gà con. Nên dự phòng thêm than củi, lò than và đèn dầu  phòng những ngày cúp điện.

– Tuỳ theo số lượng và độ tuổi mà diện tích chuồng úm, nhiệt độ úm và mật độ úm gà khác nhau. Cụ thể như sau:

Tuổi gà (ngày) 0-3 3-7 7-14 14-21
Mật độ úm (con/m2) 75-85 50-75 35-50 20-35
Nhiệt độ trong lồng úm (độ C)  33-35 33-34 31-32 29-31
Nhiệt độ trong chuồng (độ C) >28 28 28 28

 

Thời gian úm   24/24H úm đêm, ban ngày khi trời mưa lạnh
Lót nền chuồng  Giấy báo và trấu hoặc mạt cưa

b. Thiết kế chuồng nuôi gà thịt:

– Chọn khu đất cao ráo, thoáng mát để cất chuồng gà. Nên cất chuồng theo hướng Đông hoặc Đông Nam để hứng được nắng sáng và tránh được nắng chiều. Nếu nuôi nhốt hoàn toàn, chú ý mật độ nuôi thích hợp là 08 con/m2 khi nuôi gà thịt trên sàn, 10 con/m2 nếu nuôi gà thịt trên nền.

– Sàn chuồng làm bằng lưới mắt cáo hoặc tre thưa cách mặt đất 0,5 m để thông thoáng, khô ráo, dễ dọn vệ sinh.

– Nền tráng xi măng hoặc nền đất, có trải trấu dày 5–10cm.

– Trong chuồng có gác các sào đậu cách nền chuồng 0,7m.

– Vách: thưng bằng cây hoặc bằng lưới kéo cá vv…, có rèm che. Mặt trước cao 2m, mặt sau 1,5m.

– Mái: Lợp Tol hoặc lá.

– Ánh sáng: Tổng thời gian chiếu sáng cho gà thịt từ 1 ngày đến 4 tuần khoàng 20-24 giờ và 10-18 giờ cho gà từ 5 tuần đến xuất bán.

– Ẩm độ: Gà con rất nhạy cảm với ẩm độ cao, cho nên chúng ta cần thông thoáng tốt. Bình thường ẩm độ trong chuồng nuôi khoảng 60-70%.

– Mật độ: Mật độ gà nuôi (lồng, sàn) từ 1 ngày đến 2 tuần tuổi từ 40-50 con/m2 và từ 3-4 tuần khoảng 20-25 con/m2. Sau 4 tuần có thể thả gà ra vườn với mật độ 2-3 m2/con (tuyệt đối không thả rong gà).

– Hệ thống máng ăn: máng ăn nên đặt giữa chuồng, chiều dài máng ăn khoảng 1m, đặt chéo góc nhọn 300 so với vách chuồng. Tùy theo số lượng gà nuôi mà số lượng máng ăn khác nhau, khoảng 25 – 35 con/máng ăn 0,8 – 1m, khoảng cách giữa các con gà với nhau khi ăn trung bình 2 – 4 cm/con. Dưới máng ăn đặt trên tấm ván lót tránh thức ăn rơi vãi.

– Hệ thống máng uống: do tập tính của gà thường uống nước cùng lúc với ăn, đặt máng ăn và máng uống cạnh nhau để gà được uống nước đầy đủ. Thay nước sạch thường xuyên 3 lần/ngày.

 

2.2 Thiết kế sân thả gà:

 

Sân thả càng rộng thì càng tốt, mật độ gà thả vườn ít nhất 01 con/m2, có rào chắn xung quanh bằng lưới B40, lưới nilon, tre gỗ… tùy theo điều kiện cụ thể ngăn không cho gà ra ngoài, tránh để các vũng nước đọng trong sân chơi. Trong sân chơi đào rải rác 3–4 hố nhỏ (0,5m x 0,5m x 0,2m)  đổ cát vào cho gà tắm nắng (nếu là sân đất).

