Chăn nuôi

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trần tình về dự án Luật Chăn nuôi

Ngày đăng: 2018-06-16 07:09:13


Giải trình trước Quốc hội về dự án Luật Chăn nuôi chiều qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời gian tới phải giải quyết dứt điểm tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, đồng thời không thể quá phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.

 
 

5 điểm “nghẽn”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong nông nghiệp, trong 30 năm qua chúng ta đã có bước tiến vượt bậc, năm 1986 bình quân chúng ta chỉ sản xuất được 5-6 kg thịt trên một đầu người và không phải 5 lít sữa và 10 quả trứng. Hiện nay, sức sản xuất đã tăng gấp 20 lần so với trước đây, riêng thịt là 60 kg/người, trứng 120 quả, sữa là 10 lít.

bo truong nguyen xuan cuong tran tinh ve du an luat chan nuoi hinh anh 1

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành chăn nuôi đang có 5 điểm nghẽn. Ảnh: IT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cho rằng, chăn nuôi giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ nhiều bất cập.

Một là chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ lớn, 55% trong số 30 triệu lợn, 300 triệu gia cầm, 7,5 đại gia súc. Đã chăn nuôi nhỏ lẻ thì nguy cơ rủi ro rất cao, giá thành chăn nuôi cao, tiềm ẩn những vấn đề khó kiểm soát.

Hai là môi trường chăn nuôi đang có vấn đề lớn, kể cả quy mô trang trại, quy mô lớn của các công ty lớn, nhất là hình thức gia công. Đây là vấn đề nổi cộm.

Ba là thức ăn chăn nuôi, mỗi năm chúng ta sản xuất tới 20 triệu tấn nhưng mặt trái của nó là kiểm soát làm sao cho được dư lượng kháng sinh, kiểm soát chặt chẽ các chất cấm. Chúng ta đã bị trượt dài từ thức ăn chăn nuôi truyền thống sang tuyệt đại bộ phận chăn nuôi công nghiệp, đây không phải là điều tốt.

Bốn là khâu chế biến, trong các ngành hàng của nông nghiệp yếu nhất là khâu chăn nuôi. Thủy sản, rau quả tổ chức rất tốt, cây công nghiệp cũng có chế biến nhưng riêng chăn nuôi hiện nay chúng ta mới chỉ bình quân được 5%.

Năm là tổ chức thị trường cũng yếu, cho đến nay vẫn tồn tại các hình thức thương mại như cũ, thịt lợn vẫn nhỏ lẻ, đem đi phân phối ở chợ nông thôn là chính, các thiết chế hạ tầng thương mại chưa hình thành, hình thức cung ứng cho thương mại hiện đại để đáp ứng 31% cư dân đô thị và đáp ứng 12 triệu công nhân chưa hình thành một cách rõ nét.

“Còn thị trường xuất khẩu, đến giờ phút này một ngành hàng lớn như vậy nhưng một năm chúng ta cũng chỉ xuất khẩu được hơn 100 triệu USD”, Bộ trưởng Cường nêu một thực tế.

Tiến tới chế biến sâu

Từ 5 tồn tại lớn này, theo Bộ trưởng Cường, dự thảo Luật Chăn nuôi lần này được kỳ vọng phải giải đáp được hai nhóm vấn đề. Một là, khắc phục cho được những tồn tại cơ bản trong giai đoạn vừa qua. Hai là, phải hạn chế mức thấp nhất những thách thức của hội nhập quốc tế, của biến đổi khí hậu và phát huy tốt nhất về mặt thị trường khi chúng ta hội nhập.

bo truong nguyen xuan cuong tran tinh ve du an luat chan nuoi hinh anh 2

Cần phát triển các thức ăn truyền thống để có sản phẩm hữu cơ. Ảnh: IT.

Theo đó, về khâu giống, bên cạnh việc chú ý những giống tiến bộ của thế giới phải hết sức chú ý đến những giống đặc sản Việt Nam. “Vấn đề này chúng tôi hoàn toàn đồng tình để chúng ta tổ chức phát triển 2 hướng: một mặt là những giống, sản phẩm có thể cạnh tranh với thế giới, đồng thời duy trì một số giống đặc sản là cách để thể hiện đó là nông sản Việt Nam”, ông Cường nói.

Về vấn đề thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng Cường cho rằng, đi đôi với thức ăn tổng hợp phải chú ý thức ăn truyền thống để gắn với chăn nuôi con đặc sản, ra được thực phẩm hữu cơ để dân ta được ăn con ngon hơn, du lịch các nước đến đây phải được ăn con đặc sản Việt Nam. Do đó bên cạnh thức ăn công nghiệp phải chú ý thức ăn truyền thống, không thể chỉ có thức ăn công nghiệp.

“Riêng về thức ăn công nghiệp thì chất cấm phải có thái độ kiên quyết, kháng sinh để kích thích tăng trưởng đưa vào nội dung cấm chứ không còn là hạn chế. Chúng ta đã bị cảnh báo là có nguy cơ cao về kháng kháng sinh, do đó chúng ta phải tuân thủ việc này. Hơn nữa, sẽ có những chính sách để khuyến khích các chủ thể sản xuất thức ăn theo công thức, nguyên liệu truyền thống để tận dụng phát triển dòng sản phẩm hữu cơ của Việt Nam”, ông Cường nhấn mạnh.

Về vấn đề môi trường, phải coi chất thải của chăn nuôi là nguyên liệu đầu vào phân bón. Về công tác chế biến,  Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, năm nay chúng ta ra 3 nhà máy chế biến, trong đó có nhà máy chế biến hiện đại nhất ở Hà Nam, công suất tới 1,4 triệu con lợn/năm.

Về vấn đề thị trường, phải chú ý cả 2 thị trường, đi đôi với thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu chúng ta cũng đang chú ý. Rất mừng là đến giờ phút này sẽ có 3 doanh nghiệp xuất khẩu được thịt gà chín đi Nhật Bản. Năm nay cũng có doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu được thịt lợn đi Myanmar và tiến tới nếu chúng ta chế biến sâu được, chắc chắn sẽ đưa hàng chế biến thực phẩm thịt của chúng ta đi nước ngoài được.


Theo Anh Thơ / Dân Việt





TIN TỨC KHÁC :