Chăn nuôi

Cơ hội cho trứng, thịt xuất ngoại

Ngày đăng: 2017-09-18 07:05:45


Việt Nam vừa có lô thịt gà chế biến đầu tiên xuất đi Nhật Bản được coi là sự kiện lịch sử của ngành chăn nuôi.

 

Đây là một minh chứng rằng sản phẩm chăn nuôi Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật. Sức sản xuất ngành chăn nuôi tăng mạnh thời gian qua, hiện sản xuất ra khoảng 5,2 triệu tấn thịt/năm (heo, bò, gà, trứng,…), vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước nhưng xuất khẩu rất ít. Đàn heo của Việt Nam 30 triệu con nhưng phần lớn chỉ xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc, khi thị trường này ngưng, cả nước phải tham gia "giải cứu heo" nhưng không vực nổi giá, người nuôi nhỏ lẻ bỏ nghề.

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, trao đổi với Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông về việc xuất khẩu trứng

Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, trao đổi với Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông về việc xuất khẩu trứng

Quay lại với lô thịt gà xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam, xét về toàn cục thì thành quả này không mang nhiều dấu ấn của nông dân Việt và doanh nghiệp (DN) Việt. Chuỗi liên kết để xuất khẩu thịt gà, đầu tàu là DN Nhật, vốn đã có thị trường ở Nhật, phần góp sức của Việt Nam chủ yếu là mặt bằng và lao động. Các trang trại nuôi gà của người Việt được DN Nhật đưa vào chuỗi liên kết đều là những trang trại lớn, của những "tỉ phú nông dân" đã nâng tầm quản trị lên quy mô DN. Trong hàng triệu hộ chăn nuôi trong cả nước, rất hiếm hoi những nông dân có thể tham gia với các tập đoàn toàn cầu.

Hầu hết các sản phẩm chăn nuôi công nghiệp như: gà lông trắng, heo hơi, trứng gà,… giá thành sản xuất đều cao hơn mặt bằng chung của thế giới. Do Việt Nam không có lợi thế trong ngành chăn nuôi, xuất phát điểm thấp, vật tư đầu vào phải nhập khẩu từ con giống, nguyên liệu thức ăn đến công nghệ sản xuất. Đặc điểm này rất khác với nhiều loại nông sản đang được xuất khẩu tỉ USD khác như: cà phê, tiêu, thủy sản,… bán thô đã có lợi (dù ít) giờ đang từng bước đầu tư để gia tăng lợi nhuận từ chế biến, thương hiệu.

Ngay tại thị trường trong nước, sản phẩm chăn nuôi đã phải cạnh tranh chật vật với sản phẩm nhập khẩu. Gần đây, TP HCM triển khai đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ trên địa bàn TP mới thấy hiện trạng của ngành còn ngổn ngang. Yêu cầu truy xuất nguồn gốc khá đơn giản so với việc đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn để xuất khẩu nhưng việc thực hiện của các khâu trong chuỗi sản xuất khá trầy trật. Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, ngành chăn nuôi cũng nên xem đây là cơ hội để "tập dượt" để cạnh tranh quốc tế và giữ sân nhà.

Cũng cần nói lại cho rõ là Việt Nam trước giờ đã có sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu chính ngạch nhưng sản lượng còn nhỏ. Theo thống kê của Cục Thú y, năm 2016, cả nước xuất khẩu được 11.000 tấn thịt heo sữa, heo choai (giống heo địa phương) sang Hồng Kông (Trung Quốc) và Malaysia thu về khoảng 100 triệu USD. Những sản phẩm này đã có uy tín trên thị trường, không có lô nào bị trả về do bảo đảm về chất lượng, an toàn thực phẩm. Trước đó, trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo cũng được xuất khẩu đi nhiều nước châu Á cho đến khi bị ngưng do thay đổi của yêu cầu thị trường. Đây là phân khúc thịt trứng đặc sản. Theo một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi thì đây cũng là một lợi thế của ngành chăn nuôi Việt Nam, có thể thu được nhiều ngoại tệ. Lý do là phần lớn người châu Á đều thích sử dụng thịt có giống bản địa, chăn nuôi dài ngày, có hương vị đặc trưng nhưng giá những mặt hàng này đều rất cao. Thời gian qua, thu nhập của người châu Á tăng lên, nhiều người có khả năng mua được sản phẩm này lên, Việt Nam có thể tăng được lượng xuất khẩu, dù không nhiều nhưng giá trị luôn cao hơn thịt công nghiệp, tính trên kg sản phẩm.