2.3.  Hướng dẫn cách chọn gà giống nuôi thịt:

Chọn những con khoẻ, lanh lẹ, lông mượt khô và bóng, da chân và da bụng hơi đen óng. Không khuyết tật như: hở rốn, bụng xanh đen, bụng mềm căng đầy nước, da bụng mỏng, mù mắt,  vẹo mỏ, chân cong.

2.4. Hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng gà thịt

– Trước khi nhận gà 2 ngày: rửa sạch máng ăn máng uống, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và khu vực nuôi gà.

– Thắp đèn sưởi ấm lồng úm trước khi thả gà vào 30 – 60 phút và bố trí máng uống chỗ úm. Chỉ nên cho ăn sau khi gà con đưa về từ 2 -3 giờ.

– Chăm sóc: Gà mới đem về còn mệt , không cho ăn liền. Nên cho uống nước sạch pha Vitamin C 500mg/lít + 1 muỗng cà phê đường cát hoặc 03 trái hạnh + 01 muỗng đường cà phê đường cát + 01 lít nước sạch.

– Ngày 2: Cho ăn bột bắp nhuyễn hoặc tấm mịn

– Thay giấy lót chuồng hàng ngày

– Từ tuần thứ 2 trở đi bắt đầu bổ sung thêm rau xanh (lục bình, rau muống, cỏ… băm nhỏ). Liều lượng: 10-30g/con/ngày.

–  Quan sát các phản ứng của gà điều chỉnh nhiệt độ thích hợp

+ Nhiệt độ quá thấp: Gà xúm lại gần bóng đèn, gà bị lạnh cần thêm bóng đèn hoặc che cho kín gió.

+ Nhiệt độ quá cao: Gà tản xa bóng đèn, há mồm thở, uống nhiều nước do quá nóng, cần giảm bớt bóng đèn hoặc tháo bớt rèm che.

+ Khi nhiệt độ thích hợp thì quan sát thấy gà ở rải rác khắp chuồng, đi lại, ăn uống bình thường.

a. Khẩu phần thức ăn

Tuần Loại thức ăn (g/con/ngày) Tổng (g/con) Ghi chú
Cám C225 Lúa Trùn Quế
1 20     20 Cám con cò mã số C225
2 25     25
3 30     30  
4 40     40  
5 25 20 3 48  
6   55 3 58  
7   65 3 98  
8   75 3 78  
9   85 3 88  
10   90 10 100  
11   90 10 100  
Tổng 140 480 35 655  

b. Lịch phòng bệnh 

Ngày tuổi Tên thuốc Cách dùng
2, 3, 4

– Sáng: vitamin C

– Chiều Colierravet

Pha nước: 0,5-1gr/lít

Pha nước: 1gr/lít

5 Vaccine Newcattle (chủng F) Pha nước sinh lý nhỏ mắt or mũi
7, 8, 9

– Sáng: Vit C hoặc Glucoza C

– Chiều: Tiacomlex

Pha nước: 1gr/lít

Pha nước: 1gr/lít

10 Vaccine Gumboro Pha nước sinh lý nhỏ mắt or mũi
11, 12, 13

– Sáng: Vit C hoặc Glucoza C

– Chiều : Anticox hoặc Esb3

Pha nước: 1gr/lít

Pha nước: 1gr/lít

15 Vaccin đậu Chủng cánh
17, 18, 19

– Sáng: Vit C hoặc Glucoza C

– Chiều: Tiacomlex

Pha nước: 1gr/lít

Pha nước: 1gr/lít

21 Vaccine Newcattle (chủng Lasota) Pha nước cho uống
22,23,24  – Sáng: Vit C hoặc GlucozaC
– Chiều: Anticox hoặc Esb3

Pha nước: 1gr/lít

Pha nước: 1gr/lít

28 Vaccine Gumboro Pha nước sinh lý nhỏ mắt or mũi
35 Vaccin H5N1 Tiêm dưới da cổ
60 Vaccine Newcattle (chủng M) Pha nước sinh lý chích.

