Chăn nuôi

Cảnh báo đáng sợ được phát đi: Dính bệnh này chết chắc 100% cả đàn

Ngày đăng: 2019-02-20 06:37:36


Dịch tả lợn châu Phi khiến lợn chết 100% khi mắc phải đã tràn vào Việt Nam. Lãnh đạo cục Thú y đã cảnh báo về các nguyên nhân có thể làm cho bệnh dịch này lây lan ra diện rộng.

Không lây sang người nhưng lợn mắc bệnh sẽ chết 100%

Tại buổi họp báo vào chiều ngày 19/2, Cục trưởng Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông cho biết, tổng đàn lợn mắc bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở Việt Nam hiện là 257 con. Trong đó, ổ dịch ở xã Trung Nghĩa (TP Hưng Yên) có 33 con; ổ dịch ở xã Yên Hòa (Yên Mỹ, Hưng Yên) là 101 con; ở xã Đông Đô (Hưng Hà, Thái Bình) là 123 con. Đa phần lợn mắc bệnh đều là lợn choai và lợn con vẫn còn theo mẹ.

Theo ông Đông, thông tin về DTLCP đã được phát hiện từ ngày 1/2 vừa qua. Ngay sau đó, Cục Thú y đã báo cáo Bộ NN-PTNT và Bộ đã báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo. Đồng thời tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm trong nước và ngoài nước để xác định chính xác trước khi công bố dịch bệnh này.

Hiện số lợn mắc bệnh này đã được tiêu hủy. Các ổ dịch bị phát hiện cũng đã qua 18 ngày và chưa phát hiện ở dịch mới nào nữa.

DTLCP là bệnh đặc chủng của lợn, không lây lan người và các loài động vật khác. Song, đến nay bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa, cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Do đó, lợn mắc bệnh DTLCP sẽ chết 100%, lãnh đạo Cục Thú y khẳng định.

Cảnh báo đáng sợ được phát đi: Dính bệnh này chết chắc 100% cả đàn
Dịch tả lợn châu phi đang bùng phát và lây lan nhanh ở các quốc gia trên thế giới

Các chuyên gia thế giới về bệnh lợn cho biết, DTLCP bắt đầu xuất hiện vào năm 1921 tại châu Phi, năm 1957 lan sang châu Âu và châu Mỹ. May mắn một số nước đã thanh toán được dịch bệnh này, tuy nhiên, như Tây Ban Nha phải mất 30 năm mà biện pháp quan trọng nhất chính là tiêu huỷ đàn lợn.

Đến năm 2007, dịch bệnh DTLCP lại xuất hiện tại châu Âu và giờ là Tây Âu. Việc lây lan chủ yếu là do vận chuyển sản phẩm thịt lợn bị nhiễm mầm bệnh. Hiện nay, bệnh này đang bùng phát tại các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, Đài Loan…

Bản thân chủng virus bệnh ASF lây lan rất chậm trong đàn lợn nhiễm bệnh, song lợn mắc bệnh ASF lại có tỷ lệ chết 100%. Đặc biệt, sau gần một thế kỷ phát hiện ra, đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

“Khi lợn mắc bệnh DTLCP bắt buộc phải tiêu hủy, bởi trên thế giới chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc chữa. Thế nên, không có khái niệm nào cho việc điều trị bệnh này”, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng dịch tễ Cục Thú y khẳng định.

Ông Long cũng cho biết, lợn mắc bệnh DTLCP rất khó phát hiện. Theo đó, người chăn nuôi cần đặc biệt chú ý tới những triệu chứng cụ thể như: lợn sốt cao từ 40-42 độ C; sờ vào lợn thấy mát bình thường nhưng kẹp nhiệt độ thì lợn lại bị sốt cao; tất cả lợn mắc bệnh DTLCP đều chết, nhưng chết từ từ vài con một chứ không chết đồng loạt một lúc cả đàn như dịch lở mồm long móng.

“Khi lợn có những biểu hiện trên cần báo cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y để giải quyết kịp thời”, ông nói.

Cảnh báo nguyên nhân lây lan diện rộng

Nhận định về tình hình lây lan bệnh DTLCP xảy ra ở hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, ông Phạm Văn Đông cho biết, có thể do chim di cư tiếp xúc với lợn nuôi bị bệnh hoặc lợn rừng đã chết vì DTLCP. Cụ thể, chim đến ăn thịt lợn chết có mầm bệnh sẽ đem theo mầm bệnh từ nơi này đến nơi khác và khiến dịch bệnh lây lan nhanh.

Một nguyên nhân nữa là cư dân biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại giữa Việt Nam và các nước (đặc biệt tại một số địa phương như Quảng Ninh, có ngày có trên 10.000 lượt người qua lại ở biên giới hai nước); lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam.

Lượng khách đi du lịch từ các nước qua đường bộ, đường hàng không và đường biển vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh DTLCP vào Việt Nam (tương tự như đã phát hiện tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,...).

Thời gian qua hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra. Cơ quan chức năng đã đắt giữ rất nhiều vụ buôn lậu lợn, sản phẩm thịt lợn trên đường vận chuyển từ biên giới về nội địa tiêu thụ… Đây cũng là nguyên có thể làm cho dịch bệnh lây lan vào Việt Nam, ông cho hay.

Thực tế, tại Trung Quốc, nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch tả lợn châu Phi đã chỉ ra rằng 3 nguyên nhân chính làm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa; 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Vừa qua, Cục Bảo vệ và kiểm tra sức khỏe Động Thực vật, Hội đồng nông nghiệp Đài Loan đã chính thức công bố thông tin phát hiện gen của virus Dịch tả lợn Châu Phi trên bánh sandwich kẹp thịt lợn của một hành khách (theo thông tin từ FAO đó là khách du lịch người Trung Quốc; còn theo Báo tin tức của Đài Loan đó là hành khách người Đài Loan và vị hành khách này đã bị cơ quan có thẩm quyền Đài Loan phạt 30.000 Tân Đài tệ) trên chuyến bay VJ 858 của hãng VietJet Air xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh đến sân bay Đài Nam của Đài Loan vào ngày 05/02/2019.

Do đó, chưa thể kết luận thịt lợn có trong bánh sandwich của hành khách nêu trên là có nguồn gốc từ Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan của Đài Loan để làm rõ thông tin nêu trên.

 


Theo Bảo Phương / Vietnamnet





TIN TỨC KHÁC :