Với thịt gà, các giống như gà đồi miền núi phía Bắc, gà ta giống Bình Định, người châu Á rất thích ăn nhưng lại gà tươi sống, mới giết mổ, không thích gà đông lạnh nên khó xuất khẩu. Vì vậy, mặt hàng này có thể kết hợp với ngành du lịch để bán cho khách nước ngoài ngay tại Việt Nam, là một hình thức xuất khẩu tại chỗ. Chưa kể, xuất khẩu dạng này Việt Nam còn có thể thu được nguồn lợi từ việc phục vụ ăn uống cho khách, tạo sinh kế cho người dân. Đây có thể xem là "lãnh địa" của nông hộ, những người không đủ tiềm lực để tham gia thị trường chăn nuôi công nghiệp. Họ có thể bám trụ được với gà đồi, gà bản, heo mọi, vịt thả đồng… được chăn nuôi theo tập quán ngàn đời bằng thức ăn tự nhiên, thời gian sinh trưởng dài, hương vị đặc trưng, giá thành cao nhưng giá bán cũng cao, nhất là khi người tiêu dùng đang hướng đến sản phẩm tự nhiên. Nếu thị trường đặc sản bản địa lành mạnh, nông dân có thể bảo đảm được cuộc sống của họ ngay tại nông thôn, không phải rời quê để bán sức lao động, sống nhà trọ chật hẹp do không có trình độ, bằng cấp.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus (Hà Lan, chuyên về thức ăn chăn nuôi):

 

Sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh

Cách đây vài năm, ngành chăn nuôi Việt Nam không có khả năng cạnh tranh ở thị trường quốc tế do chưa xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh các trang trại nuôi hở, khó kiểm soát dịch bệnh, chất lượng, năng suất thấp, giá thành cao. Hiện nay, tình hình đã thay đổi khi những điểm yếu trên được khắc phục, Việt Nam có những lợi thế nhất định để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Với gà, nếu xuất khẩu nguyên con sẽ không cạnh tranh được với gà Mỹ, Brazil. Nhưng nếu xuất khẩu ức gà là phần không được người Việt ưa chuộng nhưng ở thị trường châu Âu, Mỹ là phần giá trị nhất của cả con gà thì Việt Nam có lợi thế. Trường hợp DN xuất khẩu sản phẩm thịt gà đầu tiên là Công ty TNHH Koyu & Unitek, họ xuất khẩu sản phẩm chế biến, cần nhiều lao động và chi phí lao động của Việt Nam còn rẻ so với các nước.

Đối với con heo, thời gian qua, người chăn nuôi "quá sướng" khi nuôi xong có thể bán sống nguyên con cho thị trường Trung Quốc nên cơ sở hạ tầng giết mổ, chế biến rất yếu so với gà. Tuy nhiên, nhiều DN đã nhận ra điều này nên có nhiều dự án đang và sắp xây nhà máy giết mổ, chế biến thịt theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi còn ít nhưng đến năm 2019, sản lượng sẽ tăng lên khi các nhà máy này đi vào hoạt động.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ:

 

Nông dân phải thay đổi tư duy

Hiệp hội của chúng tôi đang phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đề án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế có sự tham gia của các nông hộ, HTX hướng đến xuất khẩu. Cùng với nhiều nguồn lực, chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân làm, còn DN chăn nuôi thì thực hiện đơn giản hơn. Nhưng trước mắt, phải chứng minh cho nông dân thấy cách làm mới giúp họ không còn cảnh phải bán đổ bán tháo sản phẩm. Khi đó, hoạt động chăn nuôi sẽ bền vững, chuỗi liên kết chặt chẽ. Trước giờ tuy đã có sự liên kết giữa người chăn nuôi và DN nhưng còn lỏng lẻo, thường xuyên xảy ra chuyện khi giá thị trường tăng, nông dân bán ra ngoài, thị trường giá thấp thì bán cho DN. Nhiều người tham gia chăn nuôi như "đánh quả", giá cao thì nuôi, giá thấp thì nghỉ, làm cho hệ thống chăn nuôi thiếu ổn định.

Hiện nay, các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, nơi tiêu thụ chính các sản phẩm chăn nuôi cũng đang từng bước siết chặt các tiêu chuẩn. Nếu sản phẩm không đạt sẽ không được phép đi vào nhà máy giết mổ. Do đó, người nông dân cần phải thay đổi tư duy, thái độ, tự nâng mình theo tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP để thích ứng với yêu cầu thị trường.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân:

 

Chờ nhà nước mở cửa thị trường

Hiện thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đang có nhu cầu đối với sản phẩm trứng gà tươi và trứng vịt muối từ Việt Nam, nhiều đối tác đã liên hệ trứng Ba Huân để mua. Công ty chúng tôi tổ chức được chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại nuôi ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn dịch bệnh; nhà máy xử lý trứng bằng công nghệ châu Âu, có chứng nhận ISO, HACCP nên có thể đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của khách hàng, khả năng cạnh tranh về giá. Nhưng hiện nay, chúng tôi vẫn chưa xuất khẩu được là do mặt hàng trứng đòi hỏi phải có sự đàm phán cấp cao giữa Việt Nam - Hồng Kông về hạn ngạch (quota) thì DN 2 bên mới xuất nhập khẩu được. Hiện công ty đang hoàn thiện hồ sơ, phối hợp cùng ngành nông nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu sớm sản phẩm.

Ng.Ánhghi


Theo Vương Ngọc / Người Lao động





TIN TỨC KHÁC :