– Từ 30–50 ngày: pha Anticox hoặc Esb3 cho gà uống liên tục 3 ngày/tuần.

– Từ 60–80 ngày: dùng thuốc kháng sinh Gentacolenro trộn thức ăn (1gr thuốc/4 – 5 kg P gà) mỗi tháng 3 lần, mỗi lần 3 ngày liền. Ngưng dùng thuốc trước khi bán gà 10–15 ngày.

– Định kỳ 10 ngày phun thuốc sát trùng tòan bộ khu vực chăn nuôi bằng Diodine hoặc Benkocid liều dùng theo quy định của nhà sản xuất.

– Vệ sinh chuồng nuôi hàng ngày

 

 

III. Một số bệnh thường gặp ở gà nuôi thịt:

3.1. Bệnh cầu trùng ở gà nuôi:

a. Nguyên nhân của ở gà nuôi:

Bệnh lan truyền do gà ăn phải thức ăn, uống nước có lẫn các noãn bào. Bệnh dễ lây truyền từ chuồng này sang chuồng khác, nơi này sang nơi khác do người ta, súc vật… vô tình mang các noãn bào này đi xa. Tốc độ sinh sản nhanh của các cầu trùng khiến bệnh dễ bộc phát.

Bệnh cầu trùng thường làm tăng tỷ lệ tử vong cho gà nhỏ, gà phát triển chậm, yếu, dễ bị bội nhiễm các bệnh khác.

Mức độ gây bệnh tùy thuộc vào phương thức nuôi, nuôi trên sàn lưới ít mắc bệnh hơn nuôi trên nền.

b. Triệu chứng của bệnh cầu trùng ở gà nuôi:

Gà ủ rũ, xù lông, chậm chạp, phân đỏ hoặc sáp nhiều khi có máu tươi. Gà đẻ vỏ trứng mỏng, tỷ lệ đẻ giảm.

c. Bệnh tích ở gà nuôi

Manh tràng sưng to, chân đầy máu. Ruột sưng to. Trong đường tiêu hóa có dịch nhầy và máu.

d. Phòng bệnh bệnh cầu trùng  ở gà nuôi

Vệ sinh phòng bệnh chặt chẽ, đặc biệt không để nền chuồng, chất đọng làm chuồng ẩm ướt.

Dùng thuốc trộn vào thức ăn hay pha nước uống cho gà.

Sử dụng một trong các loại thuốc sau (dùng trong 3 ngày)

Anticoc 1gr/1 lít nước

Baycoc 1ml/1 lít nước.

e. Điều trị bệnh cầu trùng ở gà nuôi:

Tăng liều gấp đôi liều phòng

 

3.2. Bệnh thương hàn ở gà nuôi(Salmonellosis):

a. Nguyên nhân của bệnh thương hàn ở gà nuôi: 

Do vi khuẩn gây ra, bệnh có thể truyền trực tiếp từ gà mẹ sang gà con và cũng có thể nhiễm gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh.

b. Triệu chứng của bệnh thương hàn ở gà nuôi:

Gà ủ rũ, phân trắng loãng, hôi thối. Gà đẻ trứng giảm, trứng méo mó, mào tái nhợt nhạt hoặc teo.

c. Bệnh tích:

Gà con: Gan sưng, có điểm hoại tử trắng, niêm mạc ruột viêm loét lan tràn.
Gà đẻ: Gan có điểm hoại tử trắng, túi mật sưng to, buồng trứng đen tím, trứng non dị hình méo mó.

d. Phòng bệnh thương hàn ở gà nuôi:

Bằng các biện pháp vệ sinh tổng hợp. Có thể dùng kháng sinh để phòng bệnh:

Oxytetracyclin: 50-80 mg/gà/ngày, dùng trong 5 ngày.

