Sử dụng vi sinh hữu ích trong thức ăn chăn nuôi

Ngày đăng: 2018-11-07 07:57:56


Hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang được cảnh báo, vì nó gây tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi, gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời còn gây hiện tượng kháng kháng sinh của vi sinh vật gây bệnh, ảnh hưởng đến cả cộng đồng.

 

Để hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, bên cạnh việc người chăn nuôi đảm bảo vệ sinh thú y phòng bệnh hay chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện nghiêm túc lịch dùng vắc xin phòng bệnh thì việc sử dụng các chế phẩm vi sinh hữu ích bổ sung vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích tăng khả năng miễn dịch, giảm tỷ lệ mắc bệnh, cải thiện quá trình tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Đã có nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước chứng minh khi bổ sung chế phẩm vi sinh hữu ích cho vật nuôi theo đường tiêu hóa sẽ làm giảm vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, từ đó làm giảm các bệnh đường ruột; phát triển lông nhung ở niêm mạc ruột, làm tăng quá trình chuyển hóa thức ăn, tăng quá trình hấp thu dinh dưỡng, do đó tăng hiệu quả sử dụng thức ăn, tăng năng suất và hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời góp phần giảm ô nhiễm môi trường do vật nuôi khỏe mạnh, ít dịch bệnh, dinh dưỡng được hấp thu triệt để nên chất thải của vật nuôi cũng giảm.

Trong quá trình điều trị bệnh bằng kháng sinh thì tạm ngưng bổ sung vi sinh hữu ích vào thức ăn

Tuy nhiên nếu tự trộn vi sinh hữu ích vào thức ăn, người chăn nuôi cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng và lưu ý những vấn đề sau:

- Bổ sung vi sinh hữu ích vào thức ăn trong những lúc thời tiết bất lợi, sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh hoặc trước và sau khi dùng vắc xin phòng bệnh, chuyển chuồng nuôi.

- Thức ăn trộn không có chứa kháng sinh.

- Trộn đều vi sinh hữu ích vào thức ăn, sau khi trộn cho vật nuôi ăn hết trong 1 ngày, không để thức ăn trực tiếp dưới ánh nắng.

- Trong quá trình điều trị bệnh bằng kháng sinh thì tạm ngưng bổ sung vi sinh hữu ích vào thức ăn.

- Nếu pha vào nước uống, thời gian cho vật nuôi uống càng ngắn càng tốt vì trong môi trường nước thông thường không có lợi cho lợi khuẩn duy trì và phát triển. Nguồn nước uống phải sạch, không để trực tiếp dưới ánh nắng.

- Không pha chung vi sinh vật hữu ích với kháng sinh trong nước uống của vật nuôi.


Theo Nguyễn Thị Liên Hương / Trung tâm Khuyến nông Quốc gia





TIN TỨC KHÁC :