Kỹ thuật nuôi lợn Móng Cái

Ngày đăng: 2015-11-26 09:25:41


Chương I: Đặc điểm sinh học và phương pháp chọn giống lợn Móng Cái

 1. Đặc điểm sinh học của lợn Móng Cái

1.1.  Ngoại hình heo Móng Cái: Đầu đen, giữa trán có một điểm trắng hình tam giác hay bầu dục. Mõm trắng, giữa vai và cổ có vành trắng vắt ngang, vành trắng này kéo dài tới bụng và 4 chân. Lưng và mông màu đen, khoảng này kéo xuống 1/2 bụng và bịt kín mông tạo thành lang "yên ngựa". Lợn có đầu to, mõm bẹ dài vừa phải, cổ ngắn và to, lưng dài, rộng, hơi võng. Bụng tương đối gọn, càng về sau bụng càng sệ, lông thưa và nhỏ, da mỏng, mịn, chân sau đi bàn, lợn đa số có từ 12 vú trở lên.

  1.2. Đặc điểm sinh sản của Móng Cái: Thành thục tính sớm, 4-5 tháng tuổi đã xuất hiện động dục, tuy nhiên để phối giống được, lợn phải đạt trên 7 tháng tuổi, trọng lượng trên 60 kg. Lợn mắn đẻ, đẻ nhiều con, nuôi con khéo, sức tiết sữa cao, chi phí thức ăn thấp.

 

Kỹ thuật chăn nuôi lợn Móng Cái

 

2. Chọn giống lợn Móng Cái

2.1.  Chọn lọc theo huyết thống:

- Lợn có nguồn gốc bố mẹ là giống tốt.

- Con bố phải được kiểm tra năng suất cá thể ở các cơ sở lợn giống, đạt 2 chỉ tiêu:

+ Tốc độ tăng trọng bình quân 350g/ngày trở lên.

+ Tiêu tốn thức ăn: dưới 4 kg/1kg tăng trọng.

- Con mẹ sản xuất phải đạt 18 lợn con cai sữa/năm, trọng lượng cai sữa trên 100 kg/năm, lợn con có độ đồng đều (cai sữa 45 ngày).

2.2. Chọn lọc ngoại hình:

Chọn lợn có 12 vú trở lên, khoảng cách giữa 2 vú đều nhau, không có vú kẹ. Lợn có 4 chân chắc chắn, khoảng cách giữa 2 chân trước và chân sau vừa phải, móng không toè, đi đứng tự nhiên, không đi chữ bát, vòng kiềng hay đi bàn.

 

 

Chương II: Kỹ thuật chăn  nuôi  lợn hậu bị Móng Cái

 1. Mục đích yêu cầu

- Giảm tỷ lệ loại thải, loại thải đúng thời điểm (trong giai đoạn nuôi lợn hậu bị) sẽ tăng hiệu quả kinh tế trong nuôi lợn nái sinh sản.

- Lợn cái động dục sớm, giảm được chi phí thức ăn, công lao động và chi phí khác. Đẻ nhiều con ngay từ lứa đầu.

2.  Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn móng cái hậu bị

Lợn  hậu bị là lợn chưa sinh sản, đang nuôi để chọn thành lợn nái để sinh sản. Thời gian hậu bị từ 2 tháng tuổi đến 6  tháng tuổi.

Chăm sóc nuôi dưỡng: Cho lợn ăn cân đối, đủ chất nhất là Protein để lợn sớm thành thục và phát triển cân đối về tính.

3. Định mức thức ăn và tiêu chuẩn khẩu phần cho heo Móng Cái

Tiêu chuẩn ăn của lợn hậu bị: Năng lượng trao đổi: 2.800 Kcal/kg thức ăn, lượng Protein tiêu hoá đạt 13-13,5%. Lợn hậu bị béo sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.

-  Khẩu phần ăn:    

+ Giai đoạn có trọng lượng 10-35 kg: lượng thức ăn tinh từ  0,3-0,7 kg, thức ăn xanh 0,5 kg.

+ Giai đoạn có trọng lượng 36-70 kg: lượng thức ăn tinh từ 0,8-1,2 kg, thức ăn xanh 1 kg.

Loại thức ăn: Thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp, thức ăn đậm đặc phối chế với các loại nguyên liệu địa phương. Song đảm bảo tiêu chuẩn về năng lượng trao đổi và Protein tiêu hoá.