Flophancore – Doxycicyline: liều dùng theo quy định của nhà sản xuất.

e. Điều Trị bệnh thương hàn ở gà nuôi

Tăng liều gấp đôi so với liều phòng bệnh.

 

3.3. Bệnh dịch tả ở gà nuôi (Newcastle disease):

a. Nguyên nhân của bệnh dịch tả ở gà nuôi: 

Bệnh do virus gây, lây lan mạnh. Chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, tuy nhiên bệnh cũng có thể lây qua dụng cụ chăn nuôi. Gà mọi lứa tuổi đều mắc bệnh.

b. Triệu chứng của bệnh dịch tả ở gà nuôi:

Thường biểu hiện ở 2 thể: cấp tính và mãn tính.

* Thể cấp tính:

Bệnh xuất hiện đột ngột, gà chết nhanh không biểu hiện rõ triệu chứng.

Thường rụt cổ, ngoẹo đầu vào cánh, ủ rũ, nhắm mắt mê man bất tỉnh, sau đó chết.

Khó thở, nhịp thở tăng, hắt hơi (con vật há mồm, vươn cổ thở).

Tiêu chảy phân màu xanh – trắng, diều căng đầy hơi.

Một số con chảy dịch nhờn ở mắt, mũi. Tích, mào tím xanh.

Nếu sau 4-5 ngày gà không chết, sẽ xuất hiện triệu chứng thần kinh: Gà vận động tròn theo một phía, đi đứng không vững.

Gà giảm đẻ, vỏ trứng mềm.Tỷ lệ chết từ 50-90%.

* Thể mãn tính:

Những gà bị bệnh kéo dài sẽ chuyển sang thể mãn tính. Triệu chứng chủ yếu ở đường hô hấp, thở khò khè, kém ăn, giảm đẻ…. Gà trở thành vật mang trùng. Tỷ lệ chết 10%.

c. Bệnh tích: 

Biến đổi tùy thuộc vào thời gian kéo dài bệnh, lứa tuổi và độc lực của virus. Dạ dày tuyến xuất huyết, có dịch nhầy ở ruột già.

d. Phòng bệnh dịch tả ở gà nuôi:

Chủ yếu là bằng vaccine.

e. Điều trị bệnh dịch tả ở gà nuôi:

Dùng các thuốc tăng sức đề kháng: Vitamix, vit-plus,…

 

3.4. Bệnh Gumboro ở gà nuôi:

a. Nguyên nhân của bệnh gumboro ở gà nuôi:

Do Birua virus. Gà thường mắc bệnh ở 4-8 tuần tuổi.

b. Triệu chứng của bệnh gumboro ở gà nuôi:

Phân lúc đầu loãng, trắng, nhớt nhầy, sau loãng nâu.

Gà sút nhanh, run rẫy.

Tỷ lệ nhiễm bệnh rất nhanh: 2-5 ngày toàn đàn bị nhiễm.

Tỷ lệ chết: 10-30%.

Gà thịt thường phát bệnh sớm hơn (ở giai đoạn 20-40 ngày).

c. Dấu hiệu bệnh gumboro ở gà nuôi:

Cơ đùi xuất huyết đỏ thành vệt.

Bệnh mới phát túi Fabricius sưng to.

Ngày thứ 2: Thận sưng nhạt màu, ruột sưng có nhiều dịch nhầy.

Ngày thứ 3: Xuất huyết lấm tấm hoặc thành vệt cơ đùi, cơ ngực.

Ngày thứ 5,6,7 túi Fabricius teo nhỏ, cơ đùi, cơ ngực tím bầm.

d. Phòng và trị bệnh gumboro ở gà nuôi:

Phòng bệnh bằng vệ sinh: Định kỳ tiêu độc sát trùng chuồng trại thường xuyên mỗi tháng và sau mỗi đợt nuôi.

Phòng bằng vaccine.

