Chăn nuôi

'Đến thịt lợn Tây Ban Nha cũng có lúc giá 20.000 đồng/kg'

Ngày đăng: 2017-07-05 07:51:50


Một "đại gia" nuôi lợn tại Việt Nam cho rằng làm nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam, tại Mỹ cũng cần xác định "3 vụ xanh, 1 vụ đỏ", không thể cứ thấy khó khăn là đổ tại... Nhà nước.

“Tôi rất mừng vì mấy năm nay, Thủ tướng và các bộ trưởng quan tâm đến nông nghiệp. Tôi ra ngoài, có người khen tôi trẻ ra. Tôi nói trẻ ra vì nông nghiệp được Nhà nước để ý”, bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Ba Huân chia sẻ trong hội thảo bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao diễn ra sáng nay tại Hà Nội. Hội thảo do Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Kinh doanh trứng gia cầm từ khi 16 tuổi, đến nay đã ngoài 60 tuổi, bà Huân cho biết không phải ai cũng có thể làm được ứng dụng công nghệ cao.

“Muốn giải thoát nông dân, cần xuất khẩu. Mà bản thân doanh nghiệp tôi làm giấy xuất khẩu trứng 5 năm nay chưa được. Rào cản từ các nước rất khó, nên tôi mong các ngành, cấp cho một số doanh nghiệp làm về nông nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, để giải quyết đầu ra cho nông dân”, bà kiến nghị.

‘Den thit lon Tay Ban Nha cung co luc gia 20.000 dong/kg’ hinh anh 1
Thời gian vừa qua chứng kiến giá thịt lợn Việt Nam xuống thấp kỷ lục, nhiều hộ dân, doanh nghiệp thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh minh họa: Minh Quân.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Công ty Austfeed, một trong những “đại gia” nuôi lợn ở Việt Nam, cho biết làm nông nghiệp phải xác định “3 vụ xanh, 1 vụ đỏ”. Theo vị này, nếu có khó khăn mà đổ cho Nhà nước thì không công bằng.

“Giá thịt lợn Tây Ban Nha năm ngoái tính ra tiền Việt cũng khoảng 20.000 đồng/kg, nên tôi cho rằng bên cạnh các yếu tố khác, vấn đề cần đặt ra là vai trò của người chơi tham gia như thế nào”, ông nói.

Sự thích nghi của Việt Nam, theo đánh giá của ông , là kém. “Tại sao mình xuất khẩu Mỹ thì ‘chết’ như thường, nhưng một số doanh nghiệp như Vinamit, Trung Nguyên... lại không sao. Vấn đề đặt ra là phải chế biến, chế biến chuyên sâu tránh tình trạng năng suất tăng thì giá lại mất”, ông bày tỏ. 

Với thị trường, vị này cho rằng không nên tập trung chỉ Mỹ, Trung Quốc. Trong khi đó, thị trường 650 triệu dân ASEAN lại bị bỏ ngỏ. “Nếu làm tốt từ khâu triển khai chuỗi, có tiêu chuẩn về nông nghiệp công nghệ cao... thì chỉ cần phục vụ vài tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây... là đã quá đủ rồi”.

Đại diện doanh nghiệp đến từ Vĩnh Phúc, ông Lê Văn Trường, cho biết cuối năm 2016 đến nay, giá lợn giảm sâu, doanh nghiệp ông thua lỗ đến 3 tỷ đồng. Ông chia sẻ lợn con đẻ ra, lợn thịt không bán được, cao nhất 18.000 đồng/kg.

Theo quy định, trang trại như ông được vay tối đa 1 tỷ đồng, song ông Trường chia sẻ rất khó khăn khi tiếp cận từ tỉnh, ngân hàng. Chủ trang trại này đề xuất được xem xét giảm lãi suất, giãn nợ nhưng đến nay cũng chưa nhận được sự hỗ trợ, được hướng dẫn để tiếp cận nguồn vốn, giải quyết khó khăn khi giá lợn giảm, thua lỗ.

Ông Nguyễn Dương Phong, Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông (Thanh Hoá) có 22 năm điều hành doanh nghiệp đề xuất được áp dụng lãi suất 3,5-4%/năm để khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt vừa và nhỏ phát triển.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, hứa ngay chiều 4/7, Ngân hàng Nhà nước Vĩnh Phúc sẽ được yêu cầu báo cáo cụ thể về việc chủ trang trại Lê Văn Trường nêu ra.

Đồng thời, ông Hùng gợi ý chủ trang trại cần liên hệ với giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Vĩnh Phúc yêu cầu lãnh đạo này giải thích tại sao không được cơ cấu nợ, giảm lãi khi gặp khó khăn.

Về kiến nghị giảm lãi suất, lãnh đạo Vụ Tín dụng cho biết bản chất sự đồng hành của gói tín dụng 100.000 tỷ là thời hạn cho vay dài, số tiền lớn, lãi suất cũng ưu đãi thấp hơn bình thường 0,5% đến 1%.

“Gói 100.000 tỷ, kể cả sau này có lên đến 200.000 tỷ thì vốn là vốn của các ngân hàng thương mại, kinh doanh theo thị trường. Cho vay với lãi suất thấp hơn 0,5-1%/năm là ngân hàng đã phải giảm lợi nhuận.

Theo ông, triển khai ứng dụng công nghệ cao không thể một sớm một chiều mà xong. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng phương án. Ông Hùng cho hay thời gian qua, ngân hàng cũng có cải biến, tiếp cận vốn chuyển biến rõ nét. Ông khẳng định hai bên đồng hành cùng phát triển, không phải là xin vay. Vấn đề hiện nay cần giải quyết là lãi suất.

Theo thông tin ông Hùng cung cấp, dư nợ cho vay nông nghiệp công nghệ cao hiện tại đã khoảng 27.000 tỷ đồng, nông nghiệp sạch hơn 4.600 tỷ đồng. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành đặt vấn đề tại sao lại chỉ có công nghệ cao cần ưu đãi và trong ưu đãi thì có phải ưu đãi cho vay sẽ quyết định hay không.

“Ngân hàng từ trước đến nay vẫn chơi với nông dân, nông nghiệp. Hai bên đều cần sống, một bên cần cho vay, bên kia thì cần vốn. Tôi đồ rằng có những câu chuyện khác nhiều hơn là hỗ trợ tín dụng”, ông nói đồng thời đặt băn khoăn chữ “công nghệ cao” và chữ “sạch”.

 Ông cho rằng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề lớn, không chỉ là bài toán tính toán lỗ lãi kinh doanh, dù rất quan trọng, mà còn là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam.

Chính vì vậy, những nghiên cứu sâu sắc bao quanh ba cụm từ “sự dẫn dắt thị trường và doanh nghiệp”, “hỗ trợ Nhà nước” và “lợi ích các bên liên quan, nhất là của người nông dân” cần được đặt ra. 

Một số nội dung của gói cho vay 100.000 tỷ đồng

Đối tượng vay: Pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao,  nông nghiệp sạch theo tiêu chí tại Quyết định 738 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Lãi suất cho vay: Thấp hơn so với lãi suất thông thường cùng kỳ hạn từ 0,5% đến 1%.

Nguồn vốn: Ngân hàng cân đối từ nguồn huy động trên thị trường.

Tài sản đảm bảo các khoản vay: Ngân hàng và khách tự thoả thuận có hay không áp dụng bảo đảm tiền vay; khách được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo.

Khi khách gặp khó khăn về trả nợ do nguyên nhân khách quan: Được ngân hàng xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ.


Theo Quang Thắng - L. Anh / Zing





TIN TỨC KHÁC :