Các biện pháp phòng trị bệnh cảm nóng ở gia súc

Ngày đăng: 2016-04-06 04:45:20


Bệnh thường phát ra vào mùa nắng nóng. Sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể quá mức cho phép làm xuất hiện căn bệnh này


1. Nguyên nhân gây bệnh cảm nóng ở gia súc

- Khi nhiệt độ trong chuồng trại, trong toa xe vận chuyển thú quá nóng, nhất là lúc ẩm độ của không khí cao, sự thải nhiệt không hữu hiệu làm tăng thân nhiệt thú.
- Do thú phải vận động, làm việc trong điều kiện nhiệt độ môi trường nóng, thiếu cung cấp nước uống hoặc nước quá nóng làm thú uống ít nước.
- Thú mập mỡ dễ nhạy cảm với bệnh như heo nuôi thịt, heo giống, gà thịt giai đoạn cuối khả năng thoát nhiệt kém nên dễ bị cảm nóng


2. Cách sinh bệnh cảm nóng ở gia súc

Sự gia tăng thân nhiệt cao hơn so với sức chịu đựng của gia súc và sự mất nước nặng là hai yếu tố chính của bệnh cảm nóng.
Nhiệt độ môi trường tăng cao, tăng thân nhiệt, thú gia tăng hô hấp để thoát nhiệt dẫn đến giảm hàm lượng acid carbonic trong máu, máu trở nên kiềm, hồng cầu bị phá vỡ, tạo stress do đó bệnh này còn gọi là stress nhiệt.
Trường hợp nhiệt độ môi trường tăng cao mà gia súc lại thiếu nước uống, cơ thể gia súc không thể thoát nhiệt, thân nhiệt tăng cao vượt ngưỡng chịu đựng của hệ thần kinh, hệ thần kinh bị kích thích trong giai đoạn đầu sau đó vài giờ thần kinh sẽ rơi vào trạng thái ức chế, thú không thể thở, tim đập yếu rồi chết (còn gọi là hiện tượng shock nhiệt)


3. Triệu chứng của bệnh cảm nóng ở gia súc

Bệnh thường xuất hiện khá đột ngột, có thể trên nhiều con trong bầy, hoặc chỉ một vài con. Thường những con thú mệt mỏi, thú đang nhiễm bệnh dễ mẫn cảm với bệnh này hơn.
- Hiện tượng stress nhiệt: thú ăn yếu, thở nhiều, uống nhiều nước, dể nẫm cảm với các bệnh thông thường, năng suất giảm, đẻ non, sảy thai.
- Hiện tượng shock nhiệt:
• Triệu chứng đầu tiên là thú tỏ ra rất mệt mỏi, nằm một chỗ, nhịp thở tăng rất nhanh và thở cạn.
• Toàn thân thú đỏ ửng (có thể nhìn thấy trên heo lông trắng, niêm mạc xung huyết).
• Thân nhiệt tăng lên rất cao, có thể lên hơn 41 độ C.
• Tim đập rất nhanh, mạch lặn.
Các triệu chứng trên kéo dài từ 30 – 60 phút, nếu không có biện pháp chữa trị và nhiệt độ môi trường vẫn cao thì tình trạng bệnh sẽ nặng thêm với các biểu hiện sau:
• Thú thở khó, mũi banh ra để thở, tần số hô hấp rất cao.
• Tim đập yếu mạch chìm do máu bị cô đặc.
• Niêm mạc trở nên tím tái.
• Cơ nhai co giật.
• Đối với heo có thêm triệu chứng nôn mữa.
• Thú nằm liệt, sau cùng các cơ co giật, đồng tử mở rộng, hôn mê rồi chết.
• Khi chết có triệu chứng sùi bột mép, có khi lẫn máu.


4) Tiên lượng

Bệnh dễ chữa khỏi nếu phá hiện sớm (stress nhiệt), và điều trị đúng mức. Nếu để quá nặng thú sẽ chết do trở ngại tuần hoàn, máu cô đặc kèm theo xung huyết và thủy thủng ở phổi, gây nên trạng thái thiếu Oxy quá nặng. Sự mất nước và thiếu Oxy gây tích tụ nhiều vật trung gian trong các tế bào, gây ngộ độc toàn thân. Do đó, thú có thể chết sau vài giờ hoặc vài ba ngày sau khi mắc bệnh .


5) Chẩn đoán

Cần phân biệt cảm nóng với cảm nắng. Ở bệnh cảm nắng, nhiều khi thân nhiệt không tăng quá cao, còn ở bệnh cảm nóng triệu chứng thần kinh không mạnh mẽ bằng bệnh cảm nắng.


6) Các biện pháp điều trị bệnh cảm nóng ở gia súc

- Nhanh chóng hạ nhiệt độ cho cơ thể thú, bằng các biện pháp đưa thú vào nơi thông thoáng, dùng nước lạnh dội vào đầu, sau đó dội toàn thân nhiều lần, cấp thuốc hạ sốt để tăng cường sự giải nhiệt:
Paracetamol: 20 mg/kg thể trọng/lần. Ngày cho uống 2 lần.
Anagil: 10 mg/kg thể trọng, chích bắp ngày 2 lần
- Cấp nước cho thú bằng cách cho thú uống nước mát, đồng thời tiến hành tiêm truyền nước muối sinh lý vào tĩnh mạch hoặc xoang bụng.
- Trợ tim và trợ hô hấp cho thú bằng Caffeine hoặc Camphorate.
- Chích vitamine C liều cao (10 – 15 mg/kg thể trọng/lần. Ngày chích 2 lần.)
- Tương tự như cách điều trị bệnh cảm nắng, khi tình trạng bệnh lý giảm xuống, tiếp tục cấp đủ nước, thuốc trợ tim, trợ hô hấp và vitamine liều cao trong vài ngày
- Khi thú đã hồi phục, ăn uống được cần cho ăn thức ăn dễ tiêu, thức ăn chứa nhiều nước, giàu vitamin.


7) Phòng bệnh cảm nóng ở gia súc

- Khi xây dựng chuồng trại nên chú ý đến hai thông số quan trọng là nhiệt độ và độ thông thoáng. Nên sử dụng các vật liệu ít hấp thụ nhiệt để làm mái, mái cần làm cao, vách xây vừa phải, cần có chấn song để tăng độ thông thoáng. Giữa các dãy chuồng nên có khoảng cách thích hợp, có thể tiến hành trồng cây che mát xung quanh chuồng.
- Vào lúc nhiệt độ môi trường tăng quá cao, không nên cho thú ăn quá no, tắm mát cho thú bằng vòi xịt, hoặc dùng hệ thống phun sương, xịt nước lên mái chuồng và quan trọng nhất là cấp đầy đủ nước uống cho thú.
- Mật độ nuôi nhốt nên vừa phải.
- Tốt nhất nên vận chuyển thú vào lúc trời mát, xe nên chạy với tốc độ đều, thùng xe nên làm bằng chấn song để tăng độ thông thoáng. Không nên dừng xe quá lâu. Nếu vận chuyển trên lộ trình xa, chọn chỗ mát, dừng xe, cho thú ăn nhẹ và uống đầy đủ nước.


Theo Trung tâm nguyên cứu nông vận





TIN TỨC KHÁC :