Trị bệnh: Chưa có thuốc đặc trị. Chỉ dùng thuốc tăng sức đề kháng vật nuôi.

+ Vitamix: 2 gr/1 lít nước.

+ Vitamine C: 1 gr/1 lít nước.

+ Dexa (0,5 gr): 1 viên/3-4 con.

+ Dùng trong 3 ngày liên tục.

 

3.5. Bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ở gà

a. Triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ờ gà

Triệu chứng của CRD có thể tiến triển một cách chậm chạp trong đàn. Dấu hiệu bệnh thường xuất hiện trên đường hô hấp kéo dài nhiều tuần như ho, hắt hơi, dịch tiết từ mũi và mắt, khó thở. Ngoài ra, khả năng sinh sản của gà bệnh kém, tăng trưởng chậm, còi cọc. Điều đáng chú ý là mũi, xoang mũi, khí quản của gà bệnh thường sưng phồng lên. Túi khí thường dầy lên và mờ đục và có thể chứa nhớt và dịch tiết như pho mát.

b. Phòng bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ờ gà

– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng cách loại bỏ tất cả các chất thải và chất lót chuồng, đồng thời tiến hành sát trùng chuồng trại bằng một trong những thuốc sát trùng sau:

+ Vimekon (10g pha với 2 lít nước).

+ Hoặc Vime Iodine (15 ml pha với 4 lít nước) ngay khi chuồng đang nuôi gà.

– Vệ sinh, sát trùng trứng và máy ấp trước và sau khi ấp để giảm tỷ lệ bệnh truyền qua trứng.

– Khi nhập đàn mới vào nên có thời gian cách ly (trung bình là 21 ngày).

– Do vi sinh vật rất nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ cao và chỉ có thể tồn tại cao nhất là 3 ngày ngoài môi trường, vì thế chúng ta thành lập quy trình và hệ thống chăn nuôi theo nguyên tắc: “Cùng vào – cùng ra” để loại mầm bệnh ra khỏi môi trường chăn nuôi.

– Sử dụng kháng sinh để trộn vào thức ăn và nước uống để kiểm soát bệnh. Có thể sử dụng một trong các thuốc trộn sau:

+ Anti CCRD: 1g thuốc trộn với 1 lít nước uống hoặc 0,5 kg thức ăn.

+ Tiamulin: 1 g thuốc trộn với 2 lít nước uống hoặc 1 kg thức ăn.

+ Genta-Tylo: 1g thuốc trộn với 1 lít nước uống hoặc 0,5 kg thức ăn.

+ Vime Linspec: 50g thuốc trộn với 22-30 kg thức ăn.

– Cần tăng cường sức đề kháng, chống bệnh cho gia cầm bằng các loại chế phẩm sau: Vime C Electrolyte, Vizyme, Polymix…

c. Điều trị bệnh viêm đường hô hấp mãn tính ờ gà

– Kháng sinh trộn: Sử dụng các loại thuốc trên với liều gấp đôi.

– Kháng sinh tiêm: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc tiêm sau:

+ Vime Linspec: 1ml/ 3-5 kg thể trọng, ngày 1 lần, tiêm bắp liên tục 3-5 ngày.

+ Genta – Tylo: 1ml/ 3-5 kg thể trọng, ngày 1 lần, tiêm bắp liên tục 3-5 ngày.

– Hỗ trợ điều trị bằng cách tiêm:

+ Vime Liptyl : 1ml/ 10 kg thể trọng.

+ Vime Canlamin: 1ml/ 5 kg thể trọng.

