Chăn nuôi

'Giải cứu' thịt lợn, lại trông vào thị trường Trung Quốc?

Ngày đăng: 2017-04-07 07:24:27


Thịt lợn trong nước đang dư thừa nên việc xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường Trung Quốc là giải pháp hàng đầu hiện nay.

Phát biểu tại buổi họp báo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), ông Tống Xuân Chinh - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho biết, nền sản xuất các sản phẩm như thịt, trứng trong nước đang có dấu hiệu dư thừa dẫn tới giá cả giảm mạnh trong thời gian qua.

 

giai cuu thit lon lai phai trong vao thi truong trung quoc hinh 1
Giá lợn hơi hiện nay đã chạm đáy, dưới 30.000 đồng/kg

Ông Chinh phân tích: Với sản lượng thức ăn chăn nuôi lên tới 5,02 triệu tấn (2016), tính trung bình cứ 3 kg thức ăn chăn nuôi sản xuất được 1 kg thịt thì tổng cung lên tới gần 1,7 triệu tấn thịt. Tổng nhu cầu trong nước hiện tại không đạt đến mức đó nên lượng dư thừa sản phẩm chăn nuôi trong dân rất lớn.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng nêu ra việc tìm đường xuất khẩu là một trong các giải pháp để khắc phục tình trạng dư thừa thịt lợn hiện nay. Theo ông Chinh, thị trường Trung Quốc vẫn rất quan trọng không chỉ với các loại nông sản mà còn cả thịt lợn, thịt gà.

Ông Chinh dẫn thông tin trước kia thịt lợn xuất sang Trung Quốc chủ yếu theo con đường tiểu ngạch, chưa có con đường chính thức. Hiện tại, nước láng giềng đã siết chặt biên giới và cấm xuất tiểu ngạch. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực đàm phán với phía bạn để xúc tiến thương mại, tìm đường xuất khẩu chính ngạch dành cho sản phẩm thịt lợn.

Một giải pháp cũng được lãnh đạo Cục Chăn nuôi đưa ra là Bộ NN&PTNT đã gửi văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố dừng xây dựng các nhà máy thức ăn chăn nuôi mới, qua đó phần nào giảm được lượng sản xuất thịt hiện nay.

Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Chinh, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước cần đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn nuôi hiệu quả, tăng quy mô để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh...

Thứ trưởng NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho biết, Việt Nam đang bắt đầu khai thông từng mặt hàng xuất chính ngạch sang Trung Quốc như gạo, gà, thịt lợn...

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, việc đàm phán để chính thức hóa thị trường chính ngạch không thể một sớm một chiều. Vì vậy, trong khi chờ đợi, cần phải tăng năng lực sản xuất, chú ý an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của đối tác nhập khẩu./.


Theo Trần Ngọc/VOV





TIN TỨC KHÁC :