Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo các loại (Cẩm nang chăn nuôi heo - phần 4)

Ngày đăng: 2016-05-31 03:48:36


I. Kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc heo hậu bị

Heo hậu bị là heo dùng để thay thế những con nọc, nái đang sinh sản trong tương lai.

Heo hậu bị thường được chọn lọc ít nhất qua 4 thời điểm:

- Lúc 7 ngày tuổi đối với heo đực, vì những con không đạt tiêu chuẩn làm giống sẽ thiến đi ở thời điểm này. Đối với heo cái thì chọn lúc 21 ngày tuổi, lúc này nên dựa vào gia phả, thành tích sinh sản của bố mẹ, ông bà và ngoại hình của heo con.

- Lúc cai sữa hoặc 60 – 70 ngày tuổi, giai đoạn này chọn heo để chuyển qua khu làm giống hoặc nuôi thịt. Thời điểm này cũng căn cứ vào ngoại hình, sự tăng trưởng và sức khoẻ heo đã chọn.

- Giai đoạn 4 – 6 tháng tuổi, thời kỳ này cũng dựa vào sức sinh trưởng, sự phát triển tầm vóc. Các dị tật nếu có sẽ dễ dàng nhận ra, những con không đạt tiêu chuẩn sẽ chuyển ngay qua khâu nuôi thịt để xuất bán, hoặc thiến đực nuôi vỗ bán thịt.

- Giai đoạn 7 – 10 tháng tuổi: đây là giai đoạn quyết định chọn lọc cuối cùng. Heo phải có sự sinh trưởng tốt, năng suất sinh trưởng cao, không mập mỡ, khung xương vững chắc; không dị tất, bộ vú đều, núm vú lộ rõ, không có vú lép, bộ phận sinh dục đều đặn, phát triển tốt; lanh lẹ nhưng không nhút nhát sợ hãi hoặc hung dữ.

Ở giai đoạn này cần chú ý đến tính hăng của heo đực. Những đực quá mập, dịch hoàn kém phát triển, hoặc phát triển không đều, ít vận động, yếu chân, nứt hư móng, viêm khớp, dịch hoàn ẩn … nên loại thải.

Đối với heo cái cần phải có biểu hiện động dục lần đầu. Cường độ động dục lần đầu mạnh hay yếu, lộ rõ hay âm thầm cho thấy khả năng phát dục của nái trong tương lai. Những nái quá mập, bộ vú xấu, quá nhút nhát hay quá hung dữ, không biểu lộ động dục đến 10 tháng tuổi thì nên thải loại.

Đối với heo nuôi để nái thì từ 5 – 6 tháng tuổi phải cho ăn theo định lượng thức ăn trung bình 2kg/ngày để tránh hiện tượng mập mỡ, kém khả năng sinh sản, khi phối giống ở 8 – 9 tháng tuổi cho ăn 2.5kg/ngày.

Heo phải được tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm như: dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và xổ lãi trước khi phối giống.
 

* Động dục và phối giống: 

Heo lên giống lần đầu váo lúc 6 – 7 tháng tuổi, biểu hiện của động dục: heo ít ăn, bỏ ăn, buồn bực, phá phách chuồng trại, kêu rên suốt ngày, âm hộ sưng to màu đỏ mọng, thời điểm phối giống tốt nhất là lúc âm hộ vừa lại, có dịch nhờn đặc, âm hộ có màu tím, ấn tay lên mông nái đứng yên.
Chu kỳ lên giống của heo trung bình: 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 2 – 5 ngày.

Lưu ý: không phối giống cho những nái lên giống lần đầu ở nái tơ, nái vừa mới tách bầy quá gầy, mát sức qua quá trình nuôi con. Nái chưa trưởng thành hay gầy yếu số trứng rụng lúc động dục sẽ ít, nếu phối sẽ đẻ ít con.

Chuồng trại nuôi phải thoáng mát, nền chuồng có độ dốc thoát nước dễ dàng (3%), có độ nhám vừa đủ, phải có biện pháp chống lạnh, chống nóng, chống gió lùa mưa tạt. Tắm mát hàng ngày cho heo, cung cấp nước sạch thường xuyên.
 

 

II. Kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc nái mang thai:

Sau khi phối giống 21 ngày không thấy nái động dục trở lại xem như đã mang thai. Thời gian mang thai của heo nái trung bình 114 ngày (biến động từ 111 – 117 ngày). Thời kỳ mang thai có thể chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn chửa kỳ I: từ khi phối giống đến ngày thứ 90, lượng thức ăn cho heo nái trong thời gian này từ 2.0 – 2.5kg/con/ngày. Thiếu dưỡng chất trong thức ăn heo nái giai đoạn này có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của phôi thai như: tăng hiện tượng tiêu phôi, nái còn ít thai sống khi đẻ và chứa nhiều thai khô (thai gỗ). Thừa dưỡng chất dẫn đến tình trạng mập mỡ, heo khó sinh.

- Giai đoạn chửa kỳ II: từ ngày thứ 91 đến ngày thứ 114, tăng lượng thức ăn khoảng 3.0 – 3.5kg/con/ngày. Thời kỳ này thai đã lớn sử dụng nhiều dưỡng chất trong máu của mẹ để phát triển, do đó thiếu dưỡng chất trong giai đoạn này sẽ làm heo con sơ sinh nhỏ vóc, khó nuôi, tỷ lệ hao hụt cao. Nhưng nếu quá dư thừa dưỡng chất bào thai sẽ tăng trọng nhiều, trở nên vóc lớn làm cho nái đẻ khó, đẻ không ra, phải can thiệp kéo thai, móc thai gây tổn thương bộ phận sinh dục làm nái viêm nhiễm, mất sữa hoặc bị nghẽn tắt ống sinh dục (tử cung, ống dẫn trứng) trở nên vô sinh.

Tuy nhiên, một tuần trước khi sinh phải giảm lượng thức ăn xuống còn 2.0kg/con/ngày, thêm vào đó là rau xanh để nái ăn thêm tránh táo bón và giảm cảm giác đói.

Chuồng trại thông thoáng, tránh quá hầm nóng. Giai đoạn đầu nái mang thai có thể nhốt nhiều con một ô, giai đoạn sau nhốt ít hơn. Một tuần trước khi sinh chuyển nái vào chuồng đẻ (mỗi con một ô). Tiêu chuẩn nước uống cho nái chửa là không thể thiếu được, phải có biện pháp chống lạnh, chống nóng, chống gió lùa mưa tạt. Tắm mát hàng ngày cho nái, mùa hè nóng bức cần tắm cho nái 1 – 2 lần/ngày vào lúc 9 – 10 giờ sáng và 2 – 3 giờ chiều.

Chăm sóc heo nái trước và sau khi sinh: Heo nái trước khi sinh 7 ngày cần tắm rửa kỹ cho heo nái lần cuối, cần chú ý tắm rửa bộ phận sinh dục và bầu vú, sau đó đưa vào chuồng nái đẻ đã được sát trùng với Virkon tỷ lệ 1:400.

Một ngày trước khi sinh, quan sát thấy heo nái bồn chồn không yên, đi đứng nặng nề, phân bón từng lọn nhỏ. Khi nặn khám đầu vú chưa thấy có sữa non thì chắc chắn nái chưa đẻ trong 4 – 6 giờ sắp tới. Nếu bắt đầu có sữa non rịn ra đầu vú qua hai lỗ tia sữa thì trong vòng 6 giờ nái sẽ hạ thai, nặn khám đầu vú thấy các vú đều có sữa non vọt thành tia dài thì trong vòng 2 giờ nái sẽ sinh con.

Khoảng 15 – 20 phút trước khi sinh, heo nái nằm xuống, có thể xuất hiện một ít dịch nhờn gồm cả máu và phân su của thai.
Sau 20 phút heo nái không sinh, tốt nhất nên nhờ sự can thiệp của thú y để đảm bảo sự hiệu quả và tính an toàn cho heo mẹ lẫn heo con. Tuy nhiên đối với các hộ có kinh nghiệm trong đỡ đẻ heo nái thì nên kiểm tra vị trí nằm của heo con, nếu heo con nằm ở vị trí thuận thai mà heo mẹ không sinh ra được là do heo mẹ quá yếu sức (do nái tơ, nái quá mập, nái quá ốm, quá già…), nên can thiệp bằng cách chích oxytocin để hỗ trợ nái sinh mau và mau tiết sữa, tăng sự co bóp của tử cung hoặc dùng tay để đẩy heo con ngược vào phía trong và sửa lại vị trí thuận lợi giúp heo nái đẻ dễ dàng hơn.

Khi nái sinh xong phải kiểm tra nhau, chích 1 mũi baytril 5% với liều 1ml/20kg thể trọng để đề phòng viêm đường sinh dục, theo dõi nhiệt độ của heo nái những ngày sau khi sinh.

Trong ít ngày đầu sau khi sinh cần cho nái ăn giới hạn sau đó nái phải được ăn tăng dần, ăn đầy đủ trong suốt thời gian nuôi con. Lượng ăn vào của nái bằng 1.5kg x số heo con x 0.5 trong một ngày.

 

III. Kỹ thuật chăm sóc heo con

1. Chăm sóc heo sơ sinh

- Chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ:
Vải sạch để lau heo sơ sinh
Kéo cắt rốn, kìm bấm răng heo con
Chỉ dùng buộc cuốn rốn
Thuốc đỏ hoặc cồn iod

- Chăm sóc heo sơ sinh
Heo con mới sinh dùng vải sạch để lau mình, mắt, mũi, miệng giúp heo con thở dễ dàng và khỏi chết ngạt.
Dùng chỉ cột rốn cách bụng 2cm, cắt bỏ phần cuốn rốn cách vị trí cột 2cm, sát trùng rốn bằng thuốc đỏ hoặc cồn iod.
Dùng kìm bấm răng nanh cần cắt hết phần răng vàng phía ngoài, không được bấm sâu vào lợi làm đau heo chúng khó bú và như vậy dễ bị nhiễm trùng.

Phải cho đủ tất cả heo con bú được sữa đầu, vì sữa đầu chỉ sản xuất trong khoảng 24 giờ sau khi nái hạ thai và heo con cũng chỉ có khả năng hấp thụ sữa đầu tốt nhất trong 24 giờ đầu, sữa đầu thường đậm đặc, có chứa nhiều sinh tố A và nhiều protein đặc biệt là kháng thể của nái mẹ truyền cho heo con, giúp heo con kháng bệnh trong thời kỳ bú mẹ, trong khi khả năng sản xuất kháng thể chống bệnh của heo con còn yếu, chưa hoàn thiện. Vì vậy trong 24 giờ đầu ngoài việc cho heo con bú sữa đầu, cần hạn chế tối đa sự nhiễm trùng cho heo con. Đây là giai đoạn tranh đua giữa sự hấp thu kháng thể để chống bệnh với sự xâm nhập của mầm bệnh tấn công heo con.

Cần chú ý điều chỉnh nhiệt độ ổ úm cho phù hợp với nhu cầu của heo con.

2. Chăm sóc heo con theo mẹ

Chích sắt cho heo vào ngày thứ 3. Thường xuyên theo dõi sức khoẻ của heo mẹ nhất là những ngày đầu sau khi sinh để sớm phát hiện những trường hợp viêm vú, viêm tử cung, sót nhau, sốt sữa,… ảnh hưởng đến sức khoẻ của heo con. Cần chú ý những hoạt động của heo con trong ổ úm để điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp với nhu cầu của heo con.
Khi heo con 7 ngày tuổi có thể tập ăn cho heo con.
Tác dụng:
- Bù đắp phần dinh dưỡng thiếu hụt cho nhu cầu sinh trưởng phát triển của heo con khi sản lượng sữa mẹ giảm sau 3 tuần tiết sữa.
- Rèn luyện bộ máy tiêu hóa của heo con sớm hoàn thiện về chức năng, đồng thời kích thích bộ máy tiêu hóa phát triển nhanh hơn về kích thước và khối lượng.
- Giảm bớt sự nhấm nháp thức ăn rơi vãi của heo con để hạn chế được các bệnh đường ruột của heo con.
- Giảm bớt sự khai thác sữa mẹ kiệt quệ và giảm tỷ lệ hao mòn của heo mẹ, từ đó heo mẹ sớm động dục trở lại sau khi cai sữa heo con.
- Tránh sự cắn xé bầu vú heo mẹ, hạn chế bệnh viêm vú.
- Có điều kiện để cai sữa sớm heo con, tăng hệ số quay vòng lứa đẻ/nái/năm

* Phương pháp tập ăn sớm:

Bổ sung thức ăn cho heo con từ lúc 10 - 11 ngày tuổi.
Nếu có các thức ăn tổng hợp hoàn chỉnh để tiêu hóa thì chúng ta sử dụng để bổ sung cho heo con. Nếu chưa có những thức ăn đó thì chúng ta có thể sử dụng những thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao và dễ tiêu hóa như: Bột gạo, bột ngô, các loại bột đậu chế biến tốt cho heo con ăn.
Số lần bú sẽ được giảm dần theo ngày tuổi của heo con như sau:


Ngày tuổi heo con

Số lần bú

Số lần ăn bổ sung

8 - 10

12

3 – 4

11 - 15

10

4 – 5

15 - 20

8

4 - 5

20 - 25

6

5 - 6

25 - 30

5

5 - 6

30 - 40

4

5 - 6

Trong quá trình bổ sung thức ăn sớm cho heo con chúng ta cần chú ý những điểm kỹ thuật sau đây:
- Cho heo con ăn phải đúng bữa và đúng thời gian quy định
- Phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ
- Thức ăn bổ sung phải được chế biến tốt, ngon và dễ tiêu hóa
- Thức ăn có thể hỗn hợp nhiều loại để tăng giá trị dinh dưỡng.
Tiêu chuẩn ăn bổ sung của heo con được bổ sung như sau:
Tuổi heo con (ngày)            Kg thức ăn                    Protein tiêu hóa (g)
10 - 12                              0,1                                          12
21 - 30                              0,2                                           24
31 - 45                              0,25                                        30
46 - 60                              0,35                                        40
Sau cai sữa bổ sung men tiêu hoá vào thức ăn để ngừa tiêu chảy.


3. Cai sữa sớm cho heo con

Cai sữa sớm cho heo con là biện pháp quan trọng làm tăng số lứa trong năm.
Trong nông thôn, thông thường thời gian cai sữa là thời gian phá bầy 60 ngày. Như vậy thời gian mang thai là 114 ngày + 60 ngày + thời gian chờ phối 26 ngày = 1 lứa sinh sản, một năm không được 2 lứa.

Nếu áp dụng phương pháp cai sữa sớm cho heo con (ở 21 – 28 ngày) đồng thời áp dụng biện pháp kỹ thuật để giảm ngày chờ phối xuống 10 – 15 ngày mới làm tăng hiệu quả kinh tế. Trước khi cai sữa 3 ngày giảm dần lượng thức ăn cho heo nái để heo nái ít sữa dần, ngược lại heo bú ít ăn nhiều. Như vậy giảm ảnh hưởng của việc dứt sữa đột ngột ở heo con.

Lưu ý: heo con cai sữa sớm trọng lượng heo lúc cai sữa phải đạt từ 5 – 7 kg trở lên.


Đến ngày cai sữa cho nái nhịn ăn, ngày thứ hai cho heo nái ăn 1kg, ngày thứ ba cho ăn 2kg và duy trì cho đến khi nái lên giống lại. Thông thường từ sau 3 – 7 ngày heo nái sẽ lên giống lại. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng cho nái sau cai sữa quá ốm.
 

 

IV. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng heo thịt

Trong kỹ thuật nuôi heo thịt hướng nạc, ta thường nuôi theo giai đoạn cho phù hợp với yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cơ thể chúng và được chia làm 2 giai đoạn:

Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo các loại, Cầm nang chăn nuôi heo, kỹ thuật chăn nuôi heo thịt
Trang trại chăn nuôi heo thịt

Giai đoạn 1:

Từ 20 – 25kg đến 50 – 60kg gọi là giai đoạn tăng trưởng của heo, trong giai đoạn này heo phát triển về chiều cao và chiều dài, cần cho heo ăn thoả mãn để làm cho heo tăng trọng càng nhanh càng tốt, rút ngắn thời gian nuôi.

Giai đoạn 2:

Từ 50 – 60kg đến khi xuất chuồng, giai đoạn này hạn chế lượng thức ăn cho heo, cho heo ăn tăng dần từ 2,0 – 3,5kg/con/ngày.
Heo 2 – 3 tháng tuổi ăn: 0,2 – 1,0kg/con/ngày.
Heo 3 – 5 tháng tuổi ăn: 1,0 – 2,0kg/con/ngày.
Heo lớn hơn 5 tháng tuổi ăn: 2,0 – 3,5kg/con/ngày.
Thức ăn cho heo không cần thiết phải nấu chín, nấu thức ăn cho heo vừa tốn thời gian, vừa tốn năng lượng và công đun nấu, mặt khác nhiệt độ đun nấu làm mất đi các vitamin, khoáng vi lượng và đa lượng rất cần cho heo.
Tập cho heo ăn đúng giờ để kích thích tính háu ăn của heo, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.

Tắm mát cho heo hàng ngày:
- Đối với heo có P > 30 kg tắm 1 lần/ngày
- Đối với heo có P > 50 kg tắm 2 lần/ngày
Cung cấp thường xuyên và đầy đủ nước sạch cho heo uống.
Chuồng trại khô ráo, thoáng mát, có ánh sáng mặt trời buổi sáng chiếu vào, tránh ánh nắng chiều, tránh mưa tạt, đối với điều kiện miền nam ưu tiên cho việc chóng nóng cho heo, nền chuồng cần có độ dốc về một phía, có rãnh thoát nước, độ dốc thích hợp 3%.

Diện tích chuồng trại cho từng lứa tuổi của heo:

* 2 – 3 tháng tuổi: 0,4 m2/con
* 3 – 5 tháng tuổi: 0,8 m2/con
* 5 – 8 tháng tuổi: 1,2 m2/con
Sau mỗi đợt nuôi heo cần phải sát trùng chuồng trại kỹ lưỡng, giảm việc tồn đọng mầm bệnh lây lan từ lứa này sang lứa khác, nên thực hiện qui trình “cùng vào cùng ra”.


Theo Lê Thị Ánh Tuyết / Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư





TIN TỨC KHÁC :