Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà con từ 0 – 9 tuần tuổi

Ngày đăng: 2016-01-22 10:08:23


1. Những quy định về vệ sinh thú y

- Trước khi nhận gà vào nuôi 1 ngày, phun sát trùng tiêu độc lại toàn bộ khu chăn nuôi, các dụng cụ bằng hóa chất sát trùng như Haniodine hoặc Chloramin 1% (100g pha loãng với 10 lít nước),... rồi mở bạt cho bay hết mùi thuốc.

- Người nuôi gà phải có quần áo riêng và ủng để thay khi vào chăn nuôi.

2. Chuẩn bị các dụng cụ chăn nuôi

- Rèm che: Rèm che bằng vải bạt hoặc bao tải dứa tận dụng may lại phù hợp với diện tích cần dùng.

- Chất độn chuồng: Dùng bằng trấu sạch và khô.

- Quây úm gà: Làm bằng lá cót ép được cắt dọc có chiều cao 50cm, khi úm gà quây tròn lại.

- Chụp sưởi: Làm bằng tôn có đường kính 80 – 100cm, bên trong lắp 3 bóng điện xen kẽ nhau. Những nơi không có điện hoặc nguồn điện thất thường có thể dùng bếp than nhưng khi sưởi cần thiết kế để đưa khí than ra ngoài. Nếu số lượng nuôi nhiều gà, nên thiết kế chuồng úm có hệ thống sưởi dưới sàn (dùng củi đốt ngoài chuồng nuôi, hơi ấm sẽ lan tỏa vào nền chuồng theo hệ thống xương cá đã thiết kế, khói không ảnh hưởng đàn gà).

- Máng uống: Sử dụng máng uống loại 1,5 – 2 lít định mức 50 con cho 1 máng. Máng uống đặt xen kẽ với khay ăn (hoặc máng ăn) theo hình rẻ quạt trong quây và cách đều giữa thành quây với chụp sưởi.

- Máng ăn: Trong 2 tuần đầu dùng khay ăn (khay bằng tôn hoặc bằng nhựa có kích thước 70 x 60cm) hoặc có thể dùng mẹt tre đường kính 60 cm. Kha ăn đặt trong quây xếp so le với máng uống. Các tuần sau dùng máng ăn P30 và P50.

- Các dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, máng uống, cót quây gia cầm,... phải được rửa sạch, phun thuốc sát trùng và phơi nắng cho khô. Chất độn chuồng phải khô, không mốc, phải phun hoặc xông sát trùng.

3. Kỹ thuật nuôi dưỡng gà con từ 0 – 9 tuần tuổi

- Trước khi thả gà vào quây, cần thực hiện:

+ Kéo rèm che kín chuồng.

+ Chuẩn bị quây úm, mỗi quây có đường kính 1,5 – 2m nuôi úm 120 – 200 con, đổ trấu vào quây dầy 6 – 8cm và san cho phẳng mặt.

+ Bật đèn sưởi ấm trong quây úm trước khoảng 2 giờ.

+ Đổ nước sạch vào máng uống

- Thả gà con vào quây:

+ Sau khi chuẩn bị xong chuồng trại mới đưa gà vào quây.

+ Trong một quây không nuôi gà chênh lệch nhau quá 5 ngày tuổi.

+ Tùy thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, mùa vụ, khí hậu mà quyết định mật độ đàn nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ càng thấp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp. Mật độ nuôi: 15 – 20 con/m2.

- Khi thả gà vào quây phải thực hiện tuần tự các công việc sau:

+ Kiểm tra lại số lượng con sống và con chết, trạng thái của gà con.

+ Loại bỏ những con chết và gà không đạt tiêu chuẩn ra khỏi chuồng.

+ Đưa ra khỏi chuồng úm các vỏ hộp đựng gà con, các chất lót vỏ hộp và gà con chết, gà loại để tiêu hủy.

- Cho gà uống nước ngay trước khi cho ăn:

Trong nước uống cần pha thêm thuốc kháng sinh, thuốc bổ B-complex và đường Glucoza theo hướng dẫn. Nước uống phải là nước sạch, an toàn, có thể đun nước ấm nếu úm gà vào mùa lạnh.

- Trong hai tuần đầu úm, thường xuyên quan sát gà và theo dõi nhiệt độ trong quây để điều chỉnh thiết bị sưởi nhằm cung cấp đủ nhiệt sưởi ấm.

