Chăn nuôi

'Vua chuối' kiếm triệu đô nhờ vỗ béo bò Úc

Ngày đăng: 2017-03-21 07:36:33


Trang trại bò Úc của giám đốc Huy có thể kiếm lời 15-20 tỉ đồng mỗi lứa

 

Lái chiếc xe bán tải Ford Ranger chạy vòng quanh trang trại bò Úc khoảng 5.000 con, ông Võ Quan Huy, Công ty TNHH Huy Long An, cho chúng tôi biết mới vài tháng trước những con bò này đều gầy lộ xương sườn nặng chỉ khoảng 300 kg. Nhưng giờ là cả đàn bò lực lưỡng nặng tới 500 kg/con.

Lãi hàng chục tỉ đồng

Ông Huy cho biết từ năm 2013, công ty của ông là một trong những đơn vị đầu tiên nhập khẩu bò Úc sống và quản lý giết mổ. Số lượng bò Úc tại trang trại của ông lẫn các trại nuôi hợp tác khác có khi lên tới hơn 30.000 con, mỗi tháng cung cấp ra thị trường hàng ngàn con.

Tại trang trại chuối xuất khẩu ở Long An, ông Huy nuôi vỗ béo bò Úc theo quy trình khép kín, cỏ trồng từ ruộng và thân cây chuối dùng làm thức ăn cho bò. Còn chất thải của bò lại được ủ men vi sinh để bón cho cây chuối.

Theo ông Huy nếu biết kỹ thuật chăm sóc, chế biến thức ăn vỗ béo đàn bò Úc thì mỗi tháng mỗi con bò lãi 500.000-700.000 đồng. Tính thời gian nuôi vỗ béo trong sáu tháng mỗi con bò Úc sau khi trừ chi phí nuôi lãi 3-4 triệu đồng.

Như vậy, với mỗi lứa bò Úc khoảng 5.000 con nuôi vỗ béo trong sáu tháng, trang trại ông Huy có thể kiếm lời 15-20 tỉ đồng.

Từng có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh nuôi vỗ béo bò Úc nhập khẩu, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Vina Forest, cũng cho biết nếu nhập bò Úc về Việt Nam bán luôn là không có lợi nhuận.

Vì nhập khẩu bò Úc sống về đến tại trại Việt Nam chỉ với giá 65.000 đồng/kg, giá bò hơi tại thị trường Việt Nam cũng chỉ ở mức 65.000-70.000 đồng/kg nên chỉ có cách vỗ béo mới lãi nhiều.

“Trung bình vỗ béo mỗi ngày tăng 1 kg thịt, như vậy sáu tháng con bò tăng tới 180 kg. Nếu nuôi một năm sau khi trừ chi phí thức ăn thì người nuôi lời khoảng 7,2 triệu đồng/con, tính mỗi lô bò nhập về vỗ béo doanh nghiệp thu lời khoảng 36 tỉ đồng” - ông Lâm tính toán.

Trang trại vỗ béo bò Úc ở Long An. Ảnh: QH
Trang trại vỗ béo bò Úc ở Long An. Ảnh: QH

Có thể xuất khẩu sang Trung Quốc

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An, cho rằng nuôi bò thịt tại Việt Nam có hướng phát triển tốt vì thị trường tiêu thụ thịt bò trong nước lẫn xuất khẩu sang các nước láng giềng như Trung Quốc là rất lớn.

Ông Huy cho biết thị trường Trung Quốc trước đây cũng ăn thịt bò tươi như Việt Nam. Nhưng giờ đã nhập 200.000 con bò từ Thái Lan mỗi năm, con đường vận chuyển tốn nhiều chi phí vì từ Thái Lan qua Lào, tới cửa khẩu Lao Bảo (Việt Nam) rồi mới ra cửa khẩu Quảng Ninh sang Trung Quốc.

“Trung Quốc vẫn chưa đạt được thỏa thuận nhập khẩu bò Úc nên vẫn phải mua bò từ Thái Lan, Myanmar, Lào… Nếu Việt Nam phát triển được đàn bò thịt thì thị trường trong nước lẫn xuất sang Trung Quốc sẽ rất lớn, không có chuyện lo ế đầu ra” - ông Huy nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Công ty Vina Forest, nuôi vỗ béo bò Úc có lợi nhuận nhanh nhưng cũng có những khó khăn như đòi hỏi doanh nghiệp phải có nhà máy giết mổ hoặc liên kết với các lò giết mổ.

Nếu không có hai điều kiện trên thì dù nuôi có lãi nhưng bị phía lò mổ ép giá, chi phí giết mổ cao thì không lãi được bao nhiêu, thậm chí bị thua lỗ.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu bò Úc gầy về vỗ béo để bán thịt. Tuy nhiên, gần đây có thể do nhận thấy dư địa của thị trường bò thịt trong nước còn vô cùng lớn nên các doanh nghiệp nhập khẩu cả bò cái Úc về để sinh sản và nuôi vỗ béo.

Hiện một số địa phương như Đồng Nai, Tây Ninh, Long An…, nhiều công ty lớn đã và đang đầu tư trang trại nuôi “vỗ béo” bò Úc và nuôi sinh sản các giống bò thuần được nhập khẩu từ Úc, chi phí thấp hơn.

“Người tiêu dùng Việt Nam ăn thịt bò trong bữa ăn hằng ngày càng phổ biến, thị trường tiêu thụ ngày càng lớn là cơ hội để phát triển ngành nuôi bò thịt nước ta trong thời gian tới” - ông Vân nhận định.

Nhiều đại gia đang đầu tư vỗ béo bò Úc và kiếm tiền tỉ. Ảnh: QH
Nhiều đại gia đang đầu tư vỗ béo bò Úc và kiếm tiền tỉ. Ảnh: QH

Không được làm bò đau đớn

Để được nhập khẩu và giết mổ bò Úc, các đơn vị trong nước phải xây dựng khu nuôi nhốt bò, sử dụng công nghệ giết mổ theo tiêu chuẩn Hệ thống Đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng bên xuất khẩu (ESCAS). Toàn bộ quá trình này được chuyên gia Úc giám sát.

Từ khi bò nhập về, các khâu chăm sóc cho đến giết mổ đều có sự giám sát của cơ quan thú y Việt Nam và chuyên gia Úc. Hiệp hội Thịt và bò sống Úc luôn yêu cầu các cơ sở giết mổ phải đảm bảo quy trình giết mổ nhân đạo, tức là không được làm cho con vật bị hoảng loạn từ lúc vận chuyển đến khi giết mổ.

Sau khi bị bắn súng gây mê hoặc sốc điện, không đánh đập gây đau đớn mới giết mổ. Quá trình giết mổ tại các cơ sở có hợp đồng thường xuyên được các cơ quan của Úc thẩm định, kiểm tra. Cơ sở nào không tuân thủ hoặc vi phạm các điều kiện của họ sẽ bị ngừng cung ứng bò thịt nhập khẩu ngay.

Ông HOÀNG THANH VÂN, Cục trưởng Cục Chăn nuôi


Theo Quang Huy (Pháp luật TP HCM)





TIN TỨC KHÁC :