3.6. Bệnh E.coli ở gà nuôi

Bệnh do Escherichia coli gây ra, có nhiều type gây bệnh khác nhau (O1, O2, O78 và một số type khác). Bệnh do E.coli thường là một nhiễm trùng kế phát bệnh khác như bệnh viêm phế quản truyền nhiễm (Infectious Bronchitis Virus – IBV) hay bệnh viêm hô hấp mãn tính (Mycoplasma gallisepticum – CRD).

a. Triệu chứng của bệnh e.coli ở gà:

Tỉ lệ chết phôi và gà con hao hụt nhiều do vỏ trứng bị nhiễm bẩn với mầm bệnh E.coli từ môi trường chuồng nuôi, máy ấp. Gà có biểu hiện gầy yếu, nhiễm trùng huyết cấp tính gây chết đột ngột. Triệu chứng bệnh thường không đặc hiệu. Đầu ổ dịch gà ăn kém, tăng trọng kém. Ở gà con thường có biểu hiện ủ rũ, xù lông, gầy rạc. Một số con có triệu chứng sổ mũi, thở khó, phân loãng có màu trắng xanh, đôi khi có hiện tượng sưng khớp (viêm bao hoạt dịch), viêm tuỷ xương. Gà chết hàng loạt trong 5 ngày đầu.

b. Bệnh tích e.coli ở gà:

Thường thấy là viêm túi khí, viêm màng ngoài tim, viêm quanh gan, viêm ruột xuất huyết, u hạt ở ruột, viêm bao hoạt dịch có mủ, viêm mắt có mủ. Viêm rốn ở gà con. Ở gà mái đẻ có bệnh tích viêm cục bộ ở vòi trứng. Nếu kế phát sau bệnh CRD thì có thêm bệnh tích ở phổi và thường được gọi là bệnh viêm túi khí.

c. Phòng và trị  bệnh e.coli ở gà:

Do có nhiều chủng kháng nguyên E. coli gây bệnh nên việc phòng bệnh bằng vaccine ít hiệu quả. Vệ sinh sát trùng trứng ấp, máy ấp, chuồng trại để tiêu diệt vi khuẩn E.coli trong môi trường và thực hiện nuôi dưỡng chăm sóc tốt, giảm tối đa các yếu tố gây stress (như nhiệt độ cao, gió lùa, khí amoniac, mật độ nuôi quá đông, không đủ thông thoáng,…) sẽ làm tăng sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh E.coli bộc phát. Việc sử dụng kháng sinh và sulfamid vào những thời điểm nguy cơ cũng có tác dụng hạn chế bệnh. Có thể dùng một trong các loại sau:

– Genta – Colenro: 100g/500kg thể trọng hoặc pha với 100 lít nước cho uống 2 – 3 ngày.

– Terra – Colivet: 100g/50kg thể trọng hoặc pha với 10 lít nước cho uống 2 – 3 ngày.

– Ampiseptryl: 100g/300kg thể trọng.

– Trị bệnh: Dùng các loại trên với liều trị gấp đôi liều phòng.

Do E.coli rất mau đề kháng thuốc, nên để biết loại nào hiệu quả nhất cần làm kháng sinh đồ để xem độ nhạy cảm của vi khuẩn đối với thuốc. Trường hợp bệnh nặng có thể dùng một trong những kháng sinh sau, tiêm bắp liên tục 3 – 5 ngày:

– Colinorcin: 1cc/5kg thể trọng.

– Vimetryl 5%: 1cc/3-5kg thể trọng.

– Vimexyson C.O.D: 1cc/5kg thể trọng.

Ngoài việc dùng kháng sinh diệt vi khuẩn gây bệnh, cần bổ sung các chất điện giải và vitamin giúp gia cầm nhanh chóng hồi phục, có thể dùng:

Vime C Electrolyte: 1g pha cho 1 lít nước dùng liên tục 3 – 5 ngày.

Aminovit: Gói 100g pha cho 500 lít nước uống.

Sau thời gian dùng thuốc, cho gà uống Vime 6 way hoặc Vime subtyl 1-2 ngày để tránh loạn khuẩn đường ruột, gà phục hồi tốt sau khi khỏi bệnh.

Mua bán con giống tốt






TIN TỨC KHÁC :