* Những dấu hiệu cần chú ý để điều chỉnh chụp sưởi hoặc thiết bị sưởi khác:

+ Nhiệt độ cao, đàn gà tản ra sát vành quây, kêu và thở.

+ Nhiệt độ thấp, gà tập trung xung quanh chụp sưởi.

+ Nhiệt độ thích hợp, đàn gà phân bố đều trong quây.

Gà con cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gà 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không. Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gà chậm phát triển.

 

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc gà con từ 0 – 9 tuần tuổi

- Cho ăn:

+ Cho gà ăn thức ăn theo đúng chủng loại, đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì. Nếu tự chế biến thức ăn phải đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng như sau:

Thành phần

0 – 3 tuần tuổi

4 – 6 tuần tuổi

7 – 13 tuần tuổi

Protein (%)

22

20

15,5

Năng lượng (kCal/kg)

2900

2800

2700

Canxi (%)

1,1

1,1

1,2

Phốt – pho (%)

0,7

0,7

0,5

Lizin (%)

1,1

0,78

0,8

Methionin (%)

0,34

0,3

0,35

+ Khi thay đổi thức ăn cần thực hiện như sau:

Ngày thứ nhất: 75% thức ăn cũ và 25% thức ăn mới

Ngày thứ hai: 50% thức ăn cũ và 50% thức ăn mới

Ngày thứ ba: 25% thức ăn cũ và 75% thức ăn mới

Ngày thứ tư: Cho ăn 100% thức ăn mới

+ Tuần thứ nhất đến hết tuần thứ ba cho gà ăn bằng mẹt hoặc khay tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gà con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh. Mỗi lần cho gà ăn, rắc 1 lượt cám mỏng đều khắp máng, đảm bảo tất cả gà đều thu nhận lượng thức ăn như nhau, chú ý gà ăn no là hết cám ở máng, tránh để cám thừa nhiều trên máng sẽ ẩm, kém chất lượng.

+ Khi gà được 3 tuần tuổi trở đi thay thế khay ăn bằng máng ăn cỡ trung bình P30 hoặc máng đại P50 (40 – 50 con/máng), khi cho gà ăn bằng máng cần treo máng bằng dây, miệng máng đặt ngang với lưng gà.

+ Cho gà ăn tự do cả ngày và đêm, bổ sung thức ăn cho gà trong một ngày đêm từ 6 – 7 lần.

- Cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gà khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gà uống không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm (khoảng 18 – 210C) trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha với nước đường Glucoza + vitamin C, vitamin tổng hợp.

+ Dùng máng uống gallon, hai tuần đầu dùng máng dung tích 1,5 – 2,0 lít, các tuần sau dùng máng dung tích 4,0 lít.

+ Để máng uống kê phẳng bằng gạch mỏng cao hơn độn lót chuồng từ 1 – 4 cm tùy theo độ lớn của gà để gà không bới độn lót vào làm bẩn nước uống.

+ Rửa sạch máng uống hàng ngày và thay nước uống cho gà khoảng 4 lần (sáng, chiều, tối và giữa đêm).

- Chiếu sáng: Thời gian chiếu sáng đảm bảo 24/24 giờ đến tuần thứ 4, từ tuần thứ 5 trở đi thắp sáng cho gà ăn đến 22 giờ, cường độ chiếu sáng từ 2-4 W/m2 chuồng.

- Độn lót chuồng: Hàng ngày kiểm tra và dọn rìa xung quanh máng uống độn chuồng bị ướt và bổ sung độn lót, đảm bảo nền chuồng luôn khô, sạch.

- Từ ngày thứ 5 cần nới quây úm để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Từ tuần thứ tư trở đi tiến hành chọn lọc và loại bỏ hết gà trống lẫn trong đàn và loại thải định kỳ những cá thể có khuyết tật hoặc bị bệnh. Hàng ngày kiểm tra gà chết và gà yếu để loại thải. Ghi chép đầy đủ số lượng gà hàng ngày, lượng thức ăn cho ăn vào sổ theo dõi./.

TX (Theo Thông tin Khuyến nông Việt Nam)

Từ khóa: hướng dẫn kỹ thuật cách chăm sóc gà con mới xuống ổ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng gà con, um ga con tren san luoi, cung cap thuoc um ga con, ban thuoc khang sinh um ga con 






TIN TỨC KHÁC :