4. Kiểu chuồng và định mức chuồng nuôi heo móng cái

4.1. Kiểu chuồng: Chuồng xây bao xung quanh, nền chuồng lát bằng tấm bê tông, hoặc lát gạch đỏ, có hệ thống nước uống tự do, có rãnh thoát nước và phân thải ra bể chứa. Tạo độ thông gió, thoáng khí để có tiểu khí hậu chuồng nuôi tốt.

4.2. Định mức: 2 m2/ hậu bị.

5. Các giai đoạn chọn lọc lợn Móng Cái

Chọn lần 1: Chọn lúc lợn 60 ngày tuổi, trọng lượng từ 8-12 kg/con chọn lọc những con: to, khoẻ và dáng cân đối, có số vú 12 vú trở lên, khối lượng phải cao hơn bình quân của đàn.

Chọn lần 2: Lúc lợn 6 tháng tuổi, trọng lượng trên 50 kg/con. Thân hình cân đối, khoảng cách vú đều, có 12 vú trở lên, không có vú kẹ lép, âm hộ bình thường, không dị tật. Chọn những con có hiện tượng động dục sớm.

6. Tiêm phòng dịch bệnh Móng Cái

Tiêm phó thương hàn lợn con. Khi lợn trưởng thành tiêm phòng các loại vác xin theo pháp lệnh thú y hiện hành.

 

 

Chương III: Kỹ thuật chăn  nuôi lợn nái tiền phối giống

 1. Mục đích yêu cầu

Lợn cái động dục sớm, phối giống đúng thời điểm, giảm được chi phí thức ăn, công lao động và chi phí khác.

2. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái tiền phối giống

 Cho lợn ăn cân đối, đủ chất nhất là Protein để lợn sớm động dục.

3. Chu kỳ động dục và đặc điểm động dục của lợn nái Móng Cái

- Tuổi đẻ lứa đầu: Lợn đẻ lứa đầu thường 11-12 tháng tuổi. Như vậy lứa đầu cho phối lúc 7-8 tháng tuổi, về trọng lượng cần đạt 60 kg trở lên.

- Chu kỳ động dục của lợn nái và động dục của lợn nái sau khi đẻ:

+ Một chu kỳ động dục của lợn nái là 18-21 ngày, nếu chưa cho phối thì chu kỳ động dục lại nhắc lại.

+ Lợn nái sau cai sữa khoảng 5-7 ngày thì động dục trở lại. Thời gian này cho phối giống, lợn dễ thụ thai vì trứng chín nhiều, dễ có số con đông.

Không ép phối, nếu lợn nái sau khi cai sữa mà cơ thể hao mòn gầy sút. Cần phải bỏ qua một chu kỳ để nái lại sức và nuôi được lâu hơn.

Thời gian động dục kéo dài 3-4 ngày, có con đến 5 ngày.

Có thể chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn trước khi chịu đực (bắt đầu).

- Giai đoạn chịu đực (phối giống).

- Giai đoạn sau chịu đực (kết thúc).

3.1. Giai đoạn trước khi chịu đực:

- Lợn nái thay đổi tính tình: kêu rít nhỏ, kém ăn, nhảy lên lưng con khác.

- Âm hộ đỏ tuơi, sưng mọng, có nước nhờn chảy ra nhưng chưa chịu cho đực nhảy. Người nuôi cũng không nên cho lợn phối lúc này, vì sự thụ thai chỉ xảy ra sau khi có các hiện tượng trên từ 25-30 giờ  .

3.2. Giai đoạn chịu đực:

Lợn kém ăn, đứng yên, mê ì. Lấy tay ấn lên lưng gần mông, lợn đứng im, đuôi vắt về một bên, âm hộ giảm độ sưng, có nếp nhăn, màu sẫm hoặc màu mận chín, có nước nhờn chảy dính đục, con đực lại gần thì đứng im chịu phối. Thời gian này kéo dài 28-30 giờ, nếu được phối giống thì lợn sẽ thụ thai (vào cuối ngày thứ 2 đầu ngày thứ 3).

3.3. Giai đoạn sau chịu đực:

Lợn nái trở lại bình thường, ăn uống như cũ.

4. Định mức thức ăn và tiêu chuẩn khẩu phần cho lợn nái tiền phối giống

4.1. Định mức thức ăn:

Năng lượng trao đổi là: 2.800 Kcal/kg thức ăn, lượng Protein tiêu hoá từ 13-14%.

Khẩu phần ăn cho lợn hậu bị: Giai đoạn  chờ phối lượng thức ăn tinh từ 2,2-2,5 kg, thức ăn xanh 2,5 kg.

Chia khẩu phần ăn thành 3 bữa trong ngày.

- Sáng: 07 - 08 giờ             

- Trưa :          11 - 12 giờ

- Chiều:         16 - 17 giờ

Cho uống nước đủ.

4.2. Loại thức ăn:

Thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp, thức ăn đậm đặc phối chế với các loại nguyên liệu địa phương. Song phải đảm bảo tiêu chuẩn về năng lượng trao đổi và Protein tiêu hoá.

5. Kiểu chuồng và định mức chuồng nuôi lợn nái tiền phối giống

5.1. Kiểu chuồng: Chuồng xây bao xung quanh, nền chuồng lát bằng tấm bê tông, hoặc lát gạch đỏ, có hệ thống nước uống tự do, có rãnh thoát nước và phân thải ra bể chứa. Tạo độ thông gió, thoáng khí, để có tiểu khí hậu chuồng nuôi tốt.

5.2. Định mức: 2,5 m2/nái.

6. Tiêm phòng dịch bệnh lợn nái tiền phối giống

Trước khi phối giống phải tẩy giun sán, nuôi dưỡng tốt hơn, đồng thời phải tiêm phòng đầy đủ 3 bệnh chính: dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu.

Thời điểm tiêm phòng: Trước khi phối giống 10-15 ngày, chỉ tiêm 1 loại vác xin trong 1 lần và sau 1 tuần tiêm tiếp loại vác xin khác.

 

 

Chương  IV: Kỹ thuật chăn  nuôi  lợn  nái chửa

 1Mục đích yêu cầu

- Nuôi dưỡng chăm sóc lợn nái có chửa phải bảo đảm cho bào thai phát triển bình thường, tránh sẩy thai, mỗi lứa đẻ nhiều con khoẻ mạnh, có trọng lượng sơ sinh cao.

- Duy trì sức khoẻ cho lợn mẹ, cơ thể được dự trữ đủ chất dinh dưỡng trong thời kỳ tiết sữa nuôi con.

2. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn  nái chửa

Vận động: Lợn nái chửa cho vận động mỗi ngày chừng 1-2 giờ, từ tháng thứ tư trở đi vẫn có thể cho vận động tự do nhưng không cưỡng bức để tránh lợn sẩy thai. Sau khi vận động cho lợn nghỉ 30 phút rồi mới cho ăn.

- Tắm chải cho lợn nái, kích thích hoạt động, gây cảm giác dễ chịu cho lợn nái. Tăng cường xoa bóp bầu vú để mạch máu dễ lưu thông, phát triển tuyến sữa, lợn dễ quen người và dễ tiếp xúc khi đỡ đẻ.

- Cho lợn nái ăn theo đúng giờ quy định. Trước khi lợn đẻ 3 ngày, giảm khẩu phần xuống còn 2 kg, đến ngày đẻ không cần cho ăn chỉ cho uống nước sạch để lợn dễ đẻ.

- Nước uống cho lợn nái chửa là không thể thiếu được, nên lắp đặt vòi nước tự động để lợn nái chửa tự do uống theo yêu cầu của cơ thể.

- Thời gian chửa:

Lợn nái có chửa từ 113 - 116 ngày (bình quân 114 ngày), được chia làm 2 giai đoạn:

+ Chửa kỳ I:   01 - 80 ngày:         80 ngày đầu

+ Chửa kỳ II:   80 - 114 ngày:      34 ngày sau

3- Định mức thức ăn và tiêu chuẩn khẩu phần cho lợn  nái chửa

3.1. Định mức thức ăn: Nhu cầu dinh dưỡng của lợn nái chửa: Trước hết là để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển bào thai, sau đó nhu cầu duy trì của bản thân lợn mẹ và tích luỹ một phần cho sự tiết sữa nuôi con sau này.

Riêng đối với lợn nái tơ (dưới 2 năm tuổi) còn cần thêm chất dinh dưỡng cho sinh trưởng của bản thân.

Năng lượng trao đổi/kg thức ăn là: 2.800Kcal, Protein tiêu hoá đạt 13% - 14%

Thức ăn tinh:

- Chửa kỳ I:             Cho ăn từ:             1,2 - 1,6 kg/con/ngày.

- Chửa kỳ II:           Từ 80 - 110 ngày:           02 - 2,2 kg/con/ngày.

                               Từ 111 - 113 ngày: 2 kg/con/ngày.

                               Ngày đẻ:                1 ngày - không cho ăn.

3.2. Khẩu phần thức ăn: Thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp, thức ăn đậm đặc phối chế với các loại nguyên liệu địa phương. Song phải đảm bảo tiêu chuẩn về năng lượng trao đổi và Protein tiêu hoá.

Thức ăn xanh: bình quân 2 kg/ngày/nái.

Chú ý: - Khẩu phần phải đảm bảo rau xanh cho lợn nái chửa 30% cho nái chửa kỳ I, 20% cho nái chửa kỳ II.

- Không dùng các loại thức ăn có tác dụng ủ men, ủ chua đối với lợn nái chửa tháng đầu và giai đoạn sắp đẻ.

- Không thay đổi thức ăn đột ngột.

4. Kiểu chuồng và định mức chuồng nuôi lợn  nái chửa

4-1. Kiểu chuồng: Chuồng xây bao xung quanh, nền chuồng được lát bằng xi măng, hoặc lát gạch đỏ, có hệ thống nước uống tự do, có rãnh thoát nước và phân thải ra bể chứa.

4-2. Định mức: 2,5 m2/nái.

5. Tiêm phòng dịch bệnh lợn  nái chửa

- Tẩy giun sán và tắm ghẻ cho lợn nái chửa 10-14 ngày trước ngày đẻ.

- Dịch tả lợn: Tiêm sau khi chửa 30-75 ngày.

 

Chương  V: Kỹ thuật chăn nuôi  lợn nái đẻ, nuôi con

1Mục đích yêu cầu lợn nái đẻ

- Để duy trì sức khoẻ cho lợn mẹ, cơ thể được dự trữ đủ chất dinh dưỡng trong thời kỳ tiết sữa nuôi con.

- Chất lượng sữa và tiết sữa đủ  cho con bú trong thời gian lợn con theo mẹ.

2. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng lợn nái đẻ

2-1. Công tác chuẩn bị trước khi lợn đẻ:

Trước khi lợn  đẻ 7-10 ngày, chuồng phải khô, sạch, đủ ánh sáng, yên tĩnh, có rơm rạ, cỏ khô cắt ngắn độn chuồng.

Vệ sinh  cho lợn nái: Trước khi đẻ, lợn nái cần được lau rửa sạch đất hoặc phân bám dính. Dùng khăn thấm nước xà phòng lau sạch bầu vú và âm hộ.

- Chuẩn bị đỡ đẻ: (nếu cần thiết mới can thiệp, còn lại để lợn đẻ tự do)

+ Vải màn hay giẻ sạch để lau lợn con.

+ Thùng gỗ hoặc thúng lót rơm, rạ mềm để đựng lợn con mới đẻ.

+ Bếp than hay bóng đèn điện để sưởi ấm (đẻ mùa đông).

+ Chỉ buộc rốn, kéo cắt rốn, dụng cụ sát trùng và kìm bấm răng nanh.

2-2. Triệu chứng sắp đẻ:

       - Tính ngày lợn đẻ: Lấy tháng phối giống cộng thêm 3, ngày phối cộng thêm 24 ngày. Lợn chửa từ 112 - 116 (bình quân 114 ngày).

       - Trước khi đẻ 2 - 3 ngày, lợn cái biểu hiện: vú căng to, âm hộ sưng đỏ, cắn rác làm tổ.

- Trước khi đẻ 1 - 2 giờ lợn nái đứng nằm không yên, vú sưng to, chân dạng ra, âm hộ mọng đỏ hơi hé mở, vú bắt đầu tiết sữa. Khi âm hộ chảy nước nhờn là dấu hiệu sắp đẻ. Khi nước ối đã vỡ ra là lúc lợn con sắp đẻ ra.

2-3. Kỹ thuật đỡ đẻ: Lợn con mới đẻ ra cần được lau sạch nhớt từ mũi, miệng, tai và toàn thân  bằng giẻ sạch, mềm, khô rồi cắt cuống rốn (chừa lại khoảng 5 cm), sát trùng bằng cồn iốt hoặc thuốc đỏ. Sau đó bấm răng nanh, rồi chuyển lợn con về ổ đã chuẩn bị sẵn.

Lợn đẻ bọc phải xé bọc ngay, lợn con ngạt thì phải thổi hơi vào mũi, mồm làm hô hấp nhân tạo.

Dùng thuốc sát trùng nhẹ rửa sạch phía ngoài âm hộ, dùng nước ấm rửa sạch bầu vú và núm vú.

Lợn con đẻ ra cần cho bú sữa đầu càng sớm càng tốt (vì sữa đầu có kháng thể giúp cho lợn có sức đề kháng phòng chống ngay được 1 số bệnh sau khi mới đẻ).

Lợn nái đẻ xong cho uống nước ấm có pha muối. Theo dõi lấy nhau thai ra không để lợn mẹ ăn nhau thai (dễ sinh ra rối loạn tiêu hoá).

Tiến hành thụt rửa tử cung bằng thuốc tím (pha màu cánh sen) mỗi ngày 1 lần, nhất là đối với lợn nái phải can thiệp kéo thai ra, lần thụt cuối cùng ta pha 1 gam Strep tomycin + 1 triệu UI Penicilin với 20 - 30ml nước cất bơm vào dạ con.

2-4. Chăm sóc lợn nái sau khi đẻ:

Sau khi ra nhau, dùng nước ấm rửa sạch vú và âm hộ.

Thay rơm ướt ẩm bằng rơm khô cho nái nằm.

Cho uống đầy đủ nước sạch có pha ít muối, vì sau khi đẻ lợn thường khát do mất máu.

Để tránh bệnh viêm vú, cho lợn mẹ ăn cháo trong 1-2 ngày đầu. Cho thêm rau tươi non phòng táo bón.

Sau 3 ngày cho lợn nái ăn thức ăn theo quy định để đảm bảo sản xuất sữa đủ nuôi con.

Hàng ngày theo dõi lợn nái có bị viêm tử cung, âm hộ có mủ chảy ra không.

2-5. Chăm sóc lợn nái nuôi con.

Chăm sóc lợn nái:

+ Giảm tỷ lệ hao hụt.

+ Tăng trọng lợn cai sữa.

+ Lợn mẹ khoẻ tiết nhiều sữa, phẩm chất sữa tốt, giảm tỷ lệ hao mòn lợn mẹ, sớm động dục trở lại sau cai sữa, tăng hệ số quay vòng lứa đẻ/năm.

+ Giảm chi phí thức ăn để sản xuất ra 1 kg lợn con giống.

+ Trong thòi gian nái nuôi con tránh tình trạng thay đổi thức ăn đột ngột.

- Chăm sóc lợn con:

+ Lợn con sơ sinh đến cai sữa:

Lợn con sau khi đẻ phải được chăm sóc sạch sẽ, mùa đông chuồng phải được sưởi ấm, phải luôn luôn khô ráo,   

Khi lợn con đạt 15-20 ngày tuổi, cần tập cho lợn con ăn. Nấu chín bột thành hồ loãng, bôi vào mép lợn con hoặc vú lợn mẹ để lợn con liếm láp quen dần với thức ăn.

Từ 25 ngày, tăng lượng thức ăn bổ sung cho lợn con theo từng bữa và tiến hành khống chế số lần bú cho lợn con. Số lần bú sẽ được giảm dần theo ngày tuổi của lợn con.

Quá trình bổ sung thức ăn sớm cho lợn con cần chú ý:

+ Cho lợn con ăn phải đúng bữa và đúng thời gian quy định.

+ Phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

+ Thức ăn bổ sung phải được chế biến tốt, ngon và dễ tiêu hoá.

+ Thức ăn có thể hỗn hợp nhiều loại để tăng giá trị dinh dưỡng.

Cho lợn uống nước đầy đủ, sạch sẽ đáp ứng tốc độ sinh trưởng của lợn con.

Chuồng trại có ô tập ăn riêng cho lợn con, nền chuồng phải luôn luôn sạch sẽ, khô ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm thích hợp cho lợn con, trong chuồng lợn con phải có đệm lót.   

Trong 15-20 ngày đầu sau sinh không tắm cho lợn nái, không rửa chuồng (chỉ dọn vệ sinh quét khô, thay rơm rạ, lót chuồng khi bị ẩm).

+ Nuôi lợn con ghép mẹ: Trường hợp có lợn mẹ đẻ ít con, phải ghép ổ lợn con để giải phóng lợn mẹ, nhưng đảm bảo các yêu cầu:

Lợn con có độ tuổi như nhau.

Lợn con đã được bú sữa đầu.

Thời gian ghép càng sớm càng tốt.

Tránh lợn mẹ phân biệt lợn con của nó và những con khác.

+ Lợn con sau cai sữa:

Đặc điểm: Trong vòng 20 ngày đầu sau khi cai sữa, từ chỗ phụ thuộc vào lợn mẹ, nay lợn con phải sống độc lập và tự lấy dinh dưỡng để nuôi cơ thể.

Tốc độ sinh trưởng nhanh, đặc biệt các tổ chức như xương, cơ bắp và bộ máy tiêu hoá, cơ năng hoạt động khác.

Sức đề kháng còn kém, nhạy cảm với ngoại cảnh dễ nhiễm bệnh, nhất là bệnh đường tiêu hoá.

Lợn con sống độc lập nên thường xẩy ra hiện tượng nhớ mẹ và cắn nhau để tranh dành thứ bậc trong đàn.

Chăm sóc: Cho lợn con ăn nhiều bữa trong ngày: 5 - 6 bữa/ngày.

Cho ăn đúng giờ.

Cho lợn con uống nước tự do.

Cho lợn con vận động tự do trên sân và bãi chơi.

3. Định mức kỹ thuật, thức ăn và tiêu chuẩn khẩu phần lợn nái đẻ

3-1. Định mức kỹ thuật:

Số con đẻ ra còn sống/lứa:                    10 con

Khối lượng toàn ổ lúc sơ sinh:    5,5 - 6,0 kg

Số con cai sữa/lứa:                      9,3 con (bình quân)

Khối lượng toàn ổ lúc cai sữa:     45 - 50 kg

Số ngày cai sữa:                          40 - 45 ngày

Số lứa đẻ/nái/năm:                                02 lứa

Thời gian sử dụng lợn nái:                   5 năm

Mức khấu hao/nái/năm:              20%  

3-2. Định mức thức ăn:

+ Định mức thức ăn của lợn nái nuôi con:

Tiêu chuẩn khẩu phần: Năng lượng trao đổi: 2.800-2.900 kcal/kg thức ăn, Protein  tiêu hoá từ 14-15%.

Ngày lợn  đẻ: Không cho lợn nái ăn, cho uống nước tự do.

Ngày nuôi thứ nhất:          Cho ăn 1 kg/con cái/ngày.

''       2                              :    "   2 kg/con mẹ/ngày.

"       3                              :    "   2,5 kg/con mẹ/ngày.

"     4 - 7                 :    "   2,7 kg/con mẹ/ngày.

Từ ngày thứ 7 trở đi:

Nái nuôi 6 con cho ăn:      2 kg + (6 con x 0,1 kg/con)      = 2,6 kg

"  /    7    "               :         2 kg + (7 x 0,1 kg/con)             = 2,7 kg

Nái nuôi 8 con cho ăn :     2 kg + (8 con x 0,1 kg/con)      = 2,8 kg

"  9    "      :                      2 kg + (9 x 0,1 kg/con)             = 2,9 kg

Nái nuôi 10 con cho ăn:    2 kg + (10 con x 0,1 kg/con)    = 3,0 kg

Loại thức ăn: Thức ăn công nghiệp dạng hỗn hợp, thức ăn đậm đặc phối chế với các loại nguyên liệu địa phương, song phải đảm bảo tiêu chuẩn về năng lượng trao đổi và Protein tiêu hoá.

Lợn nái nuôi con cần 20 - 30% giá trị dinh dưỡng bằng thức ăn xanh và củ quả.

Thức ăn phải có phẩm chất tốt, giá trị dinh dưỡng cao, chế biến tốt, không sử dụng thức ăn kém phẩm chất, thức ăn ôi, mốc... vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phẩm chất sữa mẹ và sức khoẻ lợn con.

 

SNPT&NTT Hải Phòng

 

Từ khóa: kỹ thuật nuôi heo móng cái, hướng dẫn cách chăm sóc nuôi heo móng cái, hướng dẫn cách nuôi lợn móng cái, mô hình nuôi lợn móng cái, trang trại cung cấp heo giống móng cái, trang trại cung cấp lợn móng cái giống, trang trại cung cấp heo giống, trang trại sản xuất heo giống, cung cấp giống lợn móng cái, mua bán lợn móng cái, mua bán heo giống, Mô hình nuôi lợn móng cái thu nhập khủng






TIN TỨC